backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Vàng da do sữa mẹ: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    Vàng da do sữa mẹ: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị

    Vàng da tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong đó, vàng da do sữa mẹ là một loại vàng da liên quan đến việc bú mẹ, thường xảy ra sau khi trẻ chào đời 1 tuần. Đôi khi, tình trạng này có thể kéo dài đến 12 tuần nhưng hầu hết không gây biến chứng nghiêm trọng.

    Cùng tìm hiểu về loại vàng da này cũng như cách điều trị bệnh trong bài viết sau của Hello Bacsi.

    Triệu chứng vàng da do sữa mẹ

    Vàng da do sữa mẹ rất hiếm, có chưa tới 3% trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là da và tròng trắng mắt của trẻ bị chuyển sang màu vàng, đồng thời trẻ cũng hay quấy khóc hơn. Nếu tình trạng này kéo dài nhiều tuần, trẻ sẽ bị mệt mỏi, người bơ phờ và tăng cân chậm.

    Thông thường, các triệu chứng sẽ tự biến mất trong một vài tuần mà không gây ra vấn đề gì. Vàng da do sữa mẹ cần phân biệt với vàng da do không bú đủ. Trẻ bị vàng da do sữa mẹ vẫn bú đúng cách và nhận đủ lượng sữa mẹ. Trong khi đó, bệnh vàng da do không bú đủ là do mẹ không đủ sữa, trẻ khó bú hoặc bú sai cách.

    Nguyên nhân gây vàng da do sữa mẹ

    Chứng vàng da xảy ra khi trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cao trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phá vỡ các tế bào hồng cầu.

    Thông thường, bilirubin đi qua gan và được giải phóng vào đường ruột. Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, nó không thể loại bỏ hoàn toàn bilirubin. Lượng bilirubin trong máu quá cao sẽ lắng đọng lại, khiến da và mắt chuyển sang màu vàng. Thông thường, tình trạng này sẽ tự biến mất khi gan phát triển.

    Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng chứng vàng da ở trẻ sơ sinh được bú tốt có thể do một số chất trong sữa mẹ gây ra. Những chất này ngăn chặn một số protein có vai trò phá vỡ bilirubin trong gan trẻ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị vàng da do sữa mẹ nếu có tiền sử gia đình gặp phải triệu chứng tương tự.

    Có thể bạn cần biết:

    Vàng da sơ sinh là gì? Trẻ sơ sinh bị vàng da có tự khỏi không?

    Chẩn đoán vàng da ở trẻ sơ sinh

    Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi thấy bất kỳ dấu hiệu vàng da nào. Bác sĩ sẽ xác định xem triệu chứng này có phải là do một vấn đề nghiêm trọng hơn gây ra hay không. Vàng da ở mức độ nặng và không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tổn thương não vĩnh viễn hoặc mất thính giác.

    Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát cách mẹ cho bé bú để đảm bảo rằng em bé bú đúng cách và nhận đủ lượng sữa mẹ cần thiết. Sau đó, họ có thể đề nghị gia đình cho bé đi làm xét nghiệm máu để đo lượng bilirubin trong máu của trẻ. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ bilirubin trong máu cao hơn bình thường, có nhiều khả năng bé đã bị vàng da do sữa mẹ.

    Điều trị vàng da do sữa mẹ

    Điều trị vàng da do sữa mẹ

    Vàng da do sữa mẹ chỉ là tình trạng tạm thời. Do đó, các mẹ vẫn tiếp tục cho con bú như bình thường. Vàng da mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể được theo dõi tại nhà. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn cho bé bú thường xuyên hơn hoặc cho bé uống thêm sữa công thức. Điều này giúp trẻ đào thải bilirubin qua phân hoặc nước tiểu.

    Vàng da mức độ nặng thường được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng tại bệnh viện. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được chiếu một loại ánh sáng đặc biệt trong một đến hai ngày. Ánh sáng sẽ làm thay đổi cấu trúc của các phân tử bilirubin, giúp cơ thể loại bỏ chúng nhanh hơn.

    Trẻ bị bệnh vàng da sữa mẹ thường hồi phục nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách và theo dõi cẩn thận. Tình trạng này sẽ biến mất sau một hoặc hai tuần khi gan trẻ hoàn thiện hơn và được bú đủ lượng sữa.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp, vàng da ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài qua tuần thứ 6 ngay cả khi đã được điều trị. Điều này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn đòi hỏi thăm khám và điều trị tích cực hơn.

    Ngăn ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh

    Hầu hết các trường hợp vàng da do sữa mẹ đều không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá nguy hiểm. Các mẹ vẫn nên cho con bú và chỉ ngừng khi bác sĩ có yêu cầu. Sữa mẹ rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Nó cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và bảo vệ em bé chống lại bệnh tật. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ nên bú mẹ 8 đến 12 lần mỗi ngày trong 6 tháng đầu đời.

    Hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng vàng da do sữa mẹ ở trẻ sơ sinh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, bạn cần đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn cách điều trị phù hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo