backup og meta

Mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa hiệu quả

Mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai: Nguyên nhân và cách chữa hiệu quả

Nổi mề đay khi mang thai là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ngứa da. Tình trạng này cũng rất thường gặp nên nhiều chị em thắc mắc bà bầu nổi mề đay có sao không? Mẹ nên làm gì để điều trị hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn?

Thực tế rất khó xác định nguyên nhân gây nổi mề đay, sẩn ngứa trong thai kỳ và đa phần thì đây là triệu chứng an toàn, không ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị ngứa liên quan tới tình trạng ứ mật trong gan (biểu hiện ngứa, sẩn, men gan tăng cao) thì cần hết sức thận trọng. Nguyên do là bởi căn bệnh này sẽ có ảnh hưởng tới thai nhi, thậm chí có thể gây thai lưu. Do đó, khi bị ngứa, nổi mề đay, mẹ bầu nên đi khám để xác định nguyên nhân nhằm loại trừ nguyên nhân nguy hiểm cho thai, đồng thời được kê thuốc điều trị hợp lý.

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết về tình trạng nổi mề đay khi mang thai, đồng thời hướng dẫn cách điều trị cũng như phòng ngừa để giúp mẹ bầu nhanh khỏi.

Nguyên nhân gây sẩn ngứa, nổi mề đay khi mang thai

1. Nguyên nhân phổ biến

Khi bụng của mẹ bầu ngày càng lớn dần, để tương thích với sự phát triển của thai nhi có thể khiến làn da bị rạn dễ bị khô và ngứa. Do đó, phụ nữ mang thai thường không tránh khỏi việc phải đối mặt với những cơn ngứa ngày, nổi mề đay hoặc phát ban nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể trong thai kỳ khiến mẹ trở nên nhạy cảm hơn với mầm bệnh. Chính vì vậy , bạn sẽ dễ có phản ứng dị ứng và nổi mề đay khi mang thai. Trong đó, mẹ bầu thường dễ có phản ứng dị ứng với những tác nhân sau đây:

  • Lông động vật
  • Một số loại thuốc
  • Hóa chất
  • Mủ cao su
  • Phấn hoa
  • Côn trùng cắn hoặc đốt
  • Một số thực phẩm như cá, động vật có vỏ (nghêu/ngao, ốc, trai…), sữa, các loại hạt…
  • Các kích thích từ môi trường như ánh nắng, nước, gió, nhiệt độ, áp suất vật lý
  • Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn (chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm B hoặc đôi khi là COVID-19)
  • Bệnh tự miễn
  • Đôi khi nổi mề đay khi mang thai có thể do căng thẳng hoặc thậm chí là không rõ nguyên nhân, còn gọi là nổi mề đay vô căn.

2. Bệnh da đặc hiệu trong thai kỳ gây nổi mề đay nghiêm trọng khi mang thai

nổi mề đay khi mang thai

Tình trạng nổi các sẩn ngứa hoặc nổi mề đay khi mang thai trên thực tế chưa được phân loại rõ ràng. Tuy nhiên, theo các dữ liệu nghiên cứu đã có thì các sẩn ngứa, mề đay ở mẹ bầu cũng được xem là một bệnh da đặc hiệu gây ngứa phổ biến trong thai kỳ. Tình trạng da này nếu nghiêm trọng ở mẹ bầu được gọi là PUPPP – ngứa sẩn mề đay trong thai kỳ hay phát ban đa dạng (Pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy).

Tuy PUPPP không quá phổ biến nhưng tỷ lệ mắc 1/150 phụ nữ mang thai cũng là vấn đề mẹ bầu cần quan tâm. Bệnh có thể được nhận biết bởi các triệu chứng nổi mề đay khi mang thai đặc trưng như xuất hiện các mảng đỏ, sẩn ngứa, mề đay trên da. Đầu tiên là bùng phát ở bụng và xung quanh vùng da bị rạn nếu có, sau đó lan ra đùi, mông, lưng và ít gặp hơn ở cánh tay và mặt.

PUPPP thường xuất hiện vào giai đoạn cuối thai kỳ trong lần mang thai đầu tiên, khiến nhiều mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai 3 tháng cuối, và ít khi tái phát ở những lần mang thai sau.

Mặc dù không rõ nguyên nhân gây ra PUPPP nhưng vấn đề da liễu này có thể được kiểm soát bằng cách thoa kem làm mềm da hoặc thuốc bôi steroid. Hơn nữa, các nốt mẩn ngứa có thể biến mất hoàn toàn sau khi sinh và không gây ảnh hưởng gì đến em bé.

Bà bầu bị nổi mề đay có sao không?

Thực tế, nếu không thăm khám tại bệnh viện uy tín, bà bầu bị ngứa nổi mề đay thường rất khó xác định nguyên nhân thông qua các biểu hiện thông thường. Có những trường hợp mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai nhưng không gây ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp có bầu bị nổi mề đay do các bệnh lý nguy hiểm, khiến thai phụ đối mặt với những biến chứng trong thai kỳ. Do đó, điều quan trọng là mẹ bầu bị nổi mề đay cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị cho mẹ bầu bị nổi mề đay khi mang thai

nổi mề đay khi mang thai

Phát ban nhẹ hoặc nổi mề đay khi mang thai thường có xu hướng tự khỏi. Điều quan trọng là bạn cần tránh gãi mạnh vết ngứa, giữ ẩm tốt cho da và hạn chế dùng xà phòng để vệ sinh cơ thể.

Tuy nhiên, nếu vẫn còn thắc mắc bà bầu nổi mề đay phải làm sao cho nhanh khỏi, thì bạn có thể thử áp dụng một số mẹo chữa mề đay cho bà bầu tại nhà được truyền miệng như:

  • Tắm bằng bột yến mạch để giảm ngứa do nổi mề đay khi mang thai. Bột yến mạch được biết đến là có tác dụng chống viêm và bảo vệ da.
  • Thêm baking soda vào bồn nước tắm của bạn. Tuy nhiên, đừng ngâm mình quá lâu trong bồn tắm nhé. 
  • Dùng gel lô hội, dầu dừa hoặc các kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da của phụ nữ mang thai.

Bên cạnh việc chữa mề đay bằng những phương pháp tự nhiên, mẹ bầu cũng có thể dùng thuốc mỡ steroid tại chỗ hoặc một số loại thuốc kháng histamine an toàn cho thai kỳ như Allegra, Benadryl, Chlor Trimeton, Claritin và Zyrtec. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là xem kỹ lại cảnh báo trên hộp thuốc trước khi uống/thoa lên da hoặc tốt nhất là nên hỏi thêm ý kiến dược sĩ hay bác sĩ.

Đối với các trường hợp ngứa nghiêm trọng hoặc nổi mề đay khi mang thai không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kê toa thuốc điều trị phù hợp, hiệu quả.

Các mẹo giúp ngăn ngừa nổi mề đay khi mang thai

Nếu trước đó bạn dễ bị nổi mề đay, sẩn ngứa thì khi mang thai cũng dễ gặp phải tình trạng này. Vì vậy, bạn nên lưu ý và áp dụng những mẹo mà Hello Bacsi tổng hợp sau đây để ngăn ngừa nổi mề đay trong thai kỳ:

  • Tránh tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây nổi mề đay mà bạn đã biết
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh mặc đồ có chất liệu như len, dạ vì có thể gây kích ứng da
  • Tránh tắm nước nóng vì nhiệt độ cao không tốt cho da đang bị ngứa
  • Tránh dùng xà phòng, nước hoa và chất giặt tẩy nhiều hóa chất
  • Uống nhiều nước vì việc bổ sung nước rất có lợi cho da
  • Nếu mẹ bị nổi mề đay và muốn gãi để giảm ngứa thì cần lưu ý là chỉ nên gãi nhẹ nhàng, tránh gãi mạnh gây áp lực lên da và tránh tạo ra các vết xước gây chảy máu. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng qua da. 

Mặc dù những giải pháp kể trên không ngăn ngừa được tất cả các nguyên nhân hoặc trường hợp nổi mề đay khi mang thai, nhưng việc áp dụng vẫn sẽ giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ, giúp tình trạng nổi mề đay ít nghiêm trọng hơn và nhanh khỏi hơn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539700/ Ngày truy cập: 24/08/2023

Urticaria in Pregnancy and Lactation https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/falgy.2022.892673/full Ngày truy cập: 24/08/2023

Common Skin Conditions During Pregnancy https://familydoctor.org/ditions-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 24/08/2023

PUPPP Rash

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22374-puppp-rash Truy cập ngày 18/02/2022

6 skin problems that can develop during pregnancy

https://utswmed.org/medblog/pregnancy-rash-skin-conditions/ Truy cập ngày 18/02/2022

Hives During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/womens-health/hives-during-pregnancy/ Truy cập ngày 18/02/2022

Hives

https://allergyasthmanetwork.org/allergies/hives/ Truy cập ngày 18/02/2022

Phụ nữ mang thai bị mề đay và sẩn ngứa

https://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/diem-bao/phu-nu-mang-thai-bi-me-day-va-san-ngua/#:~:text=%C4%90%C3%A2y%20l%C3%A0%20b%E1%BB%87nh%20da%20%C4%91%E1%BA%B7c,%3A%20polymorphic%20eruption%20of%20pregnancy). Truy cập ngày 18/02/2022

Phiên bản hiện tại

24/08/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Rạn da khi mang thai: Bí quyết ngăn ngừa và điều trị giúp bạn lấy lại tự tin

Bà bầu nổi mụn ở mặt: Tổng hợp 6 loại kem trị mụn cho bà bầu an toàn, lành tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo