Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần nhiều thời gian để phát triển và hoàn thiện. Trong đó, khoảng trống miễn dịch ở thời thơ ấu là giai đoạn mà trẻ đối diện với nhiều nguy cơ mắc bệnh nên ba mẹ cần hiểu rõ để chăm sóc trẻ. Vậy khoảng trống miễn dịch là gì? Làm sao để “lấp đầy” khoảng trống miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời?
Khoảng trống miễn dịch: Điều mẹ cần hiểu rõ trong những năm đầu đời
Hệ miễn dịch một phức hợp bao gồm nhiều cơ quan, tế bào và các hoạt chất sinh hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng và loại bỏ chúng khỏi cơ thể [1], [2]. Ngoài ra, hệ miễn dịch còn có khả năng nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân gây hại nội sinh và từ môi trường bên ngoài [1]. Để hiểu được khoảng trống miễn dịch là gì, trước tiên mẹ cần biết đến hai loại miễn dịch đó là miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động.
- Miễn dịch thụ động: Các thành tố miễn dịch, chủ yếu là kháng thể được cung cấp từ mẹ (thông qua nhau thai, sữa mẹ) hoặc tiêm truyền từ bên ngoài. Loại miễn dịch này chỉ tồn tại thời gian ngắn [3].
- Miễn dịch chủ động: Các thành tố miễn dịch (tế bào và dịch thể) được sản sinh tự thân, tùy vào yếu tố gây hại. Loại miễn dịch này thường tồn tại cùng vòng đời cá thể, tùy thể trạng mà có khi mạnh khi yếu [3].
Trong những ngày tháng đầu đời, khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh chủ yếu nhờ vào kháng thể mà bé nhận từ mẹ, thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ và tiếp đến là qua sữa mẹ khi được mẹ cho bú sau sinh. Tuy nhiên, các kháng thể bé nhận được từ mẹ sẽ giảm dần theo thời gian sau sinh và giảm đi rất nhiều khi bé đạt 6 tháng tuổi. Trong khi đó, miễn dịch chủ động của trẻ vẫn còn non yếu và cần thời gian để hoàn thiện đầy đủ các chức năng [2].
Theo đó, giai đoạn từ khi lượng kháng thể và các hoạt chất miễn dịch khác nhận được từ mẹ bị suy giảm cho đến khi hệ miễn dịch của trẻ tương đối hoàn thiện về cấu trúc và chức năng, được gọi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, trong khoảng từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Lấp đầy “khoảng trống miễn dịch” cho trẻ trong năm đầu đời: Mẹ nên làm gì?
Khoảng trống miễn dịch là giai đoạn trẻ dễ mắc bệnh nên việc tăng cường sức đề kháng cho con từ những ngày đầu đời rất quan trọng. Theo khuyến cáo của Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và nên kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi hoặc lâu hơn [4]. Bởi sữa mẹ không chỉ là nguồn thức ăn lý tưởng đối với trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển, tăng trưởng tối ưu [5] mà có chứa các thành phần dưỡng chất giúp trẻ xây dựng và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch như:
- HMO (Human Milk Oligosaccharides): Đây là dưỡng chất quý có trong sữa mẹ, giữ vai trò cân đối hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa sự bám dính của mầm bệnh, phát triển hàng rào biểu mô ruột và phát triển hệ miễn dịch [6]. Hiện có khoảng 200 loại HMO khác nhau được tìm thấy, trong đó 6 HMO quan trọng phải kể đến là DFL, 2’-FL, 3-FL, LNT, 3’-SL và 6’-SL. Mỗi HMO trong 6 HMO này có tiềm năng tác động đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, trong đó DFL là HMO hỗ trợ phòng chống các bệnh lý viêm nhiễm ở trẻ [7]. Còn 3-FL là một trong những HMO có thể được hấp thu vào hệ tuần hoàn và thực hiện các chức năng miễn dịch [8], [9]. Đặc biệt, khi bổ sung đồng thời 6 HMO còn mang đến các lợi ích như có thể giúp đa dạng hệ lợi khuẩn ở một số chủng, hỗ trợ cân đối hệ vi sinh đường ruột, có tiềm năng tạo sự tương hỗ và cộng hưởng ở một số chủng lợi khuẩn, từ đó giúp tối ưu hóa hệ vi sinh đường ruột, nâng cao hiệu quả miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể, có thể giúp tăng gấp đôi lượng axit béo chuỗi ngắn (SCFA), một hoạt chất sinh học tiềm năng trong việc tăng cường sức khỏe trẻ [10].
- Lợi khuẩn: Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn dồi dào. Theo nghiên cứu, hệ vi sinh vật trong sữa mẹ khá đa dạng với hơn 800 loài vi khuẩn, trong đó 2 chủng lợi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của bé. Theo ước tính, em bé bú mẹ sẽ nhận được khoảng 104 đến 106 vi khuẩn mỗi ngày khi được cho bú khoảng 800ml sữa mẹ [11].
- Globulin miễn dịch (immunoglobulin): Đây là những glycoprotein được sản xuất bởi các tế bào lympho B – tương bào, chịu trách nhiệm chính về tính đặc hiệu của các phản ứng miễn dịch và thường có hàm lượng cao trong sữa non. Chức năng chính của chúng là loại bỏ các tác nhân gây hại bao gồm vi khuẩn, virus… và mang lại khả năng miễn dịch dài hạn cho trẻ sơ sinh. Các globulin miễn dịch trong sữa non và sữa trưởng thành ở mẹ hỗ trợ bảo vệ trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ không còn bú mẹ. Do đó, trẻ nhỏ bú mẹ thường có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong thấp hơn [12], [13].
Trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch ở trẻ. Mẹ nên ưu tiên những loại sữa công thức có chứa các thành phần sau:
- Thành phần sữa non 24h chứa kháng thể IgG nhằm cung cấp thêm kháng thể, giúp bé đối phó hiệu quả với các tác nhân gây bệnh trong giai đoạn hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện.
- Có chứa đủ 6 cấu trúc HMO ở 3 phân nhóm chính là Fucosylated HMO – Nhóm có ưu thế trong bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa: 2’-FL, DFL và 3-FL, Sialylated HMO – Nhóm ưu thể trong hỗ trợ sức đề kháng và cải thiện chức năng não bộ: 3’-SL, 6’-SL; Non-fucosylated HMO – Nhóm có ưu thế nuôi dưỡng lợi khuẩn: LNT. Trong đó, DFL và 3-FL đã được chứng minh là có thể giúp tăng cường sự phát triển của lợi khuẩn Bifidobacterium spp [14], [15].
- Có sự kết hợp giữa HMO và các lợi khuẩn thuộc nhóm Bifidobacterium là BB-12 cùng lợi khuẩn phân lập từ sữa mẹ là HMP (Human Milk Probiotics) trong cùng một sản phẩm để giúp tăng nồng độ kháng thể IgA tự nhiên bảo vệ trẻ, giúp tăng cường chức năng hàng rào niêm mạc ruột, hạn chế các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa [16].
Đối với trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, thường là khi trẻ được 6 tháng tuổi trở lên, mẹ sẽ cần lưu ý nhiều hơn về chế độ ăn uống của con. Những thức ăn đầu tiên của con cần được nấu chín mềm và nghiền nhuyễn để phù hợp với khả năng nhai nuốt của bé [17]. Khi được 7 hoặc 8 tháng tuổi, bé có thể ăn đa dạng thực phẩm. Những thực phẩm này bao gồm ngũ cốc, thịt, trái cây, rau củ, sữa chua, pho mát… [18]. Chế độ ăn cân đối, đầy đủ và đa dạng thực phẩm sẽ giúp bé làm quen nhiều hương vị khác nhau và được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết đáp ứng nhu cầu giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý rằng sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn chính của bé trong năm đầu tiên nên hãy duy trì cho bé bú mẹ kết hợp với ăn dặm đúng cách và đầy đủ, cân đối 4 nhóm chất [17]. Điều này không chỉ giúp bé nhận đủ dưỡng chất mà còn có thể tiếp tục nhận được các thành phần giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch từ sữa mẹ như HMO, nucleotides, lợi khuẩn.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc “lấp đầy” khoảng trống miễn dịch cho trẻ trong năm tháng đầu đời còn bao gồm những lưu ý sau:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế vì đây là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi những bệnh nguy hiểm [2].
- Trẻ nên được ngủ đủ giấc từ 12 đến 16 giờ đối với trẻ nhũ nhi, 8 đến 10 giờ đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên [19].
- Việc tập thể dục có thể giúp con khỏe mạnh và ít bệnh hơn. Do đó, với trẻ từ sơ sinh đến 1 tuổi, bạn hãy để bé chơi trên sàn và nằm sấp ít nhất 30 phút mỗi ngày. Với bé từ 1 – 5 tuổi, hãy khuyến khích trẻ vận động, hoạt động thể chất ít nhất 3 giờ mỗi ngày [19], [20].
Khoảng trống miễn dịch của trẻ là điều khiến ba mẹ lo lắng, tuy nhiên việc nâng cao miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu mẹ chăm sóc cho trẻ đúng cách và khoa học, đặc biệt là về dinh dưỡng.
[embed-health-tool-vaccination-tool]