backup og meta

Tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước? Hiểu rõ để nuôi con đúng cách

Tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước? Hiểu rõ để nuôi con đúng cách

Bổ sung nước cho cơ thể là điều rất quan trọng nhưng điều này có thể không đúng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số mẹ có thể đã biết đến điều này nhưng vẫn chưa rõ tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước? Thực chất, đối với trẻ còn quá nhỏ thì việc uống nước tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

Trong bài viết viết sau, Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết hơn về vấn đề tại sao không nên cho trẻ sơ sinh uống nước để mẹ tìm hiểu và nuôi con đúng cách nhé!

Tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước?

Sự thật là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ không cần bổ sung nước trong những tháng đầu đời. Những nguyên nhân sau đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước:

1. Uống nước khiến trẻ sơ sinh giảm hấp thu sữa mẹ

Có thể bạn cần biết, dạ dày của em bé mới sinh là khá nhỏ, chỉ chứa được khoảng 5 đến 10 ml chất lỏng bên ngoài đưa vào. Đó cũng là lý do vì sao mẹ phải cho con bú nhiều cữ trong ngày, xuyên suốt 24 giờ.

Bên cạnh đó, cũng chính vì dạ dày của trẻ sơ sinh quá nhỏ nên việc cho trẻ uống nước là điều không được khuyến khích. Khi cho trẻ uống nước, lượng chất lỏng này sẽ lấp đầy bao tử của trẻ và khiến trẻ có xu hướng bú sữa mẹ ít hơn. Điều này đồng nghĩa rằng trẻ sẽ không nhận đủ vitamin, khoáng chất, chất béo, calo… từ sữa mẹ. Lúc này, trẻ có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. 

Mặt khác, nhiều mẹ thường lầm tưởng rằng trẻ sơ sinh có thể khát, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, sự thật là việc bú mẹ hoặc sữa công thức đã có thể thỏa mãn cơn đói và cơn khát của trẻ sơ sinh.

2. Tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước? Nguy cơ ngộ độc nước là vấn đề đáng chú ý

tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước

Thận của trẻ sơ sinh thường có kích thước nhỏ và chưa phát triển như thận của người lớn. Vì vậy, thận của trẻ không thể xử lý được nhiều nước cùng một lúc. Nếu bạn cho trẻ uống nước, điều này sẽ buộc thận của trẻ đào thải natri dự trữ và dẫn đến mất cân bằng điện giải. Tình trạng này được biết đến là hạ natri máu do uống nhiều nước hoặc còn được gọi là ngộ độc nước.

Các triệu chứng của ngộ độc nước bao gồm nôn mửa, khó chịu, co giật, hạ thân nhiệt và hôn mê. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ tổn thương não và tử vong cao hơn so với người lớn.

Trẻ sơ sinh không được uống nước, làm sao giúp trẻ giữ đủ nước trong thời tiết nóng bức?

Trên thực tế, dù đã tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh không uống nước, nhưng một số mẹ vẫn không tránh khỏi lo lắng vấn đề mất nước ở trẻ trong mùa nắng nóng hay khi tiết trời quá hanh khô. Như đã đề cập, việc bổ sung nước cho trẻ sơ sinh là điều không được khuyến khích trong hầu hết trường hợp.

Nếu mẹ quan tâm đến vấn đề làm sao giữ nước cho trẻ khi thời tiết nắng nóng hay hanh khô thì lời khuyên là bạn nên cho bé tiếp tục bú sữa mẹ nhiều hơn. Song song đó, mẹ cũng cần đảm bảo rằng cơ thể mình được bổ sung đủ nước để đáp ứng nhu cầu bú của em bé. Ngoài ra, trong mùa nắng nóng mẹ cũng có thể áp dụng một số mẹo sau để cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái trong quá trình cho bú:

  • Dùng khăn tắm hoặc áo gối ngăn tiếp xúc da giữa mẹ và bé để tránh sự khó chịu khi thời tiết nóng bức
  • Bạn cũng có thể cho bé bú ở tư thế nằm để giảm tiếp xúc với da.

Lưu ý: Bạn có thể dựa trên số tã ướt của trẻ để nhận biết trẻ có được bổ sung đủ chất lỏng hay không. Nếu trẻ thay từ 6 đến 8 tã ướt mỗi ngày và nước tiểu nhạt màu thì mẹ không cần quá lo lắng nhé!

Khi nào trẻ được uống nước?

tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước

Sau khi tìm hiểu vấn đề tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước chắc hẳn nhiều mẹ cũng thắc mắc vậy thì khi nào trẻ được uống nước? Theo các chuyên gia khuyến nghị, khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi trở lên và bắt đầu ăn dặm, bạn cho thể cho trẻ uống một lượng nước nhỏ khoảng 60 đến 118 ml mỗi ngày (2 đến 4 ounce). Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ uống nước khoáng mà thay vào đó là dùng nước máy đun sôi để nguội. Hơn nữa, bạn cần lưu ý rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn thức uống chính của trẻ trong giai đoạn này. Sau 12 tháng tuổi, các thức uống chính của trẻ nên bao gồm sữa bò hoặc sữa mẹ, nước lọc. 

Khi trẻ bằng đầu ăn thức ăn thô hơn, chẳng hạn như ăn cơm, thì bạn có thể kết hợp cho trẻ uống vài ngụm nước nhỏ trong khi ăn. Bạn nên cho trẻ dùng cốc tập uống nước để trẻ học được cách tự uống bằng cốc. Hơn nữa, việc uống nhiều nước cũng nhằm mục đích ngăn ngừa táo bón. Bởi trẻ càng lớn càng ăn đa dạng hơn và lượng phân của trẻ cũng nhiều hơn.

Nói tóm lại, việc hiểu được tại sao không cho trẻ sơ sinh uống nước là điều rất quan trọng để nuôi con đúng cách. Trong hầu hết trường hợp, ba mẹ không nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng uống nước, ngoại trừ trường hợp trẻ bị tiêu chảy nghiêm trọng và có khuyến cáo bổ sung nước từ bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý rằng nước ngọt hoặc nước trái cây không thích hợp với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các đồ uống như cà phê, nước tăng lực hoặc rượu bia là không phù hợp với trẻ em mọi lứa tuổi nên cần tránh tuyệt đối nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Why You Shouldn’t Give Your New Baby Water — and When They’ll Be Ready for It

https://www.healthline.com/health/baby/why-cant-babies-have-water Truy cập ngày 20/10/2022

When Can Babies Have Water? The Unexpected Answer

https://flo.health/being-a-mom/your-baby/baby-care-and-feeding/when-can-babies-have-water Truy cập ngày 20/10/2022

When can babies drink water?

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/when-can-babies-drink-water Truy cập ngày 20/10/2022

When can my baby have water to drink?

https://www.nct.org.uk/baby-toddler/feeding/introducing-solids/when-can-my-baby-have-water-drink Truy cập ngày 20/10/2022

Drinks and cups for babies and young children

https://www.nhs.uk/conditions/baby/weaning-and-feeding/drinks-and-cups-for-babies-and-young-children/#:~:text=after%20having%20it.-,Water,start%20introducing%20water%20with%20meals. Truy cập ngày 20/10/2022

Phiên bản hiện tại

06/11/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 06/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo