Hầu hết mẹ bầu đều cảm thấy buồn nôn, nôn mửa trong thời gian đầu mang thai. Đây là tình trạng rất phổ biến và thường không nguy hiểm cho mẹ và bé. Mặc dù có đến 60 – 70% phụ nữ mang thai bị nôn là do ốm nghén nhưng đối với việc bà bầu bị nôn sau khi ăn đôi khi còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Trên thực tế, việc bị nôn mửa sau khi ăn có thể kèm theo đau bụng, đau đầu, chóng mặt… nên mẹ cần chú ý đến các triệu chứng bất thường nếu có. Trong bài viết sau của Hello Bacsi, chị em bầu bí có thể tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng nôn sau khi ăn và hướng xử lý hiệu quả.
Bà bầu bị nôn sau khi ăn hoặc dễ buồn nôn, nôn ói: Nguyên nhân do đâu?
Hiện tượng bị nôn sau khi ăn trong thời gian mang thai có thể gây lo lắng. Mặc dù tình trạng này ít khi nguy hiểm nhưng chị em bầu bí vẫn không nên chủ quan, đặc biệt là trong một số trường hợp như bà bầu bị đau bụng buồn nôn kèm đi ngoài, bà bầu bị đau đầu buồn nôn… Sau đây là một số nguyên nhân chính khiến mẹ bầu dễ bị nôn hoặc nôn sau khi ăn mà bạn cần lưu ý.
1. Buồn nôn, nôn mửa do ốm nghén
Ốm nghén là hiện tượng rất phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều chị em bầu bí cảm thấy buồn nôn, nôn mửa không chỉ vào buổi sáng mà còn có thể vào bất cứ thời gian nào trong ngày, kể cả sau khi ăn. Ốm nghén được lý giải là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai và hiếm khi chuyển thành chứng nghén nặng (hyperemesis gravidarum). Tuy nhiên, mẹ vẫn nên chú ý vì nếu ốm nghén, nôn mửa kéo dài gây mất nước, sụt cân… Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé nên bạn cần sớm đi khám.
2. Bà bầu bị nôn sau khi ăn hoặc trước khi ăn do nhạy cảm với mùi thức ăn
Khi mang thai, khứu giác và vị giác của một số mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn. Việc tăng độ nhạy được cho là cơ chế giúp bảo vệ phôi thai đang phát triển bằng cách giảm nguy cơ người mẹ nuốt phải chất độc. Tuy nhiên, khứu giác hoặc vị giác trở nên nhạy cảm hơn cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị buồn nôn, nôn mửa khi ngửi thấy mùi của một số thực phẩm hoặc ăn một món ăn nào đó.
3. Bà bầu bị đau đầu chóng mặt buồn nôn do say tàu xe
Mang thai là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ say tàu xe. Vì vậy, một số trường hợp đang phải di chuyển trên các phương tiện giao thông, mẹ bầu cảm thấy buồn nôn, nôn, chóng mặt, mệt mỏi… sau khi ăn cũng có thể là do say tàu xe.
4. Bà bầu bị nôn sau khi ăn do các vấn đề ăn uống, bệnh tiêu hóa trong thai kỳ
Mẹ bầu bị nôn sau khi ăn trong nhiều trường hợp không tránh khỏi liên quan đến các vấn đề ăn uống hoặc bệnh tiêu hóa trong thai kỳ, chẳng hạn như:
- Mẹ bầu ăn quá nhiều trong một bữa hoặc ăn các món nhiều dầu mỡ. Thói quen này có thể khiến bà bầu ăn không tiêu bị nôn sau bữa ăn.
- Sự thay đổi nội tiết ở mẹ bầu khiến cho quá trình tiêu hóa trở nên chậm hơn. Từ đó có thể gây ra chứng ợ nóng, khó tiêu, trào ngược axit dạ dày… dễ dẫn đến nôn mửa hoặc khiến bà bầu bị đầy bụng buồn nôn.
- Một số vấn đề tiêu hóa khác có thể gây buồn nôn, nôn ói khi mang thai bao gồm bệnh túi mật (chẳng hạn như sỏi mật), hội chứng ruột kích thích, viêm ruột thừa…
5. Bà bầu bị nôn sau khi ăn do ngộ độc thực phẩm
Mẹ bầu bị nôn sau khi ăn đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm. Điều này có nghĩa là mẹ đã ăn phải thực phẩm gì đó chứa vi khuẩn, virus hoặc độc tố khiến cơ thể phản ứng tiêu cực với các biểu hiện như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, ớn lạnh…. Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể chọn cách nghỉ ngơi tại nhà và uống nhiều nước. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không được cải thiện trong vòng 48 giờ, nôn mửa liên tục, cơ thể bị mất nước… thì mẹ bầu cần nhanh chóng nhập viện.
6. Bà bầu bị đau đầu buồn nôn có thể do chứng đau nửa đầu hoặc tiền sản giật
Ngoài tình trạng bị nôn sau khi ăn, một số mẹ bầu cũng lo lắng khi cảm thấy đau đầu buồn nôn trong thai kỳ. Triệu chứng này xảy ra thường do:
- Chứng đau nửa đầu khi mang thai: Nguyên nhân của tình trạng này thường do sự giãn nở của mạch máu trong não. Những cơn đau nhức thường xuất hiện ở một bên đầu, có thể đi kèm với buồn nôn, nôn mửa và nhạy cảm với ánh sáng.
- Tiền sản giật: Biến chứng thai kỳ xảy ra khi huyết áp và protein trong nước tiểu của mẹ tăng cao. Bên cạnh đó, việc mẹ bầu bị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa… cũng là những triệu chứng cảnh báo tiền sản giật. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường dễ gây nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác nên cách tốt nhất là mẹ nên đảm bảo khám thai định kỳ đầy đủ.
Bí quyết hạn chế nôn ói khi mang thai
Đối với những trường hợp bà bầu bị nôn sau khi ăn, nếu không nghiêm trọng thì bạn có thể giảm bớt cơn buồn nôn tại nhà bằng việc áp dụng một số giải pháp sau:
- Sử dụng một số thảo mộc giúp bạn giảm buồn nôn, nôn ói, điển hình như gừng. Bạn có thể ngậm kẹo gừng, dùng trà gừng hoặc thêm gừng vào món ăn…
- Mẹ bầu nên tránh xa các món ăn mà mẹ nghi ngờ có thể khiến mình buồn nôn, nôn mửa.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên các món thanh đạm, tránh các món ăn cay, có tính axit, nhiều dầu mỡ… có thể làm tăng chứng ợ nóng, buồn nôn, nôn.
- Uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ hợp lý.
- Chuẩn bị một vài món ăn vặt nhẹ như bánh quy, ngũ cốc nguyên hạt… để ăn vào những lúc cảm thấy đói. Bởi vì việc để bụng rỗng có thể khiến các mẹ bầu dễ cảm thấy buồn nôn hơn.
- Mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc chống nôn, có thể bổ sung thêm vitamin B6 nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu tình trạng bà bầu bị nôn sau khi ăn không cải thiện khi chăm sóc tại nhà, mẹ bầu bị ốm nghén trầm trọng hoặc có dấu hiệu mất nước do nôn thì nên sớm đi khám để được điều trị đúng phương pháp, hiệu quả và an toàn.
[embed-health-tool-due-date]