Sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi là những mối quan tâm lớn trong thai kỳ. Trên thực tế, hầu hết các vấn đề sức khỏe khi mang thai là phổ biến và đều ở mức độ nhẹ.Tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi (mà các mẹ bầu hay gọi là dấu hiệu thai yếu) hoặc biến chứng thai kỳ thì mẹ phải thận trọng hơn và nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa [1].
Các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng cũng có những triệu chứng đặc trưng theo từng giai đoạn mang thai. Do đó, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, khiến mẹ bầu lo lắng thì cách tốt nhất là phải đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức [1].
Các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, cảnh báo biến chứng thai kỳ phổ biến
Thai nhi phát triển bình thường hay không là vấn đề mẹ bầu nào cũng quan tâm. Vì vậy, việc chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi (mà các mẹ bầu quen gọi là những dấu hiệu thai yếu), cảnh báo biến chứng thai kỳ để đi khám kịp thời là điều rất quan trọng. Sau đây là các dấu hiệu đáng “báo động” trong thai kỳ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bao gồm [1], [2], [3]:
- Chảy máu âm đạo
- Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc nhiều hơn bình thường
- Đau bụng, đau lưng dữ dội và bất thường
- Nôn mửa kéo dài, có thể nghiêm trọng vì không thể giữ nước trong cơ thể
- Không thể ăn hay uống
- Nhức đầu kéo dài và nghiêm trọng theo thời gian. Một số trường hợp mẹ bầu có thể bị đau nhức thái dương
- Sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu
- Mẹ bị khó thở đột ngột hoặc cảm thấy khó thở dần theo thời gian
- Sụt cân liên tục, có thể không rõ lý do
- Mệt mỏi, yếu ớt đến mức không thể ngồi dậy rời khỏi giường
- Đau tức ngực, nhịp tim đập nhanh hoặc không đều
- Chuột rút nghiêm trọng
- Đau, nóng rát khi đi tiểu hoặc tiểu gấp không kiểm soát.
Ngoài các triệu chứng kể trên, mẹ bầu cũng cần “cảnh giác” khi gặp phải các triệu chứng như [5]:
- Đau nhức chân mà không biết mất, không giảm đi khi nghỉ ngơi, gác cao chân và đặc biệt là chỉ cảm thấy đau một bên chân nhưng không phải do chấn thương.
- Da đỏ lên, nhất là vùng da ở bắp chân, chạm vào có thể thấy hơi ấm.
- Khó thở, đau ngực khi hít thở sâu hoặc ho, nhịp tim nhanh, ho ra máu.
Khi gặp phải các triệu chứng này, mẹ bầu cần sắp xếp thời gian đi khám và chia sẻ ngay với bác sĩ. Bởi đây là những triệu chứng “cảnh báo” nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, một tình trạng xảy ra khi cục máu đông (huyết khối) được hình thành ở các tĩnh mạch, sau đó di chuyển và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu [9].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được chia làm 2 dạng chính là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu (thường là ở chân). Trong khi đó, thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông từ các vị trí khác vỡ ra và di chuyển theo dòng máu đến phổi [11].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể gặp ở bất cứ ai; tuy nhiên phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp 4 – 5 lần và thậm chí là nguy cơ này vẫn kéo dài đến 6 tuần sau sinh [12], [13]. Nguyên nhân chủ yếu do [5]:
- Khi mang thai, máu của người mẹ dễ đông lại hơn theo cơ chế tự nhiên nhằm mục đích giảm nguy cơ mất máu trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
- Lưu lượng máu đến chân ít hơn trong thai kỳ do các mạch máu xung quanh xương chậu bị chèn ép khi thai nhi ngày càng phát triển lớn hơn.
Ngoài ra, nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở mẹ bầu còn tăng cao hơn nếu mẹ có các yếu tố nguy cơ như [5], [12], [13]:
- Đã từng bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trước đây
- Tiền sử gia đình có người bị huyết khối tĩnh mạch hoặc rối loạn đông máu
- Nghỉ ngơi trên giường quá nhiều, ít vận động khi mang thai hoặc sau sinh
- Phụ nữ gặp các biến chứng khi mang thai và sinh nở như tiền sản giật, sinh non…
- Đã từng bị sảy thai trước đó
- Sinh mổ
- Phụ nữ trên 35 tuổi
- Mang song thai
- Hút thuốc
- Có một số tình trạng sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao, thừa cân, béo phì, các bệnh lý tim mạch…
- Đã từng thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như điều trị kích thích buồng trứng, thụ tinh trong ống nghiệm…
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một tình trạng nguy hiểm. Tuy không phổ biến nhưng đây lại là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều phụ nữ mang thai, sau sinh trên thế giới [14]. Trong đó, tình trạng thuyên tắc phổi vô cùng nguy hiểm vì có thể làm giảm lượng oxy trong máu, phá hủy các cơ quan hoặc thậm chí gây tử vong [10].
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của dự phòng huyết khối tĩnh mạch khi mang thai, mời bạn theo dõi thêm thông tin được chia sẻ bởi TS BS. Trần Nhật Thăng – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM qua video sau:
Ngoài các biến chứng về sức khỏe thể chất, về cảm xúc thì mẹ bầu có thể cảm thấy chán nản, lo lắng kéo dài hơn 2 tuần [1]. Nếu mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai, vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi [6]. Ngoài ra, đối với những mẹ từng gặp sự cố như té ngã, va chạm mạnh hoặc bị bạo hành thì cũng cần lưu ý đến những các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi sau đó để đi khám và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời [7], [8].
Những dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, cảnh báo biến chứng thai kỳ theo từng giai đoạn
Bên cạnh các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, biến chứng thai kỳ kể trên, mẹ bầu cũng cần quan tâm đến một số triệu chứng đặc trưng theo từng giai đoạn:
Các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, cảnh báo nguy cơ sảy thai hoặc biến chứng trước tuần 20
Một số dạng cơn đau trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Trong đó bao gồm [1], [4]:
- Đau dai dẳng, dữ dội ở một bên bụng hoặc đau một bên đầu vai
- Đau dữ dội hoặc chuột rút ở bụng dưới
- Các biểu hiện của mang thai như ốm nghén, căng ngực… giảm đột ngột cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sảy thai trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, cảnh báo biến chứng thai kỳ thường xuất hiện sau tuần 20
Khi thai nhi càng phát triển càng làm cho cơ thể mẹ có nhiều thay đổi. Tuy việc cảm thấy khó chịu khi mang thai là bình thường nhưng có một số triệu chứng không thể chủ quan. Mẹ nên đi bệnh viện kiểm tra nếu có những dấu hiệu cảnh báo sự bất thường trong giai đoạn giữa nửa sau của thai kỳ, bao gồm [1], [2]:
- Thay đổi tầm nhìn chẳng hạn như thị lực mờ, nhìn thấy tia sáng nhấp nháy. Đây có thể là triệu chứng của tiền sản giật
- Sưng đột ngột, thậm chí là sưng nghiêm trọng ở bàn tay, ngón tay, bàn chân hoặc vùng mặt
- Sưng đau cẳng chân
- Cực kỳ ngứa da, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân
- Em bé giảm cử động hoặc cử động một cách bất thường
- Các cơn co thắt tử cung xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn bình thường có thể mỗi 10 phút/ cơn, gây đau, kéo dài và không thuyên giảm bằng các biện pháp mẹ từng thực hiện trước đó; nếu điều này xảy ra trước 37 tuần, rất có thể mẹ đang có dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.
Mẹ nên làm gì nếu có các dấu hiệu cảnh báo thai kỳ diễn biến bất lợi, biến chứng thai kỳ? Tình trạng này có thể phòng ngừa không?
Trong trường hợp có những dấu hiệu thai yếu hoặc cảnh báo biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, thai ngoài tử cung… mẹ đừng nên chần chừ trong việc đến bệnh viện sản phụ khoa kiểm tra nhé! Bác sĩ có thể đề xuất mẹ thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm và xét nghiệm máu để đánh giá sức khỏe của mẹ và thai nhi. Qua đó có thể đưa ra phương pháp điều trị nếu cần hoặc tư vấn cách dưỡng thai phù hợp [1].
Những dấu hiệu thai yếu hoặc các triệu chứng bất thường trong thai kỳ cũng khiến nhiều mẹ lo lắng và thắc mắc liệu có thể phòng ngừa được hay không? Thông thường, các vấn đề thai yếu, nguy cơ sảy thai, thai lưu sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ, tiền sử bệnh, tiền sử mang thai và yếu tố di truyền, do đó, mà không có biện pháp nào giúp mẹ phòng ngừa các vấn đề này một cách tuyệt đối [1].
Dự phòng thuyên tắc huyết tĩnh mạch: Mẹ cần chủ động hỏi bác sĩ!
Như đã đề cập ở trên, tuy không phổ biến nhưng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, mẹ cần chủ động dự phòng trước sinh, khi mang thai và sau sinh. Cụ thể, mẹ cần chủ động tìm hiểu về các triệu chứng của thuyên tắc huyết tĩnh mạch. Nếu cảm thấy sưng đau bất thường, đặc biệt là ở một bên chân thì nên sớm đi khám và thông báo cho bác sĩ [5]. Đồng thời, mẹ nên cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe khi đi khám chẳng hạn như gia đình có người bị cục máu đông, bạn từng sảy thai không rõ nguyên nhân, đau ngực không rõ nguyên nhân… Qua đó, bác sĩ sẽ sớm nhận biết các nguy cơ và có thể đề xuất mẹ thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm để xác định xem mẹ có huyết khối tĩnh mạch hay không và có biện pháp dự phòng phù hợp [10].
Đối với mẹ bầu hoặc mẹ sau sinh có nguy cơ tạo lập huyết khối, cần đi khám thường xuyên hơn để được bác sĩ theo dõi. Đồng thời, việc thực hiện các biện pháp dự phòng là không thể bỏ qua. Một số giải pháp ngăn được khuyến khích để ngăn ngừa cục máu đông bao gồm [5], [10]:
- Tránh ngồi một chỗ quá lâu, nên cố gắng vận động thường xuyên như đi bộ hoặc các bài tập giúp co duỗi chân
- Uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Có thể sử dụng thêm vớ hoặc dùng thuốc kháng đông máu theo chỉ định của bác sĩ.
Quan trọng nhất, mẹ cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Cụ thể, khi đi khám, mẹ có thể đặt một số câu hỏi như:
- Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
- Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
- Có biện pháp dự phòng cho tôi khi sinh và sau khi sinh không?
Nhìn chung, mẹ bầu có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển các vấn đề gây rủi ro trong thai kỳ bằng cách đi khám thai đúng lịch. Đồng thời, mẹ hãy chủ động trang bị những kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi bầu bí. Tìm hiểu thông tin để sớm nhận biết những dấu hiệu thai yếu, các triệu chứng bất thường trong thai kỳ cũng sẽ hữu ích trong việc giúp mẹ bầu phòng ngừa các rủi ro này.
[embed-health-tool-due-date]