backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Sùi mào gà ở mắt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/06/2023

Sùi mào gà ở mắt

Sùi mào gà ở mắt hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Việc điều trị sớm sẽ giúp tránh lây lan cho người khác và đến vùng da khác trên cơ thể, giảm nguy cơ biến chứng.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về chứng sùi mào gà mọc ở mắt trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Sùi mào gà ở mắt là gì?

Sùi mào gà (hay mụn cóc) là một khối u lành tính trên da do virus HPV gây ra. Sùi mào gà tồn tại ở nhiều dạng và có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể, chẳng hạn như tay, chân, miệng, mũi, mặt, bộ phận sinh dục,….

Sùi mào gà có mọc ở mắt không? Câu trả lời là CÓ. Sùi mào gà ở mắt khá hiếm gặp nhưng lại gây khó chịu, mất thẩm mỹ, thậm chí là dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho thị lực.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng sùi mào gà ở mắt

Dấu hiệu sùi mào gà nói chung thường xuất hiện sau khi nhiễm virus HPV khoảng 2 – 9 tháng. Tuy nhiên, một số người có thể xuất hiện triệu chứng muộn hơn, sau nhiều năm tiếp xúc với virus HPV.

triệu chứng sùi mào gà ở mắt

Dấu hiệu sùi mào gà ở mắt như sau:

  • Sùi mào gà ở mắt giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các nốt sùi nhỏ li ti ở mí mắt (có thể là mí trên hoặc mí dưới). Sùi mào gà ở mí mắt lúc này có kích thước chỉ khoảng từ 0,5 – 2mm, có gai, màu hồng nhạt
  • Sau đó, nốt sùi phát triển nhanh và có kích thước lên đến 4 – 5mm, có thể kèm theo nhiều nốt nhỏ khác
  • Bề mặt nốt sùi khi phát triển lớn thường có hình dạng giống như nhiều chiếc gai đâm lên, đôi khi trông giống như những chiếc bàn chải nhỏ có lông mảnh khảnh thò ra ngoài, hơi ẩm
  • Nốt sùi có thể chảy máu, chảy mủ khi chạm mạnh vào
  • Mí mắt nặng, khó chịu, ngứa rát và tầm nhìn bị hạn chế.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bị sùi mào gà ở mắt, tuyệt đối không tự chữa tại nhà. Bởi vì, đây là vị trí nhạy cảm, có thể dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù lòa nếu điều trị không thỏa đáng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây sùi mào gà ở mắt?

Nguyên nhân gây sùi mào gà ở mắt là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. 

Chúng có thể xâm nhập vào lớp trên cùng của da thông qua những vết cắt, vết xước nhỏ và khiến các tế bào da phát triển quá mức thành mụn. Lớp da bên ngoài trở nên dày và cứng hơn, tạo thành nốt sùi nổi lên.

Virus gây sùi mào gà ở mắt rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Bạn có thể bị lây bệnh khi chạm vào da của người đang nhiễm virus hoặc vào các đồ vật bị nhiễm virus như: khăn tắm, khăn mặt hoặc dao cạo râu. Virus sẽ dễ tấn công hơn nếu làn da ẩm, mềm hoặc đang bị thương. Chúng đôi khi cũng lây từ nơi này sang nơi khác trên cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố khiến bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm virus gây bệnh sùi mào gà ở mắt bao gồm:

  • Thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su và quan hệ với nhiều bạn tình)
  • Quan hệ tình dục bằng miệng, hôn môi
  • Lây nhiễm từ mẹ sang con
  • Những người làm nghề xử lý thịt, cá, gia cầm
  • Trẻ em và thanh thiếu niên thường sử dụng vòi hoa sen chung, chẳng hạn như sau khi chơi thể thao hoặc tại hồ bơi
  • Dùng chung các đồ dùng như khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu…
  • Trong gia đình có người từng bị sùi mào gà
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trẻ em, người cao tuổi, người ghép tạng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư hoặc AIDS
  • Những người bị bệnh dị ứng như bệnh chàm.

Biến chứng

Sùi mào gà ở mắt có nguy hiểm không?

sùi mào gà ở mắt có nguy hiểm không

Sùi mào gà ở mắt hầu như vô hại đối với những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự chống lại virus, và theo thời gian tình trạng này biến mất.

Đối với những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, việc loại bỏ sùi mào gà ở mắt có thể khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Hiếm khi, sùi mào gà ở mắt có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Nốt sùi lớn, lở loét và làm tổn hại chức năng mắt
  • Hạn chế tầm nhìn, giảm thị lực, thậm chí mù lòa
  • Tự ti, mặc cảm và khó khăn trong giao tiếp hàng ngày. Nặng hơn, tâm lý người bệnh bị ảnh hưởng, dẫn đến chứng lo âu hoặc trầm cảm
  • Virus lây nhiễm sang các bộ phận khác gây viêm nhiễm ở tử cung, âm đạo, dương vật,…; làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư âm đạo,…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Cách chẩn đoán sùi mào gà mọc ở mắt

Bác sĩ sẽ hỏi nguyên nhân và quan sát, sờ vào mụn cóc vùng mắt để chẩn đoán. Hiếm khi, họ cần sinh thiết da vùng mụn (lấy một mô nhỏ ở mụn cóc) để quan sát dưới kính hiển vi nhằm chẩn đoán chính xác hơn. 

Bạn có thể quan tâm: Xét nghiệm sùi mào gà

Những phương pháp nào giúp điều trị sùi mào gà mắt?

điều trị sùi mào gà ở mắt

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Thuốc men

Do vùng mắt là vùng khá nhạy cảm nên bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi về bôi.

Hãy thăm khám bác sĩ để được chỉ định thuốc uống, thuốc tiêm hay thuốc bôi phù hợp. Đồng thời, bạn cũng nên dùng thuốc theo chỉ định để hạn chế kích ứng và giảm nguy cơ gây tổn thương vùng mắt.

Liệu pháp áp lạnh 

Liệu pháp áp lạnh sử dụng nitơ lỏng xịt trực tiếp lên nốt sùi. Nitơ lỏng sẽ đông lạnh mụn cóc và giúp chúng tự bong tróc ra.

Liệu pháp này có ưu điểm là không gây chảy máu, viêm nhiễm.

Tuy nhiên, nitơ lỏng rất lạnh nên có thể gây đau nhói trong thời gian ngắn, sau đó da chuyển sang màu đỏ hoặc sưng tấy.

Điều trị bằng laser

Trước khi điều trị bằng laser, bác sĩ có thể làm tê liệt nốt sùi bằng cách tiêm thuốc gây tê tại chỗ. Sau đó, họ sẽ chiếu tia laser trực tiếp lên nốt sùi nhằm loại bỏ chúng.

Tuy nhiên, phương pháp này thường gây đau và tác dụng chậm nên cần nhiều đợt điều trị.

Quang động học (ALA-PDT)

Phương pháp này sử dụng ánh sáng để kích thích các phân tử oxy hóa trong tế bào da của nốt sùi, dẫn đến phá hủy các tế bào này.

Ưu điểm lớn nhất của quang động học là ít tái phát, loại bỏ nốt sùi nhanh chóng và triệt để.

Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí khá cao nên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

Bạn đừng điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế không đảm bảo uy tín vì có thể gây nhiễm trùng và tổn thương mắt nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến mù lòa.

Các phương pháp điều trị vừa đề cập ở trên nhìn chung đều có hiệu quả, nhưng không phải lúc nào cũng giúp bạn chữa khỏi sùi mào gà ở mắt hoàn toàn. Nốt sùi có thể quay trở lại ở vị trí cũ hoặc vị trí mới, do đôi khi virus HPV vẫn còn tồn tại trên da sau khi điều trị.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa sùi mào gà ở mắt

Bạn có thể làm những điều sau đây để tránh lây nhiễm sùi mào gà cho người khác và ngăn ngừa nốt sùi từ mắt lây lan sang vùng khác trên da:

  • Che nốt sùi bằng miếng dán khi đi ra ngoài
  • Hạn chế đến nơi công cộng trong thời gian bị bệnh
  • Không gãi, chà xát, chạm hoặc cạy vào nốt sùi
  • Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên với xà phòng
  • Không dùng chung khăn lau mặt, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân với người khác
  • Quan hệ tình dục an toàn, như dùng bao bao su, hạn chế quan hệ bằng miệng và chỉ nên quan hệ với một bạn tình.

Vì virus gây ra sùi mào gà ở mắt rất dễ lây lan nên khó có thể phòng ngừa hoàn toàn. Điều quan trọng là bạn nên giữ vệ sinh cho mắt, thăm khám sớm và điều trị đúng chỉ định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo