backup og meta

Bạn đã nghe nói đến bản năng làm tổ khi mang thai chưa?

Bạn đã nghe nói đến bản năng làm tổ khi mang thai chưa?

Bản năng làm tổ là một hiện tượng khá thú vị. Khi xuất hiện, nó sẽ thôi thúc mẹ bầu làm tất cả mọi thứ để chuẩn bị cho con yêu sắp chào đời.

Chim chóc, động vật làm tổ khi sắp có con và cũng không ngạc nhiên khi con người cũng vậy. “Làm tổ’ khi mang thai là một đặc tính khiến bạn bị ám ảnh với việc làm sạch nhà cửa, mua sẵn vật dụng cần thiết cho trẻ để chuẩn bị cho sự xuất hiện của con yêu. Bản năng này không phải là hiếm nhưng điều gì đã thúc đẩy mẹ bầu muốn dọn dẹp nhiều hơn? Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Bản năng làm tổ khi mang thai là gì?

Bản năng làm tổ là một hành động hoặc quá trình chuẩn bị, trang trí lại tổ ấm để chào đón thiên thần nhỏ sắp chào đời. Nó cũng thuộc một trong những đặc điểm sinh học phổ biến trong quãng thời gian cuối thai kỳ. Bản năng làm tổ cũng bao gồm cả việc chuẩn bị về mặt thể chất của mẹ bầu như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ vật liên quan đến trẻ sơ sinh, giặt giũ quần áo… Về mặt cảm xúc, bạn sẽ bắt đầu muốn gắn kết tình cảm gia đình nhiều hơn bằng cách trò chuyện với người ấy.

Trong năm 2013, các nhà nghiên cứu từ Đại học McMaster, Canada, đã nghiên cứu bản năng làm tổ của mẹ bầu và thấy rằng hành vi này bắt đầu xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ ba. Tại thời điểm này, mẹ bầu dành nhiều thời gian dọn dẹp, tái kiến trúc tổ ấm. Các chuyên gia cho rằng bản năng làm tổ là một hành động khá lành mạnh của mẹ bầu, đem đến một môi trường an toàn và giúp liên kết tình mẫu tử.

Bản năng làm tổ bắt đầu vào lúc nào?

Bản năng làm tổ của bạn bắt đầu phát triển vài tháng trước ngày dự sinh và trở nên mãnh liệt nhất ngay trước thời điểm sinh con.

Bản năng làm tổ có xuất hiện ở tất cả mẹ bầu?

Không phải tất cả phụ nữ mang thai sẽ trải nghiệm bản năng làm tổ do mỗi cơ thể đều có những thay đổi khác nhau. Một số mẹ bầu có sự thôi thúc làm tổ, còn một số khác lại không.

Thêm vào đó, những yếu tố tác động khiến trạng thái tâm lý này không xuất hiện bao gồm hạn chế về thể chất như phải nằm trên giường trong thời gian dài, phương pháp điều trị vô sinh hoặc từng sảy thai trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được vì sao một số phụ nữ có bản năng này trong khi những người khác thì không.

Điều gì gây ra bản năng làm tổ trong thời gian mang thai?

Một số nguyên nhân có thể khiến bản năng này xuất hiện ở mẹ bầu bao gồm:

  • Mức năng lượng cao trong tam cá nguyệt thứ hai tạo điều kiện để bạn làm nhiều việc hơn
  • Sự nôn nóng mong chờ con yêu mau ra đời và muốn bé có được những điều kiện tốt nhất
  • Thất vọng và chán nản khi bạn bị hạn chế hoạt động trong thời gian mang thai
  • Bản năng làm mẹ trỗi dậy
  • Những suy nghĩ chăm sóc em bé sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng và thời gian, thôi thúc bạn làm mọi thứ
  • Cảm giác muốn được bắt tay vào dọn dẹp khi tình trạng ốm nghén dần biến mất.

Các yếu tố như trên có thể tạo ra các hành vi cụ thể cho biết bạn đang ở trong giai đoạn làm tổ.

Dấu hiệu nhận biết bản năng làm tổ trỗi dậy

bản năng làm tổ

Phụ nữ mang thai có thể biểu hiện hành vi và hành động khác lạ, dưới đây là một vài dấu hiệu phổ biến cho biết bản năng làm tổ đang hiện diện trong bạn:

  • Bạn có xu hướng giặt, gấp, sắp xếp lại quần áo và đồ dùng của trẻ sơ sinh nhiều lần trong ngày cũng như muốn lặp đi lặp lại hành động này
  • Dành nhiều thời gian với gia đình hơn
  • Thích được ở nhà
  • Mong muốn mỗi ngóc ngách trong nhà phải thật sạch sẽ
  • Tạo ra một danh sách thật dài về những điều cần làm cho con yêu.

Những hành vi này có thể biểu hiện bất cứ lúc nào, từ vài ngày đến vài tháng trước khi chuyển dạ.

Bản năng làm tổ có phải là dấu hiệu chuyển dạ không?

Bản năng làm tổ trỗi dậy không phải là dấu hiệu của chuyển dạ. Một số phụ nữ có thể bị ảnh hưởng với bản năng này khi chỉ mới trải qua tháng thứ 5 của thai kỳ, số khác lại chỉ xuất hiện ở thời điểm chuyển dạ và còn có những mẹ bầu không hề cảm nhận được hiện tượng này. Đây chỉ là một phần của bản năng làm mẹ và không liên quan đến chuyển dạ.

Bản năng làm tổ có thể khuyến khích bạn thử và làm những điều mới nhưng chúng không nhất thiết đều tốt hoặc thậm chí mang yếu tố an toàn.

Giữ an toàn khi bản năng làm tổ xuất hiện

Bản năng làm tổ không gây hại cho bạn hoặc thiên thần nhỏ. Dẫu nó có lợi đi chăng nữa thì bạn cũng không nên vận động quá sức. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa tai nạn mà Hello Bacsi sẽ gợi ý cho bạn:

  • Tránh mang vác hoặc nhấc vật nặng, bạn nên nhờ người khác giúp đỡ nếu phải dọn dẹp đồ nào đó cồng kềnh
  • Không leo thang để làm sạch kệ trên cao vì làm tăng nguy cơ té ngã
  • Tránh sơn tường, tẩy trắng sản phẩm hoặc sử dụng chất tẩy rửa vì chúng chứa hóa chất độc hại có thể gây đau đầu và buồn nôn.
  • Nghỉ ngơi đủ dành năng lượng cho việc sinh con và chăm sóc em bé
  • Dự trữ thức ăn với những món không dễ hỏng
  • Tủ lạnh nên có nhiều trái cây và rau củ
  • Giặt sạch khăn trải giường
  • Lau sạch bụi khỏi cửa sổ, khung ảnh và hút bụi ở nệm ghế sofa để ngăn ngừa mạt bụi xâm nhập đường hô hấp
  • Đừng mua sắm quá nhiều những sản phẩm cho em bé như kem dưỡng da, dầu gội, sữa tắm vì không phải tất cả chúng đều phù hợp với trẻ sơ sinh
  • Mua sắm quần áo thoải mái
  • Nhờ người thân giúp đỡ.

Bản năng làm tổ có xuất hiện ở nam giới không?

bản năng làm tổ

Bản năng làm tổ cũng trỗi dậy ở nam giới nhưng không phổ biến. Bạn có thể cảm thấy ngạc nhiên khi vào một ngày, nửa kia bắt đầu xắn tay giúp đỡ vợ trong việc nhà cửa hay mua sắm thật nhiều đồ. Các ông bố sẽ không có cảm nhận giống như cách các bà mẹ suy nghĩ hay thực hiện khi mang thai.

Câu hỏi thường gặp về bản năng làm tổ

Bản năng này có xuất hiện mỗi khi mang thai không?

Nếu luôn có cảm giác thôi thúc trong lần đầu tiên làm mẹ thì bản năng làm tổ sẽ xuất hiện ở lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn vì bạn chỉ lặp lại những hành động đã thực hiện trước đây.

Bản năng làm tổ có biến mất sau khi sinh con?

Bản năng làm tổ có thể biến mất sau khi sinh con do các mối bận tâm khác bắt đầu xuất hiện trong tâm trí của bạn, chẳng hạn như cho bé bú và làm sao để chăm con thật tốt.

Bản năng làm tổ khá hữu ích, đem đến cho bạn năng lượng và động lực cần thiết. Mẹ bầu chỉ cần nhớ phải thận trọng, tận hưởng quá trình và đừng vận động quá sức nhé.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Is Nesting Real? https://www.webmd.com/baby/features/nesting-real#1 Ngày truy cập 30/11/2018

Nesting During Pregnancy: Signs, Reasons And Ways To Deal With It https://www.momjunction.com/articles/nesting-during-pregnancy_00388815/ Ngày truy cập 30/11/2018

Nesting During Pregnancy http://americanpregnancy.org/planning/nesting-during-pregnancy/ Ngày truy cập 30/11/2018

 

 

Phiên bản hiện tại

05/03/2019

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý

Bác sĩ sản phụ khoa gợi ý 9 thực phẩm tốt cho bà bầu không nên bỏ qua


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 05/03/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo