Việc áp dụng các cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà theo kinh nghiệm dân gian khá đa dạng, đơn giản mà lại hiệu quả. Với các cách chữa này, các mẹ bầu có thể dùng nguyên liệu sẵn có như túi lọc trà xanh, mật ong, nước muối, tỏi, tinh dầu kinh giới cay… để giúp làm giảm cơn đau.
Bà bầu bị đau nhức răng khi mang thai có thể do bệnh lý về răng đã có từ trước như sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu, răng bị gãy hay mẻ làm lộ tủy… chưa được điều trị triệt để. Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân khác phát sinh trong thời gian bầu bí như: hệ miễn dịch của mẹ bầu trong thời gian mang thai sẽ tự suy giảm để bảo vệ thai nhi do đó các bệnh lý viêm có sẵn sẽ bùng phát triệu chứng, nội tiết tố tăng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, vệ sinh răng miệng không đúng cách, không súc miệng sau khi nôn ói khiến dịch vị làm tổn thương men răng…
Trước khi áp dụng các cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà, bạn cần xác định độ nhạy cảm của răng với thức ăn và đồ uống (nóng hay lạnh). Điều này giúp giảm nguy cơ đau nhức răng khi mang thai. Trong bài viết này, Hello Bacsi tổng hợp 13 cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà đơn giản để các mẹ bầu tham khảo. Hãy cùng tìm hiểu ngay!
13 cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà đơn giản, nhanh chóng
Có không ít mẹ bầu gặp phải tình trạng đau nhức răng khi mang thai nhưng lại ngại việc đi khám và dùng thuốc. Do đó, các chị em thường có xu hướng lên các hội nhóm hỏi về các mẹo chữa đau răng sâu cho bà bầu, cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà, cách chữa đau răng cho bà bầu đơn giản mà hiệu quả. Hiểu được nhu cầu này, Hello Bacsi đã tìm hiểu và tổng hợp 13 cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà để các chị em tiện tham khảo.
1. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý là thói quen vệ sinh răng miệng mà mọi người, đặc biệt là các mẹ bầu nên duy trì sau mỗi lần đánh răng. Nguyên do là nước muối ấm hay nước muối sinh lý đều có đặc tính sát khuẩn, có tác dụng ức chế vi khuẩn, làm sạch mảng bám… giúp giảm nguy cơ đau răng, sâu răng. Bên cạnh đó, nước muối sinh lý lại rất an toàn và rẻ tiền nên dễ dàng áp dụng.
Nếu áp dụng cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà này, bạn có thể mua nước muối sinh lý 0.9% hoặc tự pha nước muối ấm. Nếu tự pha nước muối ấm, bạn nên pha theo hướng dẫn sau:
- Cho 1 thìa cà phê gạt muối khoảng 5g vào 250ml nước ấm
- Khuấy cho muối tan.
- Dùng nước muối này súc miệng trong khoảng 30 giây rồi nhổ ra, sau đó súc miệng thêm 2 đến 3 lần nữa cho khoang miệng thật sạch.
2. Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà: Súc miệng bằng baking soda
Baking soda là một trong các nguyên liệu được dùng để tẩy trắng răng tại nhà, giúp răng loại bỏ được mảng bám ố vàng. Nhiều chị em chia sẻ cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà hiệu quả là súc miệng với baking soda. Nguyên do là baking soda có thể giúp trung hòa axit để ngăn ngừa sâu răng và vi khuẩn gây hại men răng.
Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà bằng baking soda được thực hiện như sau:
- Pha 1 thìa 5g baking soda hòa với một cốc nước dùng để súc miệng.
- Nếu dùng baking soda để đánh răng, bạn không nên chà răng mạnh vì có thể làm mòn men răng.
3. Chườm lạnh
Nếu tình trạng đau răng khiến bạn bị sưng nướu răng, sưng mặt, ngoài 2 cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà kể trên, hãy chườm lạnh bên má bị ảnh hưởng. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và sưng khá đơn giản.
Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà bằng chườm lạnh được thực hiện như sau:
- Cách 1: Bọc đá lạnh trong khăn cotton ẩm và chườm bên má bị ảnh hưởng trong 5 – 10 phút để giảm đau.
- Cách 2: Nhúm ướt 1 chiếc khăn sạch rồi vắt ráo, bỏ vào ngăn đông tủ lạnh cho khăn lạnh rồi lấy ra chườm bên má bị ảnh hưởng.
- Cách 3: Cho đá vào túi chườm và chườm bên má bị ảnh hưởng để giảm sưng.
Lưu ý là mẹ bầu có thể chườm lạnh 4-5 lần/ngày, mỗi lần không nên chườm lạnh quá lâu trên 15 phút. Tuyệt đối không chườm lạnh bằng cách lấy đá lạnh trực tiếp tiếp xúc lên bề mặt da do có thể bị bỏng lạnh.
4. Cách chữa đau răng cho bà bầu bằng tỏi
Tỏi có công dụng như một kháng sinh tự nhiên có thể giúp tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào ở vùng bị nhiễm trùng. Theo đó, nhiều mẹ bầu chia sẻ nhờ đặc tính diệt khuẩn này mà tỏi có thể giúp giảm đau nhức hiệu quả.
Có 2 cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà bằng tỏi như sau:
Cách 1: Sử dụng tỏi với nước muối
- Lột vỏ 2 – 3 tép tỏi.
- Giã nát với một ít muối.
- Dùng hỗn hợp này đắp vào răng bị đau và để trong khoảng 5 – 10 phút hoặc dùng bông gòn thấm nước hỗn hợp này và đắp lên răng bị đau.
- Sau đó, súc miệng lại với nước.
Cách 2: Dùng rượu tỏi
- Giã nát tỏi cho vào hũ thủy tinh
- Đổ rượu trắng lên sao cho ngập tỏi.
- Ngâm hỗn hợp này trong khoảng 1 tuần là có thể lấy ra dùng.
- Dùng bông gòn thấm rượu tỏi và đắp vào phần răng bị đau, giữ nguyên khoảng 5 – 10 phút rồi nhổ ra, súc miệng bằng nước sạch.
- Một cách khác là các mẹ bầu pha loãng rượu tỏi với nước lọc để súc miệng hàng ngày.
Lưu ý
Vì có chứa allicin nên tỏi được biết đến như một loại kháng sinh tự nhiên, tiêu diệt vi khuẩn xung quanh vùng bị nhiễm trùng mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
5. Cách chữa đau răng cho bà bầu bằng đinh hương
Đinh hương là một vị thuốc của y học cổ truyền. Đinh hương có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm; có tác dụng: làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, tiêu sưng, loét dạ dày, viêm đường hô hấp, cảm cúm. Trong tinh dầu đinh hương có chất gây tê tự nhiên giúp tiêu viêm, kháng khuẩn, có công dụng chống nhiễm trùng hiệu quả. Do đó, các mẹ bầu đang bị cơn đau nhức răng làm phiền, có thể thử dùng tinh dầu đinh hương.
Cách chữa đau răng cho bà bầu bằng tinh dầu đinh hương được thực hiện như sau:
- Dùng bông gòn thấm một ít tinh dầu đinh hương.
- Đắp trực lên phần răng bị đau và giữ trong khoảng 10 – 15 phút.
Cách khác: sử dụng bài thuốc bao gồm đinh hương 4g, hậu phác 4g, bạc hà 2g, dùng nước sôi ngâm pha 15 phút, sau đó lọc bỏ bã thuốc ngậm nước súc miệng.
Lưu ý rằng mẹ bầu chỉ nên sử dụng tinh dầu đinh hương để chấm trực tiếp lên chỗ răng bị đau hoặc sử dụng bài thuốc súc miệng. Đinh hương có loại thành phần hòa tan trong nước chưa được rõ có tác dụng kích thích cơ trơn của tử cung nên mẹ bầu tuyệt đối không nên uống nước sắc đinh hương do có khả năng gây sảy thai.
6. Nha đam
Theo các chuyên gia sức khỏe, nha đam có chứa nhiều vitamin A, C, E và các khoáng chất thiết yếu có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, kháng viêm và giảm đau hiệu quả.
Cách chữa đau răng cho bà bầu bằng nha đam được thực hiện như sau:
- Bước 1: Cắt đôi 1 lá nha đam, múc lấy phần gel bên trong.
Bước 2: Dùng gel này nhỏ vào răng bị đau.
Bước 3: Đợi trong khoảng từ 10 – 15 phút rồi dùng nước ấm để súc miệng. Lúc này, bạn có thể cảm nhận thấy cơn đau nhức răng đã giảm đi phần nào.
Mẹ bầu lưu ý chỉ lấy phần thịt của nha đam, rửa sạch để loại bỏ phần gel xanh gần lá, do phần này dễ gây dị ứng.
7. Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà: Uống sữa ấm
Trong sữa có canxi và vitamin K, 2 dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của nướu răng. Theo nhiều mẹ bầu chia sẻ, thói quen uống sữa ấm vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm chảy máu và viêm nướu răng. Lưu ý là cần đánh răng 2 lần/ ngày vì uống sữa có thể làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám.
8. Dùng nước ép lựu
Nước ép lựu có thể giúp chống lại sự tích tụ mảng bám và nhiễm trùng do vi khuẩn. Do đó, mẹ bầu bị đau răng có thể uống nước ép lựu hoặc súc miệng bằng nước ép lựu không đường để làm sạch khoang miệng.
Một số nơi vẫn còn dùng nước sắc vỏ quả, vỏ rễ cây lựu để súc miệng chống sâu răng. Nhưng các mẹ bầu lưu ý không nên áp dụng cách này do hoạt chất trong vỏ quả, vỏ rễ lựu rất độc và có khả năng gây nguy hiểm đến thai nhi.
9. Trị nhức răng cho bà bầu tại nhà với quế
Quế nổi tiếng với công dụng kháng khuẩn, chống viêm. Một số bằng chứng cho thấy loại thảo dược này có thể giúp ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
Cách trị răng cho bà bầu tại nhà với quế được thực hiện như sau:
- Cách 1: Nhai hoặc ngậm một miếng quế nhỏ trong khoảng 5 – 10 phút để giảm đau nhức răng.
- Cách 2: Trộn 1 thìa cà phê quế với chút mật ong thành hỗn hợp sền sệt rồi rồi bôi lên răng bị đau nhức.
Theo y học cổ truyền, quế là vị thuốc có vị cay, tính ấm thường được sử dụng trong thường hợp bệnh lý do ngoại hàn xâm nhập. Người bệnh thuộc chứng âm hư dương xung, phụ nữ đang có thai hạn chế dùng. Trường hợp dùng quế chi để điều trị ốm nghén thì phải kết hợp các vị thuốc khác và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
10. Súc miệng với dầu dừa
Do có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm nên dầu dừa có thể giúp giảm đau răng hiệu quả. Theo cổ học Ayurvedic, các mẹ bầu có thể dùng 1 thìa dầu dừa để súc miệng trong khoảng 30 giây đến 1 phút rồi nhổ ra. Việc này giúp làm giảm vi khuẩn trong khoang miệng từ đó giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.
Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà với dầu dừa:
- Súc miệng ngày 2 lần trong 7 ngày liên tiếp.
11. Túi lọc trà xanh
Một cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà mà nhiều chị em bầu bí hay mách nhỏ nhau là dùng túi lọc trà xanh. Trà xanh chứa tanin (polyphenol) có tác dụng săn se niêm mạc, giảm viêm, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến việc hình thành mảng bám và gây hôi miệng.
Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà với trà xanh được thực hiện như sau:
- Bước 1: Hãm túi lọc trà xanh trong cốc nước sôi tầm 3 – 5 phút
- Bước 2: Vớt túi trà ra, để nguội rồi cho vào tủ lạnh
- Bước 3: Sau đó dùng túi trà ướp lạnh đắp lên chiếc răng bị sâu để giúp giảm đau và sưng do đau nhức răng hiệu quả.
12. Cách trị nhức răng cho bà bầu tại nhà: Bôi mật ong
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ. Do đó, bạn có thể giảm đau và sưng mộng răng bằng cách bôi mật ong lên vùng răng bị đau nhức.
13. Tinh dầu oregano (Tinh dầu kinh giới cay)
Tinh dầu oregano là một chất khử trùng tự nhiên có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa từ đó giúp giảm đau nên thường được sử dụng để ngăn ngừa sâu răng. Để giảm đau răng khi mang thai, các mẹ bầu có thể nhỏ 1-2 giọt tinh dầu kinh giới cay lên bông gòn hay tăm bông và thoa lên vị trí răng bị đau.
Mẹo ngăn ngừa nguy cơ sâu răng, đau nhức răng khi mang thai
Cách dễ nhất để giảm thiểu nguy cơ sâu răng, đau răng khi mang thai là duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách. Do đó, các chị em bầu bí hãy:
- Đảm bảo đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý sau khi đánh răng, nhất là khi bị đau nhức răng.
- Duy trì việc thăm khám nha khoa đúng lịch và đầy đủ, kể cả trong thời gian mang thai.
- Đi khám nha khoa ngay khi có các vấn đề về răng miệng.
Lưu ý là nếu cơn đau răng của mẹ bầu không thuyên giảm hoặc có xu hướng trầm trọng hơn sau khi đã áp dụng các cách trị nhức răng kể trên, hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Nha sĩ sẽ xác định vấn đề răng miệng mà bạn đang gặp phải và đề ra biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-due-date]