Đối với mỗi nhu cầu hoặc cảm xúc, trẻ sơ sinh sẽ có những tiếng khóc khác nhau để gây sự chú ý với ba mẹ. Nếu bạn chưa tự tin vào khả năng “đoán ý” con thông qua tiếng khóc thì việc tham khảo một số chỉ dẫn sẽ giúp ích rất nhiều. Hãy cùng “giải mã” tiếng khóc của trẻ sơ sinh đối với một số nhu cầu cơ bản hàng ngày của bé trong bài viết sau.
Tiếng khóc của con đang muốn “nói” gì với mẹ?
Ngay giây phút chào đời, mỗi em bé đều khóc thật to như muốn “thông báo” rằng mình đã đến với cuộc sống của ba mẹ. Khi được sinh ra, trẻ sơ sinh đã có bản năng khóc và khóc cũng là cách trẻ “giao tiếp” và “chia sẻ” với ba mẹ các vấn đề con đang gặp như đói bụng, tã ướt, khó chịu, mệt mỏi, quá nóng hoặc quá lạnh, đau, cần được bế… [1], [2].
Khi bé đói bụng
Khi bé đói bụng, tiếng khóc của trẻ sơ sinh có thể tạo âm nghe như “Nèh”. Trẻ có thể khóc to, tiếng khóc trầm, nhịp nhàng, lặp đi lặp lại kèm theo các dấu hiệu đói bụng như nhóp nhép miệng, mút tay, dụi đầu vào ngực mẹ tìm kiếm vú mẹ… [3].
Trong những tháng đầu đời, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn hay bắt đầu khóc vào buổi chiều tối. Trẻ có thể khóc hơn 3 giờ mỗi ngày và trong ít nhất 3 tuần. Đây là hiện tượng dân gian gọi là khóc dạ đề và khiến nhiều ba mẹ hết sức lo lắng, mệt mỏi, đặc biệt là những ai làm ba mẹ lần đầu [1].
Thực tế, nguyên nhân của việc trẻ khóc dạ đề vẫn chưa được xác định rõ và có thể do rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp thường xuất phát từ việc bụng trẻ cảm thấy khó chịu do hệ tiêu hóa non nớt của con đang gặp các “rắc rối” [4]. Đặc biệt, với các bé dùng sữa ngoài thì “thủ phạm” còn có thể là do công thức sữa bé dùng.
Khi bé gắt ngủ, buồn ngủ
Khi trẻ mệt mỏi, buồn ngủ nhưng không thể ngủ được thì trẻ sơ sinh thường khóc vì gắt ngủ. Trường hợp này, tiếng khóc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ tạo âm thanh nghe như “Aoh”. Ban đầu tiếng khóc có thể nhỏ, rên rỉ liên tục nhưng sẽ ngày càng lớn kèm theo các tín hiệu như miệng bé mở to để ngáp, lưỡi dẹt xuống và thụt vào, bé đưa tay dụi mắt, kéo tai… [3].
Khi bé khó chịu, không thoải mái
Tiếng khóc của trẻ bắt đầu có thể nghe như “Héh” với âm H mềm dễ nhận ra, cho thấy trẻ đang khó chịu vì quá nóng hoặc quá lạnh, tư thế bú, nằm không thoải mái, hăm tã… cần được ba mẹ kiểm tra [3].
Khi bé cảm thấy buồn chán, cần sự chú ý
Khi trẻ cảm thấy chán hoặc mong muốn được chú ý, tiếng khóc có thể tạo âm thanh nghe như “Lelaol”. Tiếng khóc ban đầu có thể nhỏ, nghe hơi trầm thấp, buồn bã, cho thấy trẻ cần ba mẹ tương tác, trò chuyện hoặc bế trẻ lên. Tuy nhiên, tiếng khóc của bé cũng có thể trở nên to hơn, chuyển sang trạng thái quấy khóc nếu trẻ cảm thấy ba mẹ phớt lờ “tín hiệu” này [3].
Ba mẹ cần làm gì khi nghe con khóc? Làm sao giúp trẻ bớt quấy khóc?
Ba mẹ hãy luôn “đáp lại” tiếng khóc của con
Về cơ bản, khi nghe con khóc, bước đầu tiên là mẹ cần đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của con [6]. Bạn cần kiểm tra xem bé có đói, có mệt, khó chịu chỗ nào không…. Từ đó, mẹ có thể đáp lại tiếng khóc của bé bằng những cách như cho bé bú ngay khi con có dấu hiệu đói bụng, vỗ ợ hơi cho bé, thay tã bẩn, dỗ cho bé đi ngủ… [7]. Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra tay chân của bé, kiểm tra xem bé có bị quá nóng hay quá lạnh không, kiểm tra các yếu tố kích thích khác như tiếng ồn, ánh sáng… gây khó chịu cho trẻ [2] để nhanh chóng khắc phục.
Đa phần nguyên nhân khiến trẻ phải khóc để “gọi” mẹ là do quá đói. Vì vậy, mẹ chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ giàu đạm mềm tự nhiên để giúp con êm bụng, ngủ ngoan. Tuy nhiên, nếu trẻ đang dùng sữa ngoài và mẹ nghi ngờ bé khóc dạ đề do các vấn đề về tiêu hóa, mẹ cần tìm cách khắc phục bằng cách đổi cho bé một công thức sữa “êm dịu” tiêu hóa, giúp bé dễ tiêu, dễ hấp thu.
Cố gắng xoa dịu bé
Chắc hẳn sẽ có lúc bạn đã đáp ứng mọi nhu cầu nhưng bé vẫn khóc [1]. Điều này là bình thường vì nhiều trẻ có thể khóc 15 phút đến 1 giờ mà không thể giải thích nguyên nhân [7]. Vì vậy, ngoài việc giải quyết các nhu cầu cơ bản, mẹ cũng cần cố gắng xoa dịu sự khó chịu của bé bằng nhiều cách khác nhau.
Nhiều bé có thể thích chuyển động nên bạn có thể đu đưa con nhẹ nhàng, bế con đi lại trong phòng…. Một số bé lại cảm thấy được xoa dịu với những âm thanh như tiếng nhạc nhẹ, tiếng ồn trắng… [1]. Ngoài ra, bạn cũng có thể xoa dịu cơn quấy khóc của trẻ bằng cách cho con tắm nước ấm hoặc massage [8]. Tuy nhiên, mẹ sẽ cần thời gian để xác định bé thích được xoa dịu bằng cách nào, từ đó lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất để giúp con ít quấy khóc [1].
Hãy trò chuyện với em bé
Dù trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thể hiểu những gì bạn nói nhưng giọng nói của ba mẹ có thể giúp bé cảm nhận được sự an toàn. Vì vậy, bạn có thể hôn con, ôm con để giúp em bé cảm thấy thế giới mới là một nơi êm dịu [1]. Việc mẹ ôm bé cũng có thể đem đến nhiều trải nghiệm quen thuộc cho con từ nhịp tim, cảm giác trên da, hơi thở, mùi, chuyển động cơ thể của mẹ… và điều này có thể giúp xoa dịu cơn quấy khóc của trẻ [2].
Trẻ sơ sinh khóc là một phản ứng tự nhiên cần được ba mẹ thấu hiểu. Theo thời gian, ba mẹ có thể thành thạo hơn trong việc “đọc vị” tiếng khóc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của con nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ khóc lâu hơn bình thường, kèm theo những triệu chứng như sốt, bú kém, khó thở… bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.
[embed-health-tool-vaccination-tool]