backup og meta

Cách hâm sữa mẹ an toàn và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho bé

Cách hâm sữa mẹ an toàn và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho bé

Tương tự như việc bảo quản sữa mẹ, cách hâm sữa mẹ sau khi rã đông hoặc dự trữ trong tủ lạnh cũng có nhiều điều cần lưu ý để đảm bảo chất lượng sữa cho bé bú.

Hâm nóng sữa mẹ không phải là hoạt động bắt buộc vì bạn vẫn có thể cho con bú sữa mẹ ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, nếu trẻ thích bú sữa ấm thì bạn vẫn nên biết cách hâm sữa mẹ như thế nào là an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Hơn nữa, khi sữa mẹ được đông lạnh hoặc bảo quản trong tủ lạnh, chất béo trong sữa thường có xu hướng tách ra. Do đó, việc làm ấm chính là cách giúp sữa mẹ được hòa trộn và trở lại kết cấu như ban đầu.

Bạn có thể bảo quản sữa mẹ trong bao lâu?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong năm đầu đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào em bé cũng có thể bú sữa trực tiếp từ bầu ngực của mẹ. Trong đó bao gồm một số trường hợp điển hình như ngực tiết nhiều sữa nhưng bé không thể bú hết trong ngày, nhiều mẹ phải đi làm hoặc muốn đi du lịch và không thể cho con bú trực tiếp…

cách hâm sữa mẹ đông lạnh

Đối với những trường hợp này, mẹ buộc phải vắt sữa và dự trữ trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Tuy nhiên, ở mỗi mức nhiệt độ thì thời gian bảo quản sẽ có sự khác nhau và mẹ cần lưu ý.

  • Nhiệt độ phòng (25°C): Sữa mẹ có thể giữ được trong 4 giờ.
  • Tủ lạnh (4°C): Thời gian bảo quản kéo dài khoảng 4 ngày.
  • Tủ đông (-18°C hoặc lạnh hơn): Sữa mẹ có thể được bảo quản lên đến 12 tháng. Nhưng để đảm bảo chất lượng tốt nhất thì bạn không nên dự trữ sữa trên 6 tháng.

Lưu ý là độ an toàn của sữa mẹ đang được bảo quản sẽ có sự khác nhau vì phụ thuộc vào mật độ vi khuẩn có trong môi trường. Do đó, bạn nên sử dụng túi hoặc bình chuyên dụng để lưu trữ sữa mẹ tại nhà an toàn hơn nhé!

Cách hâm sữa mẹ an toàn bằng nước sôi hoặc nước ấm

Nếu có nhu cầu dự trữ và bảo quản sữa mẹ, bạn cần phải ghi chú thời gian trên túi đựng sữa. Bởi vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm xuống. Do đó, việc ghi chú sẽ giúp bạn biết được túi sữa nào lưu trữ trước và sau để lấy ra cho bé bú dần theo đúng thứ tự. Sau đây là cách hâm sữa mẹ để tủ lạnh an toàn mà bạn có thể tham khảo:

1. Cách hâm sữa mẹ để ngăn mát bằng nước ấm

Đối với nguồn sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh, trước khi cho bé bú thì bạn có thể làm theo cách hâm sữa mẹ sau:

  • Đun nước sôi bằng ấm đun, sau đó đổ nước ra một chiếc bát hoặc tô và chờ nước nguội bớt.
  • Nên dùng hộp kín đựng sữa và sau đó đặt hộp này vào bát/ tô nước ấm không quá nóng trong vài phút.
  • Sau khi sữa mẹ được làm ấm, bạn nên rửa sạch tay trước khi đổ sữa vào bình bú của con.
  • Lắc nhẹ bình sữa để hòa tan chất béo. Bạn cũng nên thử lại nhiệt độ của sữa bằng cách nhỏ vài giọt lên vùng da ở cổ tay. Nếu nhận thấy nhiệt độ sữa vừa ấm là bạn đã có thể cho bé bú.

2. Cách hâm sữa mẹ được đông lạnh

cách hâm sữa mẹ

Đối với sữa mẹ được bảo quản trong tủ đông (-18°C hoặc lạnh hơn) thì sẽ cần thêm giai đoạn rã đông trước khi làm ấm sữa. Bạn có thể áp dụng một số cách rã đông an toàn như:

  • Cho túi sữa mẹ cần dùng vào ngăn mát tủ lạnh và để qua đêm.
  • Đặt túi sữa mẹ đông lạnh vào một tô nước ấm và chờ đến khi rã đông.
  • Nếu có điều kiện thì bạn có thể đặt túi sữa mẹ đông lạnh dưới vòi nước ấm và để rút ngắn thời gian rã đông.

Sau khi rã đông sữa mẹ, bạn có thể hâm sữa theo những bước đã gợi ý như trên để làm ấm sữa đúng cách trước khi cho con bú.

Những lưu ý quan trọng khi hâm sữa mẹ bằng nước ấm

  • Bạn không nên rã đông hoặc hâm sữa mẹ bằng lò vi sóng vì thiết bị này thường làm ấm sữa không đều, tăng nguy cơ gây bỏng và có thể “phá hủy” chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Mặt khác, bạn có thể cân nhắc về việc mua máy hâm sữa chuyên dụng nhưng cần tìm hiểu kỹ thông tin.
  • Đối với sữa mẹ đông lạnh, sau khi rã đông hoàn toàn và làm ấm, bạn nên cho trẻ bú trong vòng 24 giờ và không để qua ngày hôm sau. Đồng thời, không nên làm đông lại sữa mẹ sau khi đã rã đông.
  • Đối với sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh, sau khi làm ấm cần cho trẻ bú trong vòng 2 giờ. Sau thời gian này mà trẻ không bú hết thì mẹ nên bỏ đi lượng sữa dư.

Hâm sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể là hoạt động thường ngày lặp đi lặp lại của nhiều ba mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và bảo toàn chất lượng nguồn sữa cho bé yêu thì bạn sẽ cần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết. Hy vọng những thông tin được Hello Bacsi chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn biết cách hâm sữa mẹ đúng cách và giúp bé thích uống hơn nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Proper Storage and Preparation of Breast Milk

https://www.cdc.gov/breastfeeding/recommendations/handling_breastmilk.htm

Truy cập ngày 03/08/2021

Expressing and storing breast milk

https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/breastfeeding/expressing-breast-milk/

Truy cập ngày 03/08/2021

Heating Human Milk

https://www.llli.org/breastfeeding-info/heating-human-milk/

Truy cập ngày 03/08/2021

Tips for Freezing & Refrigerating Breast Milk

https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Storing-and-Preparing-Expressed-Breast-Milk.aspx

Truy cập ngày 03/08/2021

How to Safely Warm Breast Milk from the Refrigerator and Freezer

https://www.healthline.com/health/parenting/how-to-warm-breast-milk

Truy cập ngày 03/08/2021

Phiên bản hiện tại

15/02/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo