Trẻ nhỏ thường có nhiều ý tưởng và câu chuyện vui nhưng lại không biết ghi lại. Sau đây là cách dạy con viết văn hay để diễn đạt những gì trẻ muốn ra giấy.
Con đang gặp khó khăn trong việc viết văn? Vậy muốn giúp con luyện viết mỗi ngày tại nhà, bạn phải làm sao? Câu trả lời là bạn hãy cho bé vừa học vừa chơi. Bạn chỉ đóng vai trò là một người hướng dẫn để giúp bé luyện viết và dẫn dắt trí tưởng tượng của con chứ không phải một người huấn luyện, bắt bé làm theo ý tưởng của mình. Bạn nên khuyến khích con phát triển trí tưởng tượng và giọng văn của bé chứ không phải chỉ ra lỗi sai và bắt buộc bé sửa.
Luyện viết thường xuyên
Để phát triển ý tưởng của con, bạn có thể giúp con bằng những cách sau:
- Hãy nói rằng “Mẹ và con sẽ chơi một trò chơi nhé” chứ đừng đề cập đến việc luyện viết
- Lựa chọn những chủ đề mà bé yêu thích như khủng long, siêu anh hùng, bóng đá…
- Nói chuyện, đặt câu hỏi và lắng nghe kỹ các câu trả lời của bé
- Vẽ, ghi chú và lập sơ đồ tư duy nếu bé không thể nhớ hết các ý tưởng mà mình đã nghĩ ra
- Giúp con sửa lỗi chính tả hoặc cho bé dùng máy tính
- Khen ngợi bé
- Chơi những trò chơi nhỏ
- Dán những ý tưởng của con lên tường hoặc tủ lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể khoe tác phẩm của con với những thành viên khác trong gia đình
- Ngưng ngay những hoạt động này nếu cả bạn và bé không thoải mái.
Một số trò chơi bạn có thể chơi cùng bé
1. Ăn bánh chữ
Dù ở độ tuổi nào, trẻ cũng cần nâng cao vốn từ của mình. Hãy làm việc này trở nên vui vẻ bằng cách lấy những chiếc bánh quy có hình chữ và ghép thành một từ có ý nghĩa đối với trẻ.
Nếu bé thích sách truyện tranh, hãy mua bột và nặn thành tên những nhân vật mà bé thích. Nếu sinh nhật của bé, hãy tạo hình bánh thành từ diễn đạt thứ mà bé đang mong muốn như “Gameboy II”. Nếu dùng bột quá tốn kém và bẩn, bạn có thể thay thế bằng đất sét.
2. Tìm cách sống sót
Hãy giả vờ như bạn và bé đều đang bị mắc kẹt ở một hòn đảo và cần phải truyền ngay một tin nhắn cầu cứu mọi người. Bạn và bé phải quan sát khắp nơi xung quanh để xem có vật dụng nào có thể giúp mình trong tình huống này.
Nếu bạn và bé đang ở trong phòng tắm, hãy viết tin nhắn bằng giấy vệ sinh. Nếu bạn đang ở trong chỗ đậu xe, hãy dùng sơn. Nếu bạn ở công viên, hãy viết lên cát. Đừng gợi ý cho bé quá nhiều. Trò chơi này giúp bé hiểu được sức mạnh của từ ngữ và giúp bé phát huy khả năng sáng tạo của mình. Hãy khuyến khích bé tìm ra càng nhiều cách càng tốt.
3. Tin nhắn bay
Để chơi trò này, bạn sẽ cần một quả bóng, một vài mẩu giấy nhỏ và một cuộn băng keo. Bạn hãy phát cho bé 3 tờ giấy và giữ lại 3 tờ. Sau đó, cả hai hãy ghi vào một hành động mà bạn muốn người kia phải thực hiện. Ví dụ, nhảy lò cò 6 lần, bật cóc 3 cái…
Đừng để cho bé thấy bạn ghi gì và ngược lại. Sau đó, bạn và bé hãy đi ra ngoài và đứng cách xa nhau. Dán tờ giấy đầu tiên của bạn lên quả bóng và ném cho bé. Bé sẽ đọc được tin nhắn của bạn và làm theo yêu cầu. Sau đó, bé cũng sẽ dán mẩu giấy của mình lên quả bóng và chuyền lại cho bạn.
Nếu không có chỗ để chơi hoặc thời tiết không tốt, thay vì sử dụng bóng, bạn có thể cho tin nhắn vào tất. Ở trường, nhiều bé không thể diễn đạt ý tưởng của mình lên giấy, nhưng khi viết tin nhắn lên bóng và chuyền đi thì điều này có thể tác động đến một số khả năng của bé.
Trò chơi dành cho bé từ lớp 3 – 5
4. May mắn hay không
Với trò chơi này, mỗi người sẽ nhận được một tờ giấy, một mặt sẽ viết “May mắn”, một mặt sẽ viết “Thật không may”. Sau đó, hỏi bé xem bé đang muốn đi đâu. Đi du lịch khắp nơi bằng xe đạp? Đi lên mặt trăng? Đi bơi?… Giúp bé viết câu đầu tiên và câu này phải bắt đầu bằng chữ “May mắn”. Ví dụ: “May mắn, mẹ vừa mới trúng số và cả nhà quyết định mua một chiếc xe đạp thật tốt để đi khắp nơi”.
