backup og meta

Nhiệt độ cơ thể khi mang thai bao nhiêu là bình thường? Bao nhiêu là sốt?

Nhiệt độ cơ thể khi mang thai bao nhiêu là bình thường? Bao nhiêu là sốt?

Thân nhiệt tăng khi mang thai là việc hết sức bình thường, tuy nhiên, nếu tăng quá cao thì có thể gây nhiều nguy hại cho sự phát triển của bé. Vậy nhiệt độ cơ thể khi mang thai bao nhiêu là bình thường? 

Mang thai có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ. Vì vậy, thân nhiệt bà bầu trong 3 tháng đầu tăng nhẹ là điều bình thường. Thậm chí, một số trường hợp, đây còn là dấu hiệu mang thai sớm, trước cả việc trễ kinh. Thế nhưng, nhiệt độ cơ thể khi mang thai tăng cao như thế nào? Tại sao bà bầu lại thường thấy nóng hơn bình thường và khi nào thì đây là dấu hiệu nguy hiểm cần lo lắng? 

Tất cả những thắc mắc này của bạn sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Hãy dành ngay vài phút để xem qua cùng Hello Bacsi bạn nhé! 

Khi mang thai nhiệt độ cơ thể là bao nhiêu? 

Nhiệt độ cơ thể thường sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi. Ở người lớn, nhiệt độ cơ thể thường dao động từ 36,1 đến 37,2 độ C. 

Tuy nhiên, khi có bầu nhiệt độ cơ thể tăng thêm 1 chút (cao hơn khoảng 0,5 độ so với bình thường). Trung bình, nhiệt độ cơ thể bà bầu sẽ rơi vào khoảng 36,9 – 37,2 độ C.  

Nhìn chung, việc bà bầu cảm thấy nóng hoặc thân nhiệt tăng khi mang thai, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể. Thực tế cũng có nhiều chị em thắc mắc bà bầu nhiệt độ bao nhiêu là sốt?

Nếu nhiệt độ trên 37,5 độ C có nghĩa là bà bầu bị sốt. Và nếu sốt trên 38 độ C thì có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn huyết thai kỳ… 

Có thể bạn quan tâm: Sốt khi mang thai: Mẹ đừng chủ quan mà cần biết cách hạ sốt an toàn!

Thân nhiệt tăng khi mang thai: Nguyên nhân do đâu?  

nhiệt độ cơ thể khi mang thai

Ở những tháng đầu, nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai thường là do sự thay đổi của nội tiết tố. Sự thay đổi này không chỉ khiến thân nhiệt bà bầu tăng lên mà còn có thể dẫn đến các triệu chứng thai kỳ khác, chẳng hạn như ốm nghén. 

Ngoài ra, thân nhiệt tăng khi mang thai cũng có thể liên quan đến những thay đổi của cơ thể để nuôi dưỡng một mầm sống mới. Cụ thể: 

  • Cơ thể sẽ cần nhiều máu hơn để vận chuyển dinh dưỡng và oxy cho bé. Điều này làm cho các mạch máu mở rộng và di chuyển đến bề mặt da khiến thân nhiệt tăng khi mang thai. Ở tuần 34, lượng máu của bạn có thể tăng lên đến 50%.  
  • Tim phải hoạt động mạnh và bơm máu nhiều hơn. Ở tuần thứ 8 của thai kỳ, tim phải hoạt động hơn 20% công suất. Tim hoạt động mạnh làm tăng sự trao đổi chất và làm nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ. 

Ở tam cá nguyệt thứ 3, nhiệt độ cơ thể thai nhi tỏa ra có thể được người mẹ hấp thụ, điều này có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn so với bình thường. 

Làm thế nào để tránh nhiệt độ cơ thể tăng quá cao? 

nhiệt độ cơ thể khi mang thai

Bà bầu bị tăng thân nhiệt là điều phổ biến và không có gì đáng lo. Tuy nhiên, ở tam cá nguyệt thứ 1, bạn cần chú ý đến thân nhiệt nhiều hơn, tránh để thân nhiệt tăng quá cao vì điều này có thể làm gián đoạn sự phát triển của các protein quan trọng, làm tăng nguy cơ sảy thai. 

Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng quá cao còn có thể gây rối loạn quá trình hình thành não và cột sống của thai nhi, dẫn đến dị tật bẩm sinh. 

Để giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh tăng cao quá mức, bạn nên lưu ý một số điều sau: 

  • Tránh ở lâu tại những nơi có nhiệt độ cao như nhà bếp, hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng nóng hoặc những ngày thời tiết oi bức.
  • Khi tắm, tránh dùng nước quá nóng hoặc ngâm bồn tắm nước nóng quá lâu. Tránh đi đến phòng xông hơi.
  • Sử dụng điều hòa vào những ngày thời tiết nóng. Vào ban đêm, bạn nên để nhiệt độ vừa phải để tránh tình trạng nóng bức khiến bạn khó ngủ.
  • Tránh tập thể dục quá mạnh, tập ngoài trời vào thời điểm nắng nóng hoặc tập trong phòng kín. Không tập yoga nóng khi mang thai.
  • Sử dụng drap trải giường được làm từ vật liệu thoáng mát và chỉ trải 1 lớp mỏng, không đắp chăn hoặc để gối quá nhiều khi ngủ. 
  • Lựa chọn quần áo cho bà bầu phù hợp, được làm từ vải cotton thấm hút mồ hôi. Khi đi ngủ nên bận đồ rộng rãi, thoáng mát.
  • Chú ý uống đủ nước. Bà bầu uống nhiều nước không chỉ giúp giữ ẩm cho cơ thể mà còn rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
  • Không sử dụng thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê… Tránh ăn các món cay nóng. 

Nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai: Khi nào nên đi khám? 

Thân nhiệt tăng khi mang thai và bà bầu cảm thấy nóng hơn bình thường không phải là điều đáng ngại. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai đi cùng với các triệu chứng như: 

  • Sốt hơn 38 độ C  
  • Đau bụng, buồn nôn 
  • Có các triệu chứng cúm 
  • Đau cơ 
  • Tiêu chảy  

Trên đây là một số thông tin về nhiệt độ cơ thể khi mang thai. Dù thân nhiệt tăng khi mang thai không phải là điều đáng lo nhưng bạn vẫn nên chú ý đến nhiệt độ cơ thể, tránh để nhiệt độ tăng quá cao để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. 

Có thể bạn quan tâm: Bốc hỏa khi mang thai: Mẹ nên làm thế nào?

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is a Normal Body Temperature? https://www.keckmedicine.org/what-is-a-normal-body-temperature/ Ngày truy cập: 3/11/2021 

Summer heat brings special health risks for pregnant women https://www.heart.org/en/news/2019/07/01/summer-heat-brings-special-health-risks-for-pregnant-women Ngày truy cập: 3/11/2021 

Is it safe to use a hot tub during pregnancy? https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/pregnancy-and-hot-tubs/faq-20057844 Ngày truy cập: 3/11/2021 

Temperature during pregnancy influences the fetal growth and birth size https://tropmedhealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s41182-016-0041-6 Ngày truy cập: 3/11/2021 

Heat stress and fetal risk. Environmental limits for exercise and passive heat stress during pregnancy: a systematic review with best evidence synthesis https://bjsm.bmj.com/content/53/13/799 Ngày truy cập: 3/11/2021 

Phiên bản hiện tại

17/08/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bác sĩ giải đáp bà bầu uống nước chanh sả gừng được không?

Ăn gì để phòng băng huyết sau sinh? Lời khuyên hữu ích dành cho mẹ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo