Khi mang thai, bạn sẽ thắc mắc bé con trong bụng đang cảm thấy ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi khám phá quá trình phát triển các giác quan của thai nhi nhé!
Trong nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra mối quan hệ của việc nâng tầm hiểu biết về những gì thai nhi đang phải trải qua trong bụng mẹ với việc giúp bé luôn khỏe mạnh. Theo đó, mẹ bầu cần hiểu được bé yêu, càng nắm rõ con yêu phát triển thế nào thì càng dễ dàng bảo vệ và chăm sóc bé hơn. Vậy trong bụng mẹ, các giác quan của thai nhi phát triển như thế nào? Bài viết sau sẽ giúp bố mẹ tìm ra câu trả lời.
Thai nhi hình thành và phát triển các giác quan ở tuần 20
Xúc giác là giác quan đầu tiên hình thành ở thai nhi
Những giác quan của em bé bắt đầu phát triển theo một thứ tự có thể đoán trước được. Giác quan đầu tiên hình thành ở thai nhi là xúc giác. Vào tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi có thể chạm tay quanh môi và má. Đến tuần thứ 11, bé bắt đầu khám phá cơ thể và “tổ ấm tối đen” của mình bằng miệng, bàn tay và bàn chân.
Hình ảnh khi siêu âm cho thấy trẻ sơ sinh không nằm yên thụ động trong dạ con mà bé liên tục chuyển động: chạm vào mông, nắm giữ dây rốn, quay tròn và di chuyển lên xuống. Trong môi trường gần như không trọng lượng đầy chất lỏng của túi nước ối, bé sử dụng xúc giác để làm dịu và tự khám phá, tìm tòi.
Bé cũng phản ứng mạnh mẽ với những cử động của mẹ. Hầu hết mẹ bầu nhận thấy rằng khi chạm vào bụng, bé yêu sẽ cựa mình hoặc đáp lại bằng một cách nào đó. Nếu đó là một cú chạm mạnh, thai nhi có thể di chuyển và kéo tay ra như thể đang ngăn bạn lại.
Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng thai nhi không chỉ đáp lại trước những va chạm vật lý mà hơn thế, bé còn phản ứng theo những cung bậc cảm xúc khác nhau của người mẹ. Khi mẹ xem phim buồn, bé di chuyển ít hơn. Thế nhưng khi mẹ cười, những hình ảnh siêu âm cho thấy bé tựa như đang chơi bật nhún. Khi bạn cười to hơn, bé lại càng kích động nhiều hơn.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Bụng mẹ vừa là “tổ ấm” cũng vừa là môi trường hoàn hảo để bé tìm tòi và học hỏi. Bé yêu luôn có thể cảm nhận được sự thay đổi tâm sinh lý của mẹ nên mẹ cần giữ cho những căng thẳng của mình ở mức thấp nhất có thể. Nếu công việc của bạn đang làm quá bận rộn hoặc nặng nhọc, tốt hơn hết bạn nên tìm giải pháp cho mình để ổn định cả thể chất lẫn tinh thần. Một khóa thiền hoặc hoạt động ngoài trời nhẹ nhàng có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng đấy!
Vị giác là giác quan quan trọng của thai nhi
Khẩu vị của bé sẽ bước đầu định hình chính trong giai đoạn bé còn là một bào thai, dựa vào chế độ ăn của mẹ. Vào tam cá nguyệt thứ hai, vị giác của thai nhi trông giống như của người trưởng thành và nước ối xung quanh có thể mang cả mùi cà ri, tỏi, hồi hương hoặc vani.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không chỉ cảm nhận được vị, bé còn có phản ứng đối với các hương vị khác nhau mà con trải nghiệm được trong màng ối. Ví dụ, nếu người mẹ trong quá trình mang thai hoặc cho con bú ăn nhiều tỏi hoặc hành thì khi ăn dặm, con sẽ dễ dàng chấp nhận hương vị của hai loại này hơn những bé khác.
Tuy vậy, những điều trên không có nghĩa là vị giác của trẻ được phát triển đầy đủ trước khi sinh. Có một số cảm giác bé sẽ không thể phân biệt được. Bộ não của bé chỉ đang tiếp thu dần những hương vị này, và vị giác sẽ luôn phát triển trong suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Bạn thực sự đang phải ăn cho cả hai người và bé thì luôn học hỏi theo khẩu vị của mẹ. Vì thế, một chế độ ăn lành mạnh là ưu tiên hàng đầu của mẹ. Tuy vậy, bạn cũng đừng quá căng thẳng và gò ép bản thân nếu thực sự không thể ăn nổi một món nào đó được xem là tốt cho sức khỏe. Khi mang thai, bạn kén ăn rau không có nghĩa là trẻ sau này không tập được thói quen ăn rau quả để khỏe mạnh.
Sự phát triển các vị giác ở bé quả thật là một điều kỳ diệu. Hy vọng với những lời khuyên trên, mẹ sẽ biết cách chăm sóc cho sức khỏe của mình thật tốt để đảm bảo một môi trường lý tưởng cho con phát triển xúc giác cũng như vị giác của bé nhé!
Giác quan thứ 3 của thai nhi là thính giác
Tai của thai nhi bắt đầu hình thành chức năng ngay khi bé nằm trong dạ con. Theo các chuyên gia, thính giác của thai nhi được phát triển tốt ở khoảng 20 tuần tuổi. Vào tuần thứ 26 hoặc 27, trẻ đáp lại âm thanh và rung động từ bụng mẹ. Bé có thể sẽ di chuyển hoặc thay đổi nhịp tim. Từ 30 đến 32 tuần, bé thường nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc − bạn có thể nhận thấy bé đá hay giật mình vì tiếng sập cửa hoặc chuông báo động.
Thêm vào đó, thai nhi còn trở nên quen thuộc với âm thanh của dạ con − nhịp tim đập của mẹ, sự trao đổi máu qua các mạch máu, tiếng ầm ĩ của dạ dày và quan trọng nhất là những âm thanh được lọc qua các mô, xương và nước ối. Nghiên cứu cho thấy bé sẽ thường xuyên quay đầu khi nghe tiếng của mẹ thay vì tiếng của người phụ nữ khác.
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng khả năng ngôn ngữ hoặc âm nhạc của bé có thể được đặt nền tảng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bởi bé không chỉ nghe thấy, mà còn có thể ghi nhớ được âm thanh từ khi còn là thai nhi. Bé có thể không hiểu được ý nghĩa của một câu chuyện hoặc một bài hát nghe được khi còn nằm trong bụng mẹ, nhưng con sẽ có khuynh hướng thích thú và cảm thấy thân quen với âm điệu đó về sau.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Âm nhạc và giọng nói thực sự có tác động đến thai nhi. Tuy vậy, không có quá nhiều sự khác biệt giữa việc cho bé nghe nhạc giao hưởng thay vì nhạc rock. Vì thế, bạn đừng gò ép bật nhạc Mozart hay một kênh tiếng nước ngoài cho bé nghe. Một chút giai điệu yêu thích của bạn để cải thiện tâm trạng là lựa chọn tốt hơn đấy!
Thị giác là giác quan phát triển cuối cùng của thai nhi
Trong bụng mẹ, về cơ bản, những gì bé nhìn thấy là một màn sương nước ối trong một hang động tối tăm. Nơi đó không hoàn toàn tối tăm, đôi khi có chút ánh sáng nhưng đối với trẻ chỉ là sự khác biệt giữa mờ và mờ hơn mà thôi.
Mặc dù không nhìn thấy nhiều, nhưng bé đang phát triển và hoàn thiện chức năng thị giác. Từ 23 đến 25 tuần, đôi mắt của bé được hình thành và bé bắt đầu nháy mắt. Sau khoảng 5 tuần hoặc hơn, thai nhi có biểu hiện phản ứng trước ánh sáng. Trong bụng mẹ, trẻ không ngừng “rèn luyện” thị giác để chuẩn bị nhìn mọi vật. Mắt của bé sẽ có nhiều chuyển động và khu vực não bộ chi phối khả năng nhìn cũng không ngừng phát triển.
Trên thực tế, bào thai sinh ra quá sớm, bộ não sẽ không chuẩn bị kịp cho các tín hiệu từ mắt truyền vào các thùy trán của não. Trẻ sinh non bị buộc phải nhìn (cũng như cảm nhận, nghe, nếm, ngửi) quá sớm. Chính sự kích thích quá mức này có thể dẫn đến sự sai lệch trong bước phát triển của não. Từ đó, lý giải tại sao các bé sinh thiếu tháng có tỷ lệ mắc tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý, suy giảm khả năng học tập và các rối loạn khác.
Bạn đã biết bé yêu cảm nhận được rất nhiều điều ngay từ trong bụng mẹ rồi đấy! Bé không chỉ chuyển động mà còn nhạy cảm với các âm thanh, mùi vị, ánh sáng và đang không ngừng khám phá thế giới! Mong rằng những kiến thức trên sẽ giúp mẹ bầu gần con hơn để hiểu hơn và chăm con tốt hơn.
[embed-health-tool-due-date]