Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng nhưng gây nhiều khó chịu. Để bệnh kéo dài, bạn còn có nguy cơ bị ảnh hưởng đến thị lực. Ngoài việc dùng thuốc điều trị phù hợp và vệ sinh mắt, biết được đau mắt đỏ kiêng ăn gì cũng sẽ giúp bạn mau hồi phục hơn.
Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh đau mắt đỏ kiêng ăn gì?
Không có bất cứ một tài liệu hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh bệnh đau mắt đỏ bắt buộc phải kiêng những loại thực phẩm nào cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn thắc mắc bị đau mắt đỏ kiêng ăn gì thì sau đây là một số nhóm thực phẩm được cho là không tốt cho người bị bệnh đau mắt đỏ, theo quan niệm đông y và kinh nghiệm dân gian, mà bạn nên hạn chế khi mắc bệnh:
Nhóm gia vị, thực phẩm cay nóng
Theo Đông y, đau mắt đỏ là do can phong nhiệt, nên cần tránh những đồ cay nóng chứa nhiều ớt, tiêu, tỏi, hành… Những loại thực phẩm này sẽ gây kích thích dây thần kinh thị giác, tăng cảm giác mắt nóng ngứa và rát, khiến mắt khó chịu nghiêm trọng, đặc biệt là khi kết mạc mắt đang bị viêm nhiễm. Điều này cũng góp phần làm cho tình trạng bệnh lâu khỏi.
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì? Nhóm thực phẩm gây dị ứng
Nguyên nhân đau mắt đỏ ngoài do vi khuẩn, virus còn có thể là do dị ứng. Nếu bạn nghi ngờ một số loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cho bản thân thì hãy ngừng ăn chúng, tránh nguy cơ khiến bệnh trầm trọng hơn và giúp bệnh nhanh khỏi.
Các loại hải sản
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì thì không thể bỏ qua các loại thủy, hải sản như tôm, cua, cá biển, ốc…Dù những loại thực phẩm này chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng rất giàu đạm và còn chứa một số chất dễ gây dị ứng cho vùng da quanh mắt. Điều này góp phần khiến cho bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng các loại thực phẩm này để rút ngắn thời gian hồi phục.
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì? Đồ ngọt chứa nhiều đường
Các loại đồ ngọt bao gồm bánh kẹo, nhiều loại đồ ăn sẵn, nước ngọt có gas, đồ ăn và đồ uống chứa nhiều đường… nói chung đều không tốt cho sức khỏe tổng thể. Chúng chứa hàm lượng đường cao, nhiều chất hóa học độc hại nên khi nạp quá nhiều vào cơ thể sẽ gây dư thừa calo, tăng nguy cơ béo phì và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh đau mắt đỏ lạm dụng đồ ngọt sẽ làm tăng thân nhiệt, gây mất nước, khô mắt và dễ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Các món ăn nhiều mỡ động vật
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì? Các món ăn nhiều mỡ động vật và chất béo chuyển hóa (thường có trong thực phẩm chế biến sẵn hoặc dầu mỡ chiên xào nhiều lần) là nguyên nhân gây bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ,… ở những người ăn quá nhiều.
Chúng chứa nhiều chất béo no, khi hấp thu vào cơ thể sẽ làm lượng mỡ trong máu tăng cao gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến mắt khi mắt đang bị tổn thương. Tình trạng đau mắt đỏ chậm cải thiện đã được các chuyên gia nhận định do mỡ máu cao. Vì vậy, thay vì dùng mỡ thì bạn nên dùng dầu thực vật để bảo vệ sức khỏe và giúp mắt nhanh khỏi.
Rượu bia
Ngoài đau mắt đỏ kiêng ăn gì thì bạn cũng nên quan tâm đến một số loại đồ uống như rượu bia, đồ uống có chứa cồn. Khi uống quá nhiều những loại đồ uống này sẽ gây kích thích hệ thần kinh thị giác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực và giảm khả năng kiểm soát hành vi. Ngoài ra, loại đồ uống này cũng không tốt cho sức khỏe về mặt tổng thể, lại dễ khiến tình trạng đau mắt đỏ thêm nghiêm trọng.
Bị đau mắt đỏ kiêng ăn gì? Rau muống
Rau muống là một loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, trong đó chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, rau muống lại là một loại rau mà người đau mắt đỏ nên hạn chế ăn để đảm bảo an toàn. Bởi một số chất trong rau muống được cho là có thể kích thích mắt tăng tiết dịch, đổ ghèn, làm trầm trọng thêm và kéo dài tình trạng nhiễm trùng ở mắt. Hậu quả là nó khiến bệnh đau mắt đỏ lâu lành hơn.
Bệnh đau mắt đỏ kiêng gì?
Ngoài vấn đề đau mắt đỏ kiêng ăn gì, bạn cũng nên quan tâm đến một số điều nên kiêng trong sinh hoạt để nhanh khỏi và tránh lây lan bệnh cho người khác. Cụ thể như sau:
- Kiêng chạm tay vào mắt: Mỗi khi chạm hay dụi tay vào mắt, bạn sẽ vô tình truyền vi khuẩn, virus trên tay sang mắt, khiến cho bệnh đau mắt đỏ dễ dàng lây lan sang mắt còn lại, lây cho người khác, thậm chí là triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Kiêng đeo kính áp tròng: Nếu bạn có thói quen đeo kính áp tròng, hãy kiêng đeo kính áp tròng cho đến khi khỏi bệnh hoặc được bác sĩ cho phép. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể cân nhắc chuyển sang đeo kính gọng thông thường. Sau khi đã khỏi bệnh, nếu bạn muốn tái sử dụng kính áp tròng thì hãy làm sạch và khử trùng thật kỹ lưỡng.
- Kiêng dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác: Virus, vi khuẩn gây đau mắt đỏ có thể tồn tại trên các vật dụng cá nhân mà người bệnh đã và đang sử dụng, chẳng hạn như: vỏ gối nằm, khăn tắm, khăn mặt, lọ thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm, dụng cụ trang điểm, kính đeo mắt… Vì vậy, hãy kiêng dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh cho họ.
- Kiêng tái sử dụng các vật dụng tiếp xúc gần với mắt và mặt: Hãy kiêng tái sử dụng các vật dụng tiếp xúc gần với da mặt hoặc mắt mà chưa được làm sạch hay khử trùng. Chúng bao gồm: kính mắt, kính áp tròng, khăn mặt, vỏ gối, chăn drap trải giường, lọ thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm hoặc dụng cụ trang điểm,… Điều này giúp ngăn ngừa bệnh lây nhiễm sang mắt còn lại và giảm nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
- Kiêng đi ra ngoài: Như đã nói, đau mắt đỏ rất dễ lây lan, nên tốt nhất bạn nên kiêng đi ra ngoài trong thời gian mắc bệnh để hạn chế khả năng lây bệnh cho người khác. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi triệu chứng bệnh giảm nhẹ và hết tiết dịch ở mắt.
- Tránh đi bơi, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm: Khi bơi mắt tiếp xúc với nước ở bể bơi có thể bị kích ứng, khiến tình trạng đau mắt đỏ lâu phục hồi. Nguồn nước ô nhiễm sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm ở mắt trầm trọng hơn.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ đau mắt đỏ kiêng ăn gì và nên kiêng gì trong sinh hoạt để nhanh khỏi bệnh nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]