backup og meta

Tác hại của kính áp tròng: Bạn chớ nên xem thường

Tác hại của kính áp tròng: Bạn chớ nên xem thường

Tác hại của kính áp tròng thường xuất phát từ việc bạn bất cẩn, sơ xuất trong quá trình sử dụng cũng như bảo quản loại kính này, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như tổn thương giác mạc hay nhiễm trùng mắt.

Kính áp tròng được thiết kế với hình vòng cung có khả năng áp chặt vào lớp giác mạc. Không giống với những loại kính mắt khác, loại kính này tiếp xúc trực tiếp với mắt, một trong những bộ phận nhạy cảm của cơ thể. Do đó, vật liệu cấu tạo của kính áp tròng đặc biệt phải trải qua chu trình kiểm duyệt gắt gao của Bộ Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe của người dùng.

So với kính đeo mắt thông thường, kính áp tròng có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Bạn không lo làm trầy kính mắt, không lo vô tình giẫm phải kính hay đánh mất nó nữa. Tuy nhiên, tác hại của kính áp tròng có thể đe dọa trực tiếp đến nhãn cầu cũng như thị lực người dùng chỉ vì đôi chút bất cẩn, chẳng hạn như:

  • Không vệ sinh kính áp tròng thường xuyên
  • Đeo kính áp tròng khi bơi
  • Không tháo kính trước khi đi ngủ

Vậy đeo kính áp tròng có hại mắt không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Đeo kính áp tròng có hại mắt không?

Tác hại của kính áp tròng: Nhiễm trùng mắt

Hầu hết các ca nhiễm trùng mắt đều có mối liên hệ với kính áp tròng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp vi trùng mới là tác nhân gây nhiễm trùng ở khu vực nhãn cầu. Tình trạng nhiễm trùng có khả năng khiến giác mạc sưng tấy. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có nguy cơ khiến thị lực suy giảm mạnh.

Kính áp tròng

Thông thường, bác sĩ nhãn khoa sẽ kê thuốc đặc hiệu, chẳng hạn như thuốc nhỏ mắt kháng sinh, cho bạn dùng để diệt vi trùng cũng như chăm sóc mắt.

Mắt thiếu oxy

Oxy ở mắt đa phần đến từ không khí trực tiếp đi qua lớp giác mạc. Vì vậy, việc kính áp tròng nằm trên giác mạc có thể ngăn cản mắt tiếp nhận lượng oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng mắt thiếu oxy. Lúc này, giác mạc có nguy cơ sưng phồng lên và gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn, ví dụ như tầm nhìn bị nhòe.

Mắt thiếu oxy là một trong những tác hại phổ biến của kính áp tròng ở những người có thói quen sử dụng kính trong thời gian dài hoặc đi ngủ mà quên tháo kính.

Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định loại kính áp tròng thẩm thấu oxy tốt hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có thể kê toa một loại thuốc steroid để nhỏ vào mắt nhằm cải thiện tình hình và giảm sưng giác mạc.

Tác hại của kính áp tròng: Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Nguyên nhân xuất hiện hiện tượng đau mắt đỏ, còn gọi là viêm kết mạc, cũng có thể do đeo kính áp tròng.

Các chuyên gia nhãn khoa chia hiện tượng đau mắt đỏ thành nhiều cấp độ khác nhau. Nếu đeo kính áp tròng trong thời gian bệnh, bạn có nguy cơ mắc viêm kết mạc nhú gai khổng lồ. Đây là một phản ứng dị ứng, vì hệ miễn dịch nhận định kính áp tròng như vật thể lạ không được phép xuất hiện trong cơ thể.

Nếu triệu chứng đau mắt đỏ nhẹ, nó có thể tự lành mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu viêm kết mạc trở nặng, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc chống viêm để cải thiện triệu chứng. Lúc này, bạn cần ngưng sử dụng kính áp tròng cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Đồng thời, bạn cũng nên thay thế kính áp tròng mới sau khi lành bệnh để tránh tình trạng tái phát.

Đau mắt đỏ

Bạn có thể muốn tìm hiểu:

  • Hiện tượng đau mắt đỏ sẽ kéo dài bao lâu
  • Giúp bạn bỏ túi một số biện pháp chữa viêm kết mạc
  • Vạch trần 5 dạng nhiễm trùng gây đau mắt ở trẻ sơ sinh

Khô mắt

Một tác hại của kính áp tròng khác nếu đeo quá lâu chính là khô mắt. Nước mắt có nhiệm vụ giữ ẩm cho nhãn cầu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và quét sạch bụi bẩn lọt vào hốc mắt. Nếu nước mắt không tiết ra đủ hoặc hoạt động không tốt, mắt sẽ cảm thấy khô và khó chịu.

Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo không cần kê đơn.Tuy nhiên, hãy lựa chọn loại thuốc nhỏ mắt phù hợp cho kính áp tròng bạn đang đeo nhé.

Nếu thuốc nhỏ mắt vẫn không đủ để cải thiện tình trạng, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Họ có thể kê đơn một loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc đưa ra các điều trị khác phù hợp hơn.

Bạn có thể muốn đọc tiếp: Xóa tan nỗi lo về bệnh khô mắt.

Tác hại của kính áp tròng: giác mạc bị trầy xước

Đeo kính áp tròng có thể khiến giác mạc bị tổn thương, chẳng hạn như bạn có thể vô tình để móng tay làm trầy nó khi tháo kính áp tròng ra. Mặt khác, bụi bẩn bám trên kính chưa được vệ sinh kỹ cũng có khả năng khiến giác mạc bị trầy xước.

Bạn cần tháo kính áp tròng ra ngay khi cảm thấy khó chịu ở mắt và đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt. Hầu hết trường hợp những thương tổn xuất hiện trên bề mặt giác mạc sẽ sớm lành trong 1–2 ngày hoặc có thể lâu hơn (khoảng một tuần). Tuy vậy, trong tình trạng nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời, giác mạc bị trầy xước có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng mắt.

Phản ứng dị ứng

Đôi khi, tác hại của kính áp tròng cũng có thể là phản ứng dị ứng do dung dịch vệ sinh kính hoặc vật liệu cấu tạo của chúng gây nên. Tuy nhiên, thực tế trường hợp này khá hiếm do vật liệu của kính áp tròng đã được kiểm duyệt gắt gao trước khi đưa vào quy trình sản xuất.

Trong tình huống này, bạn cần thử loại kính áp tròng khác hoặc chuyển sang dùng kính đeo mắt.

Phòng tránh tác hại của kính áp tròng

Chọn đúng loại kính áp tròng

Kính áp tròng mà bạn dùng phải phù hợp với hình dạng và kích thước của mắt. Ngoài ra, khả năng thẩm thấu của nó cũng cần được cân nhắc để đảm bảo mắt vẫn nhận đủ lượng oxy cần thiết. Bạn có thể thử một vài dòng kính trước khi xác định loại nào phù hợp với mình.

Đeo kính áp tròng đúng cách

Hãy đảm bảo bạn luôn tuân theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng kính áp tròng, đặc biệt là vệ sinh kính. Bạn cần ghi nhớ những chú ý sau:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng và lau khô trước khi chạm đến kính áp tròng
  • Tuân thủ quy trình vệ sinh và khử trùng kính
  • Thay mới kính áp tròng theo đúng định kì do bác sĩ chỉ định
  • Thay khay đựng kính mỗi ba tháng một lần

Sử dụng đúng cách để tránh gặp tác hại của kính áp tròng

Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điều khi sử dụng dung dịch vệ sinh kính và ngâm kính áp tròng:

  • Không tiết kiệm dung dịch: dung dịch vệ sinh chỉ dùng một lần rồi bỏ, không giữ lại để tái sử dụng. Bên cạnh đó, dung dịch ngâm kính cần thay thường xuyên.
  • Chỉ dùng dung dịch đặc hiệu cho kính áp tròng. Không sử dụng nước máy hoặc nước cất hay bất kỳ dung dịch nào khác để thay thế.
  • Không nên đổ dung dịch đặc hiệu cho kính áp tròng vào chai nhỏ khi đi du lịch nhằm tránh trường hợp nhiễm trùng. Bạn có thể sắm riêng một chai dung dịch ngâm kính loại nhỏ để mang theo.
  • Tuyệt đối không ngủ hoặc bơi khi đang đeo kính áp tròng. Khi nhắm mắt ngủ, mắt có thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết do kính áp tròng cản trở, dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở nhãn cầu. Mặt khác, hóa chất trong hồ bơi cũng như các loài vi sinh xuất hiện trong nước giếng, nước máy đều có khả năng tổn thương giác mạc và gây nhiễm trùng mắt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Problems Can Contact Lenses Cause? https://www.webmd.com/eye-health/contact-lens-problems#1. Ngày truy cập 11/03/2019.

4 Common Contact Lens Problems and Their Solution. https://youreyesite.com/4-common-contact-lens-problems-and-their-solution/. Ngày truy cập 11/03/2019.

Contact Lens Problems. https://www.eyeinstitute.co.nz/about-eyes/a-to-z-of-eyes/symptoms/contact-lens-problems. Ngày truy cập 11/03/2019.

Phiên bản hiện tại

19/04/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

Có nên dùng kem dưỡng mắt không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 19/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo