backup og meta

6 điều bạn cần biết trước khi cho bé dùng túi nhai ăn dặm

6 điều bạn cần biết trước khi cho bé dùng túi nhai ăn dặm

Túi nhai ăn dặm có thể giúp bé tập ăn những món khó cầm và giảm nguy cơ hóc, nghẹn khi bé ăn. Thế nhưng, ba mẹ vẫn cần cân nhắc một số hạn chế của túi nhai khi cho bé ăn dặm bằng dụng cụ này.

Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, bé có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm hay nhai một số loại thực phẩm nên sẽ cần tới sự trợ giúp của túi nhai. Tuy nhiên, việc dùng túi nhai ăn dặm cũng có một số hạn chế nếu bạn quá lạm dụng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo những thông tin sau. 

Túi nhai ăn dặm là gì?

Túi nhai ăn dặm cho bé là một chiếc túi nhỏ bằng silicon có nhiều lỗ hoặc túi lưới được gắn vào tay cầm để giúp trẻ dễ dàng cầm nắm. Ba mẹ sẽ để thực phẩm vào túi này và để trẻ tự thử hương vị, kết cấu của thực phẩm đó.

Túi này cho phép bé thử được hương vị và kết cấu của thức ăn mà không phải xử lý những miếng thức ăn lớn nên sẽ giảm được nguy cơ bị nghẹn khi tập ăn thức ăn đặc. Đối với những bé đang khó chịu vì mọc răng, túi nhai ăn dặm có thể là một công cụ hữu ích vì ba mẹ có thể bỏ trái cây ướp lạnh vào túi rồi để bé ngậm để giảm đau.

Tuy nhiên, túi nhai cho bé ăn dặm sẽ khiến bé không trải nghiệm được hết kết cấu của thực phẩm vì bé sẽ tiếp xúc chủ yếu với phần túi hay lưới của túi nhai thay vì tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn. Vậy nên, bạn cần cân nhắc những ưu điểm và hạn chế của vật dụng này trước khi cho bé dùng.

Ưu điểm của túi nhai ăn dặm mà bé sẽ thích mê 

túi nhai ăn dặm cho bé

Túi nhai cho bé ăn dặm có một số ưu điểm như sau: 

  • Giúp trẻ dễ cầm nắm những thức ăn quá mềm: Các bé có thể khó cầm được những thức ăn quá mềm như miếng bơ hay miếng xoài chín cắt lát nên sẽ cần tới sự trợ giúp của túi nhai khi ăn những thực phẩm này.
  • Giảm nguy cơ bé bị nghẹn: Khi bé chuyển từ việc bú sữa và ăn thức ăn nhuyễn sang ăn dặm bằng thức ăn đặc, bạn có thể lo lắng rằng con chưa quen và dễ bị nghẹn. Nếu dùng túi nhai, sự lo lắng này sẽ giảm đáng kể. 
  • Món đồ chơi thú vị trong khi bé chờ được ăn: Khi đang bận rộn chuẩn bị bàn ăn, bạn có thể cho bé chơi túi nhai để bé chịu ngồi yên và không quấy khóc. 
  • Giúp bé giảm khó chịu khi mọc răng: Bạn có thể bỏ đồ lạnh như đá viên hay sữa mẹ đông lạnh vào túi nhai rồi cho trẻ ngậm để bớt cảm giác khó chịu khi mọc răng hoặc bớt nóng trong những ngày hè. Nếu không có túi, việc cho bé ngậm đá viên hay sữa mẹ đông lạnh sẽ khá khó khăn và còn có thể gây nghẹn đấy. 

Hạn chế của túi nhai ăn dặm bố mẹ cần biết

Dù khá tiện lợi cho cả bé và ba mẹ, nhưng vật dụng này vẫn có thể có những hạn chế như sau:

  • Bé không cảm nhận được kết cấu đồ ăn: Khi ăn bằng túi nhai, trẻ không thể làm quen được với kết cấu thật của thức ăn mà chỉ cảm nhận được kết cấu của lưới hay túi đựng đồ ăn. 
  • Trẻ không có cơ hội học cách dùng tay: Nếu chỉ cầm túi nhai, con yêu sẽ bỏ lỡ cơ hội tập cầm nắm đồ ăn bằng tay, từ đó khó phát triển khả năng cầm nắm cần thiết. 
  • Bé không học được cách nhai thức ăn: Con cần học cách ăn bằng cách cắn thức ăn rồi dùng lưỡi di chuyển miếng thức ăn đó quanh miệng. Túi nhai ăn dặm sẽ cản trở quá trình học nhai và ăn này. 
  • Túi nhai cho bé ăn dặm khó vệ sinh: Túi nhai có lưới và nhiều lỗ nhỏ nên có thể khó vệ sinh nếu bạn chưa quen.

Bé mấy tuổi dùng túi nhai được?

Các bé đủ tuổi ăn dặm bằng thức thực phẩm đặc là đã có thể dùng túi nhai khi ăn. Độ tuổi tối thiểu để trẻ có thể thử bất kỳ loại thức ăn đặc nào là 17 tuần và bạn không nên cho bé ăn dặm trước độ tuổi này. Ba mẹ có thể đợi bé được 6 tháng tuổi mới cho con ăn dặm bằng thức ăn đặc bằng túi nhai.

Thực phẩm dùng với túi nhai ăn dặm

túi nhai cho bé ăn dặm

Nếu chưa biết nên cho trẻ ăn dặm món gì, bạn có thể tham khảo các thực phẩm sau đây :

  • Quả mâm xôi
  • Dâu tây
  • Dưa lưới vàng
  • Dưa bở
  • Trái chuối
  • Xoài
  • Khoai lang nướng
  • Bí đỏ nướng
  • Trái lê
  • Dưa chuột đã gọt vỏ
  • Dưa hấu
  • Nho
  • Các loại thịt đỏ đã nấu chín như bít tết

Hướng dẫn cách vệ sinh túi ăn dặm cho bé 

Bạn có thể dùng đồ vệ sinh bình sữa cho bé để vệ sinh phần lưới hay túi đựng đồ ăn dưới vòi nước chảy. Việc vệ sinh sẽ dễ dàng hơn nếu bạn rửa túi ngay sau khi bé ăn xong chứ không để lâu.

Túi nhai ăn dặm là dụng cụ vô cùng hữu ích trong khoảng thời gian bé vừa chuyển từ bé sữa mẹ và ăn thức ăn nhuyễn sang ăn thức ăn đặc. Thế nhưng nếu chỉ dùng túi nhai mà không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, con sẽ khó cảm nhận được trọn vẹn đồ  ăn cũng như chậm phát triển các kỹ năng ăn uống. Vậy nên, bạn hãy cân bằng việc để bé ăn trực tiếp và dùng túi nhai cho bé ăn dặm nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 Reasons Your Baby Needs A Mesh Feeder

http://www.candokiddo.com/news/mesh-feeder ngày truy cập 02/02/2021

BABY WEANING – SHOULD YOU USE A MESH FEEDER?

https://the-gentle-touch.com/weaning-should-you-use-mesh-feeder/ ngày truy cập 02/02/2021

ULTIMATE GUIDE TO BABY FEEDERS

https://www.yummytoddlerfood.com/advice/cooking-tips/ultimate-guide-to-baby-feeders/ ngày truy cập 02/02/2021

 

Phiên bản hiện tại

04/02/2021

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 04/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo