backup og meta

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9: Có phải điều đáng lo?

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9: Có phải điều đáng lo?

Buồn nôn là tình trạng rất thường gặp trong tam cá nguyệt thứ nhất, đặc biệt là ở tuần thứ 9 của thai kỳ. Tuy nhiên, “nỗi ám ảnh” này vẫn đeo bám nhiều mẹ bầu đến tận tháng thứ 9 của thai kỳ.

Vậy buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không, là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Phải làm sao để giải quyết tình trạng này? Đón xem chi tiết trong phần tiếp theo mẹ nhé!

Tại sao lại buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9?

Buồn nôn là một trong những triệu chứng của ốm nghén. Tuy thường gặp ở khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ và sẽ hết dần ở tuần thứ 13 trở đi, nhưng đối với một số mẹ bầu thì tình trạng này sẽ kéo dài đến tam cá nguyệt thứ 3. Nguyên nhân buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có thể do các vấn đề sau:

1. Kích tố sinh dục màng đệm của người (hCG)

Phôi thai đang phát triển sẽ sản xuất ra hCG. Loại hormone này liên tục thay đổi nên cơ thể mẹ không kịp thích ứng – gây ra tình trạng buồn nôn. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng buồn nôn khi mang thai và đạt đỉnh điểm vào khoảng tuần 9 – 12 của thai kỳ.

2. Sự phát triển của bé

Bé phát triển theo thời gian và phôi thai lớn dần, chiếm chỗ trong dạ dày của mẹ. Điều này tạo áp lực lên hệ tiêu hóa và gây ra tình trạng táo bón, ợ chua và buồn nôn.

3. Thực phẩm chức năng trong thai kỳ

Thực phẩm chức năng hay các loại viên uống bổ sung cho mẹ bầu là người bạn đồng hành với mẹ bầu nhưng lại có thể khiến mẹ cảm thấy buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ 3 đấy! Thực phẩm chức năng chứa sắt gây kích ứng dạ dày và là tác nhân khiến mẹ buồn nôn.

4. Thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 1

Mẹ bầu ăn cay hay đồ ăn nhiều dầu mỡ ở những tháng cuối thai kỳ – khi dạ dày trở nên “chật chội” hơn – sẽ phải chịu tác động lên đường tiêu hóa. Mẹ có thể cảm thấy chướng bụng, khó tiêu và cảm giác buồn nôn kéo đến.

Liệu buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm?

Nếu thể trạng mẹ ốm yếu, thường hay ốm nghén trong thời kỳ mang thai thì việc tiếp tục có các triệu chứng ốm nghén trong tam cá nguyệt thứ 3 không phải là điều bất thường. Một trong số những vấn đề nêu trên có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng buồn nôn.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng này kết hợp với việc chán ăn, nôn mửa liên tục thì có thể bạn đã bị chứng nghén nặng, một dạng ốm nghén cần phải điều trị y tế.

Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan khi tình trạng buồn nôn kéo dài khi mang thai tháng thứ 9. Đây có thể là triệu chứng của một số tình trạng bệnh nghiêm trọng như: tiền sản giật, các vấn đề về gan khi mang thai (hội chứng HELLP)… đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé.

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 khi nào cần đi khám?

Nếu mẹ chưa trải qua cảm giác buồn nôn trong suốt 2 tam cá nguyệt đầu của thai kỳ thì mẹ nên đi khám để kiểm tra nguyên nhân khiến mẹ buồn nôn trong tam cá nguyệt cuối. Đây có thể là báo hiệu của một số bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé.

Ngoài ra, nếu mẹ đã thử nhiều cách điều trị khác nhau nhưng buồn nôn vẫn cứ kéo dài khi mang thai tháng thứ 9, mẹ không nên chủ quan mà hãy đi khám ngay để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bí quyết điều trị tình trạng buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ 3

Buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 2

Tương tự như cách điều trị tình trạng buồn nôn trong tam cá nguyệt đầu, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn và ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh bị no quá mức. Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt giảm các loại thực phẩm gây kích thích đến hệ tiêu hóa như: các món chiên rán và các món cay…

Song song, bạn cũng có thể áp dụng những cách sau:

  • Uống trà gừng hoặc ăn kẹo gừng sẽ giúp đánh bay cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, việc uống trà hoặc ngậm kẹo có bạc hà, chanh cũng có tác dụng tương tự
  • Tránh ngửi mùi nồng, gây kích thích như: mùi nước hoa, mùi dầu mỡ…
  • Ăn đan xen các loại thực phẩm giàu carbonhydrate như: yến mạch, hạt diêm mạch, khoai lang…
  • Ngủ đủ giấc, đừng chủ quan bỏ qua giấc ngủ trưa
  • Bổ sung thực phẩm chức năng chứa vitamin B6 (nếu được bác sĩ cho phép)
  • Thay đổi thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất trong thai kỳ. Có thể chia nhỏ liều lượng, thay đổi thời gian uống hoặc chuyển sang dạng kẹo dẻo thay vì dạng viên nang.

Tình trạng buồn nôn khi mang thai tháng thứ 9 tuy không thường gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng và ngày càng trở nặng thì bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng nếu nó ít xảy ra, mẹ đừng quá lo lắng nhé vì đây có thể do ốm nghén kéo dài hoặc do thực phẩm mẹ tiêu thụ gây ra mà thôi!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HELLP syndrome https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/8528/hellp-syndrome  Ngày truy cập 17/01/2022

Pregnancy and birth: Do all pregnant women need to take iron supplements? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279574/ Ngày truy cập 17/01/2022

Vomiting and morning sickness https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/vomiting-and-morning-sickness/ Ngày truy cập 17/01/2022

Morning Sickness https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16566-morning-sickness-nausea-and-vomiting-of-pregnancy Ngày truy cập 17/01/2022

Preeclampsia https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745#:~:text=Preeclampsia%20is%20a%20pregnancy%20complication,blood%20pressure%20had%20been%20normal. Ngày truy cập 17/01/2022

Phiên bản hiện tại

18/01/2022

Tác giả: Phối Linh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

Vitamin B6 giảm nghén có hiệu quả? Mẹ cần biết gì về giải pháp này?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 18/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo