backup og meta

Mẹo xác định tính cách của con từ khi còn bé

Mẹo xác định tính cách của con từ khi còn bé

Có lẽ câu nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính’ không có gì xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể xác định tính cách của con từ lúc trẻ còn nhỏ nhằm uốn nắn, giúp bé thành người ngày sau.

Thẹn thùng, vui vẻ, mạnh mẽ hay xuề xòa, đâu là tính cách của con bạn và tại sao bé lại có những tính cách đó? Muốn xác định tính cách của con ngay từ khi còn nhỏ, bạn hãy xem bài viết sau của Hello Bacsi nhé.

Tính cách là gì?

Tính cách là cách mà mỗi người phản ứng với thế giới bên ngoài. Bạn có thể sẽ phải dựa vào tính cách để chọn phương pháp nuôi dạy con phù hợp.

Ví dụ: 3 em bé 2 tuổi được đưa đến lớp mẫu giáo ngày đầu tiên.

Bé Minh rất hồ hởi, nhanh chóng rời mẹ để đi chơi chung với các bạn. Bé Thắng khá e dè, không dám đến chơi chung với các bạn. Còn bé Toàn chẳng quan tâm đến điều gì cả, con nhào đến các bạn và giành đồ chơi.

Mỗi bé có một tính cách riêng

Tại sao 3 đứa trẻ lại phản ứng khác nhau trước cùng một tình huống? Đó là vì mỗi bé đều được sinh ra với tính cách riêng. Có nhiều cách để xác định tính cách của con, nhưng thông thường có 5 đặc điểm đại diện cho những tính cách bẩm sinh: cường độ phản ứng, mức độ năng động, phản ứng khi thất bại, phản ứng với sự thay đổi, phản ứng với người lạ.

1. Đo cường độ phản ứng

Những đứa trẻ mạnh mẽ có thể hét ầm lên khi chúng cảm thấy hạnh phúc và quát, ném đồ vật, đánh người khác khi giận dữ. Ngược lại, những bé có cường độ phản ứng nhẹ nhàng hơn thường lặng lẽ, hiếm khi mè nheo, ngủ nhiều hơn mức trung bình. Bé thể hiện cảm xúc của mình với những thay đổi nhẹ nhàng, thể hiện qua gương mặt hoặc tông giọng.

Cách giúp con 

Đối với bé có phản ứng nhẹ nhàng

  • Tìm cách thu hút sự chú ý của bé
  • Chọn những loại nhạc với âm thanh sôi động hoặc giọng diễn cảm khi đọc truyện cho con
  • Tổ chức các hoạt động năng động để thu hút con
  • Cho con vận động, di chuyển.

Đối với bé có phản ứng mạnh

  • Hãy “vặn nhỏ’ tất cả từ âm nhạc đến ánh sáng
  • Đoán khi nào bé sẽ “bùng nổ’, nhẹ nhàng đưa bé ra khỏi những tình huống đó
  • Nên thử uốn nắn bé bằng cách cho bé tham gia vào các hoạt động ít có nguy cơ gây giận dữ hơn hoặc chỉ cần ôm bé
  • Đảm bảo rằng bé ngủ đủ giấc.

2. Đo mức độ năng động

Khi bé bắt đầu hoàn thành các kỹ năng vận động, bạn có thể biết rằng con năng động hay không. Nếu bé luôn muốn khám phá thế giới xung quanh bằng cách bò, chạy, trèo, lục lọi các thứ đồ… thì sau này bé sẽ rất hiếu động.

Ngược lại, có những trẻ chỉ thích ngồi, chơi đồ chơi rất lặng lẽ và thích thú khám phá đôi tay hơn so với đôi chân. Những bé này thường có xu hướng khám phá thế giới thông qua việc nhìn ngắm và lắng nghe.

Cách giúp con 

Đối với bé ít vận động

  • Khuyến khích bé vận động bằng cách đặt các đồ chơi thú vị hơi xa một chút so với nơi mà bé có thể dễ dàng với tới
  • Theo dõi cách bé chuyển động và khuyến khích tham gia vào các trò chơi vận động
  • Nghe nhạc cùng bé.

Đối với bé hiếu động

  • Tạo cho bé nhiều cơ hội để khám phá, nhưng vẫn phải an toàn
  • Đừng mong đợi bé chịu ngồi im một lúc lâu. Hãy để bé đứng ngay cả khi đang thay tã và cho bé rời khỏi ghế ăn ngay khi bé vừa ăn xong
  • Giới hạn các trò chơi vận động ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ ban đêm và 30 phút trước giờ ngủ trưa để giúp bé bớt phấn khích và ngủ ngon hơn.

3. Đo mức độ phản ứng trước thất bại

xác định tính cách của con

Khả năng thích ứng với thất bại sẽ thể hiện ngay trong năm đầu đời và trở nên rõ ràng hơn khi bé đến tuổi tập đi. Những bé kiên trì sẽ tiếp tục thử sức khi đối mặt với khó khăn, chờ đợi cho đến lúc những nhu cầu của mình được đáp ứng. Ngoài ra, bé cũng không ngừng cố gắng. Trong khi đó, những bé ít kiên trì hơn có thể từ bỏ, khóc hoặc tìm cách thực hiện một hoạt động khác thay thế.

Cách giúp con 

Bé dễ dàng bỏ cuộc

  • Khi bé thất bại, hãy xác nhận tâm trạng của bé bằng cách nói: “Nó có vẻ khó nhỉ, chắc là con bực mình lắm vì chưa làm được”
  • Giúp con nghĩ ra giải pháp nhưng đừng làm hộ con
  • Khuyến khích bé thử lại sau đó.

Những bé kiên trì:

  • Tham gia vào các trò chơi cùng bé
  • Gợi ý cho bé một phương án khác nếu cách bé đang làm không hiệu quả
  • Nhất quán. Trẻ có tính cách kiên trì có thể rất khó chấp nhận câu trả lời “không’ của cha mẹ.

4. Đo mức độ phản ứng trước thay đổi

Đa số các bé thường rất linh hoạt trước những thay đổi nhưng lại có một số bé phản ứng tiêu cực trước bất cứ thay đổi nào. Chỉ cần một món mới trong đĩa thức ăn hay một thay đổi nhỏ trong lịch trình đi ngủ cũng làm trẻ không thoải mái. Bé có thể khóc nhiều hơn, cần dỗ dành nhiều hơn, cần nhiều thời gian hơn để thích nghi.

Ngược lại, có những bé luôn thích những thứ mới như áo mới, món ăn mới… đều làm bé hứng thú. Bé có thể ngủ ngon ngay giữa âm thanh ồn ào của nhà hàng, ăn ở một điểm dừng chân trong chuyến du lịch…

Cách giúp con 

Bé không thích sự thay đổi

  • Sử dụng những đồ quen thuộc để giúp bé làm quen với những giai đoạn chuyển đổi
  • Nói với bé về sự thay đổi, chờ đợi một thời gian để bé cảm thấy thoải mái với thay đổi đó
  • Giúp bé biết trước thời điểm một hoạt động nào đó sắp kết thúc.

Bé thích sự mới lạ

  • Dành thời gian ở bên con, ôm con và cùng con đọc một cuốn sách.

5. Đo lường phản ứng với người lạ

Có bé khi nhìn thấy người lạ rất nhanh chóng hòa đồng, cười tươi hớn hở chỉ vài phút làm quen, trong khi một số bé khác lại nép vào cha mẹ, xấu hổ hoặc e ngại. Những bé này thường cần nhiều thời gian và sự hỗ trợ của người nuôi dưỡng để cảm thấy thoải mái khi có mặt của người lạ.

Cách giúp con

Bé làm quen chậm

  • Giới thiệu bé với người lạ trong vòng tay an toàn của bạn. Bạn có thể đưa cho con một món đồ chơi hoặc một quyển sách mà trẻ thích, giúp bé dùng đồ vật đó như “cầu nối’ để làm quen dần với người lạ.
  • Nói với bé rằng con sẽ gặp người mới, nói sơ qua về người đó và dành cho con nhiều thời gian khi bắt đầu làm quen.
  • Đừng đóng mác là con bạn nhút nhát vì sẽ khiến bé bị “tự kỷ ám thị’.

Bé làm quen nhanh

  • Tạo cho bé nhiều cơ hội để tương tác xã hội
  • Giúp trẻ chơi một mình khi cần
  • Tạo cơ hội cho bé sử dụng những đồ chơi sẵn có và trí tưởng tượng để chơi một mình.

Bạn hãy nhớ rằng tính cách không phải là điều mà con chọn, cũng không phải là điều mà bạn có thể tạo nên nên cũng không có khái niệm đúng – sai, tốt hơn – tồi hơn khi đánh giá tính cách. Vì vậy, bạn chỉ có thể chấp nhận tính cách của con và giúp con cải thiện hơn nếu cần thiết.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Understanding Your Child’s Personality https://www.parents.com/toddlers-preschoolers/development/social/understanding-child-personality/ ngày truy cập 17/04/2018

6 Ways to Help Your Preschooler’s Personality Blossom https://www.webmd.com/parenting/features/preschooler-personality-traits#1 ngày truy cập 17/04/2017

 

Phiên bản hiện tại

27/04/2018

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 27/04/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo