Một số chị em gặp phải hiện tượng đau xương chậu khi mang thai. Tình trạng này khiến chị em không thoải mái và hạn chế hoạt động mỗi ngày.
Khi mang thai, cơ thể của mẹ bầu sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là vùng xương chậu. Các khớp xương dần trở nên lỏng lẻo, ít ổn định hơn và gây đau. Tuy nhiên, phần lớn mức độ cơn đau đều nằm ở mức trung bình và có thể kiểm soát được.
1. Nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai
Trong thời gian mang thai, cơ thể bạn sản xuất một loại hormone gọi là relaxin có tác dụng làm mềm dây chằng để giúp em bé có thể vượt qua xương chậu khi chuyển dạ. Điều này cũng đồng nghĩa các khớp trong khung chậu của bạn tự nhiên trở nên lỏng lẻo hơn.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa hẳn gây ra đau xương chậu khi mang thai. Thông thường, dây thần kinh và cơ bắp của mẹ bầu có thể thích ứng với những yêu cầu cần thiết khi con yêu dần phát triển trong bụng.
Các chuyên gia cho rằng đau xương chậu khi mang thai xảy ra khi cơ thể bạn không thích nghi tốt với việc dây chằng trở nên lỏng lẻo. Ngoài ra, đau xương chậu có thể xuất hiện bởi:
- Các khớp trong xương chậu của mẹ bầu di chuyển không đều
- Có sự thay đổi do cơ hoạt động hỗ trợ các khớp xương chậu
- Một khớp xương chậu không hoạt động tốt và gây đau nhức.
Hơn nữa, mẹ bầu cũng có khả năng đau xương chậu nếu:
- Vùng xương chậu bị đau hoặc đau khớp vùng chậu trước khi mang thai
- Từng bị chấn thương vùng xương chậu trước đây
- Từng bị đau xương chậu ở lần mang thai trước
- Có BMI (chỉ số khối của cơ thể) cao, bị thừa cân trước khi mang thai.
2. Triệu chứng của đau xương chậu
Đau ở vùng hông và háng là các triệu chứng phổ biến nhất. Mỗi thai phụ sẽ có các triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Đau lưng, đau ở hậu môn xương chậu hoặc đau hông
- Đau cùng với cảm giác như bị đè nặng ở khu vực mu của bộ phận sinh dục
- Đau bên trong đùi hoặc giữa hai chân
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm và làm bạn không thể ngủ ngon. Thức dậy để đi vệ sinh vào giữa đêm có thể khiến mẹ bầu gặp nhiều đau đớn
- Đau khi cố gắng duỗi tay chân, đi bộ hoặc di chuyển lên xuống cầu thang hoặc thậm chí trong những lúc cử động khi nằm trên giường.
Đau xương chậu khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ hoặc sau khi sinh. Bạn có thể đau lần đầu tiên vào giữa thai kỳ.
3. Phương pháp giúp giảm đau xương chậu
- Tránh cử động mạnh hoặc đột ngột
- Nếu có thể, hãy nhờ người thân làm giúp công việc nhà
- Nếu bạn đang nằm, hãy kéo giãn đầu gối càng xa càng tốt để làm cho chân ít bị đau
- Nếu bạn đang ngồi, hãy thử gập lưng và ưỡn ngực ra trước khi duỗi tay hoặc di chuyển chân
- Tránh các hoạt động khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc đặt xương chậu ở vị trí không đều, chẳng hạn như ngồi chéo chân hoặc bế con một bên hông
- Cố ngủ theo tư thế nằm nghiêng và cong chân kèm theo một chiếc gối đặt giữa 2 chân. Hướng ngủ này cũng rất tốt cho thai nhi, đặc biệt là vào tam cá nguyệt thứ ba, sẽ giúp bạn giảm nguy cơ thai lưu so với việc ngủ theo tư thế nằm ngửa
- Nghỉ ngơi thường xuyên hoặc ngồi xuống nghỉ khi thực hiện các hoạt động đứng lâu (ủi đồ)
- Phương pháp ngồi trên quả banh hoặc quỳ gối sẽ giúp giảm trọng lượng của bé lên vùng chậu
- Tránh mang vác nặng.
4. Điều trị đau xương chậu khi mang thai
Tập vật lý trị liệu có thể giúp cơn đau giảm bớt, cải thiện chức năng cơ và vùng xương chậu, bao gồm các biện pháp như:
- Các bài tập thể dục để tăng cường cơ sàn chậu, cơ bụng, cơ lưng và hông
- Vận động dưới nước.
Một số biện pháp điều trị bổ sung khác bao gồm:
- Thiền, chánh niệm hoặc yoga
- Châm cứu
- Xoa bóp hoặc bấm huyệt.
Nếu tình trạng đau không bớt, bạn có thể nhờ bác sĩ sản khoa cho mình thuốc giảm đau hoặc hướng dẫn thêm những cách giảm đau xương chậu khác.
Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị đau khớp háng khi mang thai: Nguyên nhân và cách khác phục
[embed-health-tool-due-date]