Khi bé khóc, bố mẹ thường cảm thấy lo lắng và tìm mọi cách dỗ dành để bé nín. Thế nhưng, vào buổi tối, khi rất buồn ngủ, bạn không còn kiên nhẫn dỗ bé nín. Lúc này, bạn có thể áp dụng phương pháp hãy để bé khóc.
Dỗ bé ngủ suốt đêm thật sự là một trận chiến. Trong những tháng đầu, đây là điều bắt buộc mà bạn phải đối mặt. Tuy nhiên, khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể luyện cho bé tự ngủ. Khi 6 tháng tuổi, bé đã đủ lớn để ngủ suốt đêm. Bạn có thể luyện cho bé ngủ mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.
Hãy để bé khóc
Hãy để bé khóc không chỉ đơn giản là đặt bé vào giường rồi mặc kệ bé khóc cho đến lúc ngủ. Đây là một phương pháp luyện ngủ bằng cách để cho bé khóc một thời gian nhất định trước khi dỗ dành bé.
Nếu bạn cho trẻ cơ hội được khóc, phương pháp này giúp bé rèn luyện một kỹ năng tự ngủ và bé có thể làm tốt. Bên cạnh đó, nếu thường xuyên được mẹ cho bú hoặc ru ngủ, bé sẽ không học được cách tự ngủ. Một đứa trẻ phải học cách tự ngủ vì đây là một kỹ năng rất cần thiết khi bé lớn lên.
Các bước thực hiện
Bạn hãy chọn một ngày khi mà bé đã sẵn sàng về thể chất và tình cảm để bắt đầu. Ban đầu, việc này không phải là một việc dễ dàng nhưng dần dần bé sẽ học được cách tự ngủ.
- Đặt bé vào giường khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức.
- Hôn bé, chúc bé ngủ ngon và rời phòng. Nếu bé khóc khi bạn rời đi, hãy để bé khóc một lúc.
- Quay lại phòng bé 1 – 2 phút để kiểm tra và vỗ về bé. Tắt đèn và không nói gì. Đừng bế bé dậy. Rời phòng lần nữa nếu bé vẫn thức, thậm chí khi bé đang khóc.
- Lặp lại quy trình này cho đến khi bé ngủ.
- Nếu bé thức vào lúc nửa đêm, bạn hãy thực hiện những bước như trên.
- Tăng thời gian đứng ngoài đợi bé mỗi tối. Bé sẽ tự ngủ vào đêm thứ 3 hoặc thứ 4.
- Nếu bé nhất định từ chối sau vài đêm đầu, hãy đợi vài tuần sau đó thử lại.
Bạn nên rời phòng bé bao lâu?
Bạn nên để bé một mình bao lâu? Vài giờ hay vài phút? Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn.
- Đêm đầu tiên: rời phòng khoảng 3 phút trong lần đầu tiên. Quay lại phòng, vỗ về bé và rời phòng 5 phút cho lần thứ hai bé khóc, 10 phút cho lần thứ ba và những lần sau đó.
- Đêm thứ 2: rời phòng khoảng 5 phút, sau đó 10 phút rồi 12 phút.
- Mỗi đêm để khoảng cách dài hơn.
Lợi ích của phương pháp hãy để bé khóc
- Trẻ em thực hiện theo phương pháp này thường có xu hướng ít bùng phát cơn giận dữ quấy khóc hơn trong suốt thời gian ngủ.
- Bé có thể đi vào giấc ngủ trong vòng 10 phút.
- Con yêu ngủ suốt đêm thì ba mẹ cũng ngủ ngon.
- Tình trạng thiếu ngủ không còn trở thành nỗi lo, mức độ stress giảm xuống và sự tương tác với bé cũng được cải thiện.
- Bé ít quấy khóc vào ban ngày nếu học cách ngủ suốt đêm.
Nhược điểm của phương pháp này
Có rất nhiều người phản đối phương pháp này vì cho rằng phương pháp này “hại nhiều hơn lợi”.
- Để cho bé khóc đi ngược lại với bản năng làm mẹ.
- Để cho bé khóc sẽ khiến mẹ lo lắng.
- Khóc sẽ làm cho nồng độ cortisol trong cơ thể tăng, dẫn đến căng thẳng.
- Khi khóc, bé sẽ kêu bạn. Nếu bé ngừng khóc, tức là bé đã bỏ cuộc. Điều này sẽ làm rạn nứt mối quan hệ giữa mẹ và con.
Tuy có nhiều người phản đối, nhưng nếu quyết tâm thực hiện phương pháp này thì bạn cũng đừng băn khoăn quá nhiều. Nếu phương pháp này không phù hợp với gia đình bạn, hãy lựa chọn phương pháp khác nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]