Nhiều mẹ bầu thường than phiền về tình trạng da khô bong tróc thiếu thẩm mỹ. Mặt khác, làn da khô cũng là nguyên nhân dẫn đến lão hóa sớm, nhất là khi nội tiết tố thay đổi sẽ khiến da khô căng hơn.
Mang thai là giai đoạn mà bạn cần nhận được sự chăm sóc tốt về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng là thời điểm cơ thể mẹ bầu xuất hiện nhiều thay đổi. Hầu hết phụ nữ mang thai đều có làn da sáng hơn trước là nhờ sự tác động của hormone thai kỳ. Sự dao động của hormone làm cho cơ thể giữ nước nhiều hơn, kết quả là da sáng lên trông thấy.
Thế nhưng, những hormone này lại là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng da khô bong tróc. Tuy không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng tình trạng này sẽ khiến mẹ bầu khó chịu cũng như thiếu tự tin khi giao tiếp. Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vì sao bạn bị khô da khi mang thai nhé!
Da khô bong tróc khi mang thai liệu có bình thường?
Sự thay đổi hormone thai kỳ có thể mang lại nhiều thay đổi cho cơ thể, một trong số đó là biểu hiện da khô bong tróc. Lý do là quá trình thay đổi nồng độ nội tiết tố sẽ khiến da mất đi tính đàn hồi và độ ẩm cần thiết, kết hợp với việc da bị kéo giãn ra để thích nghi với sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Tất cả những yếu tố trên đều dẫn đến da khô, đỏ, ngứa. Trong một vài trường hợp, da cũng xuất hiện những mảng bong tróc. Những dấu hiệu trên hoàn toàn bình thường và có thể được điều trị một cách dễ dàng. Do vậy, bạn không cần phải quá lo lắng. Nếu những biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay để có biện pháp giải quyết hiệu quả.
Da khô bong tróc thường xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ?
Thông thường, mẹ bầu gặp vấn đề khô da ở tháng đầu mang thai hoặc trong tam cá nguyệt đầu tiên. Ở một vài đối tượng, chứng khô da này đôi khi có thể kéo dài đến tam cá nguyệt thứ ba. Cổ, tay, vùng da xung quanh bụng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất.
Ngoài ra, nhiều mẹ khi có bầu da mặt bị khô, các khu vực da như khuỷu tay, đầu gối, gót chân cũng có thể bị khô. Một số mẹ bầu cũng cho biết có biểu hiện ngứa xuất hiện ở đùi, ngực và cánh tay.
Truy tìm nguyên nhân khiến mẹ bầu bị khô da khi mang thai
Như đã đề cập, nguyên nhân chính của việc bà bầu bị da khô bong tróc chính là sự thay đổi nội tiết tố. Điều này khiến cho da mất đi sự đàn hồi cũng như lớp dầu tự nhiên. Tuy nhiên, không phải chỉ vấn đề hormone chịu trách nhiệm cho việc da khô mà còn rất nhiều yếu tố khác cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Một vài trong số đó bao gồm:
- Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần được bổ sung nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu của thai nhi đang phát triển. Nếu bà bầu không uống nước đủ, nguy cơ khô da có thể xảy ra.
- Các hormone thai kỳ có thể kích thích các tuyến dầu tăng tiết nhiều hơn dẫn đến hình thành mụn trứng cá. Dầu nhờn xuất hiện nhiều trên da khiến bạn thường xuyên rửa mặt nên vô tình làm da bị khô.
- Da khô bong tróc khi mang thai cũng có thể là do mẹ bầu căng thẳng quá độ.
- Một số thay đổi trong chế độ ăn khi mang thai cũng làm ảnh hưởng đến độ đàn hồi của da.
Những biến chứng có thể gặp khi mẹ bầu bị khô da
Da bị khô thường đi kèm biểu hiện ngứa. Việc gãi liên tục có thể dẫn đến những vết trầy xước trên da, thậm chí có thể bị nhiễm trùng hoặc hình thành sẹo.
Trường hợp bà bầu trước đây đã có tiền sử bệnh chàm thì khi da bị khô có thể khiến chàm tái phát. Tình trạng khô da nặng và lan rộng cần có sự can thiệp y tế.
Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị ngứa toàn thân: Làm sao để giảm ngứa mà không gây hại da?
Mách bạn mẹo đối phó chứng da khô bong tróc trong thai kỳ
Nhiều chị em rất quan tâm đến vấn đề có bầu da khô phải làm sao? Một số biện pháp sau đây thường có hiệu quả trong vấn đề xử lý da khô:
- Sử dụng các sản phẩm có tính tẩy rửa nhẹ để làm sạch da thay vì dùng sản phẩm có chứa xà phòng. Nên nhớ vỗ nhẹ vào da sau khi rửa thay vì chà xát.
- Một số loại kem dưỡng da như calamine, sáp dưỡng ẩm da, vitamin E và ceramides có tác dụng làm dịu và giữ ẩm cho làn da khô. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Nếu đang gặp phiền toái vì làn da khô bong tróc, lời khuyên là bạn cần hạn chế mặc quần áo vải sợi tổng hợp vì chúng giữ nhiệt và khiến da càng khô hơn. Thay vào đó, bạn nên sử dụng quần áo may từ vải cotton.
- Hạn chế gãi hết mức có thể để tránh làm da bị tổn thương.
- Không nên đi bơi khi da bị khô vì nước khử trùng có chứa clo trong hồ bơi có thể khiến tình trạng da thêm trầm trọng hơn.
Làm thế nào để có thể phòng ngừa da khô bong tróc khi mang thai?
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mẹ bầu có thể ngừa khô da bằng những cách đơn giản sau đây:
- Uống bổ sung nhiều nước. Tránh làm cơ thể mất nước bằng các đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực, soda… Lựa chọn an toàn là các loại nước ép trái cây, trà gừng.
- Thêm các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao như rau xanh, dưa hấu, các loại súp. Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối để có làn da khỏe mạnh.
- Các loại thực phẩm như dầu ô liu, các loại hạt và bơ có thể thúc đẩy da khỏe hơn.
- Nên dùng mặt nạ dưỡng ẩm tự nhiên để cấp ẩm cho da, giúp da trông mềm mại và tươi tắn.
- Giữ lối sống lành mạnh và năng động bằng cách đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng cũng rất có lợi cho da.
- Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng căng thẳng trong thai kỳ bằng cách ngồi thiền, yoga, luyện các bài tập về nhịp thở kết hợp cùng nghe nhạc nhẹ để thư giãn.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp để hạn chế các tác hại từ tia cực tím.
- Mẹ bầu nên tắm bằng nước ấm nhằm loại bỏ bớt lớp dầu tự nhiên giúp cân bằng da.
- Thoa kem dưỡng ẩm hoặc dầu dưỡng da ngay sau khi tắm để giữ ẩm cho da. Tốt nhất là chọn sản phẩm có các thành phần tự nhiên.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm đặt trong phòng vào ban đêm để duy trì độ ẩm cho không gian.
Khi nào cần có sự tư vấn của bác sĩ?
Tình trạng da khô bong tróc khi mang thai có thể được điều trị mà không gặp nhiều khó khăn. Mặc dù không nguy hại đến sức khỏe nhưng da bị khô hay bong tróc sẽ gây khó chịu và phiền toái. Trong một số tình huống nhất định, bạn phải đến gặp bác sĩ ngay:
- Trường hợp mẹ bầu bị chàm hoặc viêm da do dị ứng.
- Nếu thai phụ bị viêm nang lông có biểu hiện sưng, đau nhiều.
- Nếu bị viêm mô tế bào là một dạng của nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Da khô nứt nẻ hoặc các vết nứt ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Vùng da khô từ bụng lan sang các khu vực khác của cơ thể như cánh tay, chân và xuất hiện các vết trầy xước. Đây có thể là dấu hiệu của chứng nổi mề đay khi mang thai (Pruritic Urticarial Papules and Plaques – PUPP).
- Nước tiểu và phân có màu nhạt có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề ứ mật trong thai kỳ (ICP), một sự rối loạn gan liên quan đến thai kỳ ảnh hưởng đến quá trình tiết mật. ICP gây nguy hiểm cho thai nhi vì có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.
- Ngứa dữ dội và khô da đặc biệt ở lòng bàn tay và chân.
Tình trạng da khô bong tróc là điều hết sức bình thường và không gây nguy hiểm. Hầu hết mọi người đều có thể tự khỏi ngay sau khi sinh. Mong rằng những thông tin Hello Bacsi mang lại sẽ giúp bạn có được một thai kỳ khỏe mạnh.
Minh Phú/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]