Vào đầu thai kỳ, tình trạng đau bụng khi phôi thai làm tổ là hiện tượng sinh lý bình thường. Cơn đau vùng bụng thường nhẹ, âm ỉ, lâm râm có thể khiến chị em phụ nữ cảm thấy khó chịu đôi chút. Điều này làm dấy lên thắc mắc: Vì sao phôi làm tổ lại gây đau bụng và phôi thai làm tổ đau bụng bao lâu thì khỏi?
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn truy tìm lời đáp cho vấn đề “Thai làm tổ đau bụng bao lâu?”, cũng như khám phá bí quyết giảm đau bụng khi phôi thai bám vào niêm mạc buồng tử cung.
Vì sao phôi thai làm tổ lại gây đau bụng?
Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc “Phôi thai làm tổ đau bụng bao lâu?”, bạn cần hiểu rõ vì sao quá trình phôi làm tổ lại gây đau bụng.
Quá trình mang thai bắt đầu khi trứng được thụ tinh và tạo thành hợp tử. Hợp tử bắt đầu di chuyển từ ống dẫn trứng về buồng tử cung và đồng thời phân chia tế bào để tạo thành phôi thai. Khi di chuyển đến buồng tử cung, phôi bám vào nội mạc tử cung để làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Để hỗ trợ phôi làm tổ thuận lợi hơn, cơ thể tiết ra hormone prostaglandin. Đây là hormone liên quan đến đau và viêm, gây ra những cơn co thắt cơ ở tử cung, khiến phụ nữ mang thai bị đau bụng, chuột rút bụng trong quá trình phôi làm tổ.
Thực tế, không phải phụ nữ mang thai nào cũng bị đau bụng, chuột rút bụng khi phôi thai làm tổ trong buồng tử cung. Thống kê cho thấy, ước tính có khoảng 30% phụ nữ trong giai đoạn đầu của thai kỳ gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, các chị em không cần lo lắng vì đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường.
Giải đáp thắc mắc: Phôi thai làm tổ đau bụng bao lâu thì hết?
Trước khi khám phá câu trả lời cho thắc mắc “Phôi thai làm tổ đau bụng bao lâu thì hết?”, hãy cùng tìm hiểu về việc “Có thai bao lâu thì đau bụng dưới?”. Thông thường, quá trình phôi thai làm tổ sẽ diễn ra trong khoảng 10-12 ngày sau khi rụng trứng hoặc trong khoảng từ 8-9 ngày sau khi trứng được thụ tinh.
Vậy, thai làm tổ bao lâu thì hết đau bụng? Hiện tượng đau bụng, chuột rút bụng dưới khi mang thai thường kéo dài khoảng 1-2 ngày và tối đa là khoảng 3 ngày. Những cơn đau bụng do phôi thai làm tổ thường chỉ đau lâm râm, cảm giác căng tức nhẹ, không gây khó chịu như đau bụng trong kỳ hành kinh và có xu hướng giảm dần.
Bạn sẽ cảm nhận được cơn đau và chuột rút ở vùng bụng dưới, ở giữa chứ không phải ở một bên, kể cả khi quá trình thai làm tổ đang diễn ra ở một vị trí nhất định. Một số phụ nữ mang thai cũng có thể cảm thấy bị chuột rút và đau vùng lưng dưới.
Nhận biết dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn
Như vậy là bạn đã có được lời đáp cho vấn đề “Thai làm tổ đau bụng bao lâu”. Tiếp theo, mời bạn cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết thai đã vào tổ an toàn.
Ngoài triệu chứng chuột rút và đau vùng bụng dưới, khi thai đã vào tổ an toàn, các chị em phụ nữ thường nhận thấy có những dấu hiệu như:
- Xuất hiện máu báo thai
- Vùng ngực có sự thay đổi như nhạy cảm hơn, đau, sưng hơn trước
- Nhiệt độ cơ thể tăng
- Đi tiểu thường xuyên
- Thay đổi khẩu vị
- Xuất hiện dịch nhầy cổ tử cung
- Bốc hỏa…
Để có thông tin chi tiết hơn về các dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn, mời bạn tham khảo bài viết 8 dấu hiệu trứng bám vào tử cung (phôi làm tổ) dễ nhận biết.
Nên làm gì để giảm đau bụng khi phôi thai làm tổ?
Sau khi đã hiểu rõ “Thai làm tổ đau bụng bao lâu?”, chắc hẳn sự quan tâm của chị em phụ nữ mang thai sẽ chuyển sang cách giảm đau bụng khi phôi làm tổ.
Thực tế, các triệu chứng đau bụng và chuột rút do phôi thai bám vào tử cung hiếm khi quá nghiêm trọng đến mức cần được điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này khiến bạn cảm thấy khó chịu thì một số biện pháp sau có thể hữu ích:
- Chườm ấm: Bạn có thể chườm khăn hoặc túi nước ấm lên vùng bụng dưới để giảm các triệu chứng đau bụng khó chịu. Tuy nhiên, hãy đảm bảo nhiệt độ khăn chườm dưới 38 độ C để tránh gây bỏng da, đồng thời chỉ chườm ấm tối đa 10 phút/lần.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm bằng vòi sen hoặc ngâm mình trong nước ấm có thể giúp cơ tử cung thư giãn và giảm bớt chứng chuột rút do phôi thai làm tổ.
- Uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ: Nếu cần dùng thuốc, acetaminophen có thể là lựa chọn an toàn nhất đối với phụ nữ mang thai. Bạn không nên dùng ibuprofen hoặc morphin vào đầu thai kỳ. Lưu ý là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ về liều lượng cũng như cách dùng để tránh “lợi bất cập hại”.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn có được lời đáp rõ ràng cho vấn đề “Thai làm tổ đau bụng bao lâu?”. Nếu cảm thấy khó chịu vì các cơn đau bụng, chuột rút do phôi thai bám vào tử cung, hãy áp dụng những biện pháp trên để làm dịu cơn đau nhé! Ngoài ra, bạn cũng đừng quên tham gia Cộng đồng Mang thai của Hello Bacsi để cùng các mẹ bầu chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc thai kỳ hữu ích nhé!
[embed-health-tool-due-date]