backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách nhỏ cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    Mách nhỏ cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    Cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không là một trong những mẹo dân gian được rất nhiều người truyền tai nhau để áp dụng. Tuy nhiên cách điều trị này cũng có thể tiềm ẩn một số vấn đề gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. 

    Hãy theo dõi bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu về cách thực hiện và ưu nhược điểm của phương pháp chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không. 

    Các cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là một bệnh lý do adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây nên. Bệnh dễ gây dịch lây lan diện rộng và thường bùng phát vào mùa hè kéo dài sang mùa thu. Điều này là do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao… tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

    Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là mắt bị đỏ và có ghèn. Bệnh nhân thường:

  • Bị đỏ một bên mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai
  • Khó chịu ở mắt
  • Thấy cộm như có cát
  • Buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do có nhiều ghèn, dính chặt.
  • Các triệu chứng khác bao gồm:

    • Mí mắt sưng
    • Chảy nước mắt
    • Mệt mỏi
    • Sốt nhẹ
    • Đau họng
    • Ho
    • Xuất hiện hạch ở tai đau nhức.

    Bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc Tây y trong vòng 4 – 5 ngày nếu được thăm khám và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, với tâm lý ngại uống thuốc tây kéo dài, nhiều người đã lựa chọn phương pháp chữa bệnh bằng mẹo dân gian, chẳng hạn như dùng lá trầu không. Cụ thể, đau mắt đỏ xông lá trầu không có thể thực hiện theo 2 cách:

  • Cách 1: chuẩn bị khoảng 50g lá trầu không tươi, đem rửa sạch từng lá một để loại bỏ đất cát và bụi bẩn. Sau đó cho lá trầu không vào một nồi nước sạch, đun sôi rồi xông mắt trong 3 phút. Duy trì thực hiện cách làm này mỗi ngày từ 2 – 3 lần và liên tục trong một tuần. 
  • Cách 2: vò nát khoảng 10 lá dâu cùng với 3 lá trầu không cho vào nồi, đổ thêm nước sôi rồi đưa mắt đến gần để xông hơi nóng bốc lên trong khoảng 3 phút. Sau đó dùng nước này để rửa mắt. Thực hiện như vậy 2 lần mỗi ngày. 
  • Ưu điểm khi chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    Cách tiến hành chữa đau mắt đỏ bằng phương pháp dân gian thường đơn giản, dễ thực hiện. Bất kỳ ai cũng có thể làm được, kể cả bệnh nhân đang bị bệnh. Do phương pháp này sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, nên nó không tốn kém quá nhiều chi phí.

    Một ưu điểm khác khi chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không là giảm triệu chứng cho một số trường hợp. Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Tinh dầu trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ… và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.

    Ngoài ra, theo nghiên cứu lá trầu không còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt trong các trường hợp viêm họng, cảm cúm, nhức đầu, sát trùng vết thương, chữa các bệnh viêm loét ngoài da… Mặc dù không có cơ sở khoa học chứng minh, nhưng chính vì những ưu điểm trên mà cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu được rất nhiều người truyền tai nhau để thực hiện.

    Nhược điểm khi chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    nhược điểm chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không

    Không thể phủ nhận tác dụng của lá trầu không nhưng theo các bác sĩ cho biết, việc đắp hoặc xông lá trầu không, lá dâu… để trị đau mắt đỏ là một cách điều trị rất nguy hiểm. Nguyên nhân là do đắp hoặc xông các loại lá này không có chừng mực có thể gây kích ứng mắt, bỏng giác mạc, loét giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc và sưng nề.

    Sau khi xông hơi, bệnh nhân có thể cảm thấy dễ chịu, mắt đỡ cộm và đỡ ngứa nên dễ lầm tưởng là phương pháp này có hiệu quả chữa bệnh tốt. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra lá trầu không có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ. Không chỉ vậy, nếu sử dụng sai cách nó còn có thể làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp lá không được rửa sạch trước khi xông.

    Như vậy có thể thấy, cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không không phải là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Tốt hơn hết là khi bị bệnh đau mắt đỏ, mọi người nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, đồng thời tuân thủ một số biện pháp chăm sóc dưới đây để có thể nhanh chóng khỏi bệnh:

    • Lau sạch ghèn trong mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông. 
    • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
    • Không được lấy thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn để sử dụng cho mắt lành.
    • Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, cũng như không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
    • Tuyệt đối không được dụi mắt bằng tay.
    • Nên đeo kính mắt để tránh ô nhiễm và khói bụi.
    • Rửa tay thật sạch trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
    • Hàng ngày nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9%.

    Hi vọng qua một số thông tin về ưu nhược điểm của cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không, bạn có thể cân nhắc để lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh đau mắt đỏ an toàn và hiệu quả nhất cho bản thân và gia đình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo