Vòng dâu tằm là một món quà ý nghĩa và phù hợp mà cha mẹ hoặc người thân thường dành tặng cho các bé nhỏ. Thế nên, nhiều bậc cha mẹ, ông bà muốn tự tay là cho bé một chiếc vòng dâu tằm. Vậy cách làm vòng dâu tằm cho bé cần chuẩn bị và thực hiện những gì?
Bạn sẽ thành công với cách làm vòng dâu tằm thủ công đã được Hello Bacsi tìm hiểu và chọn lọc trong bài viết sau đây.
Ý nghĩa của vòng dâu tằm cho bé yêu
Vòng dâu tằm là một vật mang nhiều ý nghĩa. Vòng làm từ gỗ dâu, hành mộc, tượng trưng cho thiên nhiên, uyển chuyển, hài hòa, đầy sức sống. Niềm tin dân gian cũng cho rằng các vật dụng từ cây dâu tằm giúp mang lại bình an cho người sử dụng.
Dâu tằm cũng là một loài cây quen thuộc trong đời sống người Việt. Mọi bộ phận của cây đều có giá trị về kinh tế hoặc y học. Gỗ dâu an toàn cho sức khỏe. Chất gỗ mịn, đẹp và không dễ thấm hút nước nên được ứng dụng nhiều trong chế tác các loại tràng hạt cũng như đồ nội thất và trang trí.
Theo kinh nghiệm của ông bà xưa truyền lại, trẻ nhỏ sử dụng vòng dâu tằm giúp ngủ ngon, tránh gió máy, ít giật mình quấy khóc vào ban đêm. Vòng dâu tằm còn là biểu tượng của lời chúc bình an và tình yêu thương mà cha mẹ và gia đình dành cho con trẻ.
Dân gian quan niệm cuộc đời con người trải qua sinh – lão – bệnh – tử. Vì vậy số hạt trong vòng dâu tằm cho bé nên là 13, 14, 17, 18, 21 hoặc 22 hạt…, rơi vào cung sinh hoặc cung lão để mang lại phúc lành, may mắn, như màu sắc của sợi chỉ đỏ dùng để xỏ vòng.
Với cách làm vòng dâu tằm sau đây, chiếc vòng dâu tằm do cha mẹ hoặc người thân tự tay làm để tặng cho con sẽ rất ý nghĩa.
Bạn có thể quan tâm Cách làm siro dâu tằm thơm ngon, bổ dưỡng không thể bỏ lỡ
Mách bạn cách làm vòng dâu tằm thủ công cho bé
Lựa chọn cành dâu để làm vòng dâu tằm
Trong cách làm vòng dâu tằm thủ công, nên dùng cành trưởng thành (cành bánh tẻ). Cành quá non có chất lượng gỗ sẽ rất kém, còn cành quá già và cứng sẽ gây nhiều khó khăn lúc tạo hình. Chọn cành có đường kính ngang thân không quá 1 cm để nhẹ bớt công cắt gọt.
Bạn để cành khô tự nhiên từ 2 đến 3 ngày để sử dụng làm vòng dâu tằm. Khi đã khô, bỏ lá và lột vỏ cành dâu cũng như lớp vỏ mỏng bên trong, chừa lại phần gỗ cứng.
Cách làm vòng dâu tằm cho bé không khó qua 3 bước
Bước 1: Cắt hạt gỗ dâu
Dùng bút đánh dấu các đường tròn quanh thân cây dâu, cách đều 1 cm. Cắt theo những đường này sẽ tạo ra các hạt gỗ dâu tằm để xỏ vòng. Số lượng hạt tùy theo ý muốn và phù hợp với vòng cổ tay (hoặc cổ chân) của bé.
Bạn nên cắt bằng dao sắc. Không nên chặt, sẽ làm giập, hỏng gỗ dâu.
Bước 2: Tạo hình các hạt để xỏ vòng dâu tằm
- Cách 1: tiếp tục dùng dao sắc cắt vát các cạnh của mỗi hạt và cạo cho nhẵn để không gây trầy xước cho da bé khi đeo.
- Cách 2: mài nhẵn các hạt bằng cách dùng trục quay (ví dụ, máy khoan) ghim vào hạt và xoay trên giấy nhám. Lỗ ghim sẽ được tận dụng làm lỗ xỏ vòng.
Bạn có thể tạo hình các hạt dạng tròn hoặc trụ dài, chỉ cần đều nhau và được mài nhẵn là đẹp.
Khi các hạt đã thành hình, tạo lỗ xỏ hạt bằng que nhọn hoặc đinh nhỏ.
Mắc nhỏ là việc mua hạt có sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể công sức so với cách làm vòng dâu tằm thủ công mà vẫn có thể tự tay làm ra chiếc vòng dâu tằm theo ý thích cho bé yêu. Bạn nên mua ở địa chỉ có uy tín để đảm bảo gỗ dâu thật.
Bước 3: Xỏ các hạt thành vòng
Bạn có thể chọn dây dù hoặc loại dây để đan vòng tay có màu đỏ để xỏ vòng cho bé. Màu đỏ không những có ý nghĩa mang lại may mắn, mà còn kích thích thị giác và sự tò mò học hỏi của bé.
Cắt một đoạn dây dài hơn độ dài vòng khoảng 15 cm và xỏ vào các hạt gỗ dâu tằm đã chuẩn bị.
Mẹo nhỏ hữu ích trong cách làm vòng dâu tằm cho bé
Thay vì buộc thắt nút, bạn có thể làm một nút khóa cho vòng bằng cách đan dây hoặc luồn 2 đầu dây qua 3 hạt liên tiếp, dùng chính các hạt này làm nút khóa.
Ở mỗi đầu dây dư ra xỏ thêm một hạt dâu và thắt nút cố định để dây không bao giờ tuột khỏi khóa.
Lưu ý: Bạn cần đảm bảo các mối buộc thật chắc chắn, không để vòng bị đứt. Nếu bé nuốt phải hạt thì sẽ rất nguy hiểm.
Với cách làm vòng dâu tằm trên đây, bạn đã có một món quà xinh xắn đầy ý nghĩa cho bé yêu. Nếu thích, bạn có thể xen kẽ vào vòng một vài viên bạc cho sinh động. Bạc cũng là một kim loại an toàn, có tác dụng kháng khuẩn và nhiều chất có hại, bảo vệ sức khỏe cho bé. Tuy nhiên bạn cần chọn đúng loại bạc không có tạp chất, vì những kim loại thường bị lẫn vào như niken, chì, cadimi… có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc cho trẻ.
Tìm hiểu thêm 3 lý do giúp ion bạc trở thành yếu tố không thể thiếu trong các sản phẩm chăm sóc da
Cha mẹ cần lưu ý gì khi đeo vòng dâu tằm cho bé?
Bạn không nên gắn những vật trang trí rườm rà hoặc nhiều góc cạnh vào vòng dâu tằm để tránh làm trầy da hoặc bé nhai, nuốt phải. Những kim loại đắt tiền cũng không phù hợp, có thể thất lạc hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Không nên sơn thêm hóa chất nào khác lên vòng.
Độ tuổi an toàn để bé có thể đeo vòng dâu tằm cũng như các phụ kiện khác là từ 5 – 6 tháng tuổi, khi làn da đã có sức đề kháng với môi trường. Nếu bé đang trong tuổi mọc răng hoặc có thói quen đưa tay lên mặt, lên miệng, bạn nên cho bé đeo vòng dâu tằm ở chân sẽ tốt hơn.
Vòng dâu tằm cho bé phải có độ hở so với cổ tay hay cổ chân, không nên bó sát gây kích ứng, ảnh hưởng lưu thông máu và làm trẻ bị khó chịu. Tháo vòng khi tắm cho bé để giữ vòng khô ráo, đảm bảo vệ sinh và độ bền cho vòng.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc phải thường xuyên để ý, nếu vòng dâu tằm không phù hợp ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé thì cần tháo ra ngay.
Trong quá trình nuôi con nhỏ, cha mẹ không nên lệ thuộc vào các vật phong thủy, tâm linh mà cần tham khảo các nguồn tin khoa học, uy tín hoặc đến bác sĩ nếu bé không khỏe, biếng ăn, quấy khóc.
Cách làm vòng dâu tằm thủ công cho bé thật đơn giản đúng không nào? Mong rằng qua bài viết này, bạn đã có đầy đủ thông tin và hướng dẫn để tự tay chuẩn bị chiếc vòng dâu tằm đầy ý nghĩa và tình cảm cho bé yêu.
[embed-health-tool-vaccination-tool]