Giai đoạn mang thai 3 tháng đầu tiên, mẹ bầu cần lưu ý đến những vấn đề quan trọng như chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các bà mẹ tương lai cũng cần hạn chế hoạt động mạnh để tránh điều không hay có thể xảy ra.
Bạn nên nhớ rằng, 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn “vàng” trong sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Chính vì lẽ đó mà việc chăm sóc, dinh dưỡng cho mẹ bầu thật tốt trong thời điểm này là điều hết sức cần thiết. Với những ai lần đầu làm mẹ việc nắm bắt được những kiến thức liên quan đến vấn đề ăn uống, đời sống tình dục và cả chuyện làm đẹp khi mang thai cũng rất quan trọng. Nếu chưa rõ, hãy để Hello Bacsi chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích về việc mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì nhé!
Mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì tốt cho sức khỏe?
1. Thực phẩm giàu Axit folic
Axit folic hay folate là một trong những thành phần thiết yếu rất cần được bổ sung trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Theo đó, dưỡng chất này đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển bình thường của ống thần kinh. Trong trường hợp thai nhi nếu không được cung cấp đủ axit folic sẽ rất dễ có nguy cơ sinh non hoặc dị tật ống thần kinh. Gợi ý một vài loại thực phẩm giàu axit folic mẹ bầu có thể dùng trong thai kỳ như: cam, khoai tây, bông cải xanh, măng tây, trứng, đậu, các loại rau lá xanh …
2. Vitamin B6
Đây cũng là loại vitamin điển hình bạn cần bổ sung khi mang thai 3 tháng đầu, đặc biệt là ở tháng thứ nhất. Vitamin B6 sẽ giúp giảm thiểu tình trạng buồn nôn và nôn do ốm nghén ở mẹ bầu. Thay vì uống thuốc, bạn hoàn toàn có thể bổ sung vitamin B6 từ các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, bơ đậu phộng, cá hồi, chuối, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó…
3. Sắt
Trong suốt thai kỳ, nhu cầu máu của cơ thể sẽ tăng lên nhiều để cung cấp cho thai nhi. Nếu không hấp thụ đủ chất sắt, mẹ bầu thường có xu hướng mệt mỏi, chóng mặt và nghiêm trọng hơn là gặp phải vấn đề thiếu máu khi mang thai. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu cần được bổ sung khoảng 27mg sắt mỗi ngày ngay khi nhận được “tin vui”. Bên cạnh các loại viên uống cung cấp sắt, bạn cũng có thể hấp thụ khoáng chất này thông qua nguồn thực phẩm như: thịt nạc, cải bó xôi, bưởi, bột yến mạch, các loại đậu…
4. Sản phẩm từ sữa
Sữa là nguồn cung đạm, vitamin, canxi lẫn chất béo tốt cho mẹ bầu. Một số sản phẩm từ sữa như sữa chua cũng rất tốt cho bạn khi mang thai 3 tháng đầu.
5. Các loại thịt
Các loại thịt heo, thịt bò nấu chín kỹ sẽ an toàn và cung cấp đủ protein cũng như chất sắt cho mẹ bầu. Trong giai đoạn đầu mang thai, bạn nên hạn chế ăn một số loại hải sản vì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ở một số loài cá, đặc biệt là phần mắt cá.
6. Trái cây
Có thai 3 tháng đầu, mẹ không nên bỏ qua các loại trái cây. Bởi chúng cung cấp đủ các loại vitamin thiết yếu, nước, chất chống oxy hóa và đặc biệt là còn cả chất xơ để giúp bạn chiến đấu với tình trạng táo bón khi mang thai.
Có thể bạn quan tâm: Mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì để vào con? Các bà bầu nên biết
Mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu không nên ăn gì?
1. Có thai 3 tháng đầu mẹ nên tránh ăn gan động vật
Nếu bạn đang tìm kiếm nguồn bổ sung chất sắt cho mình từ gan thì hãy cẩn trọng vấn đề này nhé. Bởi lẽ, gan cũng là thực phẩm được liệt vào danh mục không an toàn cho thai phụ do thành phần nó chứa retinol (vượt ngưỡng an toàn cho bà bầu) và có khả năng dẫn đến vấn đề sẩy thai. Vì vậy, bạn nên tìm kiếm nguồn chất sắt thay thế và đừng ăn gan giai đoạn này nhé.
2. Thực phẩm gây co thắt là nhóm thực phẩm mà phụ nữ mang thai ở tam cá nguyệt thứ nhất nên tránh
Chắc hẳn bạn từng nghe ai đó nhắc đến việc tránh ăn dứa, đu đủ xanh, rau răm, rau ngót, rau chùm ngây, ngải cứu hay cam thảo… khi mang thai 3 tháng đầu. Nguyên do là những thực phẩm khiến tử cung co thắt mạnh và có thể gây sẩy thai. Sự thật đúng như thế! Trong quả dứa và nhựa quả đu đủ xanh có chứa một số hoạt chất gây ra vấn đề này. Do đó, tốt hơn hết bạn nên tránh dùng những loại trái cây và các nguyên liệu kể trên nhé.
3. Thời kỳ đầu mang thai, bạn nên tránh ăn hải sản
Hải sản thường có chứa một lượng lớn thủy ngân, có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Đôi khi bạn chưa biết mình đã cấn thai nên vẫn ăn uống thoải mái. Do đó, việc hạn chế ăn hải sản khi bạn đang có ý định mang thai là điều cần thiết. Tốt hơn hết, bạn nên thay thế bằng các loại cá, thủy sản nước ngọt.
4. Mẹ bầu mới mang thai nên tránh uống sữa chưa tiệt trùng
Không chỉ riêng lúc mới mang thai mà trong suốt thai kỳ, bạn không nên sử dụng sữa chưa tiệt trùng vì chúng thường chứa một lượng vi khuẩn, vi sinh vật gây hại. Nguy hiểm hơn, nó có thể mang những mầm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi.
5. Đồ uống có cồn là thức uống cần tránh khi mang thai
Không có gì chối cãi khi đồ uống có cồn nằm trong danh sách thực phẩm cần tránh sử dụng khi mang thai vì nguy cơ dẫn đến các khuyết tật thần kinh ở thai nhi 3 tháng tuổi. Vì thế, nếu có thói quen uống rượu bia, bạn cần tập dần để bỏ hẳn đồ uống có cồn nhé.
6. Mẹ bầu không nên ăn trứng lòng đào hay trứng sống
Trứng lòng đào hay trứng sống cũng có chứa vô vàn vi khuẩn có hại. Do đó, trong 3 tháng đầu thai kỳ bạn nên tránh xa nhé. Ăn trứng lòng đào là nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.
Quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu có an toàn không?
Nếu băn khoăn không biết mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì thì xin trả lời bạn đấy là chuyện “chăn gối”. Nhiều chị em có sức khỏe thai kỳ ổn định vẫn tiếp tục đời sống vợ chồng một cách bình thường cho tới ngày lâm bồn. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, chuyện chăn gối khi mang thai 3 tháng đầu sẽ có những diễn biến khác nhau. Do đó, bạn nên tham vấn bác sĩ về vấn đề này. Ngoài ra, khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba, bụng bầu của bạn đã to hơn, việc quan hệ có thể sẽ khó khăn nên bạn cần linh hoạt, thay đổi và tìm tư thế quan hệ thích hợp khi mang bầu.
1. Quan hệ khi mang thai có thể gây hại cho thai nhi trong bụng không?
Đây cũng là băn khoăn thường gặp của rất nhiều thai phụ. Câu trả lời là KHÔNG. Các cơ chắc khỏe của tử cung, lớp màng nhầy dày và lượng nước ối sẽ bảo vệ bé yêu của bạn khỏi tình trạng nhiễm trùng. Trong suốt cuộc yêu, dù thế nào “cậu nhỏ” cũng không thể vượt qua cổ tử cung và làm ảnh hưởng đến bé cưng trong bụng nên bạn có thể yên tâm nhé.
Ngoài ra, việc lên đỉnh khi mang thai 3 tháng đầu cũng không ảnh hưởng gì đến bé yêu. Do đó, nếu không có gì trở ngại, bạn cứ thoải mái tận hưởng cuộc sống gối chăn trong suốt thai kỳ nhé.
2. Quan hệ tình dục sẽ gây cản trở cho quá trình vượt cạn sau này?
Câu trả lời vẫn sẽ là KHÔNG nếu bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và không nằm trong nhóm có nguy cơ sẩy thai hay gặp các vấn đề về thai kỳ. Những kích thích trong lúc quan hệ và cảm giác cực khoái không thể gây sẩy thai. Khi đạt cực khoái, tử cung có một sự co thắt nhẹ nhưng các cơn co thắt này chỉ là tạm thời và vô hại đối với thai nhi.
3. Tư thế quan hệ khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ nhất
Tư thế quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu không có gì khác biệt so với trước lúc mang thai. Nguyên do là bởi 3 tháng đầu của thai kỳ, bụng bầu của bạn còn tương đối nhỏ ít gây trở ngại đến “chuyện yêu”. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không chèn ép mạnh lên vùng bụng, nâng đỡ cơ thể hợp lý, không quan hệ thô bạo và thời gian quan hệ không nên kéo quá dài.
Ngoài ra, nếu sau quan hệ tình dục mà bạn bị đau bụng, ra máu, hay gặp hiện tượng rỉ ối … bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Mẹo chăm sóc sắc đẹp khi mang thai 3 tháng đầu
Làm thế nào để giữ được vẻ đẹp trong suốt thai kỳ là một câu hỏi lớn với nhiều phụ nữ bởi vì mang thai khiến hình dáng và cơ thể chị em thay đổi rất nhiều. Một số mẹo sau sẽ giúp bạn bảo vệ sắc đẹp và sự tươi trẻ của mình ngay cả khi mang thai.
1. Uống đủ nước là mẹo làm đẹp đơn giản mà hiệu quả khi bạn mang thai
Đây là bí quyết mà ít chị em nghĩ tới. Trong suốt thai kỳ, cơ thể bạn cần nhiều nước hơn trong ngày. Bạn cần uống khoảng 10 ly hoặc ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp thanh lọc và loại trừ các độc tố khỏi cơ thể. Hơn nữa, nước còn giúp duy trì đúng lượng nước ối trong cơ thể bạn. Điều này rất tốt cho thai nhi.
2. Chọn đúng thực phẩm để giúp da hồng hào căng mịn
Bổ sung đúng các loại rau củ, trái cây giàu vitamin C, vitamin A, các chất điện giải đầy đủ và ăn đủ chất dinh dưỡng giúp da bạn hồng hào và căng mịn hơn, từ đó trông bạn sẽ tươi trẻ hơn mỗi ngày đấy.
3. Mẹo chăm sóc sức khỏe khi mang thai là luôn ngủ đủ giấc
Tình trạng mệt mỏi một phần vì ốm nghén khi mang thai 3 tháng đầu thường là triệu chứng rất phổ biến. Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc rất quan trọng để bạn hồi phục sức khỏe, lấy lại thần thái, tránh cho mắt không thâm quầng…
4. Duy trì cân nặng lý tưởng là mẹo chăm sóc sắc đẹp khi mới mang thai mà bạn không nên bỏ qua
Tăng cân khi mang thai là điều đương nhiên để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng chuyện mình bị mất dáng. Một chế độ ăn uống hài hòa nhiều trái cây, rau củ, tránh các đồ ăn nhiều chất béo gây hại hay đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ sẽ giúp bạn tăng cân đều đều và hợp lý.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ bầu tăng cân như thế nào là hợp lý trong 3 tháng đầu mang thai?
5. Vận động nhẹ nhàng tam cá nguyệt thứ nhất
Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và cả 3 tháng cuối. Lúc này, bụng bầu vẫn còn nhỏ nên bạn có thể tham gia một số lớp học yoga để nhận được những lợi ích bất ngờ của yoga trong thai kỳ nhé.
Ngoài ra, việc đi bộ nhẹ nhàng cũng giúp máu huyết lưu thông, cải thiện tâm trạng rất tốt cho bạn.
6. Bạn cần chăm sóc những vết rạn da khi mang thai để có làn da đẹp sau sinh
Phần da bụng, đùi, hông… bắt đầu căng rạn khi bụng bầu dần to lên là điều rất phổ biến. Bạn có thể dùng một số loại kem trị rạn da có nguồn gốc tự nhiên để thoa hoặc nhờ bác sĩ tư vấn những phương pháp trị rạn da khi mang thai. Đơn giản hơn, bạn có thể dùng dầu dừa để dưỡng ẩm cho da, hạn chế các vết rạn da.
7. Trang phục cho mẹ bầu giai đoạn đầu trong tam cá nguyệt thứ nhất
Khi bụng bầu ngày một lớn lên, bạn sẽ phải cần đến những loại trang phục thoải mái nhất. Những chiếc đầm free size, áo phom rộng, quần legging… phù hợp với vóc dáng và quan trọng hơn cả là sự thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều.
8. Mẹ bầu mới mang thai đừng quên chăm sóc da để luôn xinh đẹp
Một số chị em thường có làn da sạch mụn sau khi mang thai nhưng một số khác lại ngược lại, da nổi mụn, thậm chí là sạm, nám. Đây là những thay đổi phổ biến khi hormone cơ thể thay đổi. Bạn cần trao đổi với chuyên gia da liễu hoặc bác sĩ của mình trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào nhé. Đảm bảo chúng không có chứa các hóa chất độc hại và bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
9. Hạn chế trang điểm khi mang thai để tránh kích ứng da
Khi mang thai, làn da thường trở nên rất nhạy cảm. Vì vậy, bạn nên để mặt mộc thay vì lạm dụng đồ trang điểm để tránh tình trạng dị ứng khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.
Có thể bạn quan tâm: Làm đẹp an toàn khi mang thai – 5 điều cơ bản mẹ bầu cần ghi nhớ
10. Hãy cố gắng dành thời gian thư giãn
Đây cũng là bí quyết quan trọng để bạn giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp khi mang thai 3 tháng đầu. Những khó khăn trong lúc mang thai chắc chắn sẽ khiến bạn không ít lần căng thẳng nhưng bạn cần giữ bình tĩnh, không nên nổi giận vì nó có thể ảnh hưởng đến cả bé yêu trong bụng đấy.
Những điều cần tránh khi mang thai 3 tháng đầu
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi lưu ý đến bạn 5 hoạt động cần tránh trong thai kỳ. Nguyên do là những hoạt động này có thể gây hại đến sức khỏe thai nhi, thậm chí làm sẩy thai. Do đó, bạn cần hết sức lưu ý, tránh các hoạt động sau nhé:
1. Phụ nữ mang thai cần tránh mang vác vật nặng
Các bài tập nặng như nâng tạ hay mang vác vật nặng bình thường trong sinh hoạt hằng ngày có thể gây sa tử cung, rất nguy hiểm. Thay vì khom lưng để lấy hay mang đồ, bạn nên ngồi xuống và nâng vật đó lên hay nhờ người thân mang hộ.
2. Mang thai 3 tháng đầu, bạn cần tránh tập một số tư thế yoga nhất định
Một số tư thế yoga phức tạp như căng giãn quá mức hay chéo hông không tốt cho bạn trong thời kỳ đầu mang tha.
3. Tránh việc tắm hơi hay ngâm bồn nước quá nóng
Tắm bồn cũng là một cách để thư giãn nhưng nếu bạn nằm quá lâu ở nhiệt độ cao thì nó sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
4. Phụ nữ mang thai không nên tham gia một số trò chơi vận động mạnh ở công viên giải trí
Một số trò mạo hiểm, cảm giác mạnh hay đu quay… ở các công viên giải trí có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu và rất dễ dẫn tới nôn ói. Đặc biệt, nếu bạn có nguy cơ cao thiếu máu thai kỳ hay ốm nghén nặng thì cần tránh xa những trò giải trí này bạn nhé.
5. Một số hoạt động khác mà mẹ bầu cần tránh trong tam cá nguyệt thứ nhất
Chạy nhảy, đặc biệt ở nơi trơn trượt, cưỡi ngựa, đạp xe, trượt patin… cũng là những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ té ngã gây động thai mà bạn cần tránh.
Vậy là bạn đã rõ mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì. Được làm mẹ quả thật là một quá trình rất gian nan, đầy khó khăn. Để đảm bảo con yêu và cả bạn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, bạn nên lưu tâm đến những điểm cơ bản trên nhé. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]