Đối với bà bầu, mụn sinh dục thật sự là một mối đe dọa. Nguyên do là căn bệnh này dễ lây lan, không có dấu hiệu đặc trưng và có nguy cơ gây ra nhiều nguy hiểm đối với cả mẹ lẫn thai nhi.
Mang thai là giai đoạn vô cùng nhạy cảm và bạn phải cẩn thận với tất cả mọi thứ. Một số bệnh sẽ có các triệu chứng cụ thể, trong khi một số khác lại không có dấu hiệu gì. Mụn cóc sinh dục là một trong số những bệnh như vậy. Để tránh tình trạng hoang mang, không biết phải làm sao khi phát hiện mình nhiễm bệnh, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về mụn cóc sinh dục thông qua những chia sẻ dưới đây nhé.
Mụn cóc sinh dục là bệnh gì?
Mụn cóc sinh dục (hay còn gọi là mục cóc hoa liễu) là bệnh về da rất phổ biến. Ở phụ nữ, mụn có thể phát triển trên âm hộ, thành âm đạo, khu vực giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn, cổ tử cung… Trong một vài trường hợp, mụn thậm chí có thể phát triển trong miệng hay cổ họng nếu bạn có quan hệ tình dục bằng miệng với người có bệnh.
Mụn cóc sinh dục vốn không nguy hiểm nhưng nếu phát hiện, bạn cần đi khám ngay bởi mụn sinh dục là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bạn bị nhiễm virus HPV. HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục thường thấy ở cả nam và nữ, theo ước tính có đến gần 75% số người từng quan hệ tình dục mắc phải căn bệnh này. HPV thường rất khó chẩn đoán vì nó không có những dấu hiệu cụ thể, thêm vào đó, virus HPV hiện có hơn 100 chủng loại khác nhau. Đây là lý do tại sao khi đến khám mụn cóc sinh dục, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị nhiễm virus HPV hay không.
Đa phần, mụn cóc sinh dục sẽ tự khỏi, tuy nhiên cũng có trường hợp dẫn đến ung thư. Chính vì vậy, khi phát hiện mụn cóc sinh dục, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Bà bầu bị mụn cóc sinh dục là điều rất phổ biến và phần lớn các trường hợp này thường không gây hại. Nguyên nhân là do khi mang thai, hệ miễn dịch suy yếu kết hợp với việc thay đổi hormone tạo cơ hội cho các loại virus gây hại, trong đó có virus HPV rất dễ tấn công cơ thể. Để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến cả bạn và bé, điều quan trọng là bạn cần đi khám sớm để xác định loại virus mà mình đang mắc phải. Điều này giúp các bác sĩ đề ra được cách điều trị phù hợp và kịp thời.
Triệu chứng của mụn sinh dục trong thai kỳ
Dấu hiệu phổ biến nhất là xuất hiện những cục thịt nhỏ có màu như màu da hoặc sẫm màu, mềm ở xung quanh hậu môn, âm đạo, cổ tử cung và trong trực tràng. Thông thường, mụn cóc sinh dục nhỏ, bằng phẳng khiến người mắc bệnh không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, đôi khi mụn cóc sinh dục có thể nhân lên thành cụm lớn. Các cục mụn này không gây đau nhưng bạn có thể cảm thấy ngứa, bỏng rát hoặc bị chảy máu khi giao hợp.
Chẩn đoán mụn cóc sinh dục như thế nào?
Cách phổ biến và nhanh nhất để chẩn đoán tình trạng này là thực hiện các xét nghiệm, gồm xét nghiệm máu, kiểm tra tổng quát và phết tế bào cổ tử cung (một xét nghiệm thường được sử dụng để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung). Nếu vẫn chưa thể chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết để chẩn đoán chính xác.
Điều trị mụn cóc sinh dục trong thai kỳ như thế nào?
Không có cách để loại bỏ được virus HPV hoàn toàn, những cách hiện tại chỉ có thể làm giảm một số mụn cóc hoặc làm cho những mụn này biến mất nhanh hơn. Thông thường, mụn cóc sinh dục sẽ tự khỏi. Do đó, bạn không cần phải quá lo lắng trừ khi chúng tiếp tục phát triển:
1. Kem bôi
Thông thường, các bác sĩ sẽ kê toa các loại kem bôi để điều trị mụn cóc sinh dục trong thai kỳ. Tuy nhiên, đừng tự ý sử dụng mà không đi khám bởi một số loại kem có chứa steroid, một chất có thể ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ.
2. Phương pháp nitơ lỏng
Nếu mụn cóc sinh dục có chiều hướng to ra và có thể gây các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể sử dụng nitơ lỏng để đóng băng và loại bỏ chúng một cách an toàn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện khi những phương pháp khác không có tác dụng.
3. Phẫu thuật
Cũng giống như phương pháp làm lạnh bằng nitơ, phương pháp này cũng chỉ được sử dụng nếu tình trạng mụn cóc của mẹ bầu gây hại cho thai kỳ. Phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ không chỉ định mẹ bầu phẫu thuật để loại bỏ mụn cóc bởi phương pháp này có thể gây tổn thương cho cơ thể bạn và làm ảnh hưởng đến quá trình sinh con. Bác sĩ chỉ đề nghị phẫu thuật trong những tình huống rất nghiêm trọng và thường được thực hiện khi thai kỳ đã bước sang tam cá nguyệt thứ hai.
4. Laser
Laser cũng là một phương pháp khá phổ biến được dùng để loại bỏ mụn cóc sinh dục. Phương pháp này không can thiệp đến các tế bào đáy nên nguy cơ tái phát khá cao. Ngoài ra, việc sử dụng laser để điều trị còn có thể gây đau trong quá trình thực hiện. Do đó, nếu tình trạng mụn cóc không quá khó chịu, bạn cũng không cần đến phương pháp này.
5. Thuốc
Hiện có rất ít loại thuốc được dùng để điều trị mụn cóc sinh dục trong thai kỳ. Phần lớn các loại thuốc chỉ được kê trước khi mang thai hoặc sau khi mang thai và hầu hết chúng đều có chứa steroid. Các loại thuốc an toàn khi mang thai để điều trị mụn cóc HPV có thể khó tìm. Các bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn dựa trên tình trạng thực tế của mẹ bầu.
Những điều không nên làm
Dưới đây là một số điều bạn không nên thực hiện:
- Cố gắng tìm cách nặn những mụn cóc này
- Tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ
- Sử dụng các loại kem bôi có chứa steroid
- Sử dụng nước đá để loại bỏ mụn cóc.
Biến chứng bà bầu có thể gặp khi bị mụn cóc sinh dục
Việc phát hiện mình bị nổi mụn cóc sinh dục sẽ khiến bạn vô cùng lo lắng, luôn tự hỏi liệu tình trạng này có thể gây biến chứng cho mình và bé cưng hay không. Câu trả lời là có, mặc dù rất hiếm:
- Virus có thể truyền sang cho bé
- Quá trình sinh con diễn ra đau đớn hơn do virus là suy yếu hệ miễn dịch của bạn
- Tăng nguy cơ sinh non
- Trẻ sinh ra có thể có hệ miễn dịch yếu hơn so với những đứa trẻ khác. Tình trạng này có thể cải thiện khi trẻ lớn hơn nhưng đôi khi bé cần được chăm sóc y tế.
Làm thế nào để tránh bị mụn sinh dục trong thai kỳ?
Mụn cóc sinh dục thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn cần:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây lan
- Thường xuyên đi xét nghiệm HPV
- Tiêm ngừa vaccine HPV nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mụn cóc sinh dục, mụn cóc thông thường, sùi mào gà, u mềm lây…
- Không tiếp xúc với các sẩn ngứa, vết loét, u nhú… trên da của người khác
- Tích cực điều trị trong thời gian mang thai để giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho trẻ.
Virus HPV rất dễ lây, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh này, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ cho chính mình và người thân. Nếu phát hiện mắc bệnh trong thai kỳ, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt và tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc hoặc kem bôi nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ bị nhiễm HIV: Những nguy cơ sức khỏe và làm gì để con an toàn?
Ngân Phạm/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]