Hải sản bao gồm các loại cá và động vật có vỏ (nghêu, sò, tôm, cua…) là nguồn cung cấp khoáng chất, vitamin, axit béo omega-3… có lợi cho sự phát triển của trẻ. Mặc dù vậy, khi mới bắt đầu cho con ăn dặm, nhiều mẹ không tránh khỏi thắc mắc trẻ mấy tháng ăn được hải sản?
Trên thực tế, hầu hết các bé đều có thể ăn được nhiều loại thức ăn khi được 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, đối với hải sản thì đây là nguồn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng phổ biến. Thêm vào đó, một số loại cá có thể có hàm lượng thủy ngân cao dễ gây nhiễm độc. Vì vậy, bạn vẫn nên thận trọng khi cho trẻ làm quen với các món hải sản nhé! Để biết được trẻ mấy tháng ăn được hải sản, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Trẻ mấy tháng ăn được hải sản?
Không ít phụ huynh băn khoăn trẻ mấy tháng ăn được hải sản? Đối với việc cho trẻ ăn hải sản, bạn nên tách biệt giữa cá và các loại động vật có vỏ vì chúng khác nhau về cơ chế gây dị ứng. Chẳng hạn như một số trẻ dị ứng tôm cua nhưng vẫn có thể ăn được cá. Sau đây là giải đáp chi tiết về thời điểm trẻ ăn được hải sản theo từng trường hợp cụ thể:
1. Trẻ mấy tháng ăn được hải sản nếu đó là các loại cá biển?
Các loại cá là một nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tuyệt vời. Một số loại cá nhiều dầu như cá hồi, cá thu… cung cấp nhiều axit béo omega-3 rất tốt cho sức khỏe tim mạch và sự phát triển trí não của bé. Đối với hầu hết trẻ trên 6 tháng tuổi thì các bé đều có thể ăn được cá gỡ bỏ xương rồi tán mịn hay xay nhuyễn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cũng khuyên rằng bạn nên đợi cho đến khi trẻ 9 tháng tuổi mới nên cho ăn cá.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa đó là bạn cần chú ý đến hàm lượng thủy ngân của các loại cá:
- Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao mà ba mẹ không nên cho trẻ ăn bao gồm cá bớp, cá thu vua, cá cờ xanh, cá tráp cam, cá ngừ vây xanh, cá mập, cá kiếm…
- Ngược lại, bạn có thể cho trẻ ăn một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cực thấp như các loại cá da trơn, cá bơn, cá tuyết chấm đen, cá chim, cá hồi…
2. Trẻ mấy tháng ăn được hải sản? Đối với động vật có vỏ
Động vật có vỏ bao gồm động vật giáp xác (tôm, cua, tôm hùm…) và động vật nhuyễn thể (sò, nghêu, hàu…). Vậy, trẻ mấy tháng ăn được cua biển, tôm hùm, nghêu…? Trẻ 6-7 tháng ăn được hải sản chưa?
Đối với nhóm động vật có vỏ, các bác sĩ khuyến nghị bạn chỉ nên cho trẻ bắt đầu ăn khi đã đủ 12 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì động vật có vỏ là một trong những thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Vì vậy, bạn nên đợi cho đến khi hệ miễn dịch của bé hoàn thiện hơn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng.
Thực chất, câu hỏi “trẻ mấy tháng ăn được hải sản?” đặc biệt là đối với động vật có vỏ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Đối với một số gia đình có tiền sử dị ứng hải sản nghiêm trọng, các bác sĩ thường khuyên bạn nên đợi đến khi trẻ 3 tuổi mới bắt đầu cho bé ăn. Nếu có nhiều băn khoăn về vấn đề này, cách tốt nhất là bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn nhé!
Trẻ nên ăn bao nhiêu hải sản là đủ?
Như vậy là bạn đã biết được bé mấy tháng ăn được hải sản. Vậy, trẻ em ăn nhiều hải sản có tốt không? Liều lượng cá biển và động vật có vỏ cho bé bao nhiêu là đủ?
Để trẻ nhận được những lợi ích dinh dưỡng từ hải sản, cha mẹ nên cho trẻ ăn khẩu phần nhỏ gồm nhiều loại cá và động vật có vỏ từ 1-2 khẩu phần/tuần. Liều lượng hải sản khuyến nghị cho trẻ em phụ thuộc vào độ tuổi của bé, cụ thể:
- Trẻ từ 2-3 tuổi: Một khẩu phần ăn của bé khoảng 28,35g hải sản.
- Trẻ từ 4-7 tuổi: Một khẩu phần ăn của bé khoảng 56,7g hải sản.
- Trẻ từ 8-10 tuổi: Một khẩu phần ăn của bé khoảng 85,05g hải sản.
- Trẻ từ 11 tuổi trở lên: Một khẩu phần ăn của bé khoảng 113,4g hải sản.
Những lưu ý cần biết khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm với hải sản
Sau khi được giải đáp vấn đề “trẻ mấy tháng ăn được hải sản?”, chắc hẳn mẹ cũng quan tâm đến việc giúp con làm quen với hải sản khi ăn dặm như thế nào. Sau đây là những lưu ý quan trọng bạn cần biết khi “giới thiệu” hải sản cho bé:
1. Mỗi lần chỉ giới thiệu một loại hải sản
Hải sản là một nhóm thực phẩm gồm nhiều loại cá, tôm, cua, mực… Vì vậy, khi chưa biết phản ứng của cơ thể bé đối với các món này là gì thì cách tốt nhất là bạn nên cho con thử một loại duy nhất tại mỗi thời điểm. Đồng thời, bạn cần chú ý xay nhuyễn hoặc tán mịn thức ăn để giúp bé dễ nhai nuốt.
Đối với các loại hải sản thì bạn cần tránh cho trẻ tự cầm thức ăn có kích thước bằng đầu ngón tay, chẳng hạn như nguyên con tôm, cho đến khi khả năng cầm nắm của trẻ tốt hơn và trẻ có thể tự nhai/nuốt thức ăn thô mà không gặp vấn đề gì.
2. Chờ ít nhất 3 ngày trước khi cho trẻ chuyển sang ăn loại hải sản khác
Như đã đề cập khi giải thích “trẻ mấy tháng ăn được hải sản?”, hải sản là một trong những nguồn thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Do đó, khi cho con làm quen với các loại cá, tôm… khác nhau, ngoài việc cho trẻ thử ăn mỗi loại một lần thì bạn nên đợi ít nhất 3 ngày rồi mới chuyển sang loại khác. Trong thời gian này, bạn sẽ quan sát xem trẻ có dị ứng với thực phẩm đó hay không để có giải pháp ngăn ngừa.
3. Theo dõi các dấu hiệu của dị ứng thực phẩm ở trẻ
Nhìn chung, bất cứ khi nào cho trẻ ăn một loại hải sản mới, bạn nên quan sát theo dõi xem trẻ có các triệu chứng của dị ứng hay không? Một số dấu hiệu, triệu chứng đáng chú ý bao gồm phát ban trên da, sưng mặt, môi hoặc lưỡi, thở khò khè, nôn mửa, tiêu chảy… Nếu nhận thấy trẻ bị dị ứng hải sản, bạn nên nhanh chóng đưa con nhập viện để được chăm sóc y tế đúng cách và điều trị kịp thời.
4. Luôn nấu chín thức ăn cho trẻ
Trẻ ở độ tuổi ăn dặm không được khuyến khích ăn những món chưa nấu chín. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ khả năng để xử lý vi khuẩn, virus từ thực phẩm sống nên trẻ có thể ốm nặng nếu không ăn chín uống sôi. Do đó, dù là cho con ăn hải sản hoặc bất kỳ thực phẩm nào thì bạn cũng nên nấu chín kỹ. Tránh tuyệt đối việc cho trẻ ăn sushi ở giai đoạn này.
Nhìn chung, trẻ mấy tháng ăn được hải sản cũng là vấn đề cần được cân nhắc vì đây là nguồn thực phẩm gây dị ứng phổ biến. Hy vọng những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp qua bài viết đã giúp mẹ có được câu trả lời cho vấn đề mình quan tâm. Nếu có bất cứ lo lắng nào về dị ứng hải sản ở trẻ khi cho con ăn dặm, bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]