backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm mí mắt là gì? 3 cách chữa viêm mí mắt tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/04/2022

    Viêm mí mắt là gì? 3 cách chữa viêm mí mắt tại nhà

    Viêm mí mắt là một vấn đề nhãn khoa khá phổ biến. Tuy là bệnh mãn tính nhưng vẫn có thể kiểm soát cũng như điều trị bằng một số phương pháp đơn giản ngay tại nhà kết hợp với việc dùng thuốc kháng sinh.

    Viêm mí mắt là thuật ngữ chỉ tình trạng mí mắt bị nhiễm trùng dẫn đến viêm. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến của hiện tượng mí mắt sưng đỏ và lông mi giòn, dễ rụng. Theo thống kê từ các chuyên gia nhãn khoa, khoảng 40% người bệnh tìm đến đều có triệu chứng của tình trạng viêm nơi mí mắt. Kết quả thống kê còn cho thấy tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh cao hơn hẳn so với người cao tuổi.

    Bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề viêm mí mắt dưới hay trên vì hiện nay, các bác sĩ đã có biện pháp điều trị hiệu quả căn bệnh này, đồng thời ngăn ngừa một số biến chứng có thể xảy ra ở mắt hoặc mí mắt.

    Có 2 loại viêm mí mắt phổ biến là viêm mí mắt ngoài và viêm mí mắt trong
    Nguồn: Efei.com

    Các loại viêm mí mắt phổ biến

    Một số nhà nghiên cứu cho rằng viêm mí mắt có xu hướng phát sinh ở những người có làn da dầu. Thông thường, tình trạng này được chia thành hai nhóm, bao gồm:

    1/ Viêm mí mắt ngoài

    Đúng như tên gọi, tình trạng này thường ảnh hưởng đến khu vực bên ngoài của mí mắt, nơi lông mi phát triển. Tình trạng này có thể xảy ra dưới dạng tăng tiết bã nhờn hoặc viêm loét.

    Do tăng tiết bã nhờn

    Tình trạng này có mối liên hệ với gàu. Nó thường khiến mí mắt trở nên đỏ và tạo ra một lớp vảy tích tụ trên lông mi, khiến mắt bị ngứa. Các vảy ban đầu phát triển do một số lượng bất thường cũng như loại nước mắt được sản sinh bởi các tuyến lệ ở mí mắt.

    Viêm loét mí mắt

    So với dạng tăng tiết bã nhờn, tình trạng viêm loét mí mắt ít gặp hơn và có khả năng phát sinh ngay từ lúc bạn còn nhỏ. Vi khuẩn là tác nhân gây nên tình huống này. Viêm loét mí mắt được đánh giá là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khi mà nó tạo nên lớp dịch cứng, giòn xung quanh lông mi, khiến bạn khó mở mắt vào buổi sáng.

    2/ Viêm mí mắt trong

    Viêm mí mắt trong phát sinh khi các tuyến dầu ở mí mắt trong trở thành môi trường cho phép vi khuẩn phát triển. Nó có thể xảy ra do hệ quả của các tình trạng da như mụn trứng cá hay gàu da đầu.

    Hiện tượng này còn được gọi là rối loạn chức năng tuyến meibomian. So với các loại khác, bạn dễ mắc phải rối loạn chức năng tuyến meibomian (MGD) hơn. Các tuyến meibomian có chức năng tiết ra một loại dầu, với công dụng ngăn chặn sự bay hơi của nước mắt.

    Khi các tuyến meibomian bị viêm, số lượng dầu tiết ra không ổn định: có thể quá nhiều hoặc quá ít. Người bị rối loạn chức năng tuyến meibomian thường bắt gặp tình trạng mắt đỏ kèm theo nóng hoặc khô mắt. Thị lực có xu hướng suy giảm vì nước mắt tiết ra không bình thường.

    Nguyên nhân và triệu chứng viêm mí mắt

    Nguyên nhân

    Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng viêm mí mắt, trong đó một vài nguyên nhân tiêu biểu có thể kể đến:

    • Vệ sinh mắt không sạch sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm, vi trùng tấn công ở mi mắt.
    • Ô nhiễm không khí, khói, bụi.
    • Không tẩy trang sạch sau khi trang điểm.

    Triệu chứng

    Một vài triệu chứng thường thấy của viêm mí mắt bao gồm:

    • Chảy nước mắt nhiều.
    • Ngứa mắt.
    • Mắt bị khô.
    • Cảm giác cộm mắt.
    • Mắt hoặc mí mắt sưng và đỏ.
    • Mắt bị khô.
    • Nhạy cảm với gió, bụi, ánh sáng.

    Viêm mí mắt phải làm sao? 3 cách chữa viêm mí mắt tại nhà

    Viêm mí mắt thường là tình trạng mãn tính. Do đó, bạn nên tìm hiểu những cách chữa viêm mí mắt đơn giản giúp cải thiện các triệu chứng có thể thực hiện tại nhà, ví dụ như:

    1/ Sử dụng nhiệt áp lên mắt và tẩy tế bào chết ở mí mắt

    Biện pháp điều trị đơn giản nhất là dùng bông hoặc vải vô trùng nhúng vào nước ấm, vắt thật khô rồi áp lên mí mắt. Sau đó, bước tiếp theo là tẩy tế bào chết ở mí mắt. Bạn có thể thực hiện bước này bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như dùng khăn sạch thấm chút dầu gội trẻ em đã hòa với nước ấm nhẹ nhàng lau sạch mí mắt.

    2/ Bổ sung axit béo omega-3

    Theo nhiều chuyên gia nhãn khoa, axit béo omega-3 ngoài việc có khả năng hỗ trợ ổn định các tuyến meibomian, đồng thời nó còn có tác dụng chống viêm ở mắt. Tuy nhiên, bạn sẽ cần một khoảng thời gian, từ 3–6 tháng, trước khi nhận thấy hiệu quả rõ ràng.

    Ngoài ra, bạn nên kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào, đặc biệt là khi bạn có bất kỳ vấn đề y tế nào khác bên cạnh viêm mí mắt.

    Bạn có thể muốn đọc thêm: 12 lợi ích sức khỏe từ omega-3 và cách bổ sung.

    3/ Thường xuyên chớp mắt

    Biện pháp này nghe có vẻ ngớ ngẩn một chút, nhưng hành động chớp mắt giúp dầu trong tuyến meibomian điều tiết ổn định hơn. Tuy nhiên, tần suất chớp mắt của một người sẽ giảm theo thời gian. Ngoài ra, khi tập trung đọc sách hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị kỹ thuật số nào như smartphone, máy tính bảng… bạn cũng có xu hướng không chớp mắt.

    Vì vậy, hãy tập cho mình thói quen chớp mắt mỗi ngày bốn lần, mỗi lần khoảng 20–30 cái.

    Điều trị theo chỉ định y tế

    Trong một số trường hợp, bên cạnh việc tự chăm sóc tại nhà, người mắc bệnh viêm mí mắt có thể cần phải sử dụng thêm thuốc để đạt kết quả tốt trong việc điều trị.

    1/ Sử dụng thuốc kháng sinh bôi ngoài da

    Azasite là một dạng thuốc bôi ngoài da có azithromycin. Các bác sĩ nhãn khoa sẽ chỉ định người bệnh thoa một lượng nhỏ Azasite lên viền mí mắt bằng ngón tay trước khi đi ngủ. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm cũng như chống nhiễm trùng ở mắt.

    Thuốc mỡ kháng sinh, chẳng hạn như erythromycin và bacitracin, cũng được kê toa trong một số trường hợp.

    2/ Uống thuốc kháng sinh

    Uống thuốc kháng sinh cũng là một cách chữa viêm mí mắt

    Đối với những trường hợp cá biệt, thuốc kháng sinh dạng uống cũng có thể được kê đơn. Thuốc uống tetracycline, minocycline hoặc doxycycline có thể duy trì hiệu quả đến 30 ngày hoặc lâu hơn. Điều này rất hữu ích, đặc biệt đối với những người bị viêm mí mắt nặng có thể dẫn đến rosacea mắt.

    3/ Corticosteroid

    Mặc dù corticosteroid có nguy cơ mang lại tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn, nhưng chúng rất hiệu quả trong việc trị viêm nhiễm khi các phương pháp truyền thống khác không hiệu quả.

    Các bác sĩ sẽ cẩn trọng khi kê đơn corticosteroid để điều trị nhằm kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, đồng thời ngăn chặn những biến chứng tiềm ẩn có khả năng xuất hiện.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo