Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên lưu ý trong chuyện ăn uống chẳng hạn như tìm hiểu các thực phẩm gây sẩy thai để không ảnh hưởng đến em tình trạng của em bé.
Hành trình làm mẹ bắt đầu từ việc mang thai. Một trong những điều quan trọng đối với mẹ bầu là chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với đa dạng các loại trái cây và rau củ quả. Tuy nhiên có một điều mà mẹ bầu cần lưu ý là có những thực phẩm gây sẩy thai không nên có mặt trong thực đơn của bạn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.
Vậy đó là các loại thực phẩm nào? Hãy cũng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Dứa (thơm)
Dứa (thơm) chứa bromelain làm mềm cổ tử cung và gây co thắt chuyển dạ sớm dẫn đến sẩy thai. Do vậy, mẹ bầu không nên ăn dứa hoặc nước ép dứa trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Đối với các giai đoạn sau, bạn vẫn có thể ăn những khi thèm nhưng chỉ nên giới hạn từ 1 – 2 lát nhỏ nhé.
Cua biển
Mặc dù cua là một nguồn cung cấp lượng canxi khá phong phú nhưng chúng cũng đồng thời chứa hàm lượng cholesterol cao. Điều này có thể gây co rút tử cung, dẫn đến chảy máu trong và thậm chí gây sẩy thai. Do đó, việc hạn chế ăn cua biển khi mang thai là điều hợp lý.
Hạt mè ngâm mật ong
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy hạt mè tưởng chừng như vô hại lại nằm trong danh sách những thực phẩm gây sẩy thai. Theo các chuyên gia, khi được dùng kèm với mật ong, chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên kiêng cữ loại hạt này khi đang ở trong tam cá nguyệt thứ nhất. Còn ở những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu vẫn có thể ăn mè để giúp quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn.
Mẹ bầu hạn chế ăn gan
Gan động vật thường được xem như một món ăn bổ dưỡng vì chứa nhiều vitamin A. Mặt khác, nếu phụ nữ mang thai ăn gan với số lượng lớn trong thời gian dài thì gan lại trở thành thực phẩm gây sẩy thai do chúng thúc đẩy quá trình cơ thể tích tụ retinol. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc chỉ nên ăn gan từ 1 – 2 lần mỗi tháng với lượng vừa phải mà thôi.
Nha đam (lô hội)
Nha đam nổi tiếng với nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không đồng nghĩa với việc chúng cũng tốt cho bạn trong lúc bầu bí. Đã có nhiều trường hợp bà bầu cố tình ăn nha đam khi mang thai với mong muốn nhận được những lợi ích tốt nhưng kết quả lại trái với mong muốn. Theo các chuyên gia, đây là một hành động sai lầm vì món ăn này chứa anthraquinone, một loại thuốc nhuận tràng gây ra các cơn co thắt tử cung và chảy máu vùng chậu. Từ đó làm gia tăng nguy cơ dẫn đến hư thai.
Do vậy, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên bà bầu không nên ăn hoặc uống các sản phẩm được chế biến từ lô hội nguyên chất bởi chúng là thực phẩm gây sẩy thai.
Đu đủ xanh
Đu đủ xanh chứa các thành phần hoạt tính tương tự như thuốc nhuận tràng và chúng sẽ vô tình khiến bạn chuyển dạ sớm. Thêm vào đó, hạt đu đủ tuy giàu enzyme nhưng lại sẽ gây co bóp tử cung, tác động xấu đến em bé trong bụng. Vì thế, bạn có thể liệt đu đủ xanh vào danh sách thực phẩm gây sẩy thai cần tránh khi mang thai ở những tháng đầu.
Sữa chưa tiệt trùng
Sữa chưa được tiệt trùng và các sản phẩm từ chúng chẳng hạn như phô mai tiềm ẩn vi khuẩn mang mầm bệnh listeria có thể gây hại cho thai kỳ. Do vậy, bạn không nên tiêu thụ các thực phẩm kể trên nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Thực phẩm chứa caffeine
Theo nghiên cứu, khi được hấp thụ ở mức độ vừa phải thì caffeine sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên hạn chế sử dụng vì việc tiêu thụ quá nhiều thức uống chứa caffeine có thể dẫn đến sẩy thai hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Hơn nữa, caffeine khá háu nước và dễ khiến cơ thể bị mất nước.
Cá chứa nhiều thủy ngân
Cá rất tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai nhưng không phải loại cá nào cũng an toàn. Theo các chuyên gia, bà bầu nên cẩn thận trong việc lựa chọn cá để ăn. Một số giống có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu vua, cá mập, cá ngói, cá kiếm và cá ngừ mắt to được liệt vào danh sách thực phẩm gây sẩy thai nên tránh. Lượng thủy ngân quá mức từ chúng có thể ảnh hưởng xấu đến em bé về mặt phát triển trí não và hệ thần kinh.
Một số loại thảo mộc
Một số loại thảo mộc chứa steroid có thể ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của em bé trong bụng mẹ. Ví dụ, mẹ bầu tiêu thụ rau má sẽ gây ra những tác động khá tiêu cực cho gan, dẫn đến vàng da nghiêm trọng và tổn thương não bé.
Bên cạnh đó, đương quy còn nằm trong danh sách thảo dược gây sẩy thai vì chứa những yếu tố kích thích khiến mẹ bầu bị chuyển dạ quá sớm hoặc sinh non. Do vậy, bạn hãy luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo mộc nào.
Quả đào
Quả đào có vị chua ngọt dễ chịu, rất thích hợp để nhấm nháp những lúc cơn ốm nghén làm phiền bạn. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên cẩn trọng đôi chút bởi đào là loại quả có tính nhiệt và ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị xuất huyết bên trong. Cuối cùng, bà bầu nên gọt vỏ đào trước khi ăn vì lông trên quả có thể gây rát và ngứa ở cổ họng.
Thịt đã qua chế biến
Việc ăn quá nhiều các loại thịt chế biến, đóng hộp như xúc xích, thịt hộp, pate, thịt băm, salami (xúc xích lên men được sấy khô), thịt nguội và pepperon trong khi mang thai được xem là không an toàn.
Các chuyên gia lý giải, những loại thịt này có thể chứa vi khuẩn như toxoplasma gondii, listeria hoặc salmonella. Đây là những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Phụ nữ mang thai nên đặc biệt tránh ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống vì vi khuẩn có mặt trong chúng sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng như sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
Thực phẩm từ trứng sống
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thận trọng trong khi ăn trứng sống và các sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến kỹ lưỡng. Chúng ẩn chứa mầm bệnh vi khuẩn salmonella có thể dẫn đến các vấn đề như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, sốt, đau bụng và thậm chí là sẩy thai.
Do vậy, hãy đảm bảo bạn đã nấu các loại thực phẩm trên thật chín. Phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế ăn eggnog (cocktail trứng sữa), sốt mayonnaise tự làm, mousse, soufflé và các món có chứa trứng sống.
Rau chưa rửa và chưa nấu
Khi nhắc đến thực phẩm gây sẩy thai, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề rau quả chưa được rửa sạch hay nấu chín bởi dẫu có tốt cho sức khỏe đến đâu thì chúng vẫn sẽ tiềm ẩn nguy cơ còn sót lại dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây hại.
Rau sống hoặc rau chưa rửa sạch chứa toxoplasma gondii, một loại ký sinh trùng phổ biến, có thể gây nhiễm trùng nặng gọi là toxoplasmosis. Phụ nữ mang thai nhiễm ký sinh trùng toxoplasma sẽ truyền nhiễm sang cho thai nhi và khiến bé chịu các di chứng nặng nề sau khi chào đời hoặc nghiêm trọng hơn là gây sẩy thai.
Do đó, bạn cần sơ chế kỹ càng trước khi dùng như rửa rau, củ quả dưới vòi nước chảy và ngâm rau trong nước muối loãng rồi xả lại với nước sạch. Ngoài ra, hãy đảm bảo dao và dụng cụ chế biến cũng được vệ sinh kỹ càng trước khi sử dụng.
Khoai tây mọc mầm
Việc cất trữ quá lâu sẽ khiến khoai tây sẽ phát triển những mầm xanh nhỏ và trở thành thực phẩm gây sẩy thai. Chẳng những có hại cho thai nhi, việc sử dụng khoai tây mọc mầm để nấu ăn còn khiến người ăn chịu ảnh hưởng xấu bởi chúng chứa solanin gây ngộ độc nặng.
Phương Uyên/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]