backup og meta

Có thai 1 tháng có những biểu hiện nào? Những lưu ý mẹ cần biết!

Có thai 1 tháng có những biểu hiện nào? Những lưu ý mẹ cần biết!

Có thai 1 tháng không đem đến quá nhiều biểu hiện rõ ràng nhưng một vài người vẫn cảm nhận được cơ thể có sự thay đổi so với trước.

Thông thường tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ bắt đầu vào tuần thứ ba sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn. Vài tuần mang thai đầu tiên sẽ mang đến một số thay đổi về thể chất và cảm xúc độc đáo. Ngoài ra, một số lo ngại về có thai 1 tháng cũng bao gồm thai ngoài tử cung, nguy cơ sẩy thai cao hơn hoặc dị tật.

Dấu hiệu mang thai 1 tháng

Tháng đầu mang thai có biểu hiện gì? Dấu hiệu mang thai sớm khi có thai một tháng không biểu hiện quá rõ ràng, tuy nhiên, mẹ bầu có thể có những dấu hiệu sau:

  1. Trễ kinh: Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, đây có lẽ là biểu hiện mang thai đáng tin cậy nhất.
  2. Mệt mỏi: Không có gì là lạ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường một chút. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là nội tiết tố progesterone.
  3. Táo bón: Nếu bạn cảm thấy quá trình đi vệ sinh không diễn ra suôn sẻ như trước đây thì có thể do việc nội tiết tố gia tăng làm chậm hoạt động tiêu hóa của cơ thể.
  4. Đầy hơi: Sự gia tăng của nội tiết tố thai kỳ có thể dẫn đến đầy hơi khó tiêu, khiến bạn dễ nhầm lẫn với những triệu chứng tiền kinh nguyệt khác. Do vậy, bạn nên ăn nhiều chất xơ và cố gắng vận động để làm giảm tình trạng này.
  5. Co thắt bụng: Một số bà mẹ tương lai bị co thắt tử cung nhẹ trong những ngày đầu và tuần đầu mang thai. Những cảm giác này đôi khi khá giống với đau bụng kinh, vì vậy bạn có thể nghĩ rằng mình sắp có kinh nguyệt. Nếu đau bụng gây đau đớn hoặc khó chịu, hãy tham khảo bác sĩ về những biện pháp giảm đau phù hợp.
  6. Ngực đau: Khi có thai 1 tháng, ngực của bạn sẽ dần trở nên nhạy cảm hoặc thậm chí hơi đau. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm trong một vài tuần khi cơ thể bắt đầu làm quen với những thay đổi nội tiết tố.
  7. Xuất hiện đốm máu: Nếu bạn nhận thấy một số đốm máu xuất hiện trên quần lót, có khả năng đây là hiện tượng chảy máu cấy ghép. Đốm máu này xảy ra khi trứng được thụ tinh tự cấy vào niêm mạc tử cung trong giai đoạn đầu mang thai. Khi đi làm, bạn hãy chuẩn bị sẵn quần lót giấy hoặc băng vệ sinh hằng ngày để những đốm máu không vấy bẩn trang phục bên ngoài của bạn.
  8. Buồn nôn: Chứng ốm nghén khi mang thai thường không xảy ra nếu bạn mới chỉ có thai khoảng 1 tháng, nhưng một số mẹ bầu vẫn có thể sớm trải nghiệm tình trạng này. Hãy cố gắng uống nhiều nước, bổ sung vitamin tổng hợp hoặc nhấm nháp trà gừng để giúp làm dịu dạ dày và cơn buồn nôn.
  9. Đi tiểu thường xuyên: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn bắt đầu tăng lên. Điều này có nghĩa là thận phải tăng cường hoạt động để xử lý chất lỏng dư thừa. Mặc dù một số triệu chứng ban đầu của thai kỳ có thể giảm dần theo thời gian, nhưng việc đi tiểu thường xuyên đôi khi không nằm trong danh sách này. Dẫu cho như thế, bạn hãy cố gắng bổ sung đủ lượng nước cũng như chú ý đi vệ sinh trước lúc ra ngoài.

Hãy nhớ rằng bạn sẽ có thể không gặp phải tình trạng nào trong danh sách kể trên. Do đó, đừng quá lo lắng và nghiêm trọng hóa vấn đề.

Có thai 1 tháng đầu nên ăn gì?

Dưới đây là một số thực phẩm, nhóm thực phẩm được khuyến khích cho phụ nữ mang thai giai đoạn đầu nói chung và phụ nữ có thai 1 tháng nói riêng:

  • Bổ sung đủ nước
  • Thực phẩm giàu axit folic như rau có màu xanh, các loại đậu, bơ, nước cam và ngũ cốc rất giàu axit folic. Đây là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển não và cột sống của thai nhi, giúp hình thành máu trong thai kỳ cũng như ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh thai nhi.
  • Cá hồi với dưỡng chất Omega-3 rất tốt cho mẹ và con.
  • Thực phẩm giàu chất sắt như mận, gan, các loại đậu, các loại hạt…
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai là một nguồn canxi tốt. Canxi rất cần thiết cho chức năng tim và thần kinh của thai nhi cũng như giúp xương, răng phát triển và cơ bắp được chắc khỏe.
  • Trái cây và rau quả giàu vitamin C bao gồm những quả màu vàng và đỏ như dâu tây, cam quýt, đậu nành, bắp cải, bông cải xanh… Vitamin C cần thiết cho sự phát triển của răng và xương của bé yêu.
  • Thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, rau xanh, dưa gang, ổi… giúp giảm thiểu táo bón khi mang thai và quá trình đi vệ sinh diễn ra dễ dàng hơn.
  • Hạt và các loại hạt là thực phẩm giàu protein, giúp phát triển các mô của thai nhi, hỗ trợ cơ thể mẹ bầu tái tạo tế bào cơ ngực và tử cung.
  • Muối iốt là nguồn cung cấp iốt chính, rất cần thiết cho hệ thần kinh và quá trình phát triển trí não của bé.

Có thai 1 tháng đầu không nên ăn gì?

có thai 1 tháng đầu không nên ăn gì

Dưới đây là danh sách một số thực phẩm mà bạn nên tránh trong thời gian đầu mang thai:

  • Trứng sống
  • Đu đủ, dứa (thơm) chưa chín
  • Nói không với bia rượu
  • Sữa tươi chưa tiệt trùng
  • Thức ăn tái hoặc sống như bò tái, hào tái, sashimi, sushi
  • Cá kiếm, cá mập, cá ngói, cá thu vua, cá ngừ… vì chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên mẹ bầu:

  • Hạn chế hấp thụ caffeine
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ
  • Hạn chế thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm đã qua chế biến
  • Hạn chế thực phẩm có chứa đường (như bánh kẹo, nước tăng lực, nước ngọt).

Mang thai tháng đầu tiên: Sự thay đổi từ trong ra ngoài

có thai 1 tháng

Sự phát triển của phôi thai: Sau khi được thụ tinh, trứng bắt đầu di chuyển từ ống dẫn trứng đến tử cung và sẽ cấy vào niêm mạc tử cung. Tế bào trứng phân chia thành một loạt các tế bào và dần hình thành một phôi thai. Vào khoảng tuần thứ tám, phôi thai đã hình thành cột sống, tay chân cũng như bắt đầu phát triển não, mắt và tai.

Thay đổi đối với cơ thể mẹ bầu: Khi phát hiện ra mình có thai, bạn có thể phản ứng theo những cách khác nhau và trạng thái cảm xúc thay đổi liên tục. Những điều này xảy ra là hoàn toàn bình thường và một phần do hormone thai kỳ gây ra. Do vậy, hãy cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi và xử lý cảm xúc của bạn. Ngoài các triệu chứng mang thai sớm được mô tả ở trên, bạn cũng có thể không nhận thấy quá nhiều thay đổi về thể chất khác.

Các câu hỏi thường gặp về bầu 1 tháng

1. Có thai 1 tháng bụng đã to chưa?

Khi bắt đầu mang thai, bạn có thể dễ gặp tình trạng đầy hơi hoặc quần áo dường như hơi chật đôi chút nhưng bụng sẽ không hề to lên.

2. Có thai 1 tháng tập thể dục được không?

Có thai 1 tháng tập thể dục được không là câu hỏi mà không ít mẹ bầu băn khoăn. Thực tế là bạn vẫn được phép tập thể dục nếu như bác sĩ chẩn đoán sức khỏe hiện tại không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên những hình thức vận động nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ hoặc yoga nhé.

3. Có thai 1 tháng có quan hệ được không?

Bạn vẫn có thể sinh hoạt chăn gối như bình thường trong quãng thời gian này. Mặt khác, hãy sử dụng những biện pháp bảo vệ để phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục (STDs).

4. Có thai 1 tháng nên kiêng gì?

Tháng đầu tiên của thai kỳ mang đến cảm giác lo lắng xen lẫn vui sướng và mong chờ. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ nhiều nơi. Dẫu cho như vậy, bạn vẫn nên lưu ý đến một vài vấn đề như:

  • Không nên hoảng sợ: Không ít phụ nữ hoảng sợ khi biết được mình đã có thai và đây chắc hẳn không phải là điều khôn ngoan bởi cảm giác này sẽ tạo thêm nhiều rắc rối không cần thiết. Thay vào đó, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tìm cách chia sẻ nỗi lo lắng đang hiện hữu với chồng hay người thân.

có thai 1 tháng đầu nên kiêng gì

  • Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực và tránh gặp những cá nhân tiêu cực: Nhiều phụ nữ sẽ có một vài ý nghĩ không tươi sáng về thai kỳ đang diễn ra và đôi khi phải chịu đựng nhiều luồng ý kiến trái chiều từ những người không hề thân quen. Tất cả điều này đều có thể đè nặng lên tâm trí của bạn. Do đó, hãy hạn chế tiếp xúc với các yếu tố này để cả mẹ lẫn con đều không gặp vấn đề bất ổn nào về mặt tâm lý nhé.
  • Không đọc những câu chuyện về sinh khó: Trên Internet tồn tại vô vàn những bài báo về việc phụ nữ gặp khó khăn trong quá trình vượt cạn và bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng khi đang lướt Facebook hoặc truy cập các trang báo mạng. Tuy nhiên, đừng so sánh tình trạng của mình với trường hợp khác vì quá trình mang thai và sinh nở của mỗi người là rất khác nhau. Hãy nhận thức về cơ thể và nhu cầu bản thân kèm theo việc tránh xa các câu chuyện tiêu cực khi mang thai hoặc sinh nở.
  • Tránh bận quần áo chật và đi giày cao gót
  • Cẩn thận với nhiễm trùng nấm men: Một thai kỳ khỏe mạnh đòi hỏi sức khỏe của mẹ bầu phải luôn trong tình trạng ổn định. Nhiễm nấm men âm đạo là hiện tượng khá phổ biến trong thời gian mang thai, vì vậy, bạn hãy thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì tối ưu sức khỏe âm đạo.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1st trimester pregnancy: What to expect https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20047208 Ngày truy cập: 24/05/2021

Omega-3 fatty acids and pregnancy https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21364848/ Ngày truy cập: 24/05/2021

How your fetus grows during pregnancy https://www.acog.org/womens-health/faqs/how-your-fetus-grows-during-pregnancy Ngày truy cập: 24/05/2021

1st Month Pregnancy Diet: What To Eat And Avoid? https://www.momjunction.com/articles/1st-month-pregnancy-diet-foods-eat-avoid_00124/#gref Ngày truy cập: 24/05/2021

Pregnancy Month by Month: 1 Month Pregnant https://www.pampers.ae/pregnancy/pregnancy-calendar/1-month-pregnant Ngày truy cập: 24/05/2021

Phiên bản hiện tại

25/08/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tan Tran


Bài viết liên quan

Cận cảnh dấu hiệu chuyển phôi thành công theo từng ngày

Mẹ bầu mang thai to: Dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 25/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo