backup og meta

Mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào để bảo vệ thai nhi?

Mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào để bảo vệ thai nhi?

Trong khoảng thời gian mang thai, sức đề kháng của chị em phụ nữ sẽ suy yếu. Mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào để bảo vệ mẹ và thai nhi?

Mang thai là thiên chức của người phụ nữ. Niềm hạnh phúc khi được làm mẹ không gì có thể so sánh. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó là vô số nỗi lo lắng làm sao con mình có thể phát triển tốt nhất từ khi còn nằm trong bụng mẹ, làm sao giúp con phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm khi chào đời? Một trong những câu trả lời tốt nhất đó là tiêm vắc xin. Vậy, các mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào, có nên tiêm trước khi mang thai hay không?

Tại sao các mẹ bầu nên tiêm vắc xin?

Tiêm vắc xin trước và trong khi mang thai đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Khả năng miễn dịch của mẹ chính là đường dây phòng vệ đầu tiên giúp thai nhi chống lại các bệnh nghiêm trọng nhất định.

Tuy nhiên, không phải tất cả các vắc xin đều an toàn khi mang thai. Vắc xin có 3 dạng là virus sống, virus chết và giải độc tố (các chất không gây hại, các protein bị biến đổi về mặt hóa học lấy từ vi khuẩn).

Phụ nữ mang thai không nên tiêm chủng ngừa vắc xin cúm sống như vắc xin sởi, quai bị và sởi Rubella (MMR) vì có nguy cơ chúng sẽ làm hại thai nhi. Vắc xin được làm từ các virus đã chết như thuốc chích ngừa cúm và vắc xin giải độc tố như tiêm phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) đều an toàn cho mẹ và bé.

Dưới đây là tóm tắt những điều bạn cần biết về tiêm phòng trước, trong khi và sau khi mang thai.

Mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào trước khi mang thai?

Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây hại trong thai kỳ. Đó là lý do tại sao bạn nên yêu cầu xét nghiệm máu trong thời gian kiểm tra trước khi mang thai để tìm hiểu xem bạn có miễn dịch với những bệnh này hay không.

Nếu không, mẹ bầu nên tiêm vắc xin trước khi mang thai và trì hoãn việc mang thai trong 1 tháng để tiêm vắc xin, bởi vì những loại vắc xin này được tạo ra từ các virus sống có thể gây hại cho thai nhi.

1. Vắc xin sởi, quai bị và Rubella (MMR)

Sởi là một căn bệnh do virus gây ra và rất dễ lây lan. Khi bị sởi, bạn có thể sẽ sốt, ho và chảy nước mũi; tiếp theo là phát ban da đỏ một vài ngày sau đó.

Quai bị cũng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có khả năng làm cho các tuyến nước bọt sưng lên. Nếu bạn bị nhiễm một trong hai bệnh này khi mang thai, nguy cơ sảy thai có thể tăng lên (bệnh sởi cũng có thể làm tăng khả năng chuyển dạ sớm).

Bệnh Rubella (bệnh sởi Đức) gây ra những triệu chứng giống như cúm và phát ban sau đó. Khoảng 85% trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ bị dị tật bẩm sinh nặng, chẳng hạn như mất thính giác và khuyết tật về trí tuệ.

2. Thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa

Đậu mùa (thủy đậu) là một căn bệnh truyền nhiễm rất mạnh, có thể gây sốt và phát ban rất ngứa. Khoảng 2% trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh thủy đậu trong 5 tháng đầu của thai kỳ có các dị tật bẩm sinh, bao gồm chân tay dị dạng và liệt. Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị thủy đậu trong khoảng thời gian sinh cũng có thể đe dọa đến mạng sống của trẻ.

Loại vắc xin nào an toàn khi mẹ bầu mang thai?

https://cdn.hellobacsi.com/wp-content/uploads/2017/07/tiem-vac-xin-khi-mang-thai

1. Vắc xin ngừa cúm

Mẹ bầu nên tiêm vắc xin trong mùa cúm, từ tháng 11 đến tháng 3. Vắc xin ngừa cúm được điều chế từ virus đã chết, do đó an toàn cho cả bạn lẫn thai nhi. Tuy nhiên, bạn nên tránh vắc xin FluMist, một loại vắc xin dạng xịt làm từ virus sống.

Thời gian tốt nhất để tiêm phòng cúm là vào tháng 10 hoặc 11, trước khi mùa cúm bắt đầu. Vì dịch cúm thay đổi hàng năm, việc tiêm vắc xin cũng vậy. Do đó, bạn không nên chỉ dựa vào đợt tiêm phòng trong năm trước mà bỏ qua không tiêm phòng trong năm nay.

Những bà mẹ bị cúm, đặc biệt là trong nửa sau thời kỳ mang thai, nhiều khả năng sẽ có các triệu chứng nặng hơn những người khác hoặc gặp biến chứng như viêm phổi. Ngay cả bệnh cúm nhẹ cũng có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn, sốt, nhức đầu, đau cơ, đau họng và ho. Hầu hết các triệu chứng này kéo dài khoảng 4 ngày, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài trong 2 tuần hoặc lâu hơn.

Nếu bạn bị cúm, hãy liên hệ với bác sĩ, nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Bạn nên cho bác sĩ biết nếu cảm thấy không khỏe sau vài ngày hoặc nếu bạn gặp khó khăn khi thở vì đây có thể là dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi. Dù bệnh cúm có thể làm mẹ bầu cực kỳ mệt mỏi nhưng sẽ không làm hại tới thai nhi.

2. Vắc xin ngừa uốn ván, bệnh bạch hầu, ho gà (Tdap)

Uốn ván, bạch hầu và ho gà là những căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho bạn và thai nhi. Do đó, việc tiêm các loại vắc xin này là rất cần thiết. Các mẹ bầu nên tiêm vắc xin này vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng nên ưu tiên là từ 27 đến 36 tuần kể từ khi mang thai. Vắc xin được điều chế từ giải độc tố toxoid nên an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai.

Uốn ván (phong đòn gánh) là một bệnh của hệ thống thần kinh trung ương gây đau co cứng cơ và co giật. Vi khuẩn gây bệnh uốn ván được tìm thấy trong đất và trong động vật. Nó có thể xâm nhập vào máu thông qua một vết cắt trên da, vì vậy bạn nên đến bác sĩ khám nếu có một vết thương sâu hoặc bẩn trên da. Nếu mắc bệnh trong thời kỳ mang thai, uốn ván có thể gây tử vong cho thai nhi.

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng hô hấp có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, tê liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Giờ đây, bệnh không còn quá phổ biến, tuy nhiên bạn nên tiêm phòng 10 năm 1 lần nếu không khả năng miễn dịch của bạn với loại bệnh này có thể sẽ suy yếu.

Ho gà là một bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm gây ra, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Đây là những căn bệnh rất nguy hiểm, do đó bạn nên tuân thủ theo lịch tiêm phòng của bác sĩ.

Những loại vắc-xin khác mà bạn nên cân nhắc trước hoặc trong khi mang thai?

1. Chích ngừa bệnh viêm gan B

Nếu mẹ bầu có nghề nghiệp là y tá hoặc sống cùng với người mắc bệnh, hãy xem xét việc tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh viêm gan B.

Viêm gan B là một bệnh nhiễm virus gây viêm gan, buồn nôn, mệt mỏi, vàng da và mắt. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra bệnh gan mạn tính, ung thư gan và tử vong. Phụ nữ có thai mắc bệnh viêm gan B có thể lây truyền bệnh sang con trong khi sinh và nếu không được điều trị kịp thời, bé sẽ có nguy cơ mắc bệnh gan nghiêm trọng khi lớn lên.

Tất cả phụ nữ mang thai nên kiểm tra tầm soát bệnh viêm gan B bởi vì có thể mắc bệnh này mà không hề biết.

2. Vắc xin ngừa bệnh viêm gan A

Loại vắc xin này giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh gan lây lan qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, mệt mỏi và buồn nôn. Bệnh không nghiêm trọng như viêm gan B và sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Trong một số ít trường hợp, bệnh viêm gan A có thể khiến bạn chuyển dạ sớm và gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh.

Sự an toàn của vắc xin này vẫn chưa được xác định, nhưng vì nó được tạo ra từ các virus đã chết nên nguy cơ gây hại khá thấp. Nếu bạn đi du lịch đến một nước đang phát triển hoặc làm việc với virus trong phòng thí nghiệm, bạn nên thảo luận về việc chủng ngừa với bác sĩ.

3. Vắc xin ngừa phế cầu khuẩn

Nếu bạn đang mắc một loại bệnh mạn tính nào đó, ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, bác sĩ có thể đề nghị tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn để bảo vệ bạn chống lại một số dạng viêm phổi.

Mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào sau khi sinh con?

Đến lúc này, mẹ bầu nên tiêm loại vắc xin chưa tiêm chủng trong thời gian mang thai hoặc trước khi mang thai. Những bà mẹ đang cho con bú sữa có thể chủng ngừa theo lịch tiêm phòng cho người lớn bình thường.

Phụ nữ dưới 26 tuổi cũng nên xem xét việc tiêm ngừa vắc xin HPV (human papillomavirus). Loại vắc xin này có thể giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn không nên tiêm vắc xin này trong khoảng thời gian mang thai vì các nghiên cứu chưa xác định được độ an toàn của nó đối với thai nhi.

Nếu mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào nếu bị dị ứng?

Các phản ứng nghiêm trọng đối với vắc xin rất hiếm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn bỏ qua các mũi tiêm nhất định nếu bị dị ứng với một chất trong vắc xin:

  • Nếu dị ứng nấm men bánh mì thì không nên chủng ngừa viêm gan loại B;
  • Nếu dị ứng trứng nặng thì phải tránh tiêm phòng cúm;
  • Nếu dị ứng nghiêm trọng với gelatin hoặc thuốc kháng sinh Neomycin thì không nên chủng ngừa bệnh sởi, quai bị hoặc vắc xin varicella;
  • Nếu bị dị ứng không quá nặng, bác sĩ có thể tư vấn cho mẹ bầu nên tiêm loại vắc xin nào đó đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả 2 mẹ con;
  • Nếu không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, bạn nên thảo luận với bác sĩ cách khác để ngăn ngừa bệnh.

Tóm lại, câu trả lời cho mẹ bầu nên tiêm vắc xin nào trước, trong và sau khi mang thai để phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi đã được trả lời trong 2 phần của bài viết. Mẹ bầu cần hiểu biết cặn kẽ và lựa chọn chủng ngừa đúng đắn để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pregnancy vaccines http://www.parents.com/pregnancy/my-body/pregnancy-health/pregnancy-vaccines/ Ngày truy cập 30/6/2017
Pregnancy vaccines https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/pregnant-women/index.html Ngày truy cập 30/6/2017

Phiên bản hiện tại

24/04/2018

Tác giả: Bích Ngọc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Lộc Tuyệt Mỹ


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Ngọc · Ngày cập nhật: 24/04/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo