backup og meta

Tìm hiểu về chứng thoát vị khi mang thai để mẹ con cùng khỏe

Tìm hiểu về chứng thoát vị khi mang thai để mẹ con cùng khỏe

Mẹ bầu có nguy cơ cao mắc phải chứng thoát vị khi mang thai từ những lý do hết sức đơn giản như mang vác vật nặng cho đến phức tạp hơn bao gồm di truyền.

Khi bụng bạn lớn dần, rốn có thể sẽ có hiện tượng lồi lên và đây là hiện tượng bình thường trong thời gian mang thai. Nhưng đôi khi, tình trạng này xuất hiện có thể là dấu hiệu cho một vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như thoát vị. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu những thông tin xoay quanh thoát vị khi mang thai cũng như cách ngăn ngừa nhằm giúp mẹ bầu không cảm thấy quá khó chịu nếu mắc phải. 

1. Thoát vị khi mang thai là gì?

Thoát vị là hiện tượng xuất hiện một lỗ nhỏ ở thành bụng chứa các mô và cơ quan nội tạng bao gồm cả dạ dày và ruột. Khi bụng của bạn phát triển và kéo giãn ra trong lúc mang thai, áp lực lên thành bụng cũng bắt đầu tạo ra nhiều hơn khiến lỗ nhỏ lớn dần hoặc tạo thành lỗ mới.

2. Nguy cơ khiến mẹ bầu mắc chứng thoát vị khi mang thai

Thoát vị xuất hiện do sức khỏe của thành cơ hoặc cơ không được phát triển hoàn toàn. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người sinh ra mắc phải. Tuy nhiên, một số yếu tố sức khỏe cũng có thể góp phần làm suy yếu mô, từ đó gây nên thoát vị, chẳng hạn như mang thai.

Cơ bắp có xu hướng căng, mỏng và yếu đi trong quá trình mang thai. Thêm vào đó, quãng thời gian bầu bí sẽ tạo ra áp lực lên vùng bụng cũng như việc cân nặng tăng lên khiến bạn cảm thấy dường như đang bị quá tải cũng góp phần vào vấn đề mẹ bầu có nguy cơ cao phát triển tình trạng thoát vị.

Theo các chuyên gia, một số yếu tố khác khiến bạn dễ bị thoát vị khi mang thai bao gồm:

  • Béo phì hoặc tăng cân
  • Mang đa thai (thai đôi, thai ba)
  • Phẫu thuật vùng bụng trước
  • Lớn tuổi
  • Có người thân mắc phải thoát vị
  • Mang vác các vật nặng
  • Hắt hơi hoặc ho mạn tính
  • Táo bón mạn tính.

3. Dấu hiệu của thoát vị khi mang thai

dấu hiệu thoát vị khi mang thai

Không phải mọi phụ nữ mang thai đều biểu hiện triệu chứng thoát vị. Bạn chỉ có thể phát hiện ra tình trạng khi bác sĩ thực hiện các xét nghiệm vật lý hoặc xét nghiệm hình ảnh thông qua quá trình khám thai định kỳ. Nhưng mặt khác, thoát vị khi mang thai sẽ xuất hiện dưới dạng nốt u nhỏ phình lên nếu bạn nằm xuống hoặc ấn vào một khu vực gần đó. Bạn có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy tình trạng này.

Thoát vị cũng có thể gây đau, bắt đầu bằng mức khá nhẹ nhưng có thể trở nên dần khó chịu hơn khi bạn hoạt động quá sức. Các triệu chứng của bạn có thể trở nên dữ dội hơn khi thai kỳ phát triển và trọng lượng cơ thể tăng dần lên.

Cơn đau do thoát vị cũng đôi lúc xuất hiện nếu bạn nằm xuống. Trong trường hợp như vậy, hãy thử biện pháp chườm lạnh để cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đã tìm hiểu mọi hình thức giảm đau nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm thì rất có thể, mẹ bầu đang mắc phải chứng thoát vị bẹn.

Dấu hiệu của thoát vị bẹn bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Các cơn đau đột nhiên xuất hiện và dần nặng hơn
  • Khu vực nơi bị thoát vị có màu xanh, đỏ hoặc đen
  • Không thể xì hơi hoặc đi nặng.

4. Thoát vị khi mang thai có ảnh hưởng đến con không?

Thoát vị khi mang thai hoặc trong lúc chuyển dạ sẽ không làm tổn thương trực tiếp em bé bởi con đã được túi ối bảo vệ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này ảnh hưởng đến khẩu vị của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách cải thiện chế độ ăn uống sao cho con yêu nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển.

5. Các dạng thoát vị khi mang thai

Có một vài loại thoát vị khi mang thai mà bạn có thể gặp phải, chúng bao gồm:

  • Thoát vị rốn: Thoát vị rốn khá phổ biến trong thai kỳ và xảy ra ngay ở rốn do ruột phình lên thành bụng. Ngoài ra, còn có tình trạng khác còn được gọi là thoát vị gần rốn.
  • Chứng thoát vị bẹn: Tình trạng này ít phổ biến hơn và xảy ra khi cơ háng của bạn bị yếu đi do áp lực từ tử cung và mô phát triển.

6. Điều trị thoát vị khi mang thai

điều trị thoát vị khi mang thai

Theo một bài báo được công bố vào tháng 1 năm 2018 trên tạp chí Frontiers in Surgery, vẫn chưa có sự đồng bộ giữa các bác sĩ về thời gian tốt nhất để chữa trị thoát vị ở phụ nữ mang thai. Nếu tình trạng thoát vị của bạn không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, mẹ bầu hoàn toàn có thể đợi đến khi đã sinh con xong rồi mới bắt đầu điều trị. Nhưng nếu tình trạng khiến bạn gặp khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, hầu hết các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên nên phẫu thuật.

Các lựa chọn điều trị thoát vị

Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật trong khi bạn vẫn đang mang thai nếu tình trạng gây ra các triệu chứng khác hoặc lỗ thoát vị đủ lớn để phát triển các biến chứng. Thời gian phẫu thuật chính xác của bạn sẽ không dựa theo bất kỳ quy tắc cụ thể nào. Một số bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật trong tam cá nguyệt đầu tiên hoặc tam cá nguyệt thứ hai.

Nếu thoát vị được điều trị bằng biện pháp khâu chỉ vá lại lỗ hổng mà không dùng các dụng cụ khác như lưới sắt y tế để hỗ trợ vùng cơ bị yếu, nguy cơ thoát vị quay lại trong khi mang thai là rất cao. Nhưng việc sử dụng lưới y tế có thể hạn chế sự linh hoạt lúc cử động của thành bụng và gây đau, cả trong thời gian hiện tại và tương lai.

Phẫu thuật thoát vị trong khi mang thai được đánh giá là khá an toàn. Theo một nghiên cứu về chữa thoát vị rốn ở 126 phụ nữ mang thai, trong vòng 30 ngày kể từ khi phẫu thuật, sự xuất hiện của tác dụng phụ hoặc sẩy thai là rất ít, thậm chí không có.

Điều trị thoát vị trong khi sinh mổ

Nếu tình trạng thoát vị khi mang thai không quá đặc biệt nghiêm trọng và đang dự định sinh mổ, mẹ bầu có thể điều trị thoát vị cùng lúc. Các bác sĩ đã đưa ra ý kiến rằng việc kết hợp cả 2 quá trình này sẽ không mất quá nhiều thời gian.

Điều trị thoát vị sau khi sinh con

Đối với thoát vị nhẹ, mẹ bầu không cần thực hiện phẫu thuật ngay lập tức vì một số lý do sức khỏe. Ngoài ra, nếu đang lập kế hoạch cho một thai kỳ khác, bạn sẽ muốn trì hoãn thủ thuật y tế này lại. Sau khi sinh con được tám tuần hoặc đến lúc cơ thể hồi phục hoàn toàn, bạn có thể nghĩ đến phẫu thuật điều trị thoát vị.

7. Ngăn ngừa thoát vị khi mang thai

Không có nhiều điều bạn có thể làm để ngăn ngừa thoát vị khi mang thai, tuy nhiên quãng thời gian bầu bí sẽ không khiến tình trạng này mở rộng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cơ thể bằng cách ấn nhẹ vào vùng bị thoát vị trong lúc hắt hơi, ho và cười sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, mẹ bầu không nên hoạt động quá sức trong quãng thời gian này.

Nếu bạn đang mang thai và mắc phải chứng thoát vị, đừng căng thẳng về nó quá nhiều bởi tình trạng này sẽ không làm tổn thương em bé. Chỉ cần tham khảo ý kiến bác sĩ thường xuyên về tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như các biện pháp hạn chế, bạn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What to Do if You Get a Hernia During Pregnancy https://www.everydayhealth.com/hernia/during-pregnancy/ Ngày truy cập 12/11/2018

Understanding Hernia — the Basics https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-hernia-basics Ngày truy cập 12/11/2018

Hernia https://medlineplus.gov/hernia.html Ngày truy cập 12/11/2018

Hernia During Pregnancy http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/hernia-during-pregnancy/ Ngày truy cập 12/11/2018

Hernia During Pregnancy https://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/hernia-during-pregnancy-labor/ Ngày truy cập 12/11/2018

Phiên bản hiện tại

17/12/2018

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Dùng nhân sâm khi mang thai mẹ nên thận trọng để tránh rủi ro


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 17/12/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo