backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

12 món tuyệt ngon để tập cho bé ăn bốc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 19/08/2020

    12 món tuyệt ngon để tập cho bé ăn bốc

    Ăn bốc là một kỹ năng giúp bé rèn luyện bàn tay khéo léo, thuần thục. Thế nhưng, khi tập cho bé ăn bốc, bạn cần chọn những món vừa hấp dẫn vừa an toàn để trẻ không bị hóc.

    Chị Tú Quyên (Q. 10, TP. HCM) có một bé gái đã được 9 tháng tuổi. Qua tìm hiểu, chị biết được việc ăn bốc sẽ giúp con rèn luyện bàn tay khéo léo, thuần thục khi sử dụng các ngón tay bốc thức ăn. Tuy nhiên, chị không biết làm thế nào để tập cho con ăn bốc. Chị lo ngại thức ăn chế biến to quá có thể gây hóc và nguy hiểm đến tính mạng bé nếu không biết cách xử lý. Thật ra, có những món ăn đơn giản bạn có thể tập cho con ăn với gợi ý dưới đây của Hello Bacsi.

    Những món ngon cho bé tập bốc ăn

    1. Bánh mì nướng bơ

    Những miếng bánh mì nướng bơ cắt hạt lựu sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời để bạn tập cho bé ăn bốc. Với những chiếc bánh mì này, bé sẽ không còn cảm giác ngứa do mọc răng nữa. Nước bọt sẽ giúp làm mềm bánh mì nướng, sau đó tan trong miệng.

    2. Trái cây

    Khi bé chuyển sang tháng thứ 10, đây là lúc bạn có thể tập cho bé ăn trái cây bằng cách cắt nhỏ để bé không bị nghẹn, sau đó cho vào đĩa và để bé tự bốc. Trái cây cung cấp nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe của bé. Trong đó, chuối là loại quả vừa mềm vừa nhiều dinh dưỡng phù hợp với bé bắt đầu tự tập bốc thức ăn. Ngoài ra, các loại trái cây có thể cho bé ăn là nho cắt nhỏ, lê, thanh long cắt hạt lựu lớn…

    3. Rau củ

    Bạn nên thêm các loại rau và đậu hủ vào chế độ ăn mỗi ngày của bé. Bạn cho bé ăn khoai lang hoặc khoai tây, bông cải xanh hấp, nướng, luộc, sau đó thái nhỏ ra.

    4. Phô mai

    Khi mới bắt đầu, bạn cho bé ăn phô mai mềm. Mỗi ngày một thìa cà phê, sau đó tăng dần dần lên. Khi bé quen, bạn có thể cho bé ăn những loại phô mai cứng hơn như cheddar cheese và đừng quên cắt nhỏ ra nhé.

    5. Thịt băm

    Khi cho bé ăn thịt, bạn phải băm nhỏ và chế biến đúng cách vì thịt rất dễ bị nhiễm khuẩn. Hãy mua thịt ở nơi uy tín và chế biến kỹ.

    6. Bánh quy

    Bánh quy là một món ăn tuyệt vời để tập cho bé ăn bốc. Hãy chọn những loại bánh quy được làm từ bột mì nguyên cám. Khi cho bé ăn, bạn nên bẻ nhỏ để bé dễ ăn hơn.

    7. Kết hợp các loại thực phẩm

    Nấu gạo lứt với đậu, cơm và đậu lăng, chia nhỏ và cho bé ăn. Đây là món ăn cung cấp rất nhiều protein và chất xơ.

    8. Ngũ cốc

    Ngũ cốc nguyên hạt nên được thêm vào chế độ ăn của bé. Ngũ cốc chứa nhiều carbohydrate phức tạp là một nguồn năng lượng tuyệt vời giúp bé phát triển. Để làm món ngũ cốc thêm ngon, bạn có thể cho thêm chuối, táo hoặc bí đỏ.

    9. Mì, nui

    Bé thường thích ăn mì, nui, phở… hơn cơm. Do đó, bạn có thể luộc chín mì, nui, sau đó cắt ngắn để bé tập bốc.

    10. Các loại đậu

    Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu đen, đậu đỏ luộc chín là món ăn rất tốt khi cho trẻ tập ăn bốc. Bạn có thể nấu chín đậu rồi nghiền hạt đậu trộn với ít đường, vừa kích thích vị giác của trẻ vừa giảm tình trạng trẻ bị hóc hột.

    11. Bánh bông lan

    Bánh bông lan có vị ngọt thơm, mềm. Nếu cắt nhỏ, cho bé bốc ăn chắc hẳn bé sẽ rất thích. Tuy nhiên, do bánh bông lan là đồ ngọt nên bạn chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 – 2 lần một tuần.

    12. Cá

    Cá là thực phẩm giàu đạm, a xít béo omega-3… rất kỳ tốt cho sự phát triển não bộ và hệ xương của bé. Tuy nhiên, nếu cho bé ăn cá, bạn chọn loại có phi lê, không xương. Sau đó, luộc, hấp hoặc nướng, cắt miếng nhỏ cho bé ăn.

    Những điểm cần lưu ý

    1. Bạn nên tập cho bé ăn bốc từ từ. Ban đầu, bạn chỉ cho một vài bữa nhỏ cùng với những món ăn xay nhuyễn khác. Sau khi bé quen, các món ăn xay nhuyễn nên giảm dần.
    2. Tập cho bé ăn từng chút một, đừng để bé nhồi nhét nhiều thức ăn vào miệng cùng một lúc.
    3. Thông thường, bé sẽ thích bốc những món ăn trong đĩa của bố mẹ hơn của mình. Do đó, bạn có thể lấy nhiều thức ăn hơn vào đĩa của mình để bé cùng ăn.
    4. Chọn những món ăn có vị ngọt tự nhiên hoặc những món ít đường để hạn chế thói quen ăn đồ ngọt của bé.
    5. Hãy tự lựa chọn thực phẩm và xem kỹ thông tin ghi trên bao bì sản phẩm để biết được các thành phần cũng như cách chế biến món ăn.
    6. Không nên tỏ ra bực bội nếu bé không chịu ăn bốc. Thay vào đó, hãy kiên trì vì thói quen ăn bốc sẽ giúp cải thiện khả năng nhai cũng như rèn luyện bàn tay.
    7. Khi cho bé ăn, bạn hãy đặt bé ngồi vào ghế ăn chứ không phải ghế sofa hay xích đu.
    8. Cứ mỗi 4 ngày bạn sẽ cho bé ăn một món mới. Trong 4 ngày này, mẹ sẽ cho bé ăn cùng một thức ăn để xem bé phản ứng như thế nào với món ăn này. Nếu mọi thứ vẫn ổn, bạn hãy thử một món ăn khác.
    9. Để tăng thêm sự hứng thú của bé, bạn hãy làm cho bé nhiều món ăn đầy màu sắc bằng cách cắt, tỉa rau củ thành những hình thù ngộ nghĩnh.

    Những món ăn không nên cho bé ăn

    1. Rau sống hoặc trái cây cứng
    2. Bắp rang, bánh ngọt, khoai tây chiên và các món snack khác
    3. Miếng thịt hoặc phô mai quá lớn
    4. Kẹo dẻo, nho và sơ ri để nguyên trái
    5. Kẹo cứng, kẹo cao su
    6. Dâu tây, lòng trắng trứng và cà chua vì đây là món ăn rất dễ gây dị ứng
    7. Nho khô và các loại trái cây sấy khô khác
    8. Rau câu
    9. Bánh mì chưa được cắt nhỏ

    Chế độ ăn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu bé không được ăn uống đầy đủ, các chức năng của não cũng như các cơ quan khác không thực hiện tốt. Bên cạnh việc lựa chọn thức ăn phù hợp cho bé, bạn cũng nên quan tâm đến các thói quen ăn uống để uốn nắn và chỉnh sửa cho bé ngay từ khi còn nhỏ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 19/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo