backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cho bé ăn nho khô, bạn đã thử chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 24/05/2018

    Cho bé ăn nho khô, bạn đã thử chưa?

    Nho khô là một trong những món ăn vặt hấp dẫn, ngon miệng và được nhiều người yêu thích. Món ăn giàu dinh dưỡng này đã có từ thời trung cổ. Cho bé ăn nho khô đem đến rất nhiều lợi ích bởi đây là loại thực phẩm rất giàu khoáng chất, vitamin và carbohydrate.

    Nho khô là một trong những loại trái cây sấy khô phổ biến. Quy trình sản xuất nho khô khá đơn giản: những quả nho có chất lượng tốt nhất sẽ được hái, sau đó đem đi phơi nắng từ 2 – 4 tuần.

    Cho bé ăn nho khô có an toàn không?

    Nho khô rất tốt cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, khi cho bé ăn, bạn phải thận trọng để tránh bé bị nghẹt thở. Nếu được dùng đúng cách, những quả nho khô này khá an toàn và đem đến nhiều lợi ích cho sự tăng trưởng của bé.

    Giá trị dinh dưỡng có trong 100g nho khô:

    • Nước – 15,43g
    • Protein – 3,07g
    • Carbohydrate – 79,18g
    • Đường – 59,19g
    • Sắt – 1,88mg
    • Phốt pho – 101mg
    • Đồng – 0,4mg
    • Natri – 11mg
    • Vitamin C – 2,3mg
    • Vitamin B2 – 0,125mg
    • Vitamin B6 – 0,174mg
    • Chất béo – 0,5mg
    • Vitamin E – 0,12mg
    • Năng lượng – 299kcal
    • Chất xơ – 3,7mg
    • Canxi – 50mg
    • Magie – 32mg
    • Kali – 749mg
    • Vitamin B1 – 0,2mg
    • Kẽm – 0,22mg
    • Thiamin – 0,106mg
    • Niacin – 0,766mg
    • Axit folic – 5ug
    • Mangan – 0,3mg
    • Vitamin K – 3,5ug

    Nho khô thường được dùng để chế biến món ăn, làm bánh hoặc dùng làm món ăn vặt. Nho khô đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe và thường được mệnh danh là loại “kẹo của thiên nhiên”. Nếu dùng với một lượng vừa phải, nho khô đem đến những lợi ích về sức khỏe như:

  • Do hàm lượng chất xơ cao, nho khô giúp giảm táo bón. Ngoài ra, nó cũng giúp làm sạch đường tiêu hóa.
  • Nho khô là một nguồn cung cấp chất sắt, khoáng chất cần thiết giúp cơ thể tạo ra hồng cầu.
  • Đây cũng là một loại thực phẩm giúp tăng cân lành mạnh vì nó chứa hàm lượng glucose và fructose cao.
  • Ngoài việc cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng, nho khô còn giúp kiểm soát huyết áp, tiểu đường, thiếu máu và thậm chí là ung thư.
  • Lợi ích của nho khô đối với bé

    Nho khô có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh như:

    • Giúp phát triển tinh thần và thể chất
    • Chứa nhiều khoáng chất như phốt pho, canxi và kali, giúp bé phát triển khỏe mạnh
    • Giúp cải thiện trí nhớ
    • Nho khô giúp duy trì sự cân bằng axit – kiềm trong cơ thể bé
    • Khi bị sốt, bạn nên cho trẻ sơ sinh dùng nước nho khô vì nó giúp chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus.
    • Nho khô rất có lợi trong việc điều trị chấn thương não. Loại trái cây khô này giúp bảo vệ hệ thần kinh trung ương.
    • Nho khô là thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp giải quyết táo bón. Ăn nhiều nho khô sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bạn có thể cho bé dùng nho khô bằng cách đun sôi, sau đó nghiền ra và cho bé ăn.
    • Nho khô giúp giảm nguy cơ nhiễm độc axit bằng cách giảm nồng độ axit trong cơ thể.

    Khi nào nên cho bé ăn nho khô?

    Đây là một câu hỏi phổ biến đối với các bà mẹ. Bạn có thể cho bé ăn nho khô khi bé được khoảng 6 – 8 tháng tuổi. Bạn có thể cho bé ăn khi bé đã có thể tự ngồi thẳng và giữ được các vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ. Bạn có thể ép nho khô lấy nước cho bé uống hoặc nghiền nhuyễn cho đến khi bé quen với các món ăn đặc. Tuy nhiên, khi cho bé ăn, bạn nên quan sát thật kỹ để đề phòng bé còn quá nhỏ có thể bị nghẹt thở.

    Bạn nên cho bé ăn bao nhiêu nho khô?

    Nho khô có hàm lượng đường cao. Do đó, bạn chỉ nên cho bé ăn một phần nhỏ mỗi ngày. Đối với trẻ sơ sinh, lúc mới bắt đầu, bạn chỉ nên cho bé dùng 1 – 2 thìa súp nước ép nho khô, sau đó tăng dần lên. Khi bé hơn 1 tuổi, bạn có thể cho bé dùng 2 – 3 thìa súp nho khô nghiền hoặc nho khô cắt nhỏ.

    Cách thêm nho khô vào chế độ ăn của bé

    Lúc đầu, bạn không nên cho bé dùng quả nho khô hoặc nho khô nghiền mà chỉ nên cho bé uống nước ép nho khô. Sau đó, bạn có thể cho bé dùng nho khô nghiền hoặc trộn nho khô với các loại thực phẩm khác để làm tăng hương vị món ăn và giúp tiêu hóa tốt hơn.

    Nho khô có gây ra tác dụng phụ cho trẻ sơ sinh?

    Tác dụng phụ của nho khô khá là hiếm. Tuy nhiên, khi cho bé ăn, bạn nên chú ý đến vấn đề dị ứng và nghẹt thở. Ngoài ra, bạn không nên cho bé ăn trước khi đi ngủ vì nho khô có thể dính vào răng và nướu gây ra các bệnh về răng miệng. Bạn cũng có thể cho bé dùng nho khô với các món ăn khác để tránh tình trạng nho khô dính vào nướu và giúp tiêu hóa tốt hơn.

    Cách chế biến nho khô an toàn cho bé

    1. Nước ép nho khô

    Bạn lấy 1/2 chén nho khô và ngâm trong nước nóng khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước đang chảy. Tiếp theo, cho nho khô đã rửa sạch vào cốc và đổ nước sôi vào cùng. Lượng nước nhiều gấp 3 lần lượng nho và ngâm trong vòng 24 giờ. Sau đó, bạn lọc lấy nước cho bé uống.

    2. Nho khô nghiền

    Đầu tiên, nho khô phải được rửa kỹ để loại bỏ những hóa chất hoặc tạp chất có thể gây hại cho bé. Sau khi rửa, cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn rồi mới cho bé ăn.

    Ngon, rẻ và bổ dưỡng là những yếu tố giúp nho khô trở thành một bữa ăn nhẹ tốt cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng giống như những loại thực phẩm khác, bạn chỉ nên cho bé ăn khi đúng thời điểm và không ăn quá nhiều nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 24/05/2018

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo