backup og meta

Nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Mẹ bầu bị nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Khi bị nhau tiền đạo mẹ bầu cần chú ý những gì để có một thai kỳ an toàn? 

Nếu cũng đang quan tâm đến vấn đề này, mời bạn cùng tìm lời giải đáp qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau nhé!

Nhau tiền đạo là gì? 

Nhau tiền đạo là một biến chứng thai kỳ xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/200 ca mang thai, khi nhau thai bám thấp về phía đoạn dưới của tử cung, che một phần hoặc che kín toàn bộ lỗ trong cổ tử cung thay vì bám ở đoạn thân hoặc đáy tử cung. Đây là nguyên nhân chính gây xuất huyết âm đạo bất thường trong ba tháng cuối thai kỳ. 

Nhau tiền đạo làm cản trở đường ra của thai nhi khi mẹ bầu chuyển dạ sinh con. Ngoài ra, ở 3 tháng cuối thai kỳ, nhau tiền đạo có thể chảy máu nghiêm trọng trước hoặc trong hoặc sau thời kỳ chuyển dạ (băng huyết sau sinh). Nhau thai tiền đạo thường được chẩn đoán khi siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ hai. Tùy vào vị trí bám của nhau thai so với lỗ cổ tử cung mà nhau tiền đạo được chia thành các dạng như:

  • Nhau bám thấp: Khi mép dưới bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, nhưng chưa tới lỗ trong cổ tử cung. Mép dưới bánh nhau cách lỗ trong cổ tử cung < 2cm.Nhau bám thấp có nhiều khả năng sẽ trở về bình thường trước ngày dự kiến sinh. 
  • Nhau bám mép: Bờ dưới của bánh nhau bám đến sát lỗ trong cổ tử cung.
  • Nhau tiền đạo một phần: Bánh nhau thai che phủ một phần  lỗ trong cổ tử cung của mẹ bầu. 
  • Nhau thai tiền đạo trung tâm: Nhau thai che phủ hoàn toàn cổ tử cung, chặn đường ra qua ngả âm đạo của thai nhi.

Giải đáp thắc mắc: Mẹ bầu bị nhau tiền đạo có nguy hiểm không? 

nhau tiền đạo có nguy hiểm không

Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc mang thai bị nhau tiền đạo có nguy hiểm không hay cụ thể là nhau tiền đạo trung tâm có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia sản khoa, nhau tiền đạo rất nguy hiểm nếu bánh nhau bao phủ hoàn toàn  lỗ trong cổ tử cung (còn gọi là nhau tiền đạo trung tâm) gây chảy máu âm đạo khi mang thai (thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ), trong quá trình chuyển dạ và ngay sau sinh. Do nguy cơ chảy máu cao, hầu hết các mẹ bầu được chẩn đoán có nhau tiền đạo  trung tâm thường được chỉ định sinh mổ.

Vậy mẹ bầu bị nhau tiền đạo có những triệu chứng gì? Mẹ bầu có nhau tiền đạo có thể bị xuất huyết âm đạo đột ngột ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, lượng ít hoặc nhiều, không kèm theo triệu chứng đau bụng. Đa số trường hợp, tình trạng xuất huyết sẽ ổn định sau vài ngày. Theo quá trình phát triển của thai nhi ở 3 tháng cuối, việc mẹ bầu bị ra huyết âm đạo có thể tái phát nhiều lần và lần sau lượng máu bị xuất huyết thường sẽ nhiều hơn lần trước. 

Nếu được chẩn đoán bị nhau thai tiền đạo, thai kỳ của mẹ bầu sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn nhằm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng có thể kể đến như:

  • Biến chứng mà mẹ bầu có thể gặp phải: 
    • Xuất huyết âm đạo: Tình trạng này nếu nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và có thể xảy ra trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc trong vài giờ đầu sau khi sinh. Việc chảy máu âm đạo quá nhiều và không được can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ bầu. 
    • Mất máu: Việc mất máu quá nhiều có thể khiến mẹ bầu bị thiếu máu, huyết áp thấp, khó thở đều….
    • Sinh mổ – sinh sớm: Việc bị xuất huyết âm đạo nghiêm trọng có thể khiến mẹ bầu phải mổ lấy thai khẩn cấp trước khi bé đủ tháng.
    • Nhau cài răng lược: Đây là một tình trạng nhau thai phát triển quá sâu trong thành tử cung có thể gây chảy máu nghiêm trọng khi mang thai hoặc trong và sau khi sinh.
    • Nhau bong non: Nhau thai tách khỏi tử cung của bạn trước khi em bé chào đời. Điều này làm giảm nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bé gây thai lưu.
  • Biến chứng mà thai nhi có thể gặp phải:
    • Thai chết lưu: Việc bị nhau tiền đạo có thể là nguyên nhân khiến thai chết lưu, đặc biệt là khi mẹ bầu chảy máu âm đạo nghiêm trọng.
    • Sinh non: Nhau tiền đạo có thể khiến thai nhi cần phải sinh non. Trẻ sinh non có thể gặp nhiều biến chứng như:
      • Hội chứng suy hô hấp: vì phải sinh non nên phổi chưa phát triển hoàn thiện, do đó, con có thể gặp khó khăn trong việc hô hấp.
      • Nhiễm trùng: Thai nhi sinh non có nguy cơ cao bị nhiễm trùng hơn so với thai sinh đủ tháng.
      • Xuất huyết não: Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị chảy máu não hơn so với thai nhi sinh đủ tháng.
    • Hạn chế phát triển: Nhau tiền đạo có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, dẫn đến hạn chế phát triển trong tử cung.

Mẹ bầu cần lưu ý gì khi được chẩn đoán nhau tiền đạo?

nhau tiền đạo có nguy hiểm không

Theo các chuyên gia sản khoa, hiện nay chưa có biện pháp điều trị triệt để cho tình trạng nhau tiền đạo. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát và hạn chế tình trạng xuất huyết âm đạo cho đến khi thai đủ tháng hoặc có khả năng sống được sau sinh. Việc mổ lấy thai chủ động sẽ được chỉ định cho những trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, nhau tiền đạo một phần hoặc mổ cấp cứu khi tình trạng xuất huyết âm đạo nhiều tiến triển. Tin vui là với trường hợp nhau bám thấp, mẹ bầu có thể sinh ngả âm đạo được nếu không có các chống chỉ định khác và được bác sĩ đồng ý. 

Do đó, khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, bạn cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng chảy máu âm đạo. Nếu có ra huyết âm đạo nhiều, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và cấp cứu kịp thời. Đồng thời, mẹ bầu cần tuân thủ các vấn đề sau: 

  • Tuân thủ đúng lịch khám thai mà bác sĩ đã đề ra.
  • Cần nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế đi lại nhiều, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng
  • Kiêng quan hệ tình dục. 

Hello Bacsi tin rằng qua những thông tin được cung cấp trong bài, các mẹ bầu đã có được câu trả lời cụ thể cho thắc mắc nhau tiền đạo có nguy hiểm không. Từ đó, biết cách theo dõi thai kỳ để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải nếu chẳng may bị nhau tiền đạo. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ suôn sẻ!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Placenta Previa https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placenta-previa/symptoms-causes/syc-20352768 Ngày truy cập:  08/3/2024

What complications can affect the placenta? https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/placenta-complications/ Ngày truy cập:  08/3/2024

Placenta previa https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/placenta-praevia  Ngày truy cập:  08/3/2024

Placenta previa https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000900.htm Ngày truy cập:  08/3/2024

Placenta Previa https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24211-placenta-previa Ngày truy cập:  08/3/2024

Phiên bản hiện tại

19/03/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhau tiền đạo (rau tiền đạo)

Nhau tiền đạo bao nhiêu tuần là mổ để bảo đảm sức khỏe cả mẹ lẫn con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 19/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo