backup og meta

Viêm lợi khi mang thai: Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Viêm lợi khi mang thai: Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Trên thực tế, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng khi mang thai không phải là mối quan tâm hàng đầu của nhiều mẹ bầu. Thế nhưng, có thể bạn không biết rằng viêm lợi khi mang thai xảy ra khá phổ biến. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn thai kỳ của bạn.

Chính vì vậy, mẹ bầu không nên chủ quan khi phát hiện các vấn đề về răng nướu. Việc trang bị những thông tin về chăm sóc sức khỏe răng miệng khi mang thai là rất quan trọng để ngăn ngừa viêm lợi (viêm nướu) tiến triển theo chiều hướng có hại cho bạn và em bé.

Viêm lợi khi mang thai là gì? Mẹ bầu bị viêm lợi phổ biến như thế nào?

Viêm lợi hoặc còn gọi là viêm nướu. Tình trạng này thường là kết quả của việc chăm sóc răng miệng không đúng cách, khiến mảng bám và vi khuẩn tích tụ dọc đường viền nướu gây sưng đỏ, mềm nướu, đau nhức. Khi mang thai, sự thay đổi của các hormone trong cơ thể khiến mẹ có nhiều nguy cơ viêm lợi hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC – Hoa Kỳ), tình trạng viêm lợi khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 60 – 75% mẹ bầu.

Nguyên nhân gây viêm lợi khi mang thai

Khi mang thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể sẽ gia tăng. Đây là những hormone cần thiết đối với sự phát triển của thai nhi nhưng cũng gây ra nhiều thay đổi cho cơ thể mẹ. Trong đó, sự thay đổi hormone cũng góp phần làm tăng nguy cơ viêm lợi khi mang thai. Mặc dù chưa thể lý giải rõ ràng vì sao tình trạng này xảy ra, nhưng một số chuyên gia cho rằng, mẹ bầu bị viêm lợi có thể do:

  • Cơ thể mẹ đang giảm khả năng phản ứng với vi khuẩn gây mảng bám
  • Tăng lưu lượng máu đến mô nướu.

Triệu chứng viêm lợi khi mang thai

viêm lợi khi mang thai

Viêm lợi khi mang thai thường phát triển trong khoảng từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8 của thai kỳ. Tình trạng viêm sưng nướu có thể nghiêm trọng hơn ở tam cá nguyệt thứ hai và những tháng sau đó của thai kỳ. Các triệu chứng bao gồm:

  • Chảy máu nướu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
  • Sưng đỏ
  • Nướu mềm
  • Hơi thở có mùi hôi.

Khi có những triệu chứng kể trên, mẹ bầu nên đi nha sĩ để được đánh giá sức khỏe răng miệng tổng thể và được chăm sóc đúng cách.

Viêm lợi khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?

Mẹ bầu bị sưng nướu hoặc nướu đỏ nhẹ không gây hại cho thai nhi, không gây sảy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu. Một tình trạng có thể liên quan đến sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Bên cạnh đó, khi bị viêm nha chu, mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy khiến nướu (lợi) dần dần không còn bám chắc vào bề mặt chân răng nữa. Điều này sẽ khiến cho răng bị tụt nướu, gây mất thẩm mỹ.

Có thể bạn quan tâm: Có bầu nhổ răng được không? Thủ thuật nha khoa có an toàn với mẹ bầu?

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm lợi khi mang thai

viêm lợi khi mang thai

Khi đi khám nha khoa, điều quan trọng là bạn cần thông báo cho nha sĩ về việc mình mang thai. Nha sĩ thường hỏi về các triệu chứng và xem xét nướu của bạn để chẩn đoán. Trong trường hợp nghiêm trọng, nha sĩ có thể đề nghị chụp X-quang. Đây là phương pháp xét nghiệm an toàn với mẹ bầu. Hơn nữa, nha sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp che chắn để hạn chế tia X tiếp xúc với em bé nên mẹ đừng quá lo lắng.

Đối với việc điều trị cho những mẹ bầu bị viêm lợi ở mức nghiêm trọng, nha sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để chống nhiễm trùng do vi khuẩn. Bên cạnh đó, mẹ cũng được kê đơn nước súc miệng phù hợp để hỗ trợ trị bệnh răng nướu. Lưu ý là bạn nên cung cấp thêm cho nha sĩ về thông tin về nguy cơ dị ứng, các loại thuốc hoặc vitamin, chất bổ sung mình đang dùng để tránh các tương tác thuốc bất lợi có thể xảy ra.

Giải pháp giúp mẹ ngăn ngừa viêm lợi khi mang thai

Để cải thiện viêm lợi (viêm nướu) hoặc quan trọng hơn là ngăn ngừa viêm lợi khi mang thai thì mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách. Một số giải pháp mẹ có thể áp dụng bao gồm:

  • Đảm bảo đánh răng 2 lần mỗi ngày, ưu tiên dùng bàn chải đánh răng mềm để tránh kích ứng nướu.
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày 1 lần để giúp loại bỏ mảng bám thức ăn và vi khuẩn hiệu quả.
  • Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn. Thay vào đó, mẹ có thể súc miệng bằng nước muối để giảm viêm lợi khi mang thai.
  • Nếu bị ốm nghén, lời khuyên là mẹ nên súc miệng sau mỗi lần nôn để ngăn axit có trong chất nôn làm hỏng răng nướu.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Mẹ bầu cần ăn nhiều trái cây, rau củ… tránh thực phẩm và đồ uống chứa đường như kẹo, bánh quy, bánh ngọt…
  • Mẹ nên đánh răng sau khi ăn đồ ngọt, dẻo có thể dính bám trên răng như trái cây sấy khô, kẹo dẻo…
  • Mẹ bầu nên ngừng hút thuốc (nếu có) vì thói quen này có thể khiến bệnh răng nướu trở nên trầm trọng hơn.

Viêm lợi khi mang thai không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng mẹ bầu cũng không nên chủ quan. Ngoài chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, mẹ cũng nên đi khám nha khoa định kỳ. Các buổi khám này sẽ giúp nha sĩ theo dõi tình trạng răng nướu tổng thể và phát hiện sớm viêm nướu (nếu có). Việc kiểm soát các triệu chứng viêm lợi kịp thời sẽ ngăn chặn bệnh tiến triển thành viêm nha chu gây ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.

Có thể bạn quan tâm: Chảy máu chân răng khi mang thai: Mẹ đã biết xử lý đúng cách, hiệu quả?

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pregnancy Gingivitis

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22484-pregnancy-gingivitis Truy cập ngày 03/08/2022

Bleeding gums

https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/bleeding-gums/#:~:text=Some%20women%20get%20swollen%20and,pregnancy%20gingivitis%20or%20gum%20disease. Truy cập ngày 03/08/2022

Pregnancy and Oral Health

https://www.cdc.gov/oralhealth/publications/features/pregnancy-and-oral-health.html Truy cập ngày 03/08/2022

Relationship between Gingival Inflammation and Pregnancy

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4385665/ Truy cập ngày 03/08/2022

Swollen Gums During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/swollen-gums-during-pregnancy/ Truy cập ngày 03/08/2022

Phiên bản hiện tại

13/09/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 4: Có nguy hiểm như mẹ bầu vẫn nghĩ?

Mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo