Tính chất phân trẻ sơ sinh không chỉ đơn thuần là chất thải mà còn là một “tấm gương” phản chiếu tình trạng tiêu hóa và sức khỏe tổng thể của con.
Thông qua việc quan sát màu sắc, kết cấu, tần suất đi ngoài của bé, cha mẹ có thể sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp.
Phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Phân trẻ sơ sinh bình thường sẽ có những đặc điểm khác nhau với các từng mốc thời điểm tương ứng:
- Phân su trong 1–2 ngày đầu sau sinh: Trong khoảng 24-48 giờ đầu sau khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ thải ra phân su. Phân su có màu xanh đen hoặc đen sẫm, đặc, dính và không có mùi. Đây là những chất mà bé đã tích tụ trong ruột khi còn trong bụng mẹ (nước ối, tế bào ruột, mật…). Việc thải hết phân su là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé bắt đầu hoạt động.
- Sự thay đổi màu sắc và kết cấu phân theo thời gian: Sau giai đoạn phân su, màu phân của trẻ sơ sinh và kết cấu sẽ dần thay đổi. Thông thường, phân sẽ chuyển sang màu xanh rêu, sau đó là vàng hoặc hơi xanh. Kết cấu phân cũng lỏng hơn, có thể sệt sệt hoặc có hạt.
Sự khác biệt giữa phân của trẻ bú mẹ và bú sữa công thức:
- Trẻ bú mẹ: Phân thường có màu vàng tươi hoặc hơi xanh, kết cấu lỏng, hơi sệt, có thể có hạt nhỏ li ti (nhìn giống hạt cải). Mùi phân thường nhẹ, hơi chua. Bé bú mẹ hoàn toàn có thể đi ngoài nhiều lần trong ngày (5-6 lần, thậm chí sau mỗi cữ bú) hoặc vài ngày mới đi một lần, điều này vẫn được coi là bình thường nếu phân mềm và bé bú tốt, tăng cân đều.
- Trẻ bú sữa công thức: Phân thường có màu vàng nhạt, nâu nhạt hoặc xanh rêu. Kết cấu phân đặc hơn, giống như bột hồ hoặc bơ đậu phộng. Mùi phân thường nặng hơn so với trẻ bú mẹ. Tần suất đi ngoài của trẻ bú sữa công thức thường ít hơn trẻ bú mẹ.
[embed-health-tool-child-growth-chart]
Hình ảnh phân trẻ sơ sinh bình thường
Các hình ảnh loại phân trẻ sơ sinh bình thường mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Phân su: Màu đen hoặc xanh đen sẫm, đặc, dính.
- Phân chuyển tiếp (sau giai đoạn phân su): Màu xanh rêu hoặc vàng nâu, lỏng hơn phân su.
- Phân của trẻ bú mẹ: Màu vàng tươi hoặc hơi xanh, lỏng, có hạt, mùi hơi chua.
- Phân của trẻ bú sữa công thức: Màu vàng nhạt, nâu nhạt hoặc xanh rêu, đặc hơn, mùi nồng hơn.
Màu phân của trẻ sơ sinh và ý nghĩa
Thông qua màu phân của trẻ, ba mẹ cũng có thể “bắt mạch” một số vấn đề sức khỏe của con, chẳng hạn như:
- Phân vàng: Thường gặp ở trẻ bú mẹ, phân có màu vàng. Đây là dấu hiệu tiêu hóa tốt.
- Phân nâu: Thường gặp ở trẻ bú sữa công thức, có thể có các sắc độ nâu khác nhau.
- Phân xanh lá cây: Có thể bình thường, đặc biệt ở trẻ bú sữa công thức có chứa sắt hoặc khi sữa mẹ xuống nhanh khiến bé bú phải nhiều sữa đầu giàu lactose hơn. Tuy nhiên, nếu phân xanh kèm theo các dấu hiệu bất thường khác (tiêu chảy, quấy khóc, sốt), cần theo dõi sát sao.
- Phân đỏ: Phân trẻ sơ sinh có màu đỏ thường là dấu hiệu báo động với ba mẹ. Bởi lúc này có thể phân có lẫn máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm là dấu hiệu bất thường, có thể do nứt kẽ hậu môn, nhiễm trùng đường ruột hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn. Ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.
- Phân trắng xám: Phân có màu trắng, xám như đất sét có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan hoặc mật. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
- Phân đen (sau giai đoạn phân su): Nếu phân đen như hắc ín (không phải phân su) có thể là dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa trên. Ba mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám ngay.
Trẻ sơ sinh đi phân xanh: Nguyên nhân và cách xử lý
Các trường hợp trẻ sơ sinh đi phân xanh thường liên quan đến sắc tố mật từ gan với các nguyên nhân phổ biến như:
- Bú sữa công thức có hàm lượng sắt cao.
- Mẹ ăn nhiều rau xanh đậm.
- Bé bú phải nhiều sữa đầu (sữa chứa nhiều lactose, ít chất béo) và ít sữa cuối (giàu chất béo hơn).
- Bé nhạy cảm với một loại thực phẩm nào đó trong chế độ ăn của mẹ (nếu bú mẹ) hoặc thành phần trong sữa công thức.
- Do thuốc bé hoặc mẹ đang sử dụng.
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn đường ruột nhẹ.
Nếu trẻ bú mẹ, mẹ có thể thử điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế các thực phẩm dễ gây dị ứng. Đảm bảo bé bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để nhận đủ cả sữa đầu và sữa cuối.
Trường hợp trẻ bú sữa công thức, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đổi loại sữa phù hợp hơn và theo dõi sát tình trạng của bé.
Khi thấy trẻ tiêu phân xanh kèm theo sốt, nôn trớ, tiêu chảy, mất nước với các biểu hiện như môi khô, tiểu ít. Bé quấy khóc nhiều, bỏ bú, lừ đừ và phân có lẫn chất nhầy thì ba mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ.
Phân sống ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách xử lý
Phân sống ở trẻ sơ sinh là tình trạng phân lợn cợn, còn nguyên thức ăn chưa tiêu hóa hết, có thể kèm theo bọt, nhầy và mùi chua.
Nguyên nhân gây phân sống:
- Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa hoàn thiện.
- Trẻ bú quá no hoặc khoảng cách giữa các cữ bú quá gần.
- Mẹ ăn nhiều đồ dầu mỡ, khó tiêu (nếu trẻ bú mẹ).
- Sữa công thức không phù hợp.
- Rối loạn tiêu hóa hoặc nhiễm khuẩn nhẹ.
Nếu ba mẹ quan sát thấy trẻ đi phân sống thì cần lưu ý những điều sau đây:
- Cho bé bú lượng vừa đủ, không ép bé bú quá nhiều.
- Nếu bú mẹ, mẹ nên xem lại chế độ ăn của mình, hạn chế đồ dầu mỡ, khó tiêu.
- Nếu bú sữa công thức, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi loại sữa dễ tiêu hóa hơn.
- Theo dõi tình trạng phân và sức khỏe chung của bé. Nếu phân sống kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác, cần đưa bé đi khám.
Phân trẻ sơ sinh bị tiêu chảy: Nhận biết và xử trí
Phân trẻ sơ sinh bị tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng như nước, nhiều lần hơn bình thường. Đây là một vấn đề cần được quan tâm vì trẻ sơ sinh rất dễ bị mất nước. Vậy nên ba mẹ cần lưu ý các dấu hiệu phân sơ sinh cho thấy con đang có thể bị tiêu chảy:
- Phân lỏng toé nước.
- Số lần đi ngoài tăng đột ngột, nhiều hơn 3 lần/ngày.
- Phân có thể có màu xanh, vàng, có nhầy hoặc thậm chí có máu.
- Bé có thể kèm theo sốt, nôn trớ, mệt mỏi, quấy khóc, bỏ bú, dấu hiệu mất nước (môi khô, mắt trũng, thóp lõm, ít đi tiểu).
Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiễm virus (Rotavirus là phổ biến nhất), vi khuẩn, ký sinh trùng; dị ứng sữa hoặc thực phẩm; sử dụng thuốc kháng sinh. Trường hợp bị tiêu chảy thì biến chứng nguy hiểm nhất là mất nước và điện giải, có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được xử trí kịp thời.
Vì vậy bù nước và điện giải là ưu tiên hàng đầu khi trẻ có dấu hiệu của tiêu chảy. Nếu bú mẹ, hãy tăng cường cho bé bú nhiều hơn. Trường hợp bú sữa công thức, vẫn tiếp tục cho bú và có thể cho trẻ dùng theo dung dịch bù nước điện giải (ORS) theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ba mẹ theo sát các dấu hiệu mất nước và đưa trẻ đi khám ngay nếu:
- Tiêu chảy nhiều, phân toàn nước.
- Có dấu hiệu mất nước.
- Sốt cao.
- Nôn trớ nhiều.
- Phân có máu.
- Bé lừ đừ, mệt mỏi, bỏ bú.
- Tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ mà không cải thiện.
Theo dõi phân của trẻ sơ sinh là một việc làm cần thiết giúp cha mẹ nắm bắt được tình hình sức khỏe của con. Việc hiểu rõ phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường và nhận biết được các dấu hiệu bất thường sẽ giúp cha mẹ có những can thiệp kịp thời, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bé. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về phân của con mình.