Nhiễm virus viêm kết mạc là tình trạng gì và có bao nhiêu loại virus viêm kết mạc? Triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị tình trạng này ra sao?
Viêm kết mạc do virus có khả năng lây lan nhanh nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Nhiễm virus viêm kết mạc là gì?
Nhiễm virus viêm kết mạc hay còn được gọi là bệnh viêm kết mạc do virus là tình trạng nhiễm trùng kết mạc cấp tính thường do một loại virus nào đó gây ra. Viêm kết mạc do virus là loại viêm kết mạc phổ biến nhất. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở trường học và những nơi đông người khác.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm virus viêm kết mạc
Triệu chứng viêm kết mạc do virus thường nghiêm trọng nhất trong 3-5 ngày đầu và dần dần tự khỏi sau 1–2 tuần. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Kích ứng mắt
- Đỏ mắt
- Đau mắt
- Chảy nước mắt
- Xuất hiện nhiều dịch ở mắt, có thể đóng thành màng/ghèn đặc biệt là trong lúc ngủ khiến cho người bệnh khó mở mắt vào sáng sớm
- Ngứa mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Cảm giác cộm, vướng như có dị vật gì đó trong mắt.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus viêm kết mạc đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tình trạng đau mắt, thị lực bị suy giảm hoặc nhạy cảm với ánh sáng không cải thiện theo thời gian thì cần phải thăm khám ngay với bác sĩ nhãn khoa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc do virus
Viêm kết mạc do virus có thể là nhiễm virus viêm kết mạc toàn thân hoặc khu trú. Các loại virus viêm kết mạc phổ biến gây bệnh có thể bao gồm:
- Adenovirus, gây bệnh cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng đường hô hấp (Đây là nguyên nhân gây ra 90% trường hợp viêm kết mạc do virus)
- Virus herpes simplex (chiếm từ 1,3 đến 4,8% trường hợp)
- Virus gây bệnh sởi
- Virus rubella (virus gây bệnh rubella, thủy đậu và bệnh quai bị)
- Virus varicella-zoster (virus gây ra bệnh thủy đậu và bệnh zona)
- Virus Ebola
- Virus Epstein-Barr, gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (mono)
- Picornavirus, chẳng hạn như virus coxsackievirus A24 và virus enterovirus 70 gây viêm kết mạc xuất huyết cấp tính
- Các loại virus khác, bao gồm cả virus SARS-CoV-2.
Viêm kết mạc do virus rất dễ lây lan. Hầu hết các loại virus viêm kết mạc đều lây lan qua việc dụi mắt bằng tay hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt hay dịch tiết ở mắt của người bệnh. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây qua các vật dụng trung gian bị nhiễm virus như khăn mặt, kính, chậu rửa mặt…gây nhiễm trùng tay và lây sang mắt. Bệnh cũng lây qua đường hô hấp thông qua việc nói chuyện gần, ho, hắt hơi hoặc hôn…người bị nhiễm bệnh.
Biến chứng
Nhiễm virus viêm kết mạc có nguy hiểm không?
Trong một số trường hợp, viêm kết mạc do virus có thể để lại các biến chứng như:
- Viêm kết mạc do vi khuẩn
- Viêm giác mạc, thậm chí loét giác mạc, tạo thành sẹo giác mạc
- Mẩn đỏ mãn tính
- Tiết dịch và kích ứng nghiêm trọng
- Nhiễm trùng mạn tính
- Mù lòa.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm virus viêm kết mạc?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua việc thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh nhân về các triệu chứng đang gặp phải và tiền sử bệnh. Kết mạc là màng bán trong suốt bao phủ phần lòng trắng của mắt và lót bên trong mí mắt. Khi kết mạc bị viêm, lòng trắng của mắt có màu đỏ, bệnh nhân sẽ bị đỏ mắt và chảy dịch.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, các triệu chứng bệnh nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị, bác sĩ có thể lấy mẫu chất lỏng chảy ra từ mắt để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Những phương pháp điều trị khi bị nhiễm virus viêm kết mạc
Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm virus viêm kết mạc có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần mà không cần điều trị. Bạn không nên sử dụng thuốc kháng sinh (bao gồm thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc bôi). Vì nguyên nhân gây bệnh là do virus nên thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích được gì và thậm chí có thể gây lờn thuốc nếu lạm dụng.
Thuốc kháng virus có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị các tình trạng nhiễm virus viêm kết mạc nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm kết mạc do virus herpes simplex hoặc virus varicella-zoster.
Trong thời gian chờ để bệnh tự khỏi, bệnh nhân nên thực hiện các mẹo sau đây để làm dịu triệu chứng và ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chạm vào mắt hoặc dịch tiết mũi
- Tránh dùng tay chạm vào mắt
- Tránh dùng chung khăn tắm, khăn mặt hoặc ngủ chung giường với người khác
- Không đeo kính áp tròng
- Sử dụng nước mắt nhân tạo
- Vệ sinh và lau mí mắt mỗi ngày
- Thay vỏ gối và khăn cá nhân thường xuyên
- Tránh dùng mỹ phẩm trang điểm mắt
- Không dùng chung mỹ phẩm cho mắt hoặc các vật dụng chăm sóc mắt cá nhân với người khác
- Tránh bơi trong hồ bơi công cộng
- Tránh tiếp xúc gần với người khác trong thời gian có thể lây bệnh.
Trong trường hợp xấu nhất, thuốc nhỏ mắt steroid tại chỗ có thể được kê đơn để giảm bớt sự khó chịu do viêm. Tuy nhiên, loại thuốc này sẽ không có tác dụng làm giảm nhiễm trùng do virus viêm kết mạc gây ra.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm virus viêm kết mạc?
Để phòng ngừa, bạn nên:
- Giữ gìn vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng nhiều lần trong ngày
- Dùng riêng khăn mặt, khăn lau của cá nhân
- Hạn chế dụi mắt
- Đeo kính râm bảo vệ mắt khi đi ra đường
- Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt
- Sử dụng và vệ sinh kính áp tròng kỹ lưỡng
- Thăm khám ngay khi có các dấu hiệu viêm kết mạc.
[embed-health-tool-heart-rate]