Glôcôm – “Kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng” – là bệnh nguy hiểm, tiến triển âm thầm với nguy cơ cao dẫn đến mù lòa. Thế nhưng, tại Việt Nam, theo thống kê, 94% người dân không hiểu rõ hoặc còn mơ hồ về bệnh, thậm chí, xung quanh bệnh vẫn còn rất nhiều hiểu lầm khiến việc phòng ngừa và điều trị không đạt hiệu quả như mong muốn.
Glôcôm hay còn gọi là cườm nước hoặc thiên đầu thống là bệnh lý ở mắt khi hệ thống thoát thủy dịch bị tắc nghẽn, khiến nhãn áp tăng cao dẫn đến tổn thương thị lực. Đây là bệnh lý có thể gặp từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi, tuy nhiên những người trên 40 tuổi sẽ nguy cơ bị bệnh glôcôm cao hơn. Ngoài ra, một số nhóm đối tượng cũng có nguy cơ cao bị glôcôm như:
- Có bố, mẹ, anh chị em ruột bị cườm nước
- Bị cận thị hoặc viễn thị nặng
- Dùng corticoid kéo dài
- Đang bị đái tháo đường, tăng huyết áp.
Glôcôm là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị, áp lực bên trong mắt ngày một tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến giảm thị lực và thu hẹp tầm nhìn.
Điều nguy hiểm nhất là những tổn thương chức năng thị giác do bệnh glôcôm gây ra là không thể hồi phục. Tức là dù đã điều trị, bạn cũng không thể lấy lại được phần thị lực đã mất mà chỉ có thể bảo tồn được phần thị lực hiện có. Do đó glôcôm là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng hàng thứ hai ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trong video dưới đây, Thầy thuốc Nhân dân, BS Chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp – Giám đốc Bệnh viện mắt Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ “giải mã” những hiểu lầm thường gặp về bệnh glôcôm cũng như giúp bạn có cái nhìn tổng quan, cụ thể hơn về căn bệnh này.