Mít là loại trái cây thơm ngon đặc trưng, là món yêu thích của không ít chị em phụ nữ. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, mít có tính nóng nên phụ nữ mang thai ăn mít có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí là gây sảy thai. Vậy bà bầu ăn mít được không, ăn bao nhiêu để mẹ ngon miệng mà không gây hại cho bé?
Bạn sẽ có thể rất mê những múi mít vàng ươm, có mùi thơm khó cưỡng nhưng lại e ngại những lời đồn về loại quả này đối với thai kỳ? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các tác động của quả mít đối với mẹ bầu trong bài viết dưới đây nhé!
Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn mít được không, có gây sảy thai không?
Trước khi tìm hiểu và để có câu trả lời cho thắc mắc bà bầu ăn mít được không, có gây sảy thai không, hãy tham khảo thành phần dinh dưỡng của mít có trong 100 g thực phẩm nhé!
Trong 100 g mít sẽ có :
- Calories: 95 kcal
- Carbohydrates: 23.25 g
- Protein: 1.72 g
- Chất béo: 0.64 g
- Chất xơ: 1.5 g
- Folic acid: 24 mcg
- Vitamin E: 0.34 mg
- Niacin (B3): 0.920 mg
- Riboflavin (B2): 0.055 mg
- Pyridoxine (B6): 0.329 mg
- Thiamin (B1): 0.105 mg
- Vitamin A: 110 IU
- Calcium: 24 mg
- Sắt: 0.23 mg
- Phospho: 21 mg
- Magnesium: 29 mg
- Kẽm: 0.13 mg
1. Bà bầu ăn mít được không hay có bầu ăn mít được không?
Mít là một loại quả được khá nhiều người yêu chuộng vì hương vị thơm ngon và có thể phối trộn với nhiều nguyên liệu khác cho ra những món ăn vặt vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng có nhiều lời đồn đoán xoay quanh ảnh hưởng tiêu cực của mít đối với bà bầu. Cụ thể, nhiều người cho rằng quả mít có vỏ sần sùi, múi mít vị ngọt có tính nóng nên bà bầu ăn nhiều có thể bị nóng trong, sinh con xấu xí, thậm chí là bị sẩy thai.
Thực tế, những lời đồn đoán xoay quanh quả mít với thai kỳ nêu trên là không có cơ sở khoa học. Vậy bà bầu ăn mít được không hay bà bầu có ăn được mít không? Câu trả lời là “có”.
Theo các chuyên gia, mít là loại trái cây rất giàu vitamin B6 và các khoáng chất, bao gồm cả kali cùng nhiều chất chống oxy hóa. Đây là những dưỡng chất quan trọng tốt cho thai kỳ. Do đó, bà bầu hoàn toàn có thể ăn mít ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, miễn là dùng có chừng mực. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm rằng những mẹ bầu có vấn đề sức khỏe đặc biệt cần tham vấn bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bởi loại quả này có hàm lượng đường cao nên không thích hợp với người bị đái tháo đường, béo phì hoặc bệnh gan nhiễm mỡ.
2. Ăn mít khi mang thai có gây sảy thai không?
Bà bầu ăn mít có gây sảy thai không? Câu trả lời là ăn mít khi mang thai không có nguy cơ gây sảy thai trừ khi dùng quá nhiều. Lời đồn bà bầu ăn mít nóng gây sảy thai 3 tháng đầu là không có căn cứ khoa học.
Bà bầu ăn mít và 10 lợi ích của quả mít đối với mẹ và bé trong thai kỳ
Thực tế, những ảnh hưởng tiêu cực của quả mít đối với bà bầu chỉ xảy ra nếu thai phụ bị tiểu đường, dị ứng hoặc có rối loạn máu… Ngược lại, các chị em bầu bí không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nêu trên thì việc ăn mít với số lượng vừa phải là an toàn. Dưới đây là những tác dụng tích cực của quả mít đối với bà bầu:
1. Tăng cường hệ miễn dịch
Theo các chuyên gia, mít là một nguồn cung cấp giàu vitamin bao gồm các vitamin A, B và C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Do đó, bà bầu ăn mít giúp làm giảm nguy cơ các bệnh nhiễm trùng thông thường.
2. Tác dụng chống viêm
Ngoài Vitamin C, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mít chứa các hoạt chất sinh học flavonoid và lignan có thể giúp kháng viêm, bảo vệ các tế bào của bạn giảm tình trạng viêm nhiễm và stress oxy hóa.
3. Giải tỏa căng thẳng
Hẳn đến đây bạn không còn thắc mắc về việc bà bầu ăn mít được không hay bà bầu có ăn được mít không. Vậy ăn mít khi mang thai giúp mẹ bầu nhận được những lợi ích gì?
Các nghiên cứu đã chứng minh các đặc tính của mít có khả năng chống lại cảm giác căng thẳng nhờ chứa nhiều vitamin B6 và magie. Điều này có nghĩa là việc ăn mít với lượng vừa phải có thể giúp giải tỏa lo âu, căng thẳng và giúp mẹ bầu có tinh thần thoải mái trong quá trình mang thai.
4. Bà bầu ăn mít tốt cho sự phát triển của thai nhi
Theo các chuyên gia sản khoa, mít là loại quả giàu canxi, magiê, sắt, kẽm và beta-carotene, vitamin A và rất nhiều dưỡng chất khác. Tất cả các khoáng chất này đều rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Trong đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thị lực và tế bào của thai nhi.
5. Giảm táo bón khi mang thai
Táo bón khi mang thai là một tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ. Vậy mẹ bầu bị táo bón ăn mít có tốt không? Theo các chuyên gia sức khỏe, mít chứa nhiều chất xơ tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và giảm tình trạng táo bón khi mang thai ở mẹ bầu.
6. Cung cấp năng lượng
Bà bầu bị nghén có nên ăn mít không? Mít là nguồn cung cấp đường tự nhiên (fructose và sucrose) nên bà bầu ăn mít giúp tăng năng lượng và điều này rất tốt cho những ngày các mẹ đang rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán ăn do nghén. Nhiều ý kiến của các mẹ bầu cũng cho rằng ăn mít trong 3 tháng đầu giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt khi mang thai.
7. Bà bầu ăn mít giúp ổn định huyết áp
Có thể bạn chưa biết những múi mít vàng ươm thơm ngọt chính là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Trong khi đó, tình trạng huyết áp cao là nguyên nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ trong thai kỳ. Tin vui là bà bầu ăn mít có thể giúp làm ổn định huyết áp, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giúp duy trì sức khỏe tốt.
8. Ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu khi mang thai
Trong thành phần của quả mít có hàm lượng folate và sắt tuyệt vời. Đây là hai dưỡng chất quan trọng giúp duy trì nồng độ huyết sắc tố ở mức ổn định và ngăn ngừa bệnh thiếu máu khi mang thai.
9. Bà bầu ăn mít giúp thúc đẩy sự phát triển của hệ xương
Hàm lượng magie trong các múi mít giúp thúc đẩy sức khỏe của xương cho cả mẹ và thai nhi. Magie giúp cải thiện sức mạnh của xương và giảm nguy cơ loãng xương khi mang thai.
10. Tốt cho dạ dày
Ăn mít với số lượng phù hợp có thể giúp giảm bớt các vấn đề về dạ dày khác nhau, chẳng hạn như loét dạ dày khi mang thai.
Ăn mít khi mang thai có thể gặp phải vấn đề gì?
Theo các chuyên gia, mít không phải là loại trái cây có axit có thể gây bào mòn hoặc làm nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nên việc bà bầu ăn mít trong thai kỳ không dẫn đến nhiều tác dụng phụ tiêu cực như chúng ta thường nghĩ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu gặp phải một trong số những vấn đề dưới đây thì không nên ăn mít để đảm bảo cho sức khỏe của mình và thai nhi:
1. Nguy cơ dị ứng
Nếu trước khi mang thai, bạn chưa từng ăn mít, nhất là khi bạn có tiền sử dị ứng với latex hoặc phấn hoa thì không nên ăn loại quả này. Nguyên do là bởi, bạn không thể đánh giá được mình có nguy cơ dị ứng với mít hay không.
2. Bà bầu ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng
Nếu mít là món khoái khẩu và các mẹ không bị dị ứng gì với loại trái cây này thì cũng cần phải tiêu thụ với số lượng vừa phải, vì việc ăn quá nhiều mít có thể khiến bà bầu ăn mít bị đau bụng, gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày cũng như việc đi ngoài bởi hàm lượng chất xơ trong mít rất cao.
3. Làm đông máu
Nếu bạn bị rối loạn về đông máu, hãy tránh dùng mít trong thai kỳ vì việc này có thể làm tăng quá trình đông máu, gây ra những triệu chứng nguy hiểm.
4. Tăng lượng đường trong máu
Do có hàm lượng đường tự nhiên dồi dào nên bà bầu ăn mít có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Do đó, nếu bị tiểu đường thai kỳ hoặc có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mẹ bầu nên tránh ăn loại trái cây này.
Mít đối với bà bầu là loại quả mang lại nhiều lợi ích hơn là tác hại. Nếu ăn mít vừa phải, mẹ bầu không chỉ thỏa mãn cơn thèm ngọt hay thèm ăn khi mang thai mà còn được cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho cả mẹ và bé. Bạn chú ý chọn mít rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm nhé. Chúc bạn có thai kỳ khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]