Có nhiều người ngủ đủ giấc nhưng vẫn bị thâm quầng mắt. Vậy hiện tượng này còn do những nguyên nhân thâm mắt nào khác? Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao ngủ sớm mà mắt vẫn thâm? Bị thâm mắt là thiếu chất gì?
Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn của mỗi người chúng ta. Một đôi mắt sáng, rạng rỡ sẽ giúp gương mặt bạn thêm phần lôi cuốn và tươi trẻ. Do đó, tình trạng bị thâm quầng mắt, bọng mắt hay nếp nhăn luôn là mối quan tâm chung của rất nhiều chị em.
Rất nhiều người luôn tự đặt ra câu hỏi: Tại sao ngủ đủ giấc nhưng mắt vẫn thâm quầng? Vậy, tình trạng thâm quầng mắt còn do những nguyên nhân nào khác hình thành hay không? Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời ngay thôi nào!
Giải đáp nguyên nhân thâm mắt: Vì sao ngủ đủ giấc nhưng vẫn bị thâm quầng mắt?
Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, lớp biểu bì vùng quanh mắt mỏng manh và rất nhạy cảm. Bên dưới lớp biểu bì mỏng manh này là một mạng lưới mao mạch dày đặc. Khi bạn thức khuya, bị stress hay mệt mỏi, các mao mạch này nhanh chóng giãn nở, vỡ ra và xuất hiện quầng thâm.
Nhưng sự thật là mắt bị thâm quầng không phải chỉ là do thiếu ngủ gây ra. Nhiều người có thời gian ngủ tính ra cũng không ít, nhưng quầng mắt vẫn thâm. Vấn đề này có thể là vì giấc ngủ tuy lâu nhưng không hẳn đã sâu và ngon giấc, khiến cơ thể vẫn phát sinh cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Ngoài ra, một nguyên nhân thâm mắt khác cũng thường gặp phải là ở những người có tuổi, làn da mất dần tính đàn hồi và khả năng tái tạo da, làm cho quầng thâm nổi bật hơn mặc dù họ vẫn ngủ đủ giấc mỗi ngày.
Những nguyên nhân thâm mắt khác
Một số những nguyên nhân thâm mắt khác cũng khiến cho quầng thâm mắt của bạn ngày một rõ rệt, có thể kể đến như:
→ Do di truyền: Một trong những nguyên nhân thâm mắt hàng đầu đến từ việc di truyền từ cha mẹ. Có rất nhiều người tự hỏi: “Ngủ sớm có hết thâm mắt không?’, trong trường hợp nguyên nhân thâm mắt là do di truyền thì không thể khỏi được nếu chỉ ngủ đúng giờ. Ngoài ra, có rất nhiều người có vùng da dưới mắt mỏng hay có nhiều các mạch máu nhỏ, sự tập trung melanin quá nhiều là do di truyền từ cha mẹ. Để cải thiện tình trạng thâm mắt do di truyền, bạn có thể áp dụng biện pháp trị thâm mắt bằng laser, hoặc tiêm trị thâm mắt bằng filler tại các spa làm đẹp uy tín, để vùng da mắt sáng hơn đáng kể.
→ Do cơ thể thiếu nước: Khi cơ thể thiếu nước sẽ dẫn tới các mạch máu dưới vùng da mắt bị sưng lên, gây ra bọng mắt và thâm.
→ Do đi nắng nhiều: Ánh nắng mặt trời là “kẻ thù” lớn nhất của làn da và đôi mắt. Vì ánh nắng có thể khiến các hắc tố melanin dưới da tăng cao, làm da bị sạm đen và lão hóa trầm trọng, nhất là vùng da quanh mắt.
→ Do hút thuốc lá và dùng chất kích thích: Lạm dụng nhiều thuốc lá, rượu bia, cà phê sẽ khiến các mạch máu bị co lại, làm máu kém lưu thông, gây ra nếp nhăn và thâm quầng ở dưới mắt.
→ Do thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng hoặc uống nước quá ít cũng là nguyên nhân thâm mắt khá phổ biến.
→ Do thói quen sinh hoạt không điều độ: Thói quen dụi mắt, sử dụng điện thoại và máy tính liên tục cùng việc vệ sinh mắt không đúng cách sẽ làm tổn thương vùng da dưới mắt và dẫn đến vùng da mắt bị tối màu, thiếu sức sống.
→ Nguyên nhân thâm mắt do ăn mặn hoặc dị ứng: Ngoài việc đối phó với quầng thâm và nếp nhăn ở mắt, chúng ta còn phải tránh việc mắt bị sưng bọng. Việc ăn quá nhiều món mặn hoặc bị dị ứng, kích ứng sẽ làm tích trữ nước trong cơ thể làm bọng mắt ngày càng sưng to mất thẩm mỹ.
>>> Bạn có thể quan tâm: Cách trị thâm quầng mắt: Cải thiện diện mạo ngay nếu làm đúng cách!
Ngủ đủ giấc nhưng mắt vẫn bị thâm quầng, khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Một nguyên nhân thâm mắt cũng khá nghiêm trọng nữa đó là bạn bị các bệnh về gan, tim, thận, tuyến giáp và một số cơ quan khác, gây ứ nước và khiến máu tích tụ ở dưới mắt, dẫn đến quầng thâm.
Trong trường hợp chỉ có vùng da dưới một bên mắt đổi màu và sưng lên, không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn theo thời gian thì bạn nên đi khám để nhận được sự hỗ trợ sớm nhất.
Tùy thuộc vào nguyên nhân thâm mắt, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và tìm ra những biện pháp khắc phục hiệu quả để loại bỏ hoặc làm giảm tình trạng thâm quầng mắt. Điều này không những giúp bạn lấy lại vẻ đẹp về ngoại hình, mà còn cải thiện những vấn đề về sức khỏe mà bạn đang gặp phải.
Cách chăm sóc mắt tại nhà ngăn ngừa các nguyên nhân gây thâm mắt
Cũng như những vùng da khác, vùng da mắt cần thời gian hồi phục, tái tạo lớp da mới. Việc xóa thâm quầng mắt phải đưa vào quy trình dưỡng da hằng ngày mới thực sự đạt được hiệu quả tối ưu.
Muốn ngăn ngừa và phòng tránh các nguyên nhân thâm mắt, hãy áp dụng những biện pháp đơn giản nhưng cực hiệu quả sau đây:
√ Chườm lạnh: Bạn có thể sử dụng hai thìa trà lạnh hoặc một túi trà đông lạnh bọc vào một khăn mềm để tạm thời làm co và đổi màu các mạch máu ở dưới mắt.
√ Gối đầu: Nâng cao đầu bằng hai hoặc nhiều chiếc gối có thể ngăn chặn sự phồng lên khi dịch ứ lại ở mi dưới.
√ Luôn massage và bôi kem dưỡng mắt vào mỗi buổi tối: Nhẹ nhàng chấm kem trị thâm mắt, vỗ nhẹ và vuốt đều kem từ giữa ra tới đuôi mắt bằng ngón áp út.
√ Thư giãn vùng mắt: Dùng miếng bông tẩy trang thấm nước trà hoặc dùng túi lọc trà còn ấm, vắt bớt nước rồi đắp lên mắt bị thâm quầng để làm tăng lượng tuần hoàn máu đến các mô, giúp thư giãn các cơ xung quanh mắt. Chất tanin trong trà có tác dụng giảm thiểu tình trạng sưng tấy và làm sáng vùng da mắt.
√ Dưỡng ẩm: Việc cấp ẩm và cấp nước cho mặt, đặc biệt là vùng da cực kỳ quan trọng, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và sáng hôm sau khi thức dậy. Vì khi làn da đủ ẩm căng mịn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm các nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa.
>>> Bạn có thể quan tâm: Mắt thâm là bệnh gì? Tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước!
Bị thâm mắt là thiếu chất gì?
Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân thâm mắt rất thường gặp phải là một chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng. Để mau chóng “đánh bay” quầng thâm vùng mắt thì chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Một thực đơn ăn uống khoa học sẽ hỗ trợ hiệu quả việc chăm sóc và nuôi dưỡng “cửa sổ tâm hồn” của bạn.
Vì vậy, bị thâm mắt là thiếu chất gì? Hãy bổ sung trong thực đơn ăn uống hàng ngày các dưỡng chất sau:
Sắt / B12
Một nguyên nhân thâm mắt phổ biến là do thiếu sắt và vitamin B12. Thiếu hụt sắt sẽ làm cản trở việc cung cấp oxy cho các mô trong cơ thể và làm giảm khả năng tái tạo da.
Thực phẩm chứa nhiều chất sắt cùng vitamin B12 có thể kể đến như: trứng, thịt bò nạc, cá hồi, gan, bột yến mạch, rau bó xôi…
Vitamin K
Vitamin K có khả năng điều chỉnh sự đông máu và tăng cường sức bền của các thành mao mạch. Vì nếu mao mạch bị vỡ sẽ gây rò rỉ máu tạo thành quầng thâm dưới vùng da mỏng như quầng mắt.
Vitamin K có trong các loại: rau lá xanh, quả bơ, kiwi, gạo nâu, trứng, bột yến mạch, lúa mì, cây đinh lăng, bột ngô, khoai lang, gan và đậu nành.
Vitamin A
Vitamin A cũng là một chất chống oxy hóa, giúp hạn chế các nếp nhăn và ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến mí mắt khô, mỏi mắt, nhạy cảm với sự thay đổi ánh sáng và góp phần làm thâm mắt.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: khoai lang, cà rốt, súp bí, ớt đỏ, gan, bí đỏ, trứng cùng một số loại trái cây.
Vitamin B
Vitamin B làm giảm khả năng giữ nước từ đó làm giảm tình trạng mắt sưng húp, cũng như giảm quầng thâm dưới mắt.
Thực phẩm giàu vitamin B: hạt óc chó, cá hồi, rau bó xôi, hàu…
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc kiểm soát căng thẳng, che chắn kỹ càng mỗi khi ra đường cũng là cần thiết. Đồng thời, kết hợp sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm hoặc làm sáng vùng da dưới mắt là cách tốt nhất để cải thiện quầng thâm và giúp vùng da quanh mắt luôn tươi trẻ và khỏe mạnh mỗi ngày!
Cách phòng ngừa, cải thiện tình trạng gây ra nguyên nhân thâm mắt
Cách phòng ngừa tình trạng quầng mắt bị thâm tốt nhất là hãy ăn uống đầy đủ và ngủ ngon giấc. Đồng thời, bạn cần học cách giảm căng thẳng và thư giãn tốt. Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thiết yếu, thì vùng da mắt sẽ trở nên rạng rỡ hơn. Qua đó làm giảm sự xuất hiện mắt thâm quầng.
Do đó, bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh để “xua tan” quầng thâm cũng như các nếp nhăn mắt như :
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh như cải bắp, cải xoăn và rau bina.
- Bạn cần cố gắng ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Trưa nên tranh thủ chợp mắt tối thiểu 30 phút để mắt và cơ thể được thư giãn.
- Nếu làm việc liên tục trước máy tính, cứ 1 tiếng bạn nên nghỉ 5 phút. Bạn nên tập cho mắt nhìn những điểm xung quanh, tránh việc luôn luôn chăm chú nhìn màn hình đến hơn 10 tiếng mỗi ngày.
- Hạn chế hút thuốc lá, hay uống rượu bia, cà phê.
- Thoa kem chống nắng khi ra đường. Bạn đừng quên che chắn kỹ cho vùng da mắt, đeo kính râm để bảo vệ mắt trước sự tác động của tia UVA và UVB.
Vậy là bạn đã tìm được đáp án cho câu hỏi: Tại sao ngủ đủ giấc nhưng vẫn bị thâm quầng mắt và biết rõ các nguyên nhân thâm mắt rồi đúng không?
Với những thông tin trên, Hello Bacsi hy vọng rằng các bạn sẽ sớm “xua tan” nỗi lo thâm quầng mắt và lấy lại sự tự tin và trẻ trung vốn có. Bên cạnh đó, bạn hãy luôn nhớ chăm sóc cơ thể thật tốt, bởi khi sức khỏe tổng thể được tăng cường thì sự mệt mỏi và các quầng thâm cũng dần biến mất.
>>> Bạn có thể quan tâm: Quầng thâm mắt bật mí điều gì về sức khỏe của bạn?