Về cơ bản, cân nặng là một trong những yếu tố quan trọng giúp đánh giá sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, khi đang nuôi dưỡng một em bé, chắc hẳn ba mẹ nào cũng quan tâm đến những vấn đề như trẻ sơ sinh tăng cân như thế nào trong năm đầu đời? Nếu trẻ chậm tăng cân thì dấu hiệu nào cho biết trẻ cần đi khám?
Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giúp mẹ được giải đáp những thắc mắc này. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng trên thực tế thì tốc độ phát triển của mỗi em bé là khác nhau. Do vậy, một số em bé đơn giản chỉ là nhỏ hơn các bé khác cùng tuổi nên ba mẹ không cần quá lo lắng nhé!
Yếu tố nào ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh của một em bé?
Trước khi tìm hiểu trẻ sơ sinh tăng cân như thế nào trong năm đầu đời? Bạn có thể khám phá thêm những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ khi chào đời. Nhìn chung, những em bé được sinh sau ngày dự sinh thường có thể trạng/chiều dài lớn hơn các bé sinh trước ngày dự sinh. Đó là lý do mà một em bé sinh non thường có thể trạng/chiều dài nhỏ và nhẹ cân hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Bên cạnh đó, cân nặng khi sinh của trẻ cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như:
- Sức khỏe của em bé khi sinh ra
- Yếu tố di truyền
- Thứ tự sinh – Đứa con đầu tiên (con so) thường có kích thước nhỏ hơn so với các bé được sinh ở lần sau (con rạ)
- Giới tính – Bé trai thường có kích thước, cân nặng lớn hơn bé gái
- Các bé sinh đôi, sinh ba thường có kích thước nhỏ hơn các bé được sinh một mình
- Cuối cùng, sức khỏe cũng như chế độ ăn uống của mẹ trước và sau khi sinh cũng góp phần ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong trường hợp trẻ sinh ra quá nhẹ cân hoặc bị nặng cân so với tuổi thai, trẻ sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn để kiểm soát các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tăng cân như thế nào trong năm đầu đời? Khi nào bé cần được kiểm tra cân nặng?
Mặc dù kích thước và tốc độ phát triển của mỗi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khác nhau nhưng về cơ bản thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tăng cân như thế nào là vấn đề khá dễ dự đoán. Sau đây là những thông tin về sự phát triển của trẻ trong năm đầu tiên để bạn tham khảo và đối chiếu nhằm theo dõi bé yêu tăng cân như thế nào.
Thông tin chung về sự tăng cân của trẻ trong năm đầu đời
Trên thực tế, trẻ sơ sinh thường giảm cân một chút trong khoảng 5 đến 7 ngày sau sinh. Tùy thuộc vào việc trẻ sơ sinh bú mẹ hay sữa công thức mà có thể giảm từ 5 – 10% cân nặng là điều bình thường. Hiện tượng này còn được gọi là sụt cân sinh lý nên không đáng lo ngại. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu tăng cân trở lại sau 2 đến 3 tuần nếu khi trẻ được bú mẹ thường xuyên và đầy đủ. Cụ thể:
- Trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh thường tăng gấp đôi trọng lượng so với lúc mới sinh khi trẻ được 4 đến 5 tháng tuổi.
- Đến 1 tuổi hoặc hơn, dự kiến trọng lượng của em bé sẽ tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh. Trung bình tăng gấp 4 so với cân nặng lúc sinh khi trẻ được 2 tuổi. Sau 2 tuổi, tốc độ tăng cân chậm dần, mỗi năm trẻ tăng khoảng 2kg. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của bé trai và bé gái thường có sự khác biệt. Cụ thể, cân nặng của một bé trai thường tăng gấp 3 lần sau khoảng 13 tháng, trong khi đó thì cân nặng của một bé gái sẽ tăng gấp 3 lần sau khoảng 15 tháng.
