backup og meta

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Núm trợ ti là gì? Ưu, nhược điểm và cách sử dụng núm trợ ti

Núm trợ ti là gì? Ưu, nhược điểm và cách sử dụng núm trợ ti

Núm trợ ti là vật dụng hỗ trợ mẹ khi cho con bú giúp mẹ giảm đau và bé bú dễ dàng hơn. Cùng Điện máy XANH tìm hiểu rõ hơn về núm ưu, nhược điểm của núm trợ ti và khi nào nên dùng núm trợ ti qua bài viết dưới đây nhé!

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm dùng núm trợ ti, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để bạn tham khảo.

Núm trợ ti là gì?

Núm trợ ti còn gọi là núm trợ bú, được làm từ chất liệu silicone, mỏng, nhẹ và có hình dáng như đầu vú của mẹ. Đây là dụng cụ được đặt trên quầng vú và núm vú, với phần đầu của núm sẽ có các lỗ nhỏ để sữa chảy vào miệng bé.

Dụng cụ này thường có tác dụng hỗ trợ các mẹ gặp khó khăn khi cho con bú trong một số trường hợp.

Lưu ý

Dù núm trợ ti giúp một số mẹ cho con bú dễ dàng, hiệu quả hơn nhưng dụng cụ này vẫn có những nhược điểm và hạn chế. Do đó, mẹ nên cân nhắc trước khi sử dụng và chỉ nên dùng núm trợ bú như một giải pháp tạm thời.

Mẹ được khuyến khích dùng núm trợ ti trong trường hợp nào?

Núm trợ ti thực chất là một giải pháp ngắn hạn cho những mẹ đang gặp khó khăn trong việc cho con bú. Điển hình là trong một số trường hợp sau đây, mẹ có thể cần dùng đến loại núm này:

1. Chăm sóc trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sinh non thường đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn từ ba mẹ. Đối với hầu hết trường hợp sinh non, phản xạ bú mút của trẻ thường không đủ mạnh nên dẫn đến bú ít. Vì vậy, mẹ có thể chọn cách dùng núm trợ ti để kích thích trẻ ngậm và bú tốt hơn.

2. Núm vú của mẹ phẳng, ngắn hoặc bị thụt vào trong

núm trợ ti

Một số hình dạng núm vú của chị em phụ nữ có thể gây bất lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Việc núm quá ngắn hoặc bị thụt vào trong thường khiến trẻ không thể ngậm bắt núm vú tốt để bú.

Nếu không thể kéo núm vú ra ngoài, bạn có thể tạm thời dùng núm trợ ti để giúp bé dễ dàng ngậm núm vú và bú. Dụng cụ này cũng tạo cho trẻ cảm giác ngậm núm vú sâu hơn trong vòm miệng và kích thích khả năng bú.

Đọc thêm

Đầu ti bị thụt sau sinh – Mẹ đã biết cách xử lý hiệu quả tại nhà?

3. Sử dụng núm trợ ti khi mẹ bị đau núm vú

Có nên dùng núm trợ ti nếu mẹ bị đau núm vú? Đau núm vú sau sinh có thể do mẹ chưa quen với việc cho con bú, cho bú sai cách hoặc liên quan đến một số bệnh lý như nhiễm nấm, nứt cổ gà

Tình trạng đau, nứt, bong tróc nhũ hoa sẽ khiến mẹ gặp khó khăn khi cho con bú. Do đó, bạn có thể cần đến núm trợ ti để có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ song song với quá trình điều trị.

4. Dùng núm trợ ti trong quá trình chuyển tiếp từ bú bình sang bú mẹ

Đôi khi, tình trạng sữa mẹ về chậm khiến trẻ phải bú bình trong những ngày đầu sau sinh. Sau đó, nếu bạn muốn cho trẻ bú mẹ thì em bé có thể phải mất thời gian để làm quen với điều đó. Vì vậy, giải pháp là mẹ có thể tạm thời sử dụng núm trợ bú.

Cảm giác và mùi vị của núm trợ bú gần như giống với núm cao su của bình sữa. Điều này sẽ giúp con chuyển từ bú bình sang bú mẹ dễ dàng hơn.

Hướng dẫn cách sử dụng núm trợ ti

Cách sử dụng núm trợ ti khá đơn giản. Điều quan trọng là bạn cần chọn được sản phẩm đúng kích cỡ và được làm từ chất liệu không gây hại. Sau đây là các bước giúp mẹ dùng núm trợ bú đúng cách:

  • Bước 1: Ngâm núm trợ tri vào nước ấm trong vài phút. Điều này vừa giúp núm trở nên mềm dẻo hơn vừa đảm bảo vệ sinh khi cho con bú.
  • Bước 2: Bạn có thể nhỏ một ít sữa mẹ vào núm trợ bú để làm kín đầu núm và kích hoạt lẫn kiểm tra xem sữa có chảy ra khỏi các lỗ trên núm trợ ti hay không.
  • Bước 3: Bẻ ngược vành núm trợ ti lên. Tiếp theo, dùng hai ngón tay ấn nhẹ gốc núm vú của bạn để núm lộ ra nhiều nhất có thể và đặt núm trợ ti lên đầu vú. Sau đó, kéo căng vành silicone để đảm bảo tấm chắn khít với quầng vú và vừa vặn với núm vú thật.
  • Bước 4: Kiểm tra núm trợ bú có kích cỡ phù hợp với núm vú của bạn hay không. Nếu bạn làm đúng cách và chọn đúng kích cỡ của núm thì sẽ có một khoảng trống nhỏ giữa đầu núm thật và lớp đáy của núm trợ ti. Ngược lại, nếu đầu núm thật chạm vào lớp đáy, điều này nghĩa là núm trợ ti có kích cỡ bị nhỏ.
  • Bước 5: Bạn có thể cho bé bú ngay sau khi dán hoàn chỉnh núm trợ bú trên đầu ngực. Trong quá trình cho con bú, bạn nên dùng tay giữ phần vành silicone bao trên quầng vú để cố định núm trợ ti, giúp núm không rơi ra.

Với cách dùng núm trợ ti này, mẹ hãy tự tin lựa chọn sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng lúc nhé.

Ưu và nhược điểm khi dùng núm trợ ti

ưu và nhược điểm của núm trợ ti

Có nên dùng núm trợ ti (núm trợ bú) hay không thực chất vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi. Dụng cụ này vừa có ưu điểm vừa có nhược điểm. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng và chỉ nên dùng như giải pháp tạm thời.

1. Ưu điểm của núm trợ bú

  • Giải quyết hầu hết vấn đề khó khăn khi cho con bú, giúp bé bú mẹ dễ dàng hơn.
  • Dụng cụ hỗ trợ này giúp bạn giảm bớt áp lực khi nuôi con bằng sữa mẹ, từ đó hạn chế căng thẳng và trầm cảm sau sinh.
  • Núm trợ ti có thể rất hữu ích đối với bé chuyển từ bú bình sang bú mẹ.

2. Nhược điểm của núm trợ bú

  • Trẻ có thể phụ thuộc vào loại núm này và việc ngưng dùng núm trợ bú có thể khó khăn.
  • Dụng cụ trợ ti thường khiến dòng sữa mẹ tiết ra chậm hơn khiến thời gian mỗi cữ bú bị kéo dài. Nghiêm trọng hơn, việc sữa tiết ra chậm và ít có thể khiến bé không bú hết, từ đó gây tắc tia sữa hoặc con không nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. 
  • Sử dụng núm trợ bú sai cách hoặc sai kích cỡ có thể gây đau và phản tác dụng.
  • Núm trợ ti là “rào cản” ngăn mẹ và bé tiếp xúc da kề da khi cho con bú. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ do ít có sự kích thích từ miệng em bé với núm vú thật.

Những vấn đề liên quan đến núm trợ ti bạn có thể quan tâm

1. Bạn nên chọn núm trợ bú có kích cỡ phù hợp

Núm trợ ti sẽ có những kích cỡ khác nhau và được đo bằng mm. Việc chọn kích cỡ sản phẩm sẽ phụ thuộc vào miệng của trẻ và kích thước núm vú của bạn. Chọn đúng kích cỡ là điều quan trọng để đảm bảo núm vú không bị đau và trẻ bú mẹ hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc chọn size thì bạn có thể nhờ bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc người có kinh nghiệm dùng sản phẩm tư vấn thêm nhé!

2. Làm thế nào để biết núm trợ bú đang hoạt động tốt?

Cách tốt nhất để nhận biết núm trợ bú có hoạt động tốt hay không là bạn cần quan sát phản ứng của trẻ trong và sau khi bú. Nếu bạn nghe được tiếng bé nuốt sữa trong khi bú và trẻ có biểu hiện no, hài lòng sau đó thì việc dùng núm trợ ti đang đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn có thể theo dõi số tã ướt trong 1-2 ngày đầu dùng sản phẩm để biết trẻ có đang bú đủ sữa mỗi ngày hay không.

3. Mẹ nên dùng dụng cụ trợ ti trong bao lâu?

núm trợ ti

Dùng núm trợ bú sẽ ngăn đầu ngực của mẹ tiếp xúc thật với miệng em bé. Do đó, bạn chỉ nên dùng loại núm này trong vài tuần hoặc ngắn hơn.

Lưu ý là càng kéo dài thời gian dùng núm trợ ti thì việc ngừng sử dụng càng khó. Dụng cụ này cũng có thể làm gián đoạn nguồn sữa mẹ tiết ra. Vì vậy, các mẹ không nên lạm dụng mà chỉ nên dùng như giải pháp tạm thời.

Làm thế nào để giúp bé cai dùng núm trợ bú?

Để đáp ứng quá trình nuôi con bằng sữa mẹ về lâu dài thì việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé là rất quan trọng. Vì vậy mà khi khả năng ngậm vú của trẻ đã được cải thiện, mẹ nên cai dần việc để trẻ ngậm núm trợ ti. Một số mẹo sau đây có thể giúp ích cho bạn:

  • Cho trẻ ngậm núm vú thật xen kẽ núm trợ ti qua mỗi cữ bú hoặc khi bạn chuyển vú cho con bú. Điều này giúp trẻ làm quen với ti mẹ dần dần.
  • Nên cho bé bú ti thật của mẹ khi trẻ đã biết ngậm đúng khớp. Mẹ cần nhớ cho bé bú đúng cữ và tránh chờ con đói, quấy khóc mới cho bú. Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết em bé muốn bú sữa đó là trẻ dụi đầu vào ngực mẹ tìm ti, mút tay/ ngón tay, há miệng, chảy nước dãi…
  • Cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ thường xuyên, cho miệng trẻ tiếp xúc với đầu ti của mẹ để kích thích bé ngậm ti.
  • Khi trẻ gần bú no hoặc buồn ngủ, bạn có thể tháo núm trợ ti để con ngậm ti mẹ vì lúc này trẻ đang rất dễ chịu. Lặp lại điều này nhiều lần để giúp trẻ quen với ti mẹ và ngưng hẳn việc ngậm núm trợ bú.

Nói tóm lại, núm trợ ti chỉ được khuyến khích dùng trong một số trường hợp nhất định để giúp mẹ duy trì việc cho con bú. Tuy nhiên, dù việc dùng sản phẩm này là cần thiết thì mẹ cũng không nên lạm dụng. Mẹ hãy cân nhắc một số ưu nhược điểm của núm trợ bú trước khi dùng và hỏi thêm bác sĩ hoặc người có kinh nghiệm để được tư vấn nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 common breastfeeding problems https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/5-common-breastfeeding-problems Ngày truy cập: 26/07/2023

Common breastfeeding problems https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/breastfeeding-problems/common-problems/ Ngày truy cập: 26/07/2023

Warning Signs of Breastfeeding Problems https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Warning-Signs-of-Breastfeeding-Problems.aspx Ngày truy cập: 26/07/2023

Nipple Shield

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22130-nipple-shield Truy cập ngày 05/07/2022

The Use of Nipple Shields: A Review

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4607874/ Truy cập ngày 05/07/2022

How to Use a Nipple Shield While Breastfeeding: 7 Trusted Tips

https://flo.health/being-a-mom/your-baby/baby-care-and-feeding/nipple-shield-while-breastfeeding Truy cập ngày 05/07/2022

Nipple Shields for Nursing: When & Why To Use Them

https://www.medela.us/breastfeeding/articles/when-to-consider-nipple-shields-for-nursing Truy cập ngày 05/07/2022

Nipple shields

https://www.laleche.org.uk/nipple-shields/ Truy cập ngày 05/07/2022

Phiên bản hiện tại

26/07/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn

avatar

Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo