Ưu và nhược điểm khi dùng núm trợ ti

Có nên dùng núm trợ ti (núm trợ bú) hay không thực chất vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi. Dụng cụ này vừa có ưu điểm vừa có nhược điểm. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng và chỉ nên dùng như giải pháp tạm thời.
Ưu điểm của núm trợ bú
- Giải quyết hầu hết vấn đề khó khăn khi cho con bú, giúp bé bú mẹ dễ dàng hơn.
- Dụng cụ hỗ trợ này giúp bạn giảm bớt áp lực khi nuôi con bằng sữa mẹ, từ đó hạn chế căng thẳng và trầm cảm sau sinh.
- Núm trợ ti có thể rất hữu ích đối với bé chuyển từ bú bình sang bú mẹ.
Nhược điểm của núm trợ bú
- Trẻ có thể phụ thuộc vào loại núm này và việc ngưng dùng núm trợ bú có thể khó khăn.
- Dụng cụ trợ ti thường khiến dòng sữa mẹ tiết ra chậm hơn khiến thời gian mỗi cữ bú bị kéo dài. Nghiêm trọng hơn, việc sữa tiết ra chậm và ít có thể khiến bé không bú hết, từ đó gây tắc tia sữa hoặc con không nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
- Sử dụng núm trợ bú sai cách hoặc sai kích cỡ có thể gây đau và phản tác dụng.
- Núm trợ ti là “rào cản” ngăn mẹ và bé tiếp xúc da kề da khi cho con bú. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ do ít có sự kích thích từ miệng em bé với núm vú thật.
Những vấn đề liên quan đến núm trợ ti bạn có thể quan tâm
Bạn nên chọn núm trợ bú có kích cỡ phù hợp
Núm trợ ti sẽ có những kích cỡ khác nhau và được đo bằng mm. Việc chọn kích cỡ sản phẩm sẽ phụ thuộc vào miệng của trẻ và kích thước núm vú của bạn. Chọn đúng kích cỡ là điều quan trọng để đảm bảo núm vú không bị đau và trẻ bú mẹ hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc chọn size thì bạn có thể nhờ bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc người có kinh nghiệm dùng sản phẩm tư vấn thêm nhé!
Làm thế nào để biết núm trợ bú đang hoạt động tốt?
Cách tốt nhất để nhận biết núm trợ bú có hoạt động tốt hay không là bạn cần quan sát phản ứng của trẻ trong và sau khi bú. Nếu bạn nghe được tiếng bé nuốt sữa trong khi bú và trẻ có biểu hiện no, hài lòng sau đó thì việc dùng núm trợ ti đang đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn có thể theo dõi số tã ướt trong 1-2 ngày đầu dùng sản phẩm để biết trẻ có đang bú đủ sữa mỗi ngày hay không.
Có thể bạn quan tâm: Làm sao biết bé bú đủ sữa mẹ? 5 cách đơn giản để nhận biết
Mẹ nên dùng dụng cụ trợ ti trong bao lâu?

Dùng núm trợ bú sẽ ngăn đầu ngực của mẹ tiếp xúc thật với miệng em bé. Do đó, bạn chỉ nên dùng loại núm này trong vài tuần hoặc ngắn hơn. Lưu ý là càng kéo dài thời gian dùng núm trợ ti thì việc ngừng sử dụng càng khó. Dụng cụ này cũng có thể làm gián đoạn nguồn sữa mẹ tiết ra. Vì vậy, các mẹ không nên lạm dụng mà chỉ nên dùng như giải pháp tạm thời.
Làm thế nào để giúp bé cai dùng núm trợ bú?
Để đáp ứng quá trình nuôi con bằng sữa mẹ về lâu dài thì việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé là rất quan trọng. Vì vậy mà khi khả năng ngậm vú của trẻ đã được cải thiện, mẹ nên cai dần việc để trẻ ngậm núm trợ ti. Một số mẹo sau đây có thể giúp ích cho bạn:
- Cho trẻ ngậm núm vú thật xen kẽ núm trợ ti qua mỗi cữ bú hoặc khi bạn chuyển vú cho con bú. Điều này giúp trẻ làm quen với ti mẹ dần dần.
- Nên cho bé bú ti thật của mẹ khi trẻ đã biết ngậm đúng khớp. Mẹ cần nhớ cho bé bú đúng cữ và tránh chờ con đói, quấy khóc mới cho bú. Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết em bé muốn bú sữa đó là trẻ dụi đầu vào ngực mẹ tìm ti, mút tay/ ngón tay, há miệng, chảy nước dãi…
- Cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ thường xuyên, cho miệng trẻ tiếp xúc với đầu ti của mẹ để kích thích bé ngậm ti.
- Khi trẻ gần bú no hoặc buồn ngủ, bạn có thể tháo núm trợ ti để con ngậm ti mẹ vì lúc này trẻ đang rất dễ chịu. Lặp lại điều này nhiều lần để giúp trẻ quen với ti mẹ và ngưng hẳn việc ngậm núm trợ bú.
Nói tóm lại, núm trợ ti chỉ được khuyến khích dùng trong một số trường hợp nhất định để giúp mẹ duy trì việc cho con bú. Tuy nhiên, dù việc dùng sản phẩm này là cần thiết thì mẹ cũng không nên lạm dụng. Mẹ hãy cân nhắc một số ưu nhược điểm của núm trợ bú trước khi dùng và hỏi thêm bác sĩ hoặc người có kinh nghiệm để được tư vấn nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!