Sau đó, chuyển tờ giấy này sang cho bé để bé viết vào mặt “Thật không may”. Ví dụ:, “Thật không may, trời mưa mỗi ngày và chiếc xe đạp đã bị rỉ sét’. Nếu bé muốn chơi nhiều lần, bạn hãy đổi một tờ giấy khác hoặc viết bên dưới dòng vừa mới viết. Hãy đánh số từng phần để bạn dễ dàng hiểu từng câu chuyện. Hãy nhớ rằng ở đây không có đúng sai, kể cả về mặt chính tả. Vai trò của bạn chỉ là giúp bé diễn đạt những ý tưởng của mình mà thôi.
5. Viết nhật ký
Mua cho bé một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đơn giản và một cuốn sổ. Sau đó, bạn hãy giải thích với bé về cách ghi nhận lại một ngày của mình, của anh chị em, bạn bè hoặc bất cứ ai bé thích. Hãy bắt đầu một ngày mới bằng cách chụp một bức ảnh bé đang ngủ say trước khi đánh thức bé dậy. Để bé chụp một bức ảnh mỗi giờ. Kết thúc là lúc bé đi ngủ.
Sắp xếp các bức ảnh lại với nhau và giúp bé viết chú thích chi tiết cho mỗi bức ảnh. Ví dụ, tại sao bé lại chụp như vậy, tại sao bé không chụp những người khác… Sáng tạo một tiêu đề cho chùm ảnh của bé, ví dụ: Một ngày thú vị.
Khoét một cái lỗ ở mỗi bức ảnh và buộc chúng lại với nhau bằng một sợi chỉ. Giữ gìn cẩn thận và khoe với tất cả mọi người. Những ý tưởng này của bé đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng viết của bé, giúp bé sáng tạo và nắm bắt những chi tiết rất nhỏ nhặt mà bé ít chú ý đến.
6. Chiếc hộp thời gian
Với chiếc hộp này, bạn sẽ đi thu thập tất cả vật dụng của các thành viên trong gia đình và bỏ vào một chiếc hộp. Chiếc hộp này sẽ được mở ra sau một thời gian nhất định, 1 năm hoặc 10 năm.
Bạn có thể cho bé và các thành viên khác trong gia đình viết những lá thư, nói về cuộc sống của mình. Bạn sinh ra ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Bạn trông như thế nào? Sở thích của bạn là gì? Món ăn yêu thích? Sách yêu thích? Phim yêu thích? Màu sắc yêu thích? Bạn muốn chuyện gì xảy ra hôm nay? Bạn muốn ở đâu trong vòng 10 năm tới? Nếu bạn có nuôi thú cưng, bạn hãy yêu cầu bé viết một lá thư cho những con vật thân yêu nhé.
Sau khi xong, bạn hãy cho lá thư của mỗi người vào một phong bì và ghi tên vào. Tiếp theo, thêm một số đồ vật khác vào chiếc hộp thời gian như ảnh của bé, cuộn phim ghi lại hình ảnh của bé, bưu thiếp, các bức tranh mà bé vẽ, tờ báo ngày hôm nay. Sau khi đã thu thập đủ, bạn hãy khóa chiếc hộp lại và ghi bên ngoài “Không được mở cho đến ngày…”. Cất chiếc hộp ở một chỗ bí mật và quên nó đi nhé.
7. Bé trở thành người lãnh đạo
Hãy thử tưởng tượng, bé sẽ trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng. Bé cần phải phát biểu trên ti vi về những chủ đề mà bé yêu thích và phải nộp bài phát biểu của mình cho bạn để đánh máy. Các thành viên khác trong gia đình cũng sẽ tham gia vào buổi phát biểu này. Chọn trang phục phù hợp cho bé. Bé cũng có thể mang theo những thứ mình thích như thú nhồi bông, chăn hoặc những đồ chơi khác.
Tạo một phòng thu, bạn sẽ cần đến một vài thứ để làm giả máy ảnh, micro và chiếc bục phát biểu. Nếu có máy quay phim, bạn hãy dùng nó. Lên kế hoạch cho buổi phát biểu, nếu bé gặp rắc rối về việc diễn đạt, hãy giúp bé sắp xếp ý tưởng của mình. Ví dụ, bé sẽ làm gì để thay đổi thế giới? Làm sao để mọi người sống trong hòa bình? Muốn cám ơn ai vì đã giúp bé đạt được vị trí này? Kế hoạch trong tương lai là gì?….
Nếu bé vẫn chưa viết chữ rành, bạn có thể lắng nghe và giúp bé ghi lại các ý tưởng quan trọng. Sau đó, đánh vào máy tính và in ra. Nếu bạn có thể quay video bài phát biểu của bé, hãy chia sẻ với những thành viên khác trong gia đình nhé.
Luyện viết là một trò chơi chứ đừng xem đó là việc học. Viết có rất nhiều giai đoạn, trước khi nó biến thành câu chữ trên giấy thì cần phải trải qua các quá trình như quan sát, lên ý tưởng, chọn từ ngữ thích hợp và diễn đạt làm sao để người đọc có thể hiểu được.
Bé không nhất thiết phải thích viết, nhưng nếu bé học viết vì nghĩ rằng việc này là cần thiết thì bạn đã thành công rồi đấy. Kết hợp giữa việc luyện viết và những hoạt động khác để bé có thêm chất liệu sáng tạo ra những điều mới lạ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]