backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

10 thực phẩm cho thực đơn ăn dặm BLW để bé khỏe, mẹ vui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 11/01/2021

    10 thực phẩm cho thực đơn ăn dặm BLW để bé khỏe, mẹ vui

    Việc lên thực đơn ăn dặm BLW cho bé 6 tháng trở lên làm nhiều ba mẹ bối rối  không biết chọn thực phẩm gì vừa dễ ăn vừa giàu dinh dưỡng cho con yêu. Thật ra, các thực phẩm ăn dặm của bé cũng vô cùng phong phú đấy.

    Phương pháp ăn dặm BLW là cách ăn mà các bé 6 tháng tuổi trở lên được tự quyết định mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào thay vì ăn theo mong muốn của ba mẹ. Đây là cách ăn giúp các bé tự lập hơn nhưng cũng có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc chọn món cho con.

    Tuy nhiên, có rất nhiều thực phẩm vừa dinh dưỡng vừa thơm ngon để bạn có thể đưa vào thực đơn ăn dặm BLW cho bé trên 6 tháng tuổi.

    1. Thực đơn ăn dặm BLW nên có nguyên liệu cá hồi

    Cá hồi là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất cho trẻ em vì có hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào. Đây là nguồn giàu protein, axit béo omega-3, vitamin A, vitamin D, vitamin B, selen, kẽm, phốt pho, canxi và sắt.

    Đối với thực đơn ăn dặm BLW bạn không nên bỏ qua cá hồi bởi những lợi ích như:

    • Bảo vệ sức khỏe tim mạch
    • Ngăn ngừa ung thư
    • Bảo vệ sức khỏe não bộ
    • Bảo vệ chức năng nhận thức
    • Bảo vệ xương khớp
    • Giúp da và mắt khỏe mạnh

    Để đưa cá hồi vào thực đơn ăn dặm kiểu BLW, bạn có thể nướng cá hồi rồi nghiền cá nhẹ nhàng bằng nĩa để bé có thể ăn bằng tay hay tự xúc ăn.

    2. Quả bơ rất thích hợp với thực đơn ăn dặm BLW

    Bơ rất giàu các loại vitamin và khoáng chất như canxi, sắt, magie, kali, đồng, mangan, phốt pho, kẽm, vitamin C, B6, B12, A, D, K, E, thiamin, riboflavin, kali và niacin. Đây cũng là một nguồn chất béo lành mạnh và chất xơ dồi dào. Nhờ các dưỡng chất này, quả bơ mang lại cho bé một số lợi ích như sau:

    • Hỗ trợ tiêu hóa
    • Giúp da và tóc khỏe mạnh
    • Hỗ trợ gan hoạt động tốt
    • Tốt cho thận, mắt và tim mạch
    • Chống ung thư và chống oxy hóa.

    Khi cho bơ vào thực đơn ăn dặm BLW, bạn có thể cắt quả bơ thành 4 – 6 phần theo chiều dọc để bé tự cầm ăn.

    3. Thực đơn ăn dặm BLW, đừng bỏ qua lòng đỏ trứng

    thực đơn ăn dặm BLW

    Trứng rất giàu protein và chứa lượng lớn vitamin A, vitamin B-complex, vitamin D, E và K cũng như phốt pho, selen, canxi và kẽm. Ngoài ra, thực phẩm này cũng có nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng khác nhau, chẳng hạn như omega-3 và chất chống oxy hóa.

    Khi đưa trứng vào thực đơn ăn dặm BLW cho con, bạn hãy ưu tiên phần lòng đỏ vì phần này chứa nhiều calo và chất dinh dưỡng hơn.

    Ba mẹ có thể nấu lòng đỏ trứng bằng cách chiên hoặc luộc rồi cho bé ăn bằng nĩa hoặc muỗng. Chỉ cần 2 – 3 lòng đỏ trứng ăn cùng rau củ là bé đã có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng rồi đấy.

    4. Cải bó xôi: Loại rau nên có trong thực đơn ăn dặm BLW

    Cải bó xôi có nhiều khoáng chất, vitamin, sắc tố và dưỡng chất thực vật tốt cho sức khỏe như folate, vitamin A, niacin, vitamin B6, vitamin C, vitamin K, kali, mangan, kẽm, magie, sắt và canxi. Loại rau này có nhiều chất xơ không hòa tan có chức năng hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, cải bó xôi cũng rất tốt cho mắt và tim cũng như có đặc tính chống ung thư và chống oxy hóa.

    Khi kết hợp cải bó xôi vào thực đơn ăn dặm BLW, bạn có thể luộc cải để bé ăn kèm với các món khác trong bữa ăn.

    5. Nước hầm xương

    thực đơn ăn dặm blw

    Nước hầm xương cung cấp nhiều axit amin thiết yếu và các chất dinh dưỡng khác như canxi và magie. Loại thực phẩm này rất tốt cho hệ tiêu hóa, tóc và da cũng như giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ chống lại các bệnh cảm lạnh hay cảm cúm.

    Bạn có thể hầm xương hay gà để lấy nước hầm cho bé ăn cùng các loại rau củ mềm. Đối với món nước này, ba mẹ hãy giúp bé ăn thay vì để con tự múc nhé.

    6. Quả việt quất: Món ăn mới lạ trong thực đơn ăn dặm BLW

    Quả việt quất chứa nhiều dưỡng chất thực vật và chất chống oxy hóa. Đây cũng là một nguồn giàu vitamin C, vitamin K, vitamin B6, folate, kali, đồng và mangan.

    Loại quả này có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh trong não và thậm chí giúp phục hồi các tổn thương mô ở não và thần kinh trung ương. Một số lợi ích sức khỏe khác có thể kể đến là giúp xương chắc khỏe hơn, giảm huyết áp, ngăn ngừa ung thư, giảm viêm, kiểm soát bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe tim mạch.

    Bạn có thể rửa việt quất rồi nghiền nhẹ cho quả vỡ ra trước khi cho bé ăn để tránh bị nghẹn khi ăn cả quả. Khi bé đã quen với loại quả này, bạn có thể cho con ăn cả quả việt quất không nghiền. Bạn cũng có thể kết hợp mâm xôi vào thực đơn ăn dặm BLW theo cách này đấy.

    7. Chuối

    Chuối là món yêu thích của rất nhiều bé và cũng vô cùng giàu dinh dưỡng. Trong 126 gram chuối chứa 110 calo và 30 gram carbohydrate. Đây cũng là một nguồn giàu kali và chất xơ. Chuối còn chứa các vitamin và khoáng chất như vitamin C, B6, riboflavin, folate, phốt pho, canxi, mangan, magie và đồng.

    Bạn có thể cắt đôi quả chuối hoặc hẻ chuối thành thanh dài rồi để trẻ tự cắn và nhai. Đây sẽ là món ăn thơm ngon mà không tốn nhiều công sức chuẩn bị trong thực đơn ăn dặm BLW đấy.

    8.  Bông cải xanh

    thực đơn ăn dặm kiểu BLW

    Bông cải xanh rất giàu chất xơ và có chứa nhiều chất cần thiết khác như axit béo omega-3, vitamin A, beta carotene, vitamin B6, folate, vitamin C, vitamin E, vitamin B1, vitamin K, canxi, sắt, magie, kẽm, natri, kali, selen, crom, choline, mangan và phốt pho.

    Loại rau này có rất nhiều lợi ích sức khỏe như:

    • Ngăn ngừa ung thư
    • Cải thiện tiêu hóa
    • Giảm mức cholesterol
    • Thanh lọc cơ thể
    • Tăng cường hệ miễn dịch
    • Bảo vệ da
    • Loại bỏ viêm nhiễm
    • Cải thiện thị lực
    • Tối đa hóa sự hấp thụ vitamin và khoáng chất

    Bạn có thể hấp bông cải xanh cho đến khi mềm rồi trộn thêm bơ hoặc dầu ô liu để tăng thêm hương vị cho món ăn. Bạn lưu ý không nên cho trẻ những bông cải quá nhỏ vì những bông quá nhỏ sẽ khiến trẻ dễ bị nghẹn.

    9. Gan và thịt bò

    Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, lượng sắt trong sữa mẹ bắt đầu giảm nên bạn cần bổ sung sắt cho bé từ những nguồn thực phẩm khác. Tuy bạn có thể bổ sung sắt cho bé từ các nguồn thực vật như nho khô, cải bó xôi hay ngũ cốc nhưng sắt từ các nguồn động vật sẽ dễ hấp thụ hơn.

    Một trong những thực phẩm từ động vật giàu sắt thích hợp cho thực đơn ăn dặm kiểu blw là gan. Đây cũng là thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như:

    • Protein
    • Vitamin A
    • Tất cả các loại vitamin B, đặc biệt là vitamin B12
    • Axit folic
    • Lượng nhỏ các nguyên tố như đồng, kẽm và crom
    • Chất giúp chống mệt mỏi
    • CoQ10, một chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với chức năng tim mạch
    • Purin, hợp chất chứa nitơ đóng vai trò như tiền chất của DNA và RNA

    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho bé bổ sung sắt bằng thịt bò vì đây cũng là loại thịt rất giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ba mẹ cần lựa nguồn uy tín khi mua gan và thịt bò để đảm bảo an toàn cho bé nhé.

    Đối với thịt bò, ba mẹ có thể hầm mềm rồi cắt thịt thành từng miếng nhỏ hoặc nghiền thịt bằng nĩa rồi cho bé ăn. Với gan, bạn cũng có thể cắt thành từng miếng nhỏ rồi chiên hoặc áp chảo.

    10. Đừng bỏ qua khoai lang khi lên thực đơn ăn dặm BLW

    Khoai lang rất tốt cho tiêu hóa và rất dễ tiêu vì giàu magie và tinh bột. Đây cũng là một nguồn dồi dào chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin B6 và các khoáng chất như mangan và đồng. Loại củ này có thể giúp bé tăng cân, chống viêm, giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản và chống ung thư.

    Ba mẹ có thể nướng khoai lang rồi bẻ thành từng miếng nhỏ (nesu bé có thể tự cắn và nhai) hay nghiền nhỏ bằng nĩa hoặc xay bằng máy xay và để bé tự múc ăn.

    Có rất nhiều thực phẩm bạn có thể kết hợp vào thực đơn ăn dặm BLW cho bé có bữa ăn vừa dinh dưỡng vừa ngon miệng. Bạn có thể linh hoạt cho con yêu thử nhiều món để giờ ăn với trẻ thật vui vẻ nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 11/01/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo