backup og meta

Bật mí 9 cách giảm độ cận thị cho người lớn và trẻ em

Bật mí 9 cách giảm độ cận thị cho người lớn và trẻ em

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt gây ra triệu chứng nhìn xa bị mờ. Cận thị thường bắt đầu xảy ra ở trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, cũng có thể xảy ra ở người lớn. Những người bị cận thị nặng có nguy cơ cao mắc một số vấn đề đe dọa thị lực khác như bong võng mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Vậy, làm cách nào để giảm độ cận và cách giảm độ cận thị có thực sự hiệu quả?

Đeo kính hoặc phẫu thuật là cách giảm độ cận tạm thời hiệu quả nhất. Không có cách giúp mắt giảm độ cận một cách tự nhiên nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để làm chậm tăng độ. Cách để giảm độ cận thị tự nhiên bao gồm thay đổi lối sống lành mạnh và thực hiện các hoạt động tích cực cho mắt.

9 cách giảm độ cận thị cho người lớn

1. Tăng thời gian hoạt động ngoài trời

Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho các hoạt động ở ngoài trời là cách làm giảm độ cận thị khá đơn giản. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em dành nhiều thời gian trong nhà để thực hiện các hoạt động gần và cần sự tập trung, chẳng hạn như làm việc trên máy tính, chơi trò chơi điện tử và đọc sách, có tỷ lệ bị cận thị cao hơn so với những trẻ dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn.

Hãy giới hạn thời gian sử dụng mắt trên màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác bằng cách cân đối với thời gian hoạt động ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài khi trời nắng thì hãy đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi tác hại từ ánh nắng mặt trời. Đồng thời, trẻ nên đeo thiết bị bảo vệ mắt khi chơi thể thao hoặc các hoạt động dễ va chạm và gây chấn thương mắt.

2. Thư giãn mắt

thư giãn mắt là cách giảm độ cận thị

Cách giảm độ cận tại nhà đơn giản nhất mà bạn có thể làm là dành thời gian thư giãn cho mắt để mắt được nghỉ ngơi hợp lý. Tránh việc nhìn vào màn hình máy vi tính hay bất kỳ thiết bị điện tử nào quá lâu. Bạn có thể làm điều này bằng cách áp dụng quy tắc 20-20-20. Đó là nhìn vào một vật cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong 20 giây cứ sau khoảng 20 phút.

Bên cạnh đó, bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và tránh nhìn vào màn hình thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Đây cũng là thời gian tốt nhất để mắt được nghỉ ngơi sau cả ngày dài hoạt động liên tục.

3. Thực hiện bài tập cho mắt

Cách làm giảm độ cận tiếp theo là thực hiện các bài tập cho mắt để kích thích các cơ trong mắt. Bạn ngồi ở tư thế thoải mái, chớp mắt nhanh 10 lần rồi nhắm mắt lại trong 20 giây. Lặp lại bài tập cho mắt này từ 5 đến 10 lần bất cứ khi nào bạn cảm thấy mỏi mắt.

4. Cách giảm độ cận tại nhà: Ăn uống lành mạnh

Mắt cũng cần các chất dinh dưỡng từ thực phẩm để duy trì xây dựng các mô và thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Ngoài việc hạn chế uống thức uống chứa caffein và uống đủ nước, bạn cũng nên bổ sung các dưỡng chất sau đây:

  • Vitamin A từ khoai lang, rau lá xanh, các loại củ quả có màu vàng và cam như cà rốt, phô mai, dầu cá hoặc gan.
  • Vitamin C từ các loại trái cây và rau quả, như cam, bưởi, dâu tây và bông cải xanh.
  • Lutein từ các loại rau lá xanh để giúp mắt lọc ánh sáng xanh có hại có thể làm hỏng võng mạc.

5. Không hút thuốc

Hút thuốc có nhiều tác hại cho sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực. Tránh hút thuốc không chỉ là cách giảm độ cận đơn giản mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của chính bản thân bạn, cũng như những người xung quanh.

6. Thuốc nhỏ mắt atropin liều thấp

Thuốc nhỏ atropin thường được sử dụng để làm giãn đồng tử mắt khi khám mắt hoặc trước và sau khi phẫu thuật mắt. Liều thấp thuốc nhỏ mắt atropine sử dụng trong 2 đến 3 năm cũng là cách giảm độ cận và làm chậm sự tiến triển của cận thị khá hiệu quả.

Atropine liều thấp điều trị cận thị được sử dụng cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi. Thuốc nhỏ vào mắt mỗi đêm trước khi đi ngủ. Tác dụng phụ có thể bao gồm mẩn đỏ hoặc ngứa xung quanh mắt.

7. Đeo kính

cách giảm độ cận thị nhanh nhất là đeo kính

Đeo kính là cách giảm độ cận được dùng phổ biến nhất. Kính hoạt động bằng cách chống lại sự gia tăng đường cong của giác mạc hoặc tăng chiều dài của mắt. Các loại kính dùng cho bệnh nhân cận thị bao gồm:

  • Kính mắt: Đây là một cách đơn giản, an toàn để cải thiện thị lực do cận thị gây ra. Tròng kính đeo mắt được thiết kế để điều chỉnh các tật khúc xạ, chẳng hạn như cận thị, loạn thị và viễn thị.
  • Kính áp tròng: Kính áp tròng là một miếng nhựa tròn dẹp được đặt trực tiếp trên giác mạc. Một kính áp tròng có thể điều chỉnh nhiều tật khúc xạ cùng một lúc. Cần đảm bảo việc đeo, vệ sinh và bảo quản kính áp tròng đúng cách để tránh nhiễm trùng giác mạc.

8. Kính áp tròng cứng Orthokeratology (Ortho-K)

Orthokeratology là một loại kính áp tròng cứng để đeo qua đêm nhằm điều chỉnh tầm nhìn xa bị mờ vào ban ngày. Ortho-K sẽ làm phẳng giác mạc khi bạn ngủ. Ngày hôm sau, ánh sáng đi qua giác mạc được tạo hình lại rơi chính xác vào võng mạc, làm cho hình ảnh ở xa hiện rõ hơn.

Đeo kính Ortho-K chỉ là cách giảm độ cận tạm thời. Bởi khi bạn ngừng đeo kính, giác mạc sẽ dần trở lại hình dạng bình thường và cận thị sẽ tái phát. Tuy nhiên, kính Ortho-K có thể giúp giảm vĩnh viễn sự tiến triển của cận thị.

Kính Ortho-K cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và khó đeo hơn so với kính áp tròng thông thường. Bạn cũng cần phải tái khám nhiều hơn với bác sĩ.

9. Cách làm giảm độ cận thị nặng là phẫu thuật khúc xạ

Phẫu thuật khúc xạ điều trị cận thị là cách làm giảm độ cận, giảm nhu cầu đeo kính mắt và kính áp tròng hiệu quả. Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc và điều chỉnh thị lực. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngay cả sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đôi khi vẫn cần phải sử dụng kính mắt.

Phương pháp điều trị phẫu thuật không phải là một sự lựa chọn an toàn cho tất cả mọi trường hợp cận thị. Chỉ nên phẫu thuật khi cận thị không còn tăng độ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định áp dụng cách giảm độ cận bằng phẫu thuật.

Cách giảm độ cận thị có thực sự hiệu quả?

Không có cách giúp mắt hết cận hoàn toàn. Trường hợp điều trị cận thị bằng đeo kính áp tròng cứng Ortho-K và phẫu thuật mắt tưởng chừng như giúp giảm độ cận hoàn toàn nhưng thực tế cũng chỉ là tạm thời. Cận thị vẫn có thể tái phát trong tương lai sau điều trị.

Các cách giảm độ cận vừa được đề cập ở trên chỉ giúp cải thiện tầm nhìn và ngăn cận thị tiến triển chứ không thể làm giảm độ cận hoàn toàn hay chữa khỏi hẳn tật cận thị, ngoại trừ phẫu thuật.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Myopia myths and treatments for short sightedness. https://www.mykidsvision.org/knowledge-centre/myopia-myths-and-treatments-for-short-sightedness. Ngày truy cập: 09/08/2023

Myopia Control in Children. https://www.aao.org/eye-health/diseases/myopia-control-in-children. Ngày truy cập: 09/08/2023

Nearsightedness. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nearsightedness/diagnosis-treatment/drc-20375561. Ngày truy cập: 09/08/2023

Myopia (Nearsightedness). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8579-myopia-nearsightedness. Ngày truy cập: 09/08/2023

Short-sightedness (myopia). https://www.nhs.uk/conditions/short-sightedness/. Ngày truy cập: 09/08/2023

Myopia (Nearsightedness) in Children & Teens. https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/eyes/Pages/Myopia-Nearsightedness.aspx. Ngày truy cập: 09/08/2023

Phiên bản hiện tại

28/08/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Thực hư những cách giảm cận thị, liệu có giảm độ cận như lời đồn?

Giảm cận thị 1-2 độ không cần phẫu thuật bằng cách nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng

Nhãn khoa · Trung tâm Mắt Quốc tế Phương Đông


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo