backup og meta

Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không? Những lưu ý về an toàn cần biết

Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không? Những lưu ý về an toàn cần biết

Từ xưa đến nay, xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu ở Việt Nam. Mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy bà bầu đi xe máy có thể ảnh hưởng đến thai nhi nhưng với tình hình giao thông phức tạp như hiện nay, tốt nhất bà bầu nên hạn chế đi xe máy.

Nhiều phụ nữ mang thai thích tự mình lái xe đi làm, đi công việc vì có thể chủ động và không làm phiền người khác. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, khi đi xe máy, bạn cần phải thận trọng để đảm bảo an toàn cho bạn và thai nhi. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này trong bài viết sau đây nhé!

Bà bầu đi xe máy nhiều có sao không?

Rất nhiều phụ nữ thắc mắc có bầu đi xe máy nhiều có sao không? Câu trả lời là có nên bạn cần hạn chế lái xe trong thai kỳ nhé! Hơn nữa, bà bầu lái xe thường dễ gặp phải nhiều nguy cơ như:

  • Trong thời gian mang thai, hormone trong cơ thể sẽ thay đổi, dẫn đến các triệu chứng của thai kỳ như ốm nghén, mệt mỏi… Những triệu chứng này có thể khiến bà bầu cảm thấy khó chịu khi lái xe. Do đó, điều này dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Thậm chí, trên thực tế, có một số phụ nữ không được phép lái xe trong giai đoạn này để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Bà bầu đi xe máy rất dễ bị mất thăng bằng và té ngã do bụng to và phản ứng chậm hơn bình thường.
  • Đường phố ở Việt Nam cũng không thuận lợi cho bà bầu đi lại, mặt đường lồi lõm, nhiều ổ gà, đường nhỏ hẹp. Vậy nên nếu thắc mắc bà bầu đi xe máy nhiều có sao không thì câu là lời là “Có” mẹ nhé!
  • Việc đỗ xe máy cũng là một hoạt động nặng nhọc đối với phụ nữ mang thai vì hầu hết xe máy đều rất nặng.

Thông thường, đi xe máy trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ ít gặp phải rủi ro hơn so với giai đoạn sau của thai kỳ. Trong tam cá nguyệt cuối, cơ thể của bà bầu thường nặng nề, kém linh hoạt nên dễ va chạm. Những va chạm này dù nhẹ cũng có thể khiến tâm lý của mẹ bầu bị kích thích, gây ra tình trạng co thắt bụng dưới, dẫn đến sinh non.

Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền sử sẩy thai, động thai, hay mắc các biến chứng như nhau bong non, nhau tiền đạo… thì nên hạn chế đi xe máy. Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ nào về việc đi xe máy trong khi mang thai, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra, khi đi xe máy, bạn cần cẩn thận và nên tuân thủ các quy tắc lái xe an toàn.

Khi đi xe máy, bà bầu cần lưu ý những gì?

bà bầu đi xe máy

Theo các chuyên gia, với người bình thường, việc điều khiển xe máy đã nguy hiểm hơn đi xe đạp và ô tô. Đối với phụ nữ có thai, nguy cơ này sẽ tăng lên rất nhiều do bụng của bà bầu to, khó giữ thăng bằng. Vì vậy, trong thời gian này, tốt nhất bạn nên hạn chế đi xe máy. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn tự lái xe, hãy lưu ý những điều sau:

  1. Luôn đội mũ bảo hiểm dù bạn lái xe hay ngồi sau xe của người khác.
  2. Mang giày đế bằng, thoải mái thay vì giày cao gót.
  3. Tránh đi xe máy trong giờ cao điểm dễ bị kẹt xe.
  4. Lựa chọn những tuyến đường ngắn quen thuộc, tránh đi những tuyến đường dài và lạ. Bởi bà bầu ngồi xe máy đường xa dễ khiến cho xương chậu và tử cung bị chèn ép dẫn đến máu lưu thông kém ảnh hưởng đến thai nhi
  5. Nếu bạn đi xe máy vào ban đêm, hãy mặc áo khoác có màu dạ quang để dễ nhìn thấy từ xa.
  6. Trong mùa mưa, các con đường thường rất trơn trượt. Do đó, tránh đi xe máy khi trời đang mưa hoặc ngay sau cơn mưa vì nước có thể che lấp các ổ gà khiến bạn khó phát hiện.
  7. Chỉnh gương xe phù hợp với tầm nhìn để có thể điều khiển xe tốt nhất.
  8. Ghi nhớ các trung tâm chăm sóc sức khỏe trên tuyến đường bạn đi để phòng trường hợp khẩn cấp.
  9. Lái xe chậm, tránh tăng tốc và vượt xe khác dù bạn đã có nhiều kinh niệm lái xe. Ngoài ra, chú ý giữ bình tĩnh, thao tác ổn định để luôn đảm bảo thai nhi không bị dao động và lắc lư mạnh.
  10. Luôn mang theo một chai nước và điện thoại được sạc đầy pin.
  11. Chọn quần áo thoải mái, phù hợp với thời tiết, trang bị đầy đủ áo khoác, khẩu trang, kính râm… để tránh tác động của nắng nóng và bụi bẩn.
  12. Chọn loại xe nhỏ, dễ dắt. Ngoài ra, bạn cũng nên bảo dưỡng, kiểm tra xe thường xuyên để tránh tình trạng xe bị hư giữa đường.

Một số cách giúp bạn hạn chế việc tự lái xe

Trong thời gian mang thai, việc tự đi xe máy có thể không tốt cho bạn và bé. Những va chạm bất ngờ, xốc trên đường có thể dẫn đến sinh non và các biến chứng khi mang thai khác. Bạn có thể thử một số cách sau để tránh phải tự lái xe:

  • Nếu đi làm, bạn có thể nhờ đồng nghiệp, bạn bè, người thân đi cùng tuyến đường chở giùm.
  • Bạn có thể đi taxi hoặc xe ôm công nghệ. Hiện nay, nhiều hãng đã đưa ra các chương trình khuyến mãi như mua gói đi xe tháng rất tiết kiệm.
  • Bạn cũng có thể thử các phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như xe buýt.
  • Nếu được, bạn có thể chọn giờ làm và giờ về phù hợp để tránh kẹt xe vào giờ cao điểm.
  • Bạn cũng có thể làm ở nhà nếu công ty cho phép.
  • Sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để hỗ trợ khi muốn gọi đồ ăn. Nếu biết săn mã giảm giá, bạn sẽ bất ngờ khi được ăn ngon với giá phải chăng đấy.
  • Đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè khi cần đi chợ hoặc đến bệnh viện để khám thai định kỳ.

Đi xe máy trong thời gian mang thai không phải là vấn đề lớn nếu bạn lựa chọn những con đường thuận lợi và tránh di chuyển trong giờ cao điểm. Hiện nay, tình hình giao thông ở các thành phố lớn đang ngày càng phức tạp, lưu lượng xe ngày một gia tăng, nhiều xe chạy nhanh, ẩu. Vì vậy, nếu bạn có ý định tự đi xe máy trong thời gian này thì cần phải thật thận trọng nhé.

Bích Ngân/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Third Trimester of Pregnancy: Concerns and Tips 

https://www.healthline.com/health/pregnancy/third-trimester-concerns-tips

Ngày truy cập: 28/9/2018

Enjoying the Road Pregnant With Twins and Safe 

https://www.webmd.com/baby/enjoying-the-road-pregnant-twins#1

Ngày truy cập: 28/9/2018

Driving Two Wheeler during Pregnancy – Safety and Precautions 

http://parenting.firstcry.com/articles/driving-two-wheeler-during-pregnancy-safety-and-precautions/

Ngày truy cập: 28/9/2018

Motor vehicle accident during the second or third trimester of pregnancy

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9174423/ Truy cập ngày 29/11/2021

The Safest Way to Drive While Pregnant

https://www.consumerreports.org/car-safety/safest-way-to-drive-while-pregnant-a1159122691/ Truy cập ngày 29/11/2021

TRAVELLING IN PREGNANCY – DO’S AND DON’T

https://www.narayanahealth.org/blog/travelling-in-pregnancy-dos-and-dont/ Truy cập ngày 29/11/2021

Pregnancy and travel

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-and-travel Truy cập ngày 29/11/2021

Cycling with a bump – is it safe to ride whilst pregnant?

https://www.cyclinguk.org/blog/victoria-hazael/cycling-bump-it-safe-to-ride-whilst-pregnant Truy cập ngày 29/11/2021

Phiên bản hiện tại

29/11/2021

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Tại sao bà bầu không nên ăn rau mầm?

Kẹo ngậm ho cho bà bầu: Nên hay không nên sử dụng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 29/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo