backup og meta

Mách bạn cách đổi sữa cho bé dễ dàng và nhanh chóng

Mách bạn cách đổi sữa cho bé dễ dàng và nhanh chóng

Hành trình nuôi con bằng sữa công thức cũng khó khăn không kém việc nuôi con bằng sữa mẹ vì bạn luôn phải cân nhắc nhiều thứ khi chọn sữa cho con, cũng như cần đổi sữa nếu không hợp. Vậy cách đổi sữa cho bé nào là nhanh chóng và an toàn nhất khi loại sữa hiện tại đã không còn phù hợp với độ tuổi và nhu cầu dinh dưỡng của con?

Mỗi bé có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau và khẩu vị cũng khác nhau nên việc chọn sữa công thức thích hợp với con là việc không hề đơn giản. Thậm chí, bạn sẽ còn phải đổi sữa cho bé nếu loại sữa hiện tại không còn phù hợp với độ tuổi hay thể trạng của con. Do đó, việc biết cách đổi sữa cho bé nhanh gọn là rất quan trọng để bé luôn có đủ dưỡng chất cần thiết. Mời bạn cùng tham khảo những thông tin hữu ích xoay quanh việc đổi sữa cho con trong bài viết sau của Hello Bacsi. 

Nuôi con bằng sữa mẹ hay bằng sữa công thức?

Theo khuyến nghị của bác sĩ, bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời và nếu có thể hãy duy trì cho đến khi bé được ít nhất 2 tuổi. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, mẹ có thể không đủ sữa hoặc không thể cho con bú trong thời gian dài vì nhiều lý do khác nhau. Lúc này, bạn bắt buộc phải cho bé dùng thêm sữa công thức để con có đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, mỗi loại sữa công thức đều có mùi vị và thành phần dinh dưỡng khác nhau nên bạn có thể sẽ cần đổi sữa cho bé nếu loại sữa hiện tại không còn phù hợp.

Dấu hiệu bạn nên đổi sữa cho bé 

cách đổi sữa cho bé

Nuôi con bằng sữa công thức cũng là một hành trình không kém phần gian nan vì bạn có thể sẽ phải thay đổi nhiều loại sữa nếu thấy bé có dấu hiệu không hợp với loại sữa hiện tại. Bạn có thể quan sát dấu hiệu sức khỏe, sự hứng thú khi bú, tốc độ tăng cân và độ tuổi của bé để quyết định có nên tìm cách đổi sữa cho bé không.

1. Bé gặp một số vấn đề sức khỏe

Dấu hiệu cho thấy sữa công thức hiện tại không phù hợp là bé thường xuyên bị tiêu chảy, nôn mửa sau khi bú. Bạn có thể thử bằng cách giảm lượng sữa ở mỗi cữ bú của bé trong khoảng 1 – 2 ngày và quan sát xem tình trạng của bé có cải thiện sau khi giảm lượng sữa không. Nếu có, bạn có thể bắt đầu tìm loại sữa công thức khác phù hợp hơn cho bé.

2. Bé không hào hứng mỗi khi bú

Bé bú ít và không hào hứng với chuyện bú rất có thể là do mùi vị của sữa không đúng sở thích của con. Ngoài ra, bé cũng có thể ít bú và chậm tăng cân do một số nguyên nhân như:

  • Bé bị dị ứng đạm sữa bò.
  • Bé sinh non trước tuần 37 mang thai.
  • Bé bị bệnh viêm ruột hoặc cấu trúc ống tiêu hóa có bất thường.
  • Bé gặp một số vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh thần kinh, thiếu máu, không dung nạp lactose…

Bạn có thể cho bé thử một số loại sữa công thức khác nhau để tìm ra loại bé thích và ưu tiên lựa chọn loại sữa tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

3. Bé chậm hoặc không lên cân

cách đổi sữa cho bé: căn cứ vào dấu hiệu

Thêm một dấu hiệu mà bạn nên cân nhắc về việc tìm cách đổi sữa cho bé là tốc độ tăng cân của trẻ. Theo các chuyên gia nhi khoa, tốc độ tăng cân tiêu chuẩn trung bình của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:

  • Trong 3 tháng đầu đời: Bé có thể tăng 600 – 800 gram, thậm chí là 1 kg trong 1 tháng. Đây là giai đoạn tăng trưởng cân nặng mạnh mẽ nhất của trẻ. 
  • Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6: Bé sẽ bắt đầu tăng cân ổn định hơn với tốc độ khoảng 500 gram mỗi tháng.
  • Từ tháng thứ 7 trở đi: Bé tăng khoảng 400 – 500 gram mỗi tháng.

Nếu cân nặng của bé tăng ít hơn 20% so với tốc độ tăng cân tiêu chuẩn trung bình trên thì bé có thể đang trong tình trạng chậm lên cân. Điều này có thể do nguồn dinh dưỡng trẻ hấp thu từ sữa hiện tại là không đủ nên mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc đổi sữa cho bé.

4. Độ tuổi của bé không còn phù hợp với loại sữa hiện tại

Mọi loại sữa công thức đều nêu rõ độ tuổi phù hợp với trẻ. Nếu bé không còn nằm trong độ tuổi chỉ định của hãng sữa, ba mẹ có thể cân nhắc đổi sữa phù hợp với độ tuổi con hơn vì sữa công thức cho từng nhóm tuổi sẽ có thành phần dinh dưỡng khác nhau. Nhìn chung, sữa công thức cho từng nhóm tuổi sẽ có những đặc điểm sau:

  • Sữa cho bé từ 0 đến 6 tháng tuổi: Bạn nên ưu tiên các loại sữa có chứa DHA và ARA để giúp bé phát triển trí não và thị lực tốt nhất.
  • Sữa cho bé từ 6 đến 12 tháng tuổi: Sữa công thức dành riêng cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi cần chứa nhiều canxi và sắt để hỗ trợ quá trình phát triển của xương và não của bé.
  • Sữa cho bé từ 12 đến 24 tháng tuổi: Ba mẹ hãy ưu tiên chọn các loại sữa công thức giàu vitamin và khoáng chất cho bé trong độ tuổi này.

Bật mí cách đổi sữa cho bé giúp bé khỏe mẹ nhàn

Trong việc đổi sữa công thức cho bé, trước tiên, bạn cần chọn được loại sữa mới phù hợp với độ tuổi và khẩu vị của con. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng quy trình giúp bé làm quen sữa mới một cách hiệu quả. Hãy tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được ngay sau đây! 

1. Chọn loại sữa mới phù hợp

cách đổi sữa cho bé: chọn loại sữa phù hợp

Sữa công thức mới phải phù hợp với độ tuổi và sở thích của bé.

Chọn sữa phù hợp với độ tuổi

Ở mỗi độ tuổi, bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nên nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau. Vậy nên, bạn cần quan sát và cân nhắc kỹ để lựa chọn sữa phù hợp với nhu cầu của bé. 

  • Trong 3 tháng đầu: Bé sẽ phát triển mạnh về thể chất và cân nặng.
  • Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6: Đây là giai đoạn cơ thể bé tích trữ năng lượng.
  • Từ tháng thứ 7 đến 1 tuổi: Ở giai đoạn này, cơ thể bé sẽ chuyển hóa các chất mạnh mẽ hơn.

Trong 3 – 6 tháng đầu, bạn cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ trong việc dụng sữa công thức cho bé. Những tháng đầu đời là lúc đầu hệ miễn dịch của bé còn chưa ổn định nên bạn cũng nên hạn chế thay đổi sữa trong giai đoạn này. Khi được 7 tháng tuổi, bé đã phát triển cân nặng ổn định và hệ miễn dịch cũng hoạt động hiệu quả hơn nên bạn có thể thay đổi sữa dựa vào các dấu hiệu của bé.

Chọn vị sữa mà bé thích

Chọn sữa có mùi vị mà bé thích cũng là cách giúp bé hào hứng hơn với mỗi cữ bú, thúc đẩy quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của con. Vậy nên, khi đã chọn được những loại sữa có thành phần dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn phát triển của con, bạn hãy ưu tiên vị sữa mà bé thích. Để chọn được loại sữa phù hợp với khẩu vị của bé, bạn hãy quan sát biểu hiện của bé với từng loại sữa khi bé thử một loại sữa công thức mới.

Tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ

Để đảm bảo an toàn cho bé, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khi chọn sữa công thức mới cho con. Bạn hãy thảo luận cùng bác sĩ về thành phần dinh dưỡng trong sữa cũng như thể trạng của con để được tư vấn sản phẩm sữa phù hợp nhất. 

2. Cách đổi sữa cho bé theo từng lộ trình cụ thể 

Có nhiều cách đổi sữa cho bé khác nhau mà bạn có thể cân nhắc tùy vào độ tuổi và lịch sinh hoạt của con. Dưới đây là các cách đổi sữa cho bé phổ biến được nhiều mẹ bỉm áp dụng: 

Đổi ngay mà không qua giai đoạn chuyển tiếp

Nếu bé đã có hệ miễn dịch ổn định, cân nặng hợp lý cùng thể trạng tốt và thuộc típ “dễ ăn”, bạn có thể cho bé đổi sữa ngay lập tức mà không cần phải trải qua quãng thời gian chuyển đổi. Thông thường, giai đoạn bé đủ thể trạng để đổi sữa ngay lập tức là khoảng 6 – 7 tháng tuổi. Nếu bạn và bác sĩ đã chọn được sữa có thành phần dinh dưỡng và mùi vị phù hợp với bé thì có thể cho con dùng ngay trong thời điểm này.

Đổi sữa có giai đoạn chuyển tiếp

cách đổi sữa cho bé có giai đoạn chuyển tiếp

Để đổi sữa cho con, ba mẹ có thể sắp xếp cho con một giai đoạn chuyển tiếp để bé thích nghi dần với sữa công thức mới. Đây cũng là khoảng thời quan để ba mẹ quan sát tình trạng sức khỏe của con sau khi đổi sữa. Cách đổi sữa có giai đoạn chuyển tiếp cho bé như sau:

  • Pha sữa với tỉ lệ sữa mới bằng 1/3 tổng lượng sữa trong 2 – 3 ngày. Bạn quan sát thấy trẻ không có hiện tượng bú ít, bỏ bú hay tiêu chảy thì tiếp tục tăng tỉ lệ sữa mới trong những ngày tiếp theo.
  • Pha sữa với tỉ lệ sữa mới bằng 1/2 tổng lượng sữa trong 2 – 3 ngày và tiếp tục quan sát biểu hiện khi bú và tình hình sức khỏe của con.
  • Pha sữa với tỉ lệ sữa mới bằng 2/3 tổng lượng sữa trong 2 – 3 ngày và tiếp tục quan sát như trước.
  • Sau khoảng thời gian chuyển tiếp trên, bé đã quen với sữa mới và bạn có thể bắt đầu cho con uống sữa mới hoàn toàn. 

Đổi sữa luân phiên

Khác với cách đổi sữa cho bé trên, cách đổi sữa luân phiên sẽ không yêu cầu bạn trộn hai loại sữa công thức với nhau. Theo cách này, bạn sẽ cho bé bú luân phiên loại sữa hiện tại và loại sữa mới ở mỗi cữ bú. Bạn có thể tham khảo lịch trình đổi sữa luân phiên cho bé như sau:

Cữ bú 1 Cữ bú 2 Cữ bú 3 Cữ bú 4 Cữ bú 5
Ngày 1 – 3 Sữa hiện tại Sữa mới Sữa hiện tại Sữa hiện tại Sữa hiện tại
Ngày 4 – 6 Sữa hiện tại Sữa mới Sữa mới Sữa hiện tại Sữa hiện tại
Ngày 7 – 9 Sữa hiện tại Sữa mới Sữa mới Sữa mới Sữa hiện tại
Ngày 10 – 12 Sữa mới Sữa mới Sữa mới Sữa mới Sữa hiện tại
Ngày 12 – 15 Sữa mới Sữa mới Sữa mới Sữa mới Sữa mới

Cách đổi sữa cho bé thật ra không khó nếu bạn tìm hiểu kĩ thành phần dinh dưỡng trong sữa và quan sát biểu hiện của con và có thêm sự tư vấn của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng. Với loại sữa mới phù hợp hơn, bé sẽ nhận được dưỡng chất đáp ứng đúng nhu cầu tăng trường và phát triển toàn diện.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Feeding your baby with formula

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/feeding-your-baby-with-formula Truy cập ngày 20/8/2023

How to make up baby formula

https://www.nhs.uk/conditions/baby/breastfeeding-and-bottle-feeding/bottle-feeding/making-up-baby-formula/ Truy cập ngày 20/8/2023

Amount and Schedule of Formula Feedings

https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/formula-feeding/Pages/Amount-and-Schedule-of-Formula-Feedings.aspx Truy cập ngày 20/8/2023

Formula feeding

https://www.tommys.org/pregnancy-information/after-birth/feeding-your-baby/formula-feeding Truy cập ngày 20/8/2023

Bottle-Feeding (Formula) Questions

https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/bottle-feeding-formula-questions/ Truy cập ngày 20/8/2023

Phiên bản hiện tại

18/09/2023

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 18/09/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo