Lịch sinh hoạt của em bé 11 tuần tuổi gần như đã đi vào quỹ đạo hơn so với lúc mới sinh. Trẻ cũng dần dần biết cách vớ lấy đồ vật mình thích mặc dù chưa quá vững vàng. Tốc độ bú no cũng bé cũng nhanh hơn, có thể chỉ mất từ 5 đến 10 phút. Vì vậy, sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này có thể rất đáng mong đợi.
Tuy nhiên, mỗi em bé vẫn sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nên bạn đừng quá lo lắng nếu bé yêu không cứng cáp như mong đợi. Hãy cùng Hello Bacsi khám phá chi tiết hơn sự phát triển của trẻ 11 tuần tuổi qua bài viết sau nhé!
Hành vi và phát triển
Bé 11 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Các cử động của bé sẽ bắt đầu nhuần nhuyễn hơn. Bạn sẽ nhận ra cánh tay và chân bé cử động uyển chuyển và phức tạp hơn nhờ việc học hỏi bằng cách quan sát mọi người. Những cử động này có thể giúp bé tăng cường và phát triển cơ bắp. Khi nằm úp, bé sẽ bắt đầu đẩy chân ra nhiều hơn. Đây chính là bước đầu tiên để bé chuẩn bị tập bò.
Vào tuần thứ ba của tháng thứ 2, em bé 11 tuần có thể:
- Giữ đầu ổn định khi ở tư thế thẳng người;
- Khi nằm úp, bé có thể nâng ngực lên bằng cách chống tay;
- Lật vòng (theo một chiều);
- Túm lấy cái lúc lắc đồ chơi;
- Tập trung chú ý vào đồ vật nhỏ như trái nho khô (nhưng hãy đảm bảo đừng để những vật nhỏ dễ gây nghẹn này trong tầm với của bé);
- Với tay nắm đồ vật;
- Nói những từ gần giống các phụ âm.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Đối với trẻ 11 tuần tuổi, ba mẹ hãy tạo cho bé không gian đủ rộng để bé có thể duỗi thẳng người và di chuyển tay chân. Bạn cũng có thể đặt một tấm chăn trên sàn nhà và để cho bé di chuyển tùy ý, điều này sẽ giúp bé tăng cường và phát triển cơ bắp.
Có thể bạn quan tâm: Bạn cần biết gì khi cho trẻ 1-3 tháng tuổi ăn?
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Tùy vào từng tình trạng cụ thể của bé, các bài kiểm tra thể chất tổng quát, cũng như số lượng, loại kỹ thuật để chẩn đoán và thủ tục thực hiện cũng sẽ rất khác nhau.
Những thay đổi đáng lo ngại với trẻ 11 tuần tuổi
Nếu con bạn có những thay đổi đáng lo ngại trong tính khí, khẩu vị hoặc bé không tiêu hóa được thức ăn, sốt cao, phân lỏng bất thường, tiểu nhỏ giọt và ít, phát ban dai dẳng, mắt hoặc tai chảy mủ, khóc kéo dài bất thường, đó có thể là dấu hiệu bé bị bệnh. Hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bé bị khó thở hoặc co giật.
Sốt
Nếu bé con của bạn bị sốt, hãy nhớ rằng sốt cũng là cách cơ thể phản ứng lại khi gặp vi khuẩn xâm nhập và là một dấu hiệu tích cực chứ không phải chỉ là bệnh. Khi bạn gọi bác sĩ hoặc cho trẻ đi khám, hãy thật bình tĩnh và mô tả chi tiết các triệu chứng. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết bé bắt đầu sốt khi nào, kéo dài trong bao lâu, có đi kèm dấu hiệu bất thường nào không, ví dụ như mọc răng. Ngoài ra hãy cho bác sĩ biết bé đã từng ở gần ai bị bệnh không và đo nhiệt độ cho bé trước khi gọi bác sĩ. Đồng thời bạn cũng cần báo với bác sĩ biết liệu bé có đang sử dụng loại thuốc nào hay không.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Viêm tiết bã da đầu
Đây là một loại viêm da ở da đầu thường gặp ở trẻ nhỏ. Viêm da nhẹ có thể được điều trị bằng cách xoa bóp với dầu khoáng hoặc dầu bôi trơn để làm giãn da đầu, kèm theo gội đầu kỹ lưỡng để loại bỏ gàu và bã nhờn. Các trường hợp nặng hơn như bong tróc da đầu có thể sử dụng dầu gội antiseborrheic có chứa salicylate lưu huỳnh hàng ngày. Tuy vậy bạn cần lưu ý một số trường hợp có thể trở nên trầm trọng hơn khi sử dụng phương pháp này. Nếu tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn, hãy ngưng bất cứ phương pháp điều trị nào bạn đang áp dụng và trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị khác.
Viêm tiết bã da đầu sẽ trở nặng nếu bé đổ mồ hôi da đầu, vậy nên bạn hãy giữ cho đầu bé luôn được thông thoáng và khô ráo và không nên đội mũ cho bé nếu không cần thiết.
Khi viêm tiết bã da đầu trở nên nghiêm trọng, các vết sẽ lan ra trên mặt, cổ hay mông bé. Nếu điều này xảy ra, các bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc mỡ để bôi ngoài da. Đôi khi, bé sẽ bị viêm da tiết bã nhờn kéo dài trong một năm đầu, trong một vài trường hợp, bệnh tình của bé có thể kéo dài hơn. Nếu bệnh không gây cảm giác khó chịu cho bé thì bạn không nên dùng các phương pháp điều trị mạnh như sử dụng thuốc bôi đặc trị dị ứng làm bong da. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác.
Chân co quắp
Hầu hết chân các bé đều bị co quắp lại. Điều này xảy ra bởi hai lí do. Thứ nhất, chân trẻ thường bị cong ngay khi mới sinh. Thứ hai, sự chật chội trong tử cung của mẹ thường ép chặt hai chân bé xoay ngược vào nhau. Khi bé mới lọt lòng, sau nhiều tháng nằm trong tư thế ép chặt, bàn chân bé sẽ bị cong hoặc xoay vào trong. Trong những tháng tiếp theo, khi đôi chân của con bạn được tự do, bé học được cách co chân lên, bò, và sau đó là đi, và chân bé sẽ bắt đầu thẳng ra.
Hầu hết chân của các bé sẽ trở lại bình thường mà không cần phải điều trị. Bạn chỉ cần chắc chắn rằng không có nguyên nhân nào khác khiến chân bé bị cong. Hãy trao đổi với bác sĩ trong lần đưa con đi khám tới. Bạn cũng nên cho bé đi khám thường xuyên để kiểm tra sự phát triển bàn chân của bé.
Co rút tinh hoàn
Tinh hoàn ở nam và buồng trứng ở nữ đều phát triển từ một mô phôi thai tương tự. Buồng trứng sẽ giữ nguyên vị trí trong khi các tinh hoàn sẽ di chuyển xuống thông qua các ống ở bẹn vào túi bìu ở gốc dương vật vào khoảng tháng thứ tám của thai kỳ. Nhưng thật ra, có khoảng 3-4% các bé trai sinh đủ tháng và khoảng 30% các bé sinh non bị co rút tinh hoàn. Sự dịch chuyển của tinh hoàn tương đối phức tạp nên không dễ để xác định được bên tinh hoàn của bé có bị co rút hay không. Thông thường, tinh hoàn nhô ra khỏi cơ thể khi bé phải chịu nhiệt độ quá cao (đây là một cơ chế để bảo vệ tinh trùng khi ở nhiệt độ quá cao), nhưng nó sẽ co lại khi nhiệt độ hạ dần (cơ chế để bảo vệ tinh trùng khi ở nhiệt độ quá thấp). Một số bé trai có tinh hoàn đặc biệt nhạy cảm và chúng thường nằm sâu trong cơ thể. Còn lại hầu hết thì tinh hoàn bên trái thường thấp hơn bên phải và khiến cho tinh hoàn bên phải dường như biến mất. Do đó, bạn chỉ có thể chẩn đoán được tinh hoàn của bé bị co rút khi một hoặc cả hai tinh hoàn không thể quan sát được trong bìu ngay cả khi con bạn được tắm nước ấm.
Tinh hoàn co rút không gây đau hay bí tiểu. Thông thường, chúng sẽ tự dãn ra. Ở các bé một tuổi, chỉ có ba đến bốn bé trong tổng số một ngàn bé trai bị co rút tinh hoàn. Phẫu thuật có thể dễ dàng đặt tinh hoàn của các bé trở lại vị trí thích hợp. Liệu pháp hormone cũng có thể chữa trị cho trường hợp này, nhưng khả năng thành công của phương pháp này lại không cao.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Bé 11 tuần nói chuyện
Các bé được 11 tuần tuổi vẫn chưa thể nói chuyện hay trả lời bạn. Tuy nhiên, con sẽ học nói nhanh hơn và tốt hơn nếu bạn nỗ lực trò chuyện với bé ngay từ đầu. Nếu bé không bao giờ trò chuyện cùng người khác, điều này không những có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ mà còn có thể khiến bé mắc phải các vấn đề về sự tăng trưởng, tuy vậy trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Bạn có thể dạy bé nói mọi lúc mọi nơi, chẳng hạn như trong lúc âu yếm bé, dỗ dành khi bé khóc, ru, nói với bé rằng: “Đến giờ đi dạo rồi.” “Ồ không, lại có điện thoại rồi”. Khi nghe bạn nói chuyện với người khác cũng như khi bạn nói chuyện với bé, khả năng ngôn ngữ của bé sẽ phát triển lên rất nhiều.
Bé bú một bên vú
Nếu bạn thường cho con bú một bên vú (ví dụ như vú bên trái), để tay phải của bạn có thể ăn uống, cầm sách hay nghe điện thoại hoặc xử lý các công việc khác, thì vú phải của bạn sẽ bị hạn chế về kích thước và lượng sữa tiết ra. Một bên vú sẽ có nhiều sữa vì bạn thường cho bé bú bên đó ngay từ đầu, điều này sẽ giúp kích thích tiết sữa. Trong nhiều trường hợp, sau khi cho con bú thì ngực của mẹ sẽ bị bên lớn bên nhỏ (mặc dù điều này có thể chỉ bạn mới nhìn thấy). Tuy vậy bạn hãy an tâm, sự chênh lệch kích thước này sẽ được cải thiện sau khi bạn cai sữa cho bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]