Có thể bạn quan tâm
“Giật mình’ với 4 nguyên nhân trẻ sơ sinh chậm tăng cân – Giải pháp là gì?
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tăng cân như thế nào trong năm đầu đời? Tìm hiểu sự tăng cân của trẻ theo tuần
Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo từng tuần luôn là những thông tin được ba mẹ quan tâm nhiều nhất. Như đã đề cập, mặc dù tốc độ tăng trưởng của mỗi em bé không giống nhau nhưng vẫn có những tiêu chuẩn cân nặng trung bình để bạn dễ theo dõi, cụ thể:
- Từ 5 ngày tuổi đến 4 tháng tuổi, trẻ có thể tăng khoảng 170 gam mỗi tuần
- Từ 4 tháng đến 6 tháng tuổi, trẻ có thể tăng khoảng 113 đến 150 gam mỗi tuần
- Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, trẻ có thể tăng khoảng 57 đến 113 gam mỗi tuần.
Ngoài ra, còn có một cách khác để cha mẹ dễ nhớ và áp dụng trong việc theo dõi cân nặng của con như sau:
Mỗi ngày trẻ tăng tối thiểu:
- 25g trong 3 tháng đầu
- 20g từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 9
- 15g từ tháng thứ 10 đến tháng thứ 12.
Khi nào bé cần được kiểm tra cân nặng?
Nhìn chung, bạn nên kiểm tra cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên để đảm bảo trẻ đang phát triển bình thường và khỏe mạnh. Đầu tiên, trẻ cần được đo cân nặng ngay sau sinh và trong suốt 2 tuần đầu tiên sau sinh. Sau đó, bạn nên kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ:
- Mỗi tháng một lần từ sơ sinh đến khi trẻ được 6 tháng
- 2 tháng một lần đối với trẻ 6 đến 12 tháng
- 3 tháng một lần khi trẻ trên 1 tuổi.
Trẻ chậm tăng cân – Khi nào cần đi khám?
Việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tăng cân chậm không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đôi khi, quá trình tăng cân của trẻ có thể chậm lại vì:
- Trẻ bắt đầu ngủ nhiều hơn và bú ít hơn. Thường là vào giai đoạn chuyển đổi giữa các mốc phát triển, ví dụ khi trẻ 6 tháng tuổi biết ngồi hay 12 tháng biết đi.
- Mẹ hoặc bé bị ốm
- Nguồn cung cấp sữa mẹ có sự thay đổi vì lý do nào đó.
Trong hầu hết trường hợp, mẹ không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là mẹ cần đảm bảo cho bé bú thường xuyên và theo dõi cân nặng của trẻ sát sao hơn. Tuy nhiên, nếu nhận thấy việc chậm tăng cân gây cản trở sự phát triển của trẻ thì tốt nhất là bạn nên nên đưa trẻ đi khám, đặc biệt là khi trẻ có những vấn đề sau đây:
- Trẻ sơ sinh sụt cân sinh lý nhưng không tăng cân trở lại trong 10 đến 14 ngày sau khi sinh
- Đường biểu diễn trong biểu đồ tăng trưởng về cân nặng của trẻ bất thường
- Khả năng bú của trẻ có vẻ yếu, tiếng khóc cũng yếu ớt
- Trẻ buồn ngủ nhiều và quá ít năng lượng
- Trẻ có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như nước tiểu của trẻ có màu vàng đậm và trẻ không có đủ ít nhất 6 tã ướt một ngày.
- Trẻ đang phát triển ổn định đột nhiên ngừng phát triển.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, mẹ nên đưa trẻ đi khám, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhìn chung, việc hiểu rõ trẻ sơ sinh tăng cân như thế nào là điều rất quan trọng. Bạn nên kiểm tra cân nặng của trẻ thường xuyên tại nhà hoặc tại phòng khám nhi khoa. Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng tốc độ tăng cân của trẻ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Thế nhưng, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo trẻ bú tốt và bú đủ sữa. